Năm 2001, tỷ phú Mỹ Dennis Tito trở thành du khách không gian đầu tiên sau khi trả tiền cho chương trình tàu vũ trụ của Nga để được đưa tới ISS bởi một phi thuyền của Nga. Ông đã sống 7 ngày trên ISS trước khi quay trở về Trái Đất.
Trạm Vũ trụ Quốc tế vừa bước qua tuổi 20 vào ngày 20/11/2018. Đây là công trình có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học, là tài sản giá trị nhất của con người đang ở bên ngoài Trái Đất.
Trạm Vũ trụ Quốc tế hay Trạm Không gian Quốc tế (International Space Station – ISS) là một tổ hợp công trình trạm nghiên cứu không gian được xây dựng bởi sự hợp tác của 5 cơ quan: NASA (Hoa Kỳ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (châu Âu).
Ngày 20/11/1998, mô-đun đầu tiên của ISS mang tên Zarya được phóng lên quỹ đạo, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu không gian. Hãy cùng nhìn lại những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ISS.
Năm 1961, các nhà nghiên cứu tại trung tâm NASA Langley đã bắt đầu phát triển nguyên mẫu mô-đun đầu tiên cho ISS. Nghiên cứu về trạm không gian là một trong những nhiệm vụ chính của trung tâm nghiên cứu Langley ngay từ những ngày đầu thành lập.
Năm 1969, sau khi đưa người lên mặt trăng thành công, những chương trình thám hiểm không gian của NASA nhận được sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt của công chúng. Tiếp đó, NASA đã đề xuất một khái niệm gọi là trạm không gian, nơi mà con người có thể sinh sống và làm việc ngoài vũ trụ.
Ngày 05/01/1972, Tổng thống Nixon và Tiến sĩ James C. Fletcher, Quản trị viên NASA, thảo luận về phương án sử dụng tàu con thoi để vận chuyển qua lại giữa Trái đất và ISS. Tổng thống cũng cho rằng nước Mỹ cũng cần có một phương tiện đủ thuận tiện cho việc đi lại trong không gian.
Năm 1973, một trạm không gian Skyab được phóng lên quỹ đạo. Tuy nhiên, đây không phải một dự án trạm không gian dài hạn và đã bị hủy bỏ vào năm 1974. Nó rơi xuống Trái Đất vào năm 1979.
Ngày 12/04/1981, tàu con thoi Columbia lần đầu tiên được phóng lên không gian. Tàu con thoi sẽ là thứ không thể thiếu với bất kỳ trạm vũ trụ nào trong tương lai, vì đây là phương tiện có thể tái sử dụng để vận chuyển người và nhu yếu phẩm đến trạm vũ trụ.
Năm 1984, Tổng thống Ronald Reagan đã kêu gọi NASA xây dựng một trạm không gian quốc tế vĩnh cửu trong vòng 10 năm tới: “Trạm không gian sẽ giúp tạo những bước nhảy vọt trong nghiên cứu khoa học, truyền thông hay giúp sản xuất các loại thuốc cứu sinh mà chỉ có thể thực hiện được ngoài vũ trụ. Chúng tôi muốn các bạn bè trên thế giới chung tay giúp đỡ giải quyết những thách thức này và cùng nhau chia sẻ lợi ích.”
Năm 1986, để đáp lại chỉ thị của Reagan về việc xây dựng một trạm không gian, NASA đã áp dụng phương pháp tiếp cận từng giai đoạn để phát triển trạm. Cách tiếp cận này giúp cắt giảm chi phí ban đầu, và có thể tiếp tục mở rộng, nâng cấp ở những lần sau.
Năm 1991, Trạm Vũ trụ Freedom là một trong những nỗ lực nghiêm túc đầu tiên mà NASA tiến hành. Tổng thống George Bush nói rằng ông muốn đưa các phi hành gia đến Sao Hỏa nên trạm này vừa là một phòng thí nghiệm không gian, vừa là một bệ phóng cho các nhiệm vụ đưa mọi người lên Mặt Trăng cũng như Sao Hỏa.
Năm 1994, do kinh phí thực hiện quá lớn, nên Trạm Vũ trụ Freedom được hợp nhất với Trạm Vũ trụ Mir-2 của Nga. Sự hợp nhất này trở thành Trạm Vũ trụ Quốc tế như chúng ta biết ngày nay.
Ngày 20/11/1998, thành phần đầu tiên của ISS, là mô-đun Zarya của Nga được phóng lên quỹ đạo. Mô-đun thứ hai là Unity của Mỹ sau đó được phóng vào ngày 12/04/1998. Hai mô-đun này là nền tảng cho trạm vũ trụ ISS.
Hình ảnh này từ tháng 12/1998 cho thấy phi hành đoàn của Tàu con thoi Mission STS-88 bắt đầu xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế tại điểm nối 2 mô-đun Unicity và Zarya.
Ngày 02/11/2000, nhà du hành vũ trụ người Mỹ Bill Shepherd cùng hai phi hành gia người Nga Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev đã trở thành những người đầu tiên sống và làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Kể từ khoảnh khắc cánh cửa của tàu vũ trụ Soyuz mở ra, họ đã chính thức bước chân vào trạm vũ trụ non trẻ, đã có những người sống và làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm.
Ngày 10/02/2001, các phi hành đoàn tàu con thoi Atlantis và Trạm Vũ trụ Quốc tế đã lắp đặt Phòng thí nghiệm Destiny của Hoa Kỳ lên trạm, bổ sung thêm 100 mét khối không gian sống trên trạm. Nó cũng trở thành phòng thí nghiệm nghiên cứu chính.
Năm 2001, trong một chiến dịch quảng cáo, Pizza Hut đã trả một công ty của Nga hơn 1 triệu đô-la Mỹ để vận chuyển những chiếc pizza cỡ nhỏ của họ đến phi hành đoàn trên trạm vũ trụ. Khi đó, các phi hành gia Mỹ không được phép ăn pizza bởi vì họ không được phép tham gia vào các liên doanh thương mại.
Ngày 07/02/2008, mô-đun phòng thí nghiệm Columbus của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã trở thành một phần của ISS.
Ngày 11/03/2008, Nhật Bản đã bổ sung phòng thí nghiệm Kibo vào ISS.
Tháng 10/2008, bộ phim khoa học viễn tưởng đầu tiên được quay trên không gian bởi một du khách tên Richard Garriott. Ông đã trả tiền cho công ty du lịch vũ trụ Space Adventures 30 triệu đô-la Mỹ để được đưa lên ISS.
Năm 2012, nhà du hành vũ trụ người Canada Chris Hadfield trở thành người Canada đầu tiên làm chỉ huy của Trạm Vũ trụ Quốc tế. Trong ảnh, anh đang chơi bản Space Oddity cùng với cây đàn ghi-ta.
Năm 2013, trong phòng thí nghiệm Columbus của ISS, phi hành gia Chris Cassidy thực hiện siêu âm cho một đồng nghiệp là Luca Parmitano. Các nhà nghiên cứu y học đã quan sát thấy chiều cao trung bình của các phi hành gia tăng thêm 3% khi họ làm việc dài hạn trên trạm và trở về chiều cao bình thường của họ khi quay về Trái Đất. Cuộc điều tra siêu âm cột sống nhằm tìm hiểu cơ chế và tác động của sự thay đổi này đồng thời thúc đẩy công nghệ hình ảnh y khoa bằng cách thử nghiệm một thiết bị siêu âm nhỏ gọn hơn trên trạm.
Năm 2015, nhà du hành vũ trụ NASA Scott Kelly đã được giao một nhiệm vụ kéo dài một năm để tìm hiểu tác động của việc sống lâu trên không gian ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào. Anh đặt chân lên ISS vào ngày 27/03/2015 và trở về nhà vào ngày 29/02/2016.
Ngày 16/01/2016, phi hành gia Scott Kelly đã chia sẻ những bức ảnh về một bông hoa Bách Nhật nở trong phòng thí nghiệm thực vật Veggie trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Thử nghiệm cây hoa này bắt đầu vào ngày 16/11/2015 khi phi hành gia NASA Kjell Lindgren kích hoạt hệ thống Veggie và gieo hạt giống cây Bách Nhật. Thành công này tạo cơ hội để nghiên cứu sự sinh trưởng của thực vật trong môi trường không trọng lực và mở ra tiềm năng để tạo ra những khu vườn trên ISS.
Ngày 02/09/2017, phi hành gia NASA Peggy Whitson đã phá vỡ kỷ lục của Sunita Williams bằng cách sống và làm việc ngoài Trái Đất trong 665 ngày.
Tính đến tháng 11/2018, đã có hơn 205 chuyến đi bộ vào không gian được thực hiện từ Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Có tin đồn nói rằng Trạm Vũ trụ Quốc tế có thể sẽ ngừng hoạt động vào đầu năm 2025, mặc dù chưa có cơ quan nào xác nhận chính thức thông tin này.
Đạt Vũ (Tổng hợp)