Đại Kỷ Nguyên

Chuyên gia: Sự khôn ngoan của Việt Nam trước Mỹ và Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam hôm nay (ảnh: AFP).

Sau khi Việt Nam vừa thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình thông báo sẽ thăm Việt Nam để tăng cường hơn nữa quan hệ chiến lược với Việt Nam. 

Nhà bình luận chính trị cấp cao Lam Thuật (蓝述) cho rằng: Việt Nam đang thận trọng bước đi giữa hai thế lực lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Truyền thông chính thức Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 13/12. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân đã giới thiệu các thỏa thuận liên quan tại cuộc họp báo vào ngày 7 tháng 12. 

Ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông Tập cũng sẽ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Hai bên sẽ thảo luận về định vị mới trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, tập trung vào 6 lĩnh vực lớn: chính trị, an ninh, hợp tác thực tiễn, nền tảng dư luận, các vấn đề đa phương và hàng hải.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tìm cách tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và thực hiện chính sách đối ngoại cân bằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc. 

Vào tháng 9 vừa qua, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam, nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ở hai cấp độ. 

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm Nhật Bản vào tháng 11. Ông và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản vào ngày 27/11. Hiện Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đạt được vị thế ngang bằng với Bắc Kinh trong hệ thống cấp bậc ngoại giao của Việt Nam.

Thạc sĩ luật quốc tế Lại Kiến Bình (赖建平) tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, nói với tờ Sound of Hope rằng, khi địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng căng thẳng, vai trò của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng. 

Thạc sĩ luật quốc tế Lại Kiến Bình nói: “Việt Nam có ảnh hưởng địa chính trị rất quan trọng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nên trong tình hình đối đầu Trung – Mỹ, đặc biệt là khi Mỹ đã thiết lập vòng vây chiến lược để kiềm chế ĐCSTQ, Bắc Kinh muốn gián cách Việt Nam với Hoa Kỳ nên đã liên tục tung tín hiệu ủng hộ Việt Nam, thậm chí ông Tập Cận Bình cũng phải đích thân đến thăm, mục đích là kéo Việt Nam về phía Trung Quốc để đối đầu với Mỹ, hoặc Ít nhất có thể thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau tốt đẹp hơn với Việt Nam, và ít nhất Việt Nam sẽ không đến quá gần với Hoa Kỳ. 

Đây là một tính toán của chính phủ Trung Quốc, và về cơ bản nó là một cách để đối phó với tình hình địa chính trị quốc tế tổng thể cực kỳ bất lợi cho Bắc Kinh. Đây cũng là một nỗ lực nhằm phá vỡ vòng vây chiến lược của Trung Quốc bởi Hoa Kỳ”.

Khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ bắt đầu, Washington áp đặt thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Nhiều công ty trong chuỗi cung ứng quốc tế đã rời khỏi Trung Quốc và nhiều công ty, trong đó có công ty Trung Quốc, đã định cư tại Việt Nam. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.

Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, khối lượng thương mại song phương Trung – Việt lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD vào năm 2021, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cuối tháng trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (王文涛) đã đến thăm Việt Nam, và gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ làm sâu sắc và mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức và nhà ngoại giao cấp cao của Việt Nam cho biết, để cải thiện hơn nữa lưu chuyển hàng hóa giữa song phương, hai nước cũng đang thảo luận về việc nâng cấp lớn hệ thống đường sắt của Việt Nam. Tuyến đường sắt nâng cấp sẽ đi qua vùng lõi đất hiếm ở miền Bắc Việt Nam, và cũng nằm trong Dự án “Một vành đai, Một con đường” của Bắc Kinh.

Nhà bình luận chính trị cấp cao Lam Thuật cho biết, hiện nay có hai thế lực lớn đang cạnh tranh với nhau, một bên là liên minh Mỹ-Nhật-Úc, một bên là chính phủ Trung Quốc và Nga.

Ông Lam nói: “Trong quá trình giằng co giữa hai bên, Việt Nam hiện đang đi trên một sợi dây rất thận trọng. Họ muốn thu được những lợi ích kinh tế to lớn từ phương Tây, nhưng đồng thời họ không thể hy sinh những cân nhắc về an ninh của mình và bỏ qua mối đe dọa từ ĐCSTQ. 

Là nhà lãnh đạo độc tài của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình không thể cứ đến Việt Nam. Nói cách khác, một khi ông ta đi nghĩa là đã có sự giao dịch lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Ít nhất ông Tập cũng cảm nhận được về điều này. Ông Tập sẽ chỉ đi nếu giao dịch đó xứng đáng với mình”.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị tại Hà Nội hồi đầu tháng, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã nói rằng, Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế và khu vực, hỗ trợ xây dựng một cộng đồng vì tương lai chung cho nhân loại và hỗ trợ các sáng kiến ​​phát triển toàn cầu, sáng kiến ​​an ninh toàn cầu và sáng kiến ​​văn minh toàn cầu.

Điều này có nghĩa là mối quan hệ giữa Việt – Trung sẽ được nâng cấp từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hiện tại lên một cấp độ khác, điều này sẽ được Bắc Kinh hiểu là mối quan hệ Trung – Việt cao hơn mối quan hệ giữa Mỹ – Việt.

Việt Nam trước đây tỏ ra miễn cưỡng khi tham gia “Cộng đồng tương lai chung cho nhân loại” và các sáng kiến ​​toàn cầu khác. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chưa gia nhập “Cộng đồng tương lai chung cho nhân loại” của Bắc Kinh.

“Cộng đồng tương lai chung cho nhân loại” là khái niệm được ông Tập Cận Bình đề xuất vào năm 2013. Nó được chính phủ Trung Quốc coi là “giải pháp Trung Quốc” và “sự khôn ngoan của Trung Quốc” đối với trật tự thế giới mới trong tương lai. 

Nhiều học giả phương Tây cho rằng, đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập một trật tự mới tập trung vào Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung – Viêt thường mô tả mối quan hệ song phương là “đồng chí, anh em”. Tuy nhiên, Trung Quốc và Việt Nam đã phải đối mặt với những tranh chấp chủ quyền kéo dài hàng thập niên trên Biển Đông và chiến tranh đã nổ ra vào năm 1979.

Năm 2014, Bắc Kinh đã xây dựng một giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa, gây ra va chạm giữa các tàu đánh cá Việt Nam và gây ra các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Tháng 4/2020, một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh và Hà Nội đổ lỗi cho nhau.

Bắc Kinh đã thiết lập các căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa, và khai triển tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa ở đó, điều này cũng gây ra sự cảnh giác cao độ và đáng lo ngại nghiêm trọng ở Việt Nam.

Gần đây, Hà Nội đã thực hiện các dự án cải tạo và mở rộng trên các đảo và rạn san hô mà Việt Nam kiểm soát để chống lại việc Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Ngày 29/11, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản rằng, việc đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc khu vực, trong đó có Nhật Bản, có “tầm quan trọng chiến lược” đối với Hà Nội. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh nguyên tắc “bốn không”, cấm Việt Nam hợp tác với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ ba.

Nhà bình luận Lam Thuật nói rằng, đối với Việt Nam, điều quan trọng nhất là giữ được độc lập trước Trung Quốc và Mỹ và không thiên vị bên kia. 

Ông nói: “Việt Nam đã nhận được lượng đầu tư và đơn đặt hàng lớn từ phương Tây nhưng nếu quay thẳng sang các nước phương Tây thì mối đe dọa mà Việt Nam sẽ phải đối mặt là rất lớn, bởi ĐCSTQ đang ở ngay trước cửa nhà. Bắc Kinh muốn làm gì? Một khi Bắc Kinh muốn ra tay thì sức mạnh quốc gia và sức mạnh quân sự của Việt Nam sẽ không thể chống đỡ nổi.

Để bảo đảm an ninh của chính mình nên chính phủ Việt Nam nói rằng họ đã ký kết với Nhật Bản và Hoa Kỳ trước đó, và nói rằng Việt Nam không thể nhắm mục tiêu vào các nước thứ ba, điều này nhằm trấn an Bắc Kinh. Sau đó, khi ký kết với Bắc Kinh, họ lại nói sẽ không nhắm vào bên thứ 3, nhằm trấn an Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Yêu cầu của Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng rất đơn giản. Nếu không cho quân đội Mỹ sử dụng những cảng nước sâu do Việt Nam làm chủ thì ít nhất cũng không cho ĐCSTQ sử dụng, thế là đủ. Ông Tập Cận Bình hiểu Việt Nam không thể từ bỏ lợi ích kinh tế và trao vào tay Bắc Kinh.

Hơn nữa, mối quan hệ truyền thống giữa chính phủ Trung Quốc và Việt Nam không tốt lắm, lại còn có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Việt Nam giữ quan điểm trung lập, thực tế là hoàn toàn tính cho lợi ích và an ninh của chính mình”.

Exit mobile version