Ông Tưởng Kinh Quốc, trong hồi ức về quá trình trưởng thành của mình, không ít lần nói về tình huống Tưởng Giới Thạch đã dẫn dắt ông đọc sách, học tập, tu dưỡng như thế nào.
Tuy thời niên thiếu của Tưởng Kinh Quốc, cha con hai người thường không ở cùng nhau, nhưng Tưởng Giới Thạch trước sau đều rất quan tâm tới việc đọc sách học tập của con trai mình, kiên trì viết thư dẫn dắt dạy bảo ông. Năm 1937, sau khi Tưởng Kinh Quốc từ Liên Xô trở về nước, Tưởng Giới Thạch càng dẫn dắt ông đọc sách một cách hệ thống, đặc biệt xem trọng nghiên cứu học tập văn hóa truyền thống Trung Hoa. Mãi cho đến những năm cuối đời, Tưởng Giới Thạch vẫn không quên hướng dẫn cách học tập tu dưỡng cho con trai mình.
Nhận rõ chữ và liễu giải từ, đọc “Thuyết Văn”, “Nhĩ Nhã”
Năm 1916, Tưởng Kinh Quốc lên 6 tuổi, học tại một trường tiểu học ở Ngô Sơn, Khê Khẩu, theo học thầy Chu Đông (Tinh Viên). Tháng 12 năm 1917, Tưởng Giới Thạch mời Cố Thanh Liêm (Bảo Thận) dạy học cho con trai mình. Năm Tưởng Kinh Quốc lên 10 tuổi, Tưởng Giới Thạch vì để con trai nắm vững chữ Hán một cách hệ thống, đã gửi về một quyển “Thuyết Văn Giải Tự” được chú giải bởi Đoàn Ngọc Tải – học giả nổi tiếng đời nhà Thanh:
“Quyển sách này, chỉ cần mỗi ngày học được 10 chữ, thì trong vòng 3 năm có thể đọc xong, một đời thọ dụng vô cùng. Đi học, trước hết phải chuyên tâm nghe giảng. Nhận thức một chữ, cần phải hiểu được hàm nghĩa và giải thích của một chữ đó, không thể chỉ đọc qua là coi như xong”.
Cùng năm đó, Tưởng Giới Thạch còn mời Vương Âu Thanh giảng giải tại nhà cho Tưởng Kinh Quốc.
Năm 1921, Tưởng Kinh Quốc theo học trường Long Tân, Phụng Hóa, ngoài giờ học vẫn do thầy Vương Âu Thanh giảng giải kinh học (nghiên cứu những tác phẩm kinh điển của Nho giáo về mặt triết học, sử học, ngôn ngữ, văn tự) cho ông, Tưởng Giới Thạch đích thân xác định chương trình học cho ông. Ngày 23 tháng 5, Tưởng Giới Thạch viết thư, dạy ông đọc “Nhĩ Nhã”. Trong thư nói:
“Con nói “Thuyết Văn” có cần đọc xong hay không? Ghi nhớ hay không? Nếu đã đọc xong ghi nhớ hết cả rồi, có thể xin thầy con vào tháng giêng này học theo các chương mục của quyển sách, đọc theo thứ tự, đừng cầu mau lẹ quá. Sau khi đọc xong quyển “Nhĩ Nhã” rồi, sách tiểu học, có thể nhận thức được “Thuyết Văn” của họ Hứa, hoặc sau đó đọc “Nhĩ Nhã” cũng được. Tùy thầy con quyết định, bố cũng không quản thúc từ xa được”.
“Nhĩ Nhã”, “Thuyết Văn Giải Tự” là tác phẩm chuyên ngành văn tự học ngôn ngữ của Trung Quốc thời xưa, có chức năng như một từ điển, trước nay được dùng làm tài liệu dạy học sơ đẳng một cách hệ thống cho trẻ em nhập học. Đọc những quyển sách này, không chỉ có thể nhận biết chữ, mà còn có thể liễu giải được âm đọc, kết cấu và hàm nghĩa của câu từ, được đánh giá là đặt định nền tảng cho việc học tập điển tịch văn hóa cổ đại và nghiên cứu học vấn.
Năm 1922, Tưởng Kinh Quốc chuyển vào trường tiểu học Vạn Trúc ở Thượng Hải, xếp vào lớp 4, đến năm 1924 tốt nghiệp.
Tưởng Kinh Quốc từ nhỏ đã viết thư cho cha mình, nhưng chữ viết cũng có lúc cẩu thả. Tưởng Giới Thạch nhiều lần yêu cầu ông luyện viết chữ. Ngày 4 tháng 8 năm 1922, ông viết trong thư: “Thư con gửi, bố đã nhận được rồi. Chữ Khải con viết vẫn không được đẹp. Cần cách ngày viết một, hai trăm chữ mới mong tiến bộ được”.
Ngày 13 tháng 10, Tưởng Giới Thạch lại căn dặn trong thư rằng: “Con ở Thượng Hải, cần phải chuyên tâm học hành. Chữ viết của con vẫn chưa có tiến bộ chút nào. Mỗi ngày dậy sớm, cần luyện viết một trăm chữ Thảo, 50 chữ Khải. Cần phải học viết cho chuẩn, lại phải học cho mau”.
Ngày 13 tháng 5 năm 1923, Tưởng Giới Thạch lại viết trong thư rằng: “Thư của con viết tốt hơn ngày trước nhiều, nhưng chữ viết sai rồi đừng tùy tiện tẩy đi. Sau khi hạ bút viết chữ rồi, nếu như thấy có viết sai, nên viết xong chữ rồi mới xóa đi”. Ý là nhắc nhở Tưởng Kinh Quốc làm việc cần phải đến nơi đến chốn, đừng có tùy ý thay đổi giữa chừng.
Ngày 1 tháng 5 năm 1924, Tưởng Giới Thạch khi ấy đã nhậm chức hiệu trưởng trường quân đội Hoàng Phố, ông vẫn dành ra thời gian viết thư, dạy con trai cách tập viết chữ: “Viết chữ nét bút cần phải rõ ràng, hơn nữa chữ nào ra chữ đó, tuyệt không được cẩu thả qua loa. Chữ viết trong thư cũng cần phải lớn như chữ bố viết vậy, chứ đừng nhỏ quá”.
Ngày 26, Tưởng Giới Thạch lại viết thư chỉ dạy: “Chữ của con đã có chút tiến bộ rồi, nhưng dùng mực còn thiếu trau chuốt, đôi lúc còn có lỗi chữ thì quá đậm, chữ thì quá mờ, bút lực cũng vẫn thiếu sự mạnh mẽ. Cần cách ngày viết phỏng theo một lần, cần phải lĩnh hội được chỗ tinh diệu của các nét ngang, dọc, móc, chấm, phẩy, mác được viết trong các bức thiếp thời xưa. Chú ý: Nhấc bút cần phải cao, cổ tay cần giơ lên”.
Chính ngay viết chữ mà nói, mãi cho đến khi Tưởng Kinh Quốc lớn lên, sau khi từ Liên Xô trở về nước, Tưởng Giới Thạch vẫn rất quan tâm. Nhưng mà, lúc này Tưởng Giới Thạch hướng dẫn ông viết chữ đã tiến thêm một bước, là dạy ông học tập thư pháp.
Ngày 27 tháng 4 năm 1937, Tưởng Giới Thạch viết thư: “Mới học thư pháp, nên học tập chữ của Đàm tiên sinh là thích hợp hơn cả. Tốt nhất là học viết thiếp (mảnh giấy nhỏ có viết chữ), thư pháp của Tô tiên sinh và Triệu tiên sinh đều được, những cái đó cũng dễ học”.
“Đàm tiên sinh” là chỉ Đàm Diên Khải, thư pháp của ông lấy kiểu chữ Nhan làm nền tảng, chữ Khải của ông thẳng tắp hùng hồn, lối viết của ông rất có phong vận của Mễ Phất và Tô Thức, cứng cáp tự nhiên. “Tô tiên sinh” là Tô Thức, giỏi về Hành thư (một kiểu viết chữ Hán gần giống chữ Thảo), Khải thư, thư pháp của ông tôn sùng tả ý tự nhiên, bút lực mạnh mẽ, kỳ diệu ở các nét ẩn. “Triệu tiên sinh” ý chỉ Triệu Mạnh Phủ. Thư pháp của ông không chỉ uyển chuyển, trôi chảy, mà còn có đặc điểm ngoài thanh thoát, trong rắn rỏi, sử sách gọi là “thể chữ Triệu”.
Có thể nguyên nhân vì ở Liên Xô thời gian dài không viết chữ Hán, lúc này Tưởng Kinh Quốc viết chữ Hán có vẻ không thạo và khá tùy tiện. Tuy Tưởng Kinh Quốc đã trưởng thành từ lâu, nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn nhắc nhở ông viết chữ cần phải nghiêm túc, cần tinh thần tập trung, có trước có sau. Ngày 15 tháng 5 năm 1938, ông có nhắc nhở trong thư:
“Lá thư gửi đến ngày 12, trái lại chữ viết không được đẹp như ngày 8. Dù là viết chữ, viết văn hay làm việc, đều phải có thủy có chung, chứ không được mới đầu thì chăm chỉ, sau rồi lại biếng nhác, cũng không được mới đầu thì chỉnh chu, sau lại đâm ra cẩu thả. Mấy lá thư con gửi đến, đều là phần đầu thì ngay ngắn chỉnh chu, sau lại cẩu thả, đây là minh chứng thái độ làm việc có đầu không có đuôi. Về sau càng cần phải chú ý hơn. Tinh thần tập trung từ đầu đến cuối, không phân trước sau. Chữ viết tốt nhất cần phải đồng đều. Phàm là chữ cùng hàng chữ cùng trang giấy, không thể chữ lớn chữ nhỏ không đều nhau được, cũng không thể méo mó nguệch ngoạc, đây là nền tảng bước đầu trong việc học chữ”.
Trong lá thư ngày 24 tháng 8 năm 1941 lại nói: “Câu cú dùng chữ của con có tiến bộ nhiều. Duy có kiểu chữ vẫn cần dành ra thời gian để tập luyện, tốt nhất học viết Hành thư là dễ nhất”.
Thư pháp thường thường có thể phản ánh thái độ và tác phong hành xử của một người. Bởi vậy, chúng ta không khó để lý giải vì sao với việc viết chữ thư pháp của Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Giới Thạch trước sau lại đặc biệt quan tâm, và tiến hành chỉ dạy hết lần này đến lần khác như vậy.
Đọc kỹ “Tứ Thư”, học thuộc “Mạnh Tử”
Tưởng Giới Thạch quan tâm nhất là nội dung và phương pháp đọc sách của Tưởng Kinh Quốc, đặc biệt xem trọng giáo dục quốc học. Tưởng Giới Thạch hướng dẫn Tưởng Kinh Quốc cần đọc kỹ “Tứ Thư”, đặc biệt phải đọc thuộc “Mạnh Tử”, “Tăng Văn Chính Công Gia Thư” (Thư nhà của Tăng Quốc Phiên), Vương Dương Minh toàn tập, v.v.
Ngày 13 tháng 10 năm 1922, Tưởng Giới Thạch viết thư nói với Tưởng Kinh Quốc rằng: “Nghe nói quyển ‘Mạnh Tử’ con từng đọc qua, phần nhiều đã quên hết rồi. Sao lại không chú ý như vậy chứ? Quyển ‘Mạnh Tử’ cần phải thuộc lòng đạo lý trong đó, đọc đi đọc lại nhiều lần. ‘Luận Ngữ’ cũng cần mời thầy Vương (Âu Thanh) giảng giải một lượt, rồi con tự học thêm nữa, luôn phải lấy việc hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa trong sách mới thôi. Con dùng tiếng Trung nếu có thể hiểu được ý nghĩa của một bộ Tứ Thư, lại có thể đọc thuộc làu làu một tập “Tả Truyện”, “Mạnh Tử”, “Trang Tử”, “Ly Tao” (Sở Từ), thì sau này viết văn chính sẽ có thể nhẹ nhàng rồi. Mỗi bài luôn cần phải đọc 300 lần, thế sẽ không quên mất nữa”.
Không lâu sau, Tưởng Giới Thạch lại viết thư nói: “Văn chương trong quyển ‘Mạnh Tử’ rất hay, khác với những quyển sách khác. Nếu con muốn mai này làm tốt văn chương, cần phải đọc thuộc quyển ‘Mạnh Tử'”. Ông đề nghị, đọc thuộc làu làu quyển “Mạnh Tử”, không những cần học biết được giọng văn trong đó, có thể viết nên bài văn hay, mà còn cần phải xem trọng một số nội dung quan trọng trong đó, giống như tư tưởng “Vương Chính” khiến người dân không phải chịu cảnh đói rét mà hướng đến an vui, lập thân tu hành cần phải lấy tư tưởng nhân nghĩa lễ trí tín, v.v.
Đương nhiên, Tưởng Giới Thạch với giáo dục của Tưởng Kinh Quốc, vốn không chỉ giới hạn trong văn hóa truyền thống, có lúc cũng tiếp thu những cái hay của văn hóa bên ngoài. Tưởng Giới Thạch từng dạy Tưởng Kinh Quốc đọc ngụ ngôn Aesop, còn giảng một số câu chuyện thú vị và giàu ý nghĩa trong đó. Như giảng câu chuyện “rùa và thỏ”, giáo dục con trai làm việc cần có ý chí bền bỉ, giảng câu chuyện “chú chó ngậm thịt”, ngụ ý làm người đừng có ôm giữ lòng tham không đáy.
Sau khi Tưởng Kinh Quốc về nước, Tưởng Giới Thạch vẫn kiên trì dạy ông đọc nhiều sách cổ quốc học (nền văn học quốc gia). Ngày 22 tháng 5 năm 1937, Tưởng Giới Thạch viết thư nói rằng: “Gần đây nghe nói chữ viết của con rất cứng, bố thấy con nên mau chóng luyện tập Hành thư và Khải thư. Phàm là các loại sách kinh, sử, tử, tập của Trung Quốc, trong thư viện trường Vũ Lĩnh đều có cả”.
Ngày 6 tháng 6, Tưởng Giới Thạch lại khuyên dạy rằng: “Bây giờ muốn văn chương tiến bộ, thứ nhất, vẫn là cần đọc nhiều cổ văn vào, và cần phải đọc thuộc lòng như cháo, đọc nữa lại đọc. Đại khái mỗi một bài viết cổ ít nhất cần đọc 100 lần trở lên, đến cuối tháng cần đem những gì đã đọc toàn bộ ôn lại một lần, nếu vẫn còn cảm thấy lạ lẫm, thì đọc thuộc lòng lần nữa, cần có thể đọc thuộc lần nữa, không chút trở ngại nào, sau đó mới thôi. Như vậy, thì sau ba tháng, đại khái có khoảng 30 bài văn dài có thể đọc thuộc làu làu, cách hành văn ắt sẽ thông suốt. Nếu như có thể có trăm bài cổ học đọc thuộc lòng trong đầu, thì đã có thể trở thành nhà văn rồi. Học chữ tập viết đặc biệt quan trọng!”.
Tưởng Giới Thạch xem trọng giáo dục con cái học tập sách cổ điển quốc học, vừa để con mình tiếp thu tinh hoa của văn hóa truyền thống Trung Hoa, cũng đặt định nền tảng tăng cường năng lực tư duy và rèn luyện văn bút cho con mình.
(Còn tiếp)
Vũ Dương
Theo Secretchina.com
Bạn đang đọc bài viết: “Tưởng Giới Thạch đã dạy dỗ quý tử của nhà mình như thế nào? (P.1)” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |