Năm học 2019-2020, trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị chỉ tuyển được 34 sinh viên, có khoa không tuyển được sinh viên nào.
Ngày 23/8, VnExpress đăng tải, trong đợt 1 kỳ tuyển sinh của Trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) Quảng Trị năm nay, trường chỉ tuyển được 34 sinh viên, có 30 em ở ngành học sư phạm mầm non, bốn sinh viên còn lại chia cho bốn ngành gồm sư phạm âm nhạc, tiếng Anh, giáo dục công dân, giáo dục tiểu học.
Các ngành còn lại như sư phạm tin học, lịch sử, mỹ thuật, vật lý, sinh học, kế toán, quản trị văn phòng… đều không tuyển được sinh viên nào.
Trao đổi với báo chí, ông Trương Đình Thăng, hiệu phó trường CĐSP Quảng cho hay, mỗi ngành phải tuyển được ba sinh viên nhà trường mới phân công giảng viên. Với những ngành tuyển được ít sinh viên hơn tiêu chí này, trường gửi các em đến trường cao đẳng khác để học.
Theo báo Dân Việt, trường học có những lớp học chỉ có 4 sinh viên. Đó là 4 nữ sinh viên năm 2 khoa Sư phạm tiếng Anh, khóa K23.
Năm học này, toàn trường có 200 sinh viên chủ yếu là ở ngành học sư phạm mầm non. Sĩ số các lớp đều rất thấp. Các lớp chủ yếu duy trì sỉ số trên dưới 10 sinh viên.
Theo Thăng cho hay, do thiếu sinh viên nên nhà trường dồn lịch học vào buổi sáng, buổi chiều cho các hoạt động khác, nhiều phòng học, phòng thực hành cũng bỏ không.
Năm học 2011-2012 về trước, trường có đến 1.700 sinh viên. Ba dãy giảng đường chính, hai hội trường đa chức năng, nhiều phòng chức năng khác… có thể đáp ứng đến 3.000 sinh viên.
Vị hiệu phó cũng thông tin, số lượng sinh viên vào trường bắt đầu giảm từ năm học 2014 và qua các năm càng thấp dần. Ông lý giải Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu giáo viên các cấp phải trình độ đại học, số lượng giáo viên bão hoà, nghề giáo ra trường khó xin việc trong khi chế độ đãi ngộ không hấp dẫn, đầu vào cao… khiến trường không tuyển được sinh viên.
Nhà trường có đội ngũ chất lượng cao gồm 10 tiến sĩ, 72 thạc sĩ. Hiện trường đang trình đề án xin thành lập trường liên cấp, ngoài đào tạo hệ cao đẳng còn dạy từ cấp tiểu học đến phổ thông để đội ngũ giảng viên có cơ hội đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có.
Có thể bạn quan tâm: