Đại Kỷ Nguyên

Nhìn lại lịch sử giày bóng đá, trông đơn giản nhưng ẩn chứa đầy công nghệ bên trong

Nike Mercurial Superfly 360’s Ronaldo.

Những đôi giày bóng đá đầu tiên chính là những đôi giày lao động, còn bây giờ chúng được trang bị rất nhiều công nghệ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Nhìn lại lịch sử giày bóng đá, trông đơn giản nhưng ẩn chứa đầy công nghệ bên trong.

Ngày nay, cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp luôn sử dụng những đôi giày chất lượng từ các thương hiệu nổi tiếng mỗi khi thi đấu. Chúng là kết quả của của quá trình phát triển dài gần 500 năm.

Giày bóng đá đầu tiên cũng là giày để đi lao động

Khi mà bóng đá mới được mọi người biết đến, người ta hoàn toàn chưa nghĩ đến việc sẽ làm một đôi giày để chơi riêng môn thể thao này nên thường sử dụng luôn giày đi lao động. Nổi tiếng nhất là đôi giày được thiết kế bởi thợ thủ công hoàng gia Anh – Cornelius Johnson.

Giày thời này thường có cổ cao để bảo vệ mắt cá nhân, nặng nề, gò bó nên cầu thủ khó xoay trở trên sân khi chơi bóng. Vật liệu thực hiện cũng tỏ ra cứng, đế chống mòn vốn phù hợp hoạt động trong các hầm mỏ hơn là trên sân bóng.

Và khi bóng đá ngày càng phổ biến trên khắp đất nước Anh vào giữa thế kỷ 19, các công nhân bắt đầu chỉnh sửa lại đôi giày bằng cách đóng đinh vào đế giày, điều này đã gây nhiều chấn thương cho các cầu thủ khi tranh chấp bóng quyết liệt. Một hạn chế khác là khi thi đấu vào mùa đông, mặt sân cỏ bị đông cứng lại nên rất trơn trượt, loại giày này không có độ bám tốt nên cầu thủ liên tục bị té ngã và bị chấn thương.

Do đó Hiệp hội Bóng đá Anh FA mới thành lập năm 1863 đã phải đưa ra tuyên bố: “những chiếc giày có tấm sắt hay đinh ở đế giày sẽ không được chơi bóng”

Bắt đầu xuất hiện giày chuyên cho bóng đá

Vào đầu thế kỷ 20, nhu cầu về giày bóng đá bắt đầu tăng cao chứng kiến ​​một số thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng ra đời như Gola, Hummel hay nhà máy giày Dassler Brothers. Vào cuối Thế chiến II, nhà máy này đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu sản xuất giày bóng đá.

Giày thời này làm hoàn toàn bằng da, mặt dưới đế giày thì dùng đinh hình trụ tròn đường kính 10mm, chiều cao từ 10-16mm.

Giày có cổ cao như giày bốt hiện nay, làm bằng lớp da bò rất dày nhằm bảo vệ thật tốt bàn chân, nên mỗi chiếc có trọng lượng đến 0,5kg. Khổ nỗi khi thi đấu dưới mưa, lớp da hút đầy nước làm trọng lượng chiếc giày tăng lên gấp đôi, cầu thủ giống như bị đeo chì vào chân vậy.

Sau Thế chiến II, giày đá bóng được cải tiến nhẹ hơn, may bằng loại da mềm hơn và cổ giày được hạ thấp xuống dưới mắt cá. Đinh làm bằng da hay cao su, có chiều cao tùy vào tình trạng mặt sân thi đấu (loại thấp 10mm dùng cho mặt sân cứng và loại cao 16mm dùng cho sân mềm, bùn lầy). Đinh được đóng chết vào đế giày bằng thép. Kiểu đinh này có nhược điểm là rất dễ bị gãy nên thường xuyên rơi rớt giữa trận đấu, gây khó chịu cho cầu thủ.

Bước đột phá đinh giày vào năm 1952

Bước đột phá lớn tiếp theo là khi đôi Super Atom của Puma vào năm 1952 – chiếc giày bóng đá đầu tiên được sản xuất với các đinh tán có thể hoán đổi cho nhau để phù hợp với các điều kiện khác nhau. Các cầu thủ không cần mang 2 đôi giày với các đinh có chiều cao khác nhau nữa. Puma Super Atom đã được dùng bởi một nửa đội bóng FC Kaiserslautern và họ đã vô địch quốc gia vào năm đó.

Adidas (Đức) đã nghiên cứu thiết kế một loại đinh mới (bằng cao su, nhựa hoặc hợp kim nhôm) có một lõi thép giữ chặt đinh giày. Thiết kế này giúp các đinh bám rất chắc vào đế, cứng cáp và ổn định hơn. Họ đã cung cấp loại giày mới này cho Tây Đức thi đấu ở World Cup 1954 để rồi ai cũng biết đến cú ngã lịch sử của Hungary, đưa Tây Đức vô địch thế giới. Nhiều người cho rằng nhờ sáng chế này, đội tuyển Đức đã chiếm ưu thế khi thi đấu trên mặt sân đầy bùn lầy do những cơn mưa mùa hè ở Thụy Sĩ năm đó.

Thiết kế bên ngoài bắt đầu được chú ý

Năm 1960, mọi người đều nhận ra rằng một cầu thủ không chỉ có tài năng mà họ cần một đôi giày đảm bảo nữa. Những huyền thoại như Bobby Moore hay Eusebio đều đi đôi giày đã được thiết kế riêng để thi đấu tại World Cup 1966.

Tại World Cup 1970, vua bóng đá Pele được tài trợ 125.000 USD để đi một đôi Puma Kings có thiết kế màu đen kết hợp dải màu đa dạng chạy bao quanh rất nổi bật. Những thước phim đáng nhớ của Pele giành chiến thắng trước Ý trong trận chung kết vẫn còn dấu ấn của đôi giày này.

Tiền đề cho những đôi giày hiện đại ngày nay

Adidas Copa Mundial.

Được thiết kế cho World Cup 1982 tại Tây Ban Nha, đôi Adidas Copa Mundial đặc trưng với da kangaroo ưu việt hơn da bò, kết hợp với vật liệu tổng hợp thay cho việc dùng thuần da bò và cao su. Đế giày cũng không còn làm bằng cao su nặng nề nữa mà bằng vật liệu tổng hợp với ưu điểm là mỏng, nhẹ và rất linh hoạt. Mu bàn chân có đệm xốp giúp đỡ bóng cảm giác êm hơn. Đây là vũ khí mà những huyền thoại hàng đầu như Paolo Rossi, Diego Maradona và Zinedine Zidane sử dụng.

Adidas Predator.

Vào năm 1994, Adidas được biết đến là hãng đầu tiên có công nghệ lót dải cao su trên mu bàn chân và những vân nổi mặt ngoài trên dòng sản phẩm Predator giúp cầu thủ tăng lực sút mạnh hơn và làm quả bóng có độ xoáy cao hơn, gây nhiều khó khăn cho các thủ môn đối phương. Đinh giày cũng được đúc sẵn trong quá trình chế tạo đế giày bằng vật liệu tổng hợp.

Nike Mercurial.

Tới năm 1990, Nike đem đến France 98 đôi giày Nike Mercurial được ‘người ngoài hành tinh’ Ronaldo sử dụng. Một thiết kế bắt mắt, nổi bật, lớp da tổng hợp nhẹ, mềm và tăng ma sát giúp đem lại cảm hứng chơi bóng cho cầu thủ.

Giày hiện đại gắn chip điện tử

Nhờ làm bằng vật liệu tổng hợp, giày đá bóng hiện nay đã rất nhẹ, chỉ khoảng từ 103-230g mỗi chiếc tùy loại. Đây là một bước tiến vượt bậc so với chiếc giày cồng kềnh nặng cả 0,5kg thời cuối thế kỷ 19. Những đôi giày hiện nay cũng trông bắt mắt hơn với nhiều màu sắc và họa tiết đa dạng thay cho màu đen truyền thống rất đơn điệu của những thập niên trước.

Adidas adiZero F50 miCoach.

Chiếc Adidas adiZero F50 miCoach còn có chip cảm biến tích hợp để đo tốc độ trung bình, tốc độ tối đa, số lần chạy nước rút và những vùng được bảo vệ. Adidas và Nike liên tục cải tiến, kết hợp cả vật liệu dệt kim công nghệ cao mới được phát triển của họ từ giày chạy vào giày bóng đá.

Nike Magista.

Đặc điểm sinh học của con người là không ai có 2 bàn chân có kích thước hoàn toàn bằng nhau, bởi thế trong giới cầu thủ, người thuận chân nào thì chân đó có kích thước lớn hơn chân kia. Hai đôi giày Nike Magista và Adidas Primeknit FS tạo ra là để vừa khít với chân mỗi người chơi.

Điểm đột phá mới nữa là giày đá bóng được thiết kế chuyện biệt hóa theo sở thích và vị trí cầu thủ trong đội hình: những cầu thủ hàng tấn công sẽ dùng loại giày nhẹ nhất, hỗ trợ tăng tốc cực nhanh, cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ thì thích dùng loại giày hỗ trợ cảm giác bóng giúp họ kiểm soát bóng tốt hơn…

Suti

Exit mobile version