Đại Kỷ Nguyên

Trẻ trước 10 tuổi không dạy 4 quy tắc này, tương lai sẽ rất khó nói!

Bốn quy tắc dưới đây, nhìn thì có vẻ rất đơn giản dễ học nhưng lại vô cùng quan trọng đối với quá trình hình thành tính cách của một đứa trẻ. Vậy nên các bậc cha mẹ cần hết sức lưu tâm.

Kiểu người như thế nào sẽ được nhiều người thích nhất? Chủ đề này được khá đông đảo người tham gia bình luận và chia sẻ. Mà đáp án được mọi người tán đồng nhiều nhất chính là: người có tu dưỡng.

Đúng vậy, người có tu dưỡng, có phẩm chất tựa như làn gió ngày xuân, khiến cho người khác cảm thấy ấm áp và thoải mái.

Một số hành động dù nhỏ nhặt thôi nhưng lại đầy ý nghĩa và cao thượng của những người có tu dưỡng khiến người chứng kiến không khỏi cảm động. Ví như có người xúc động kể lại rằng: Tôi vừa mới đi mua giày ở tiệm, cửa ra vào của tiệm giày có treo rèm, khi mua xong đang muốn đi ra ngoài, thì người thanh niên đi ra trước tôi đứng lại dùng tay giữ rèm, vì sợ những sợi rèm kia quất vào mặt tôi nên chờ tôi đi ra xong mới thả rèm ra; ở thư viện, một nữ sinh đi giày cao gót, cẩn thận kiễng chân bước từng bước nhẹ nhàng, vì sợ làm ồn đến người khác đang đọc sách,…

Vậy nên mới nói, được quen biết và kết giao với người có tu dưỡng là một sự may mắn vô cùng.

Thân là cha mẹ, cần phải bồi dưỡng con cái mình trở thành một người có giáo dưỡng. Cha mẹ nhất định phải bồi dưỡng những phẩm cách cao thượng cho con cái của mình ngay từ khi còn nhỏ. Làm được như vậy, cho dù tương lai sau này con trẻ không đạt được thành tích dẫn đầu, thì ít nhất cũng trở thành một người có phẩm chất tốt, được người khác tán thưởng, tôn trọng.

Cha mẹ cần bồi dưỡng con cái mình trở thành một người có giáo dưỡng ngay từ lúc nhỏ. (Ảnh theo afamily )

Nhưng làm thế nào để bồi dưỡng con trẻ trở thành một người có giáo dưỡng, phẩm cách tốt đây? Trẻ trước 10 tuổi cha mẹ cần dạy con 4 quy tắc này:

1. Không cười nhạo khuyết điểm của người khác

Ngày trước khi mới vào học cấp hai, trong lớp tôi có một bạn nam rất thích lấy khuyết điểm của người khác ra để cười nhạo. Giờ học thể dục, thầy giáo cho cả lớp thi chạy. Chạy xong, cậu ấy chỉ vào bạn chạy về sau cùng rồi cười ha ha nói với bạn bên cạnh: “Này nhìn xem người lùn chạy kìa, chân cậu ta ngắn như vậy chả trách sao lại chạy chậm”. Trong lớp có cô bạn có làn da hơi đen, cậu ấy thỉnh thoảng cười nhạo nói: “Bạn đen như thế, thật chẳng biết được còn có ngày vịt đen biến thành thiên nga không đây ha?”

Bởi vì cậu ấy luôn thích cười nhạo khuyết điểm của người khác, cho nên trong lớp không có ai muốn kết bạn với cậu, ngay cả những bạn ngồi cùng bàn cũng không muốn nói chuyện với cậu ấy.

Có lẽ sẽ có người nói rằng, trẻ nhỏ vô tư thích đùa giỡn, nên không có ác ý. Tuy nhiên, đối với mình chỉ là vui đùa, nhưng đối với người khác là tổn thương, mặc cảm, là trực tiếp tổn hại sự tự tôn của người khác.

Cho nên, ngay khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ phải giáo dục trẻ cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, không nên tùy ý chế nhạo người khác, lại càng không nên lấy khuyết điểm của người khác ra để đùa giỡn, cười cợt. Nhân vô thập toàn, trên thế giới này không có ai là hoàn mỹ, mỗi người đều có khuyết điểm. Khi chế nhạo người khác, cũng là đang cười nhạo chính bản thân mình. Nếu phát hiện khuyết điểm của người khác, thì có thể chân thành góp ý, nhắc nhở, tốt hơn thì giúp họ sửa chữa khuyết điểm đó. Đây chính là một cách tôn trọng người khác, cũng là tôn trọng bản thân mình.

2. Không được tùy ý lấy đồ của người khác

Một người đồng nghiệp của tôi kể: Hôm đó cô ấy dẫn con gái 8 tuổi đến nhà một người bạn chơi. Con gái của cô và con gái chủ nhà cùng chơi với nhau rất vui vẻ. Đến khi về nhà, cô mới phát hiện con gái mình cầm một cái kẹp tóc đính đá của con gái chủ nhà. Việc này, nếu nói dễ nghe thì là trẻ mang đồ của người khác về nhà chơi, nếu nói khó nghe, thì chính là hành vi trộm lấy mang về.

Cô ấy rất tức giận, hỏi con gái tại sao lại lấy đồ của người khác. Cô con gái nhìn mẹ với ánh mắt hy vọng, nói: “Con thấy cái kẹp tóc đó rất đẹp, cho nên rất muốn có nó”. Nghe vậy cô bạn đồng nghiệp của tôi càng tức giận, cầm thước đánh hai cái vào tay cô bé. Sau đó cô dẫn con gái quay trở lại nhà người bạn đó để xin lỗi và trả lại chiếc kẹp tóc.

Nghe đến đây, tôi nói với cô ấy: “Chị đã phản ứng hơi quá nặng tay đối với con gái rồi, chỉ cần nghiêm khắc nói cho con hiểu không được tùy ý lấy đồ người khác là được rồi, không nên đánh con như vậy”. Cô ấy than rằng: “Tôi cũng biết là mình hơi nặng tay với con, nhưng cũng bởi tôi lo lắng quá, lo là con mình không nhớ kỹ, cứ như vậy sau này trở thành thói quen hay trộm đồ của người khác thì làm sao đây? Tôi thật sự không dám nghĩ đến nữa”.

Nếu tùy ý lấy đồ của người khác trở thành thói quen thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách sau này của trẻ. (Ảnh minh họa: kidsna.com)

Tôi có thể hiểu được tâm tình của chị bạn đồng nghiệp. Cha mẹ sợ nhất chính là con cái mình hư hỏng, trộm lấy một cái kẹp tóc là chuyện nhỏ, nhưng nếu không biết đó là hành vi sai trái mà hối cải, lâu dần trở thành thói quen xấu mới là chuyện lớn.

Do đó, cha mẹ nhất định phải bồi dưỡng cho trẻ ý thức sở hữu. Đồ vật của người khác chính là của người khác, cho dù mình có thích như thế nào đi chăng nữa, thì cũng không được tùy ý lấy đi khi chưa có sự đồng ý của họ. Đồng thời dạy cho trẻ biết, cần phải hỏi ý kiến và có sự đồng ý của chủ nhân đồ vật thì mới được lấy đi, đó chính là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp, trong cách xử sự hàng ngày.

3. Cần phải biết tuân thủ các quy tắc và thứ tự

Một chiếc xe buýt đang chạy rồi đột ngột phanh gấp lại, khiến cho một cô bé đang bưng ly sữa đậu nành làm đổ sữa xuống sàn xe. Cô bé ước chừng khoảng 12 tuổi, ngồi xổm xuống, lấy khăn giấy ra lau sàn xe, phải mất 10 phút và tốn hai túi khăn giấy, cô bé mới lau sạch được số sữa đã đổ trên sàn xe. Chứng kiến việc này, một người đứng bên cạnh hỏi cô bé: “Tại sao phải mất công đi lau sàn xe như vậy, đây là xe công cộng mà”. Cô bé nói: “Chính vì xe buýt là một phương tiện công cộng, nên khi bạn bước lên cửa nó như thế nào, thì khi bạn bước xuống nó sẽ phải như thế ấy”. Một đứa trẻ có giáo dưỡng như thế, thật khiến cho mọi người đều không thể không tấm tắc khen ngợi!

Cha mẹ cần phải cho trẻ biết rằng, trong cuộc sống, trong xã hội, có rất nhiều quy tắc và trật tự yêu cầu mỗi người phải hiểu và tuân thủ. Ví như, khi mua đồ mà phải xếp hàng, thì người đến trước được mua trước, người đến sau phải xếp hàng phía sau để chờ đến lượt mình; đi đường thì phải chú ý đèn tín hiệu, xanh là được đi, vàng là chuẩn bị dừng, đỏ là dừng lại; khi ra bên ngoài thì đồ thải ra phải vứt vào thùng rác; ở nơi công cộng đông người không được lớn tiếng gây ồn ào;…. Toàn bộ quy tắc xã hội được đặt ra là nhằm thuận lợi hơn cho mỗi người. Một khi đã đặt ra quy tắc thì cần mỗi một người phải tuân thủ theo.

Con trẻ còn nhỏ, rất có thể chưa biết khái niệm về quy tắc, vậy nên cha mẹ phải nghiêm túc tuân thủ trật tự, tôn trọng quy tắc để làm gương cho trẻ. Trẻ sẽ nhìn vào hành vi của cha mẹ mà học theo, từ đó mới trở thành  thói quen tốt, có ý thức trong cuộc sống hàng ngày.

Cho trẻ hiểu là cần phải biết tuân thủ các quy tắc và thứ tự. (Ảnh minh họa: woman.excite.co)

4. Nếu gây ra lỗi, thì phải biết nói lời xin lỗi

Trong một clip được đăng trên mạng xã hội, một người cha người nước ngoài dẫn theo hai cô con gái cùng đi siêu thị. Cô con gái nhỏ giật cuốn sách trên tay người chị gái, người cha yêu cầu cô bé nói xin lỗi với chị gái, nhưng cô bé nhất định không chịu, còn nằm lăn xuống sàn nhà ăn vạ. Nhưng người cha vẫn rất kiên nhẫn và bình tĩnh, ông đỡ con gái nhỏ dậy, nói lý lẽ và tỉ mỉ dạy con phát âm hai từ ‘Xin lỗi’. Cuối cùng, cô bé cũng hiểu và nói xin lỗi chị gái mình, hai chị em lại vui vẻ hòa thuận với nhau.

Đối với nhiều người mà nói, thật khó khăn để nói lên ba từ “Thật xin lỗi”. Bởi vì họ cảm thấy nói như vậy thật mất mặt, cứ như thể nói xin lỗi là mình bị kém đi một bậc vậy. Nhưng kỳ thực, một khi làm sai mà hiểu được và thật lòng nói lời xin lỗi, thì đó mới là phẩm chất đáng được tán thưởng. Nói xin lỗi không có gì đáng sợ, chỉ cần có can đảm nhận lỗi và thái độ biết sửa chữa lỗi lầm, thì sẽ không một ai khinh thường bạn, mà ngược lại còn đánh giá bạn là một người đáng tin cậy.

Từ khi còn nhỏ, cha mẹ chú ý giáo dục con trẻ biết nhận lỗi, biết sửa lỗi, và dưỡng thành ở con một phẩm cách tốt, thì có thể giúp trẻ trở thành người ưu tú được mọi người yêu mến.

Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch

Exit mobile version