Đại Kỷ Nguyên

Nơi này được gọi là ‘Thành phố iPhone’, công xưởng sản xuất một nửa số iPhone trên toàn thế giới

Nếu bạn đang sử dụng một chiếc iPhone, rất có thể nó đã được sản xuất tại “Thành phố iPhone” này.

Harrison Jacobs, một biên tập viên của Business Insider vừa kể lại chuyến thăm nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu (Trung Quốc). Nơi này được mệnh danh là “Thành phố iPhone” bởi nó cung cấp khoảng một nửa sản lượng iPhone cho Apple.

Dưới đây là những khám phá được Harrison Jacobs kể lại:

Quá khứ Trịnh Châu từng là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Dân số ở đây chỉ khoảng 9,5 triệu người, trong đó có hơn 350.000 người đang làm công nhân sản xuất iPhone. Sự xuất hiện của nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương như thế mà còn thúc đẩy kinh tế cả một vùng.

Tại đây, Foxconn không chỉ đặt một nhà máy mà còn xây dựng cả một khu phức hợp mang tên Công viên Khoa học Foxconn. Nó nằm cách trung tâm thành phố khoảng 30km nên có khá nhiều khu ký túc xá dành cho công nhân. Chúng là các tòa nhà 10 hoặc 12 tầng bao quanh bởi vô số dịch vụ thiết yếu như nhà hàng ăn uống, cửa hàng tạp hóa, thời trang, tiệm cắt tóc gội đầu, mát-xa…

Cộng đồng người dân sinh sống ở đây đã đặt tên cho nó là “Thành phố iPhone” – Harrison Jacobs viết. Bên dưới là một số hình ảnh cùng lời kể về Công viên Khoa học Foxconn của biên tập viên này.

Chúng tôi đến Công viên Khoa học Foxconn Trịnh Châu lúc 1 giờ chiều, ngay sau giờ nghỉ trưa của công nhân. Chỉ có một vài người đi lại trước cổng, một sự yên tĩnh kỳ lạ ở nơi có 350.000 người đang làm việc.

Kể từ khi nhà máy này bắt đầu sản xuất iPhone cho Apple vào năm 2007, Foxconn đã phải đối mặt với các cáo buộc lạm dụng lao động, điều kiện làm việc kém và hình phạt khắc nghiệt đối với những người làm sai. Có nhiều vụ công nhân tự tử trong năm 2010 và 2011. Mới đây nhất là một vụ xảy ra vào tháng Giêng, khiến Apple và Foxconn phải thay đổi lại một số quy định ở nhà máy.

Khu dân cư được xây dựng từ năm 2010, bao gồm hàng chục tòa nhà kéo dài hơn 3,5km. Cây cối ở mọi nơi, cảnh sát và nhân viên bảo vệ đứng trên mọi góc phố. Một thập kỷ trước, nơi này chỉ là những cánh đồng ngô và lúa mì. Năm 2010, chính phủ đã mua lại đất nông nghiệp của người dân địa phương, cung cấp cho Foxconn với hàng tấn hỗ trợ và ưu đãi thuế.

Chính phủ thậm chí còn giúp Foxconn tuyển dụng và hỗ trợ nhà ở cho công nhân trong giai đoạn cao điểm. Hàng năm, trong những tháng mùa hè bận rộn trước khi phát hành một chiếc iPhone mới, nhà máy sản xuất 500.000 điện thoại mỗi ngày, tương đương 350 máy mỗi phút. Đáp ứng nhu cầu không ngừng của Foxconn, Chính phủ Trung Quốc còn yêu cầu tỉnh Trịnh Châu áp dụng hạn ngạch lượng công nhân mà các huyện, xã phải cung cấp cho nhà máy. Trong năm 2016, một số trường học còn ép buộc học sinh từ 16 tuổi trở lên phải làm việc cho nhà máy đến khi đủ “kinh nghiệm làm việc” mới được tốt nghiệp, nhiều em đã phải làm thêm giờ.

Những công nhân làm ca ngày bắt đầu đến nhà máy lúc 07:00. Họ đã nói chuyện với chúng tôi, mô tả lịch trình hàng ngày của họ: Thức dậy lúc 06:30, đi đến nhà máy lúc 07:00, ăn sáng và bắt đầu làm việc lúc 08:00 và có 1 giờ nghỉ ăn bữa trưa. Hầu hết mọi người ăn ở căng tin của nhà máy, nhưng cũng có một số người ra ngoài ăn. Bình thường công việc sẽ kết thúc vào lúc 17:00, nhưng nếu nhiều việc thì họ phải làm thêm đến 20:00 hoặc 22:00. Lịch trình về cơ bản giống nhau nhưng lộn lại cho những người làm ca đêm.

Quy trình sản xuất iPhone ở một nhà máy Foxconn đòi hỏi khoảng 400 bước lắp ráp. Các công nhân làm một công việc liên tục cả ngày, chẳng hạn như đánh bóng màn hình, hàn một thành phần, hoặc lắp một ốc vít vào mặt sau của điện thoại. Một công nhân chịu trách nhiệm lau một tấm đánh bóng đặc biệt trên màn hình LCD nói với The Guardian rằng cô đã xử lý 1.700 chiếc iPhone mỗi ngày, hoặc khoảng 3 màn hình mỗi phút trong 12 giờ/1 ngày.

Khu phức hợp có đường lớn cho xe buýt đưa công nhân ra vào và xe tải chở hàng hóa. Chính quyền tỉnh Trịnh Châu đã biến nơi này thành một “khu ngoại quan”, có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc coi đó là đất nước ngoài. Đó là một sự sắp xếp kỳ lạ, là một trong những đặc quyền được cấp cho Foxconn.

Hầu hết công nhân tại nhà máy ở độ tuổi từ 18 đến 25. Trong số những nhân viên chúng tôi đã thấy, có một sự phân chia khá đồng đều giữa nam và nữ.

Ngay bên ngoài cổng vào là một khu chợ được dựng lên tạm bợ để phục vụ các công nhân không muốn ăn ở căng tin trong nhà máy. Nhiều người buôn bán ở chợ cũng là cựu nhân viên của Foxconn hoặc người từ các làng lân cận.

Đây là một ngõ hẻm bên trong khu chợ bị bỏ hoang vào một buổi chiều tháng Năm nóng bức và bụi bặm. Một người nói với chúng tôi rằng hiện nay chưa vào mùa cao điểm. Chỉ một tháng nữa thôi, nhà máy sẽ tăng cường sản xuất cho việc phát hành một chiếc iPhone mới vào mùa thu. Những ngày đó, ngõ hẻm này sẽ chật kín người.

Chúng tôi đã gặp Liu, một người phụ nữ 31 tuổi. Cô và chồng mình mở một nhà hàng khá lớn để phục vụ công nhân kể từ khi nhà máy mở cửa vào năm 2010. “Chúng tôi không chế biến món ăn đặc biệt ở đây. Chúng tôi chỉ làm bất cứ thứ gì rẻ và đủ lấp đầy bụng của họ.” – Liu nói với Business Insider.

Liu và những người bán hàng khác phải sống và làm việc theo nhà máy. Theo Liu, việc điều hành một cơ sở phục vụ cho công nhân của nhà máy còn khó hơn là làm việc tại nhà máy. “Chúng tôi thức dậy sớm hơn và đi ngủ sau đó để chúng tôi có thể phục vụ cả người lao động ca ngày lẫn đêm”.

Liu lo lắng rất nhiều về kinh doanh vì năm nay, nhà máy có vẻ yên tĩnh hơn bình thường. Một nửa hộ kinh doanh trong khu chợ vẫn đang ngừng hoạt động. Một phần vì khu chợ này dự kiến ​​sẽ bị phá hủy vào cuối năm nay, cô cho biết.

Mối đe dọa phá hủy khu chợ đã khiến hầu hết hộ kinh doanh rời khỏi nơi này. Nhiều người sợ họ trả tiền thuê nhà cả năm và không thể lấy lại khi xe ủi đất đến. Không ai nghĩ tích cực về thứ sẽ thay thế khu chợ này. Liu đã nghe tin đồn rằng chính phủ muốn xây dụng một sân bay mới ở đây, nằm bên cạnh nhà máy. Khi chúng tôi hỏi về tương lai, cô ấy mỉm cười trả lời như thể chúng tôi đã hỏi về thời tiết. “Tôi đoán chúng tôi sẽ chuyển đi nơi khác, thuê một cửa hàng khác và làm điều tương tự.” – Liu nói.

Mỗi ngày, công nhân mới đến khá nhiều. Khi chúng tôi ngồi gần lối vào, dường như cứ vài phút một người mới lại đến bằng taxi hoặc xe buýt, mang theo va-li và một túi đồ ăn. Một số người được tuyển dụng rồi mới đến, trong khi những người khác chỉ đến với hy vọng rằng các cơ quan tuyển dụng gần đó có thể tiếp nhận họ. Hầu hết những người đến đây đến biết về những tai tiếng của nhà máy. Đối với không ít người đó lại là cơ hội. “Họ muốn đến đây để được làm thêm giờ. Họ muốn tiền lương cao hơn.” – Liu giải thích.

Bạn có thể nhận biết những công nhân đi làm bởi các áo ghi-lê màu xanh và đỏ. Tiền lương của công nhân tại nhà máy thường vào khoảng 1.900 nhân dân tệ (300 USD) mỗi tháng.

Nhiều công nhân có thể tăng thu nhập lên khoảng 676 USD bằng cách tham gia nhiều hơn 60 giờ làm thêm một tuần. Trong khi đó luật pháp Trung Quốc giới hạn giờ làm thêm tối đa 36 giờ một tháng.

Lúc 17:00, ca làm việc ban ngày kết thúc và công nhân ùa ra khỏi cổng của nhà máy. Đường phố bị tắc nghẽn bởi rất nhiều người, xe hơi, xe máy và xe buýt.

Những người ở ký túc xá chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn. Có ít nhất chục tòa nhà chung cư từ 10 đến 12 tầng ở đây.

Bên dưới mỗi tòa nhà đều có các cửa hàng cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Một số gian hàng được dựng lên trên đường phố. Những gian hàng này thường bày bán quần áo, phụ kiện điện thoại…

Nông dân từ các làng lân cận cũng đánh xe đến bán trái cây và rau củ cho người lao động.

Vào mùa thấp điểm, công nhân thiếu việc làm thêm ảnh hưởng đến sinh kế của những người kinh doanh. Hầu hết thương gia ở đây đang lỗ cho đến khi công nhân quay trở lại vào tháng Sáu.

Sau giờ làm việc, mọi người thường ngồi ở các nhà hàng ăn tối và uống bia với bạn bè. Tại một trong những nhà hàng như vậy, chúng tôi gặp một nhóm bốn công nhân của Foxconn, những người đã mời chúng tôi ngồi cùng họ.

“Đó là một cuộc sống đơn giản – đơn giản như nơi này vậy.” – Chen, một thanh niên 22 tuổi trong nhóm bốn công nhân nói với Business Insider. Những người khác là Zhang, một người đàn ông 27 tuổi; Hu, một phụ nữ 28 tuổi và Guo, một người đàn ông 40 tuổi. Guo là một ngoại lệ, hầu hết công nhân tại nhà máy đều ở độ tuổi đôi mươi, tạo cho nơi này một bầu không khí giống như làng đại học.”Sau một năm, mọi người cảm thấy buồn chán. Khi điều đó xảy ra, họ rời đi.” – Chen nói.

Cả bốn người họ làm việc trong cùng một đội, nhiệm vụ chính là kiểm soát hàng tồn kho. Họ ngồi uống với nhau như bạn bè dù khác biệt về tuổi tác.

Theo Chen, công việc tồi tệ nhất tại nhà máy là làm việc ở dây chuyền lắp ráp, nơi công nhân chỉ làm một việc lặp đi lặp lại trong 8 hoặc 10 hoặc 12 giờ một ngày. “Công việc của chúng tôi thoải mái hơn. Chúng tôi có thể nghỉ ngơi khi chúng tôi muốn, không như những người trên dây chuyền lắp ráp.” – Chen nói. Tuy nhiên, những công nhân đó có nhiều cơ hội làm thêm giờ và lương cao hơn. Họ có thể kiếm được khoảng 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng, một số tiền khá cao trong mắt Chen.

Zhang rất ít thông cảm với những người không thích công việc của họ hoặc phàn nàn về giờ làm thêm. Anh ta cứ lặp đi lặp lại: “Nếu bạn muốn làm, hãy làm đi. Nếu bạn không muốn, hãy từ bỏ. Đó là tự do. Có nhiều công việc khác xung quanh bạn.” – Zhang nói.

Chen đã làm việc tại Foxconn được 4 năm. Giống như những người khác ở bàn nhậu, Chen đã từng làm việc tại các nhà máy sản xuất điện thoại của các nhà sản xuất khác như Oppo hay Xiaomi. Khi được hỏi điều kiện làm việc tại Foxconn tốt hơn hay tệ hơn, Chen nói: “Các điều kiện đều giống nhau. Công việc này chỉ đơn giản là kiếm sống”.

Ngồi được một vài giờ, Chen đã uống rất nhiều bia. Nửa chừng, anh ta lẩm bẩm những lời nói của mình, trong khi Zhang chỉ cắm mặt vào chiếc điện thoại.

Những người khác, họ chơi bi-a tại một quán bar gần đó, hát tại phòng karaoke, chơi thể thao trong khu chung cư, hoặc chơi trò chơi điện tử tại một trong những quán cà phê Internet.

Hầu hết công nhân ăn sáng và ăn tối gần khu ký túc xá và ăn trưa tại căng tin trong nhà máy. Thức ăn ít nhiều giống nhau – mì, rau, xiên thịt và cá. Các bữa ăn trong khuôn viên nhà máy có giá rẻ hơn một chút, vào khoảng 1 USD. Trong khi các bữa ăn bên ngoài có giá khoảng 1,3 USD đến 3,15 USD, tùy theo món ăn.

Zhang và Chen suy nghĩ rất ít về triển vọng kinh tế hoặc tương lai tươi sáng hơn. Khi chúng tôi hỏi họ mong muốn điều gì cho tương lai, Zhang chỉ nhún vai. Ở tuổi 27, Zhang dường như đã mất niềm tin với tình hình hiện tại của mình.

Chen cũng tương tự. “Ở đây cuộc sống rất đơn giản. Chúng tôi không bao giờ thực sự nghĩ về tương lai. Tôi không biết mình sẽ ở đây bao lâu nữa. Một ngày nào đó, có thể có một cơ hội tốt hơn. Nếu có, tôi sẽ nắm bắt nó.” – Chàng trai 22 tuổi chia sẻ.

Chen nói rằng hầu hết mọi người không chỉ nghĩ về bản thân họ khi họ đi làm. Họ có nhiều khả năng có con hoặc cha mẹ già cần được giúp đỡ. Nếu bạn tiết kiệm, bạn có thể tiết kiệm 75% tiền lương của mình để gửi về nhà hoặc tiết kiệm cho tương lai. Nhưng nhiều người dùng hết vào việc ăn uống, nhậu nhẹt…

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, các nhân viên của Foxconn đã mô tả nhà máy này không tồi tệ hơn những nhà máy khác ở Trung Quốc. Thậm chí trong một số thứ còn tốt hơn.

“Hầu hết các nhà máy Trung Quốc hiện có chủ sở hữu sẽ trì hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ tiền lương.Ở đây, tôi chắc chắn sẽ nhận thêm tiền vì được làm thêm giờ.” – Li, một người kiểm tra chất lượng trên dây chuyền lắp ráp iPhone ở Trịnh Châu, nói với tờ South China Morning Post rằng làm việc ở Foxconn ổn định hơn hầu hết các nhà máy khác ở Trung Quốc.

Thực tế khắc nghiệt đó đã không ngăn cản những người như Zhang và Chen cố gắng tạo ra một cuộc sống trọn vẹn. Khi chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện, Chen đã nhiều lần cố gắng trả tiền cho bữa nhậu. Số tiền phải trả vào khoảng 20 USD, nhiều như tiền thuê nhà hàng tháng của anh ấy. Tất nhiên chúng tôi sẽ không để anh ấy trả tiền, nhưng anh ấy quả là một người rộng lượng.

Lúc trước, khi chúng tôi hỏi Liu, rằng cô ấy có nghĩ rằng các công nhân của Foxconn hạnh phúc hay không? Cô ấy cười: “Chúng tôi không hạnh phúc. Không ai hạnh phúc. Đó là sinh kế của chúng tôi. Đó chỉ là cuộc sống”.

Việt Đức

Exit mobile version