Đại Kỷ Nguyên

Top 10 sự kiện giáo dục Việt Nam 2019: Đổi thay, thách thức và thành tựu

Năm 2019, trong khi các cơ quan quản lý bận rộn triển khai các chương trình, kế hoạch mới, cũng như xử lý bê bối cũ, thì chốn học đường đã xảy ra những sự kiện gây bức xúc, bàng hoàng dư luận. Tuy nhiên, đó đây vẫn còn những điểm sáng tạo động lực, hy vọng mới cho tương lai.

1. Luật giáo dục được thông qua

Ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục mới được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức hoạt động giáo dục đào tạo. Những nội dung mới bao gồm: tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục; bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận; quy định nâng chuẩn đào tạo của giáo viên một số bậc học; chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập, đặc biệt học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập sẽ không phải đóng học phí… Với những thay đổi đó, Luật Giáo dục 2019 được các nhà lập pháp kỳ vọng sẽ nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế. 

2. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học đã xây dựng xong. Tuy nhiên, để triển khai chương trình trên có chất lượng, hiệu quả là không đơn giản. Thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề, tạo ra những dư luận trái chiều trong xã hội. Cụ thể: dạy xác suất, thống kê từ lớp 2; cuốn sách giáo khoa giáo dục thể chất lần đầu tiên xuất hiện; biên soạn, độc quyền sách giáo khoa và đặc biệt là những ‘lùm xùm’ trong việc lựa chọn bộ sách được dạy cho lớp 1 trong năm học tới.

3. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả tiền thù lao cho lãnh đạo Sở Giáo dục Tp. HCM

Trong năm 2019, các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa được quan tâm và tạo nên dư luận không nhỏ. Đáng lưu ý là việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả tiền thù lao cho lãnh đạo Sở Giáo dục Tp. HCM.

Từ năm 2015, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã có quyết định việc chi thù lao Ban Chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam thuộc Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Tp. HCM. Trong danh sách chi tiền gồm có 11 người công tác ở Sở GD-ĐT Tp. HCM, trong đó có cả Giám đốc Sở (trưởng ban), Phó giám đốc Sở (phó ban) và các ủy viên là chánh văn phòng… Đến năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo và chi thù lao Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn Bộ SGK miền Nam. 11 cá nhân có tên từ Ban chỉ đạo năm 2015 tiếp tục có tên trong danh sách đợt này.

Vừa qua khi Bộ GD-ĐT công bố danh mục 32 bản thảo sách SGK lớp 1 được phê duyệt để sử dụng trong năm học mới thì có tới 24 bản thảo là của NXB Giáo dục Việt Nam. Theo Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 quy định thẩm quyền lựa chọn SGK sẽ thuộc về UBND cấp tỉnh. Sở GD-ĐT địa phương sẽ là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đưa ra các quyết định.

Tp. HCM là địa bàn có số học sinh nhiều nhất nước với thị trường rộng lớn. Dư luận băn khoăn việc NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD-ĐT Tp.HCM để làm SGK liệu có làm ảnh hưởng tới việc lựa chọn sách ở địa phương?

4. Xử lý gian lận thi cử Hà Giang và Sơn La

Sau 1 năm điều tra và 2 lần hoãn xét xử, tháng 10/2019, cả 2 phiên tòa liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang và Sơn La đều diễn ra, thu hút sự chú ý của đông đảo công luận. Chưa bao giờ có nhiều cán bộ giáo viên của ngành giáo dục bị đưa ra xét xử trong một vụ án và cũng ít khi có nhiều cán bộ quan chức ở nhiều cấp, trong nhiều lĩnh vực khác nhau của một địa phương cùng liên đới như vậy.

Dư luận quan tâm nhiều đến xử lý gian lận thi cử (ảnh: Tiền Phong).

Trong phiên tòa xét xử vụ việc ở Hà Giang, theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, 5 bị cáo, bao gồm 5 cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục và 1 cán bộ lãnh đạo ngành công an đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cấu kết với nhau thực hiện hành vi nâng điểm cho 107 thí sinh với 309 bài thi. Trong đó có thí sinh được nâng đến 29,95 điểm cho 4 môn thi trắc nghiệm. Ngoài các bị cáo trên, tòa còn triệu tập 178 người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nhưng chỉ có 86 người có mặt trong phiên tòa.

5. Giáo dục tư nhân phát triển mạnh

Năm qua, nhiều tên tuổi mới trong và ngoài nước đầu tư gia nhập thị trường giáo dục, đặc biệt tại hai thành phố lớn Hà Nội và Tp. HCM. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tp. HCM vào tháng 5/2019, đã có các nhà đầu tư tham gia vào 14 dự án giáo dục với tổng nhu cầu vốn là 3.046 tỉ đồng (138 triệu USD). 

Bên cạnh đó, nhiều trường học mới được khởi công, những thương vụ mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng trong thời gian qua cho thấy, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam đang thực sự sôi động và hấp dẫn. 

Việt Nam đang phát triển mạnh giáo dục tư nhân. Theo thống kê của TTC Edu, phụ huynh Việt Nam chi đến 47% thu nhập cho việc giáo dục con cái. Mỗi năm, người Việt chi khoảng 3 tỷ USD cho con du học, nhất là bậc phổ thông trung học và đại học, cao đẳng.

6. Học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong và những sự việc đau xót

Tháng 8/2019, sự việc bé trai L.H.L, 6 tuổi, học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong thương tâm đã khiến dư luận cả nước bàng hoàng, đau xót và hoài nghi về các vấn đề có liên quan. Cuối tháng 12/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) công bố cáo trạng truy tố 3 bị can gồm: N.B.Q (Sinh năm 1964, nhân viên giám sát trên xe đưa đón học sinh), D.Q.P (Sinh năm 1966, lái xe ô tô đưa đón học sinh trường Gateway) và N.T.T (Sinh năm 1990, giáo viên trường Gateway). 

Học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong trên ôtô đưa đón của nhà trường khiến dư luận đau xót (ảnh: Sao Star).

Những tưởng sau vụ việc đau lòng nêu trên thì sự an toàn của trẻ nhỏ phải được nhiều trường học đề cao hơn nữa. Thế nhưng chỉ 1 tháng sau đó, bé 3 tuổi bị bỏ quên khoảng 7 tiếng trên xe ô tô đưa đón của một trường mầm non ở Bắc Ninh dẫn đến mất nước, sốt cao và được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sự việc thương tâm tiếp diễn vào tháng 11/2019, một bé trai 34 tháng tuổi tử vong khi chơi cầu trượt tại Trường mầm non Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, một lần nữa khiến dư luận đau lòng và bất an về sự an toàn trong trường học.

Rồi liên tiếp xảy ra 2 vụ xe đưa đón của nhà trường “đánh rơi” học sinh khiến cộng đồng xôn xao. Mặc dù có khá nhiều lời giải thích đến từ phía những người lớn có liên quan trực tiếp, vậy nhưng phụ huynh của những đứa trẻ và tất cả những người đang là bậc cha mẹ đều thấy quá bất an khi giao phó con mình cho nhà trường quản lý.

Những vụ việc nêu trên đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đau xót nhất cho sự an toàn của học sinh trong năm qua. Liệu khi nào người lớn mới có đủ trách nhiệm đối với an toàn của trẻ nhỏ?

7. Phụ huynh đánh giáo viên và sự xuống cấp của đạo đức học đường

Vào ngày 17/12/2019, Trung tâm dạy môn năng khiếu Mun Art tổ chức buổi đối thoại giữa Ban Giám đốc với phụ huynh Th về việc con bà bị “bỏ rơi” trong buổi biểu diễn nghệ thuật nhân ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11. Trong lúc hai bên đang trao đổi căng thẳng thì phụ huynh Th. bất ngờ tát vào mặt giáo viên H. của trung tâm, trước mặt nhiều người trong cuộc họp.  

Hành động nêu trên đã gây nên bức xúc không nhỏ trong dư luận. Nhưng có lẽ phản ứng của dư luận cũng chỉ là giọt nước tràn ly, khi những hành động bạo lực của phụ huynh với giáo viên không còn là điều lạ lẫm. Trong năm 2019, những vụ việc đáng buồn hơn thế đã xảy ra với giáo viên tại Hải Phòng, Quảng Nam, Tp. HCM, Đồng Tháp, Đắk Nông…, đặc biệt có những trường hợp cô giáo đã bị hành hung đến mức phải cấp cứu tại bệnh viện.

Trong khi phụ huynh bạo hành giáo viên, thì học sinh cũng trở thành nạn nhân của các thầy cô. Điển hình như hành vi đánh học trò của cô giáo ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, Tp. HCM) nghiêm trọng đến mức phải cho ra khỏi ngành giáo dục, hay giáo viên Trường THCS Long Hòa, tỉnh An Giang phạt học sinh không thuộc bài bằng cách dùng cây đánh, khiến em T bị vẹo cột sống, phải nhập viện… Thêm nữa, các vụ việc lạm dụng thân thể học sinh trong năm 2019 gia tăng gây bức xúc không nhỏ cho dư luận. 

Bạo lực học đường xảy ra đối với cả giáo viên và phụ huynh khiến dư luận bức xúc (ảnh: RFA).

Còn các hành vi bạo lực của học sinh với nhau có lẽ không cần nêu ra nữa, bởi chúng đã trở nên quá phổ biến. 

Kinh tế phát triển nhưng một bộ phận thầy cô, học sinh và cả phụ huynh ngày nay dường như đã quá khác xưa. Khi đạo đức học đường xuống cấp nghiêm trọng, liệu có còn “giáo dục” thực sự trong trường học?

8. Số huy chương vàng nhiều nhất tại kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO)

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019, hầu hết các thí sinh của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế đều giành huy chương, đem về thành tích tốt cho nền giáo dục nước nhà.

Cụ thể, tại kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) 2019 diễn ra tại Hà Nội, đoàn Việt Nam có 36 học sinh đoạt giải, trong đó có 15 huy chương vàng, 14 bạc và 7 đồng.

Đặc biệt, đoàn Việt Nam giành số huy chương vàng nhiều nhất (15), là thành tích tốt nhất trong bốn năm tham dự IMSO. Đứng thứ hai là Thái Lan với 10 huy chương vàng, Singapore 6, Trung Quốc 4, Sri Lanka, Malaysia và Mỹ mỗi nước có một giải vàng.

9. Cô giáo trường làng vào top 50 giáo viên toàn cầu

Từ chối làm việc ở Canada, cô Trần Thị Thúy trở về trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) truyền đam mê học tiếng Anh cho học trò nông thôn. Năm 2019, Cô giáo được tổ chức giáo dục Varkey Foundation chọn là một trong 50 giáo viên toàn cầu, từ hơn 10.000 ứng viên. Giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.

Cô Trần Thị Thúy được tổ chức giáo dục Varkey Foundation chọn là một trong 50 giáo viên toàn cầu (ảnh: Báo Vĩnh Long).

Câu chuyện của cô bắt nguồn từ những lần tìm cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh. Tình cờ cô Thúy biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo. Tìm được nội dung hữu ích về phương pháp dạy học tích cực, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học sinh giao tiếp với học trò, người dân các nước khác, học theo dự án.

Vào năm học 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với trường vùng quê như THPT Đức Hợp. Hiệu trưởng cũ và không ít giáo viên sợ cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh… của học sinh khiến cô kiên trì cách dạy mới. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của cô.

Vì trường không có wifi, camera kết nối Internet nên để tổ chức những buổi học skype cho học sinh, cô Thúy phải tự trang bị, mang lên lớp máy tính xách tay, bộ phát wifi. Cần đường truyền ổn định, cô giáo đã mua dây, xin nhà trường cho nối mạng từ phòng hiệu trưởng đến các lớp học.

Hiện nay, đường truyền Internet của cô Thúy dài đến 200m, kéo đủ đến những phòng học trên tầng cao của 3 dãy nhà trong trường. “Giờ ra chơi, học sinh lớp này sẽ lên thu dây từ lớp khác rồi kéo sang phòng học của các em. Tuy vất vả một chút nhưng tôi và học trò đều hiểu rằng có Internet mọi thứ sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn nên tất cả đều cố gắng”, cô Thúy nói.

Cô Thúy đã giành giải Nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2016; là một trong bốn đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017. Tại diễn đàn, sau khi cùng bốn giáo viên thắng chung cuộc nhờ sáng tạo dạy học sử dụng trò chơi, cô Thúy được lãnh đạo Microsoft Canada chào mừng tới quốc gia này. Tuy nhiên, cô từ chối với lý do “ra đi là để trở về”.

10. Lần đầu tiên 3 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng tốt nhất toàn cầu

Ngày 12/9/2019, tuần san Times Higher Education (THE) chính thức công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu. Đây là bảng xếp hạng rất có uy tín được THE công bố thường niên, và lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801-1.000 đại học tốt nhất, còn Đại học Quốc gia Tp. HCM trong nhóm 1.000+. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng, Đại học Quốc gia Tp. HCM đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp còn Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.

Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Video xem thêm: Điều gì làm nên giấc mơ Shen Yun?

Exit mobile version