– Ê, đằng ấy còn chơi trò XXX không?
– Có chứ sao không? Thế đằng ấy cày đến ‘level’ bao nhiêu rồi?
…
Đó là những câu cửa miệng trong các cuộc tán gẫu giữa hai cậu học sinh tuổi mới lớn. Trò chơi điện tử tưởng chừng là món ăn tinh thần của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các nam sinh cấp 2, cấp 3, nhưng nó đang dần biến các game thủ thành con người khác như thế nào?
1. Những lợi ích ngộ nhận
Nhiều bạn trẻ ủng hộ trò chơi điện tử vì cho rằng, trò chơi điện tử giúp người chơi trui rèn sự khéo léo, nhanh tay, nhanh mắt, nâng cao tư duy logic qua các câu hỏi đố vui. Có người tìm đến games với mong muốn giải trí, có người là để giao lưu cùng bạn bè, đồng nghiệp. Và nếu chơi ở mức độ vừa phải, người chơi có thể được tận hưởng niềm vui chiến thắng, giúp xua tan đi phiền muộn, giải tỏa áp lực học hành hay công việc.
2. Kích thích bạo lực
Theo pháp luật quy định, giết người chính là một tội ác. Làm hại người khác là đi ngược lại với nhân tính, tình yêu thương. Nhưng trong nhiều trò chơi, các game thủ hóa thân vào các vai phản diện như kẻ trộm, tù vượt ngục, võ sỹ và thậm chí là cả những quái vật dễ dàng đâm chém người khác mà không cảm thấy rùng rợn.
Có đáng buồn không khi càng giết nhiều người, các game thủ càng hoàn thành “nhiệm vụ” trong games như “Tiêu diệt 5 người cùng lúc”. Hay để lên ‘level’, đạt danh hiệu “Anh hùng”, “Vô địch thiên hạ”, thì mục tiêu đầu tiên là phải trở thành sát thủ cừ khôi?
Bất kể điều gì khi tiếp xúc lâu dài sẽ trở thành bản năng, thói quen. Đáng sợ là việc này diễn ra hàng ngày và âm thầm tác động đến tiềm thức của giới trẻ.
Miên man trong tâm hồn non nớt ấy là những tư tưởng bạo lực, các em có thể coi bất cứ ai trong cuộc sống là kẻ thù. Bạn bè, người thân có thể bị coi như quái vật trong games để mà “tiêu diệt”. Chỉ cần có người “nhìn đểu” cũng có thể dẫn động bản tính nông nổi, gây gổ mâu thuẫn, cuối cùng là đánh nhau cho hả giận. Hậu quả là bạo lực học đường tràn lan. Thậm chí, có em còn trộm cắp, đe dọa người thân để có tiền chơi games, lấy đi biết bao giọt nước mắt của các phụ huynh.
3. Càng chơi nghiện càng nặng
Ở lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý có sự biến đổi, nên nếu được bạn bè mời gọi, các em rất dễ sa ngã, từ hứng thú ban đầu dần dần sẽ biến thành say mê. Đặc biệt, ở tuổi này, tâm lý muốn khẳng định cái “tôi” là rất lớn, các em cũng dễ ganh đua lẫn nhau “xem ai level cao hơn”, ai sở hữu món vũ khí, báu vật hiếm hơn? Càng lúc các em càng lạc vào thế giới ảo kỳ lạ mà xa rời thế giới thực bên ngoài.
Càng chơi thì thời gian dành cho games sẽ càng ngày càng tăng nếu không được kiềm chế kịp thời. Nhiều em chơi từ lúc mặt trời lặn cho đến nửa đêm trăng tròn. Có em lén trốn phụ huynh ra quán điện tử hay mượn điện thoại của bạn để chơi. Nếu có sẵn máy tính, tablet, nhiều em chơi âm thầm lén lút khi bố mẹ vắng nhà.
Theo TS. Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, thì: “Thời gian trung bình chơi game vượt quá 2 giờ mỗi ngày đủ để được xem là nghiện” (dẫn lời báo Giáo dục Thời đại).
Nhưng thực tế, có những em chơi đến 3-4 giờ một ngày. Phải chăng đó cũng chính là một nguyên nhân dẫn đến xao nhãng học hành, tâm lý bất ổn?
4. Xao nhãng học hành
Tuổi mới lớn là lứa tuổi đầy mộng mơ với hoa phượng, với cành bằng lăng xanh tỏa bóng mát. Thời gian các em dành để học tập hay vui chơi thể thao cùng các bạn đồng lứa, giờ đây, nhiều khi lại gắn chặt với chiếc smartphone hiện đại. Đắm chìm trong các trò chơi, các em tận sức theo đuổi những “thành tích ảo” trong games thay vì đèn sách bút nghiên. Tất nhiên, học tập quá nhiều cũng cần được thư giãn, nhưng chơi games quá nhiều thì còn gây tác hại một cách ngấm ngầm mà khó nhận ra.
Giá như các em biết tỉnh táo cân bằng thời gian giữa việc học, chơi, nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình, thì đó mới thật sự là tuổi thanh xuân đầy ý nghĩa và bổ ích cho bản thân mình.
- Xem tiếp Kỳ 2
Bạn đang đọc bài viết: “Trò chơi điện tử đã hủy hoại con em chúng ta như thế nào? (Kỳ 1)” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |