Đại Kỷ Nguyên

Tình yêu đích thực của người mẹ chính là ‘rút lui’ êm đẹp

Tôi là một người mẹ năm nay 57 tuổi, nghỉ hưu được 2 năm rồi. Con trai tôi 31 tuổi, năm tôi nghỉ hưu cháu mới kết hôn. Từ nhỏ đến lớn tôi rất cưng chiều con trai. Con trai kết hôn rồi, tự nhiên tôi cũng đảm nhiệm luôn trách nhiệm chăm sóc con trai và con dâu. Đối với tôi thì đây là lẽ đương nhiên.

Đừng tự cho là tốt với con cái, chỉ bất cẩn nhỏ lại chính là hại chúng

Tôi vốn nghĩ sau khi con trai kết hôn thì vợ chồng con sẽ sống cùng với hai vợ chồng già chúng tôi. Vì chồng tôi khuyên can, nói rằng vợ chồng con cần không gian riêng, tôi mới bỏ ý nghĩ đó.

Nhưng để tiện chăm sóc con trai con dâu, vợ chồng tôi chuyển đến ở cùng khu nhà của hai con. Buổi sáng hàng ngày tôi đến nhà con trai giúp làm cơm sáng, quét dọn. Buổi tối, sau khi làm cơm xong, đợi hai con chuẩn bị đi ngủ tôi mới trở về nhà mình.

Một hôm, giống như mọi ngày, tôi xách thực phẩm mua ở chợ về, vui vẻ đến nhà con trai.

Nhưng không thể mở được cửa nhà. Không phải tôi cầm nhầm chìa khóa, mà là con dâu đã thay khóa mới.

Con dâu nói: “Gần đây khu phố có nhiều vụ trộm cắp, do đó…”

Hôm đó vẫn như thường lệ, tôi làm cơm sáng cho cả nhà các con, quét dọn nhà cửa, đem quần áo bẩn ra giặt rũ. Nhưng chúng không đưa cho tôi chìa khóa mới. Có lẽ chúng quên.

Buổi tối, con trai đến nhà tôi, đưa cho tôi một chiếc chìa khóa. Tôi vốn không yên tâm liền để xuống, nhưng con trai nói một câu: “Đừng để vợ con biết”.

Tôi biết sự tình không đơn giản.

Bạn chỉ chú ý đến công sức bạn bỏ ra, điều đánh đổi lại có thực sự như bạn nghĩ không?

Ngày hôm sau, cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, tôi lại đến nhà con trai như thường lệ. Nhưng vừa đến cửa nhà con thì liền nghe thấy tiếng tranh cãi bên trong. Chỉ thấy con dâu nói không ngớt:

“Anh nhất định phải đem chìa khóa cho mẹ anh sao. Quần áo lót để ở làn quần áo bẩn, sáng sớm hôm sau mẹ anh đã giặt rồi. Nhìn quần lót, nịt ngực phơi ở ban công, em không thấy vui chút nào, mà chỉ có xấu hổ vì đồ riêng tư bị người ta nhìn thấy”.

Vừa đến cửa nhà con thì liền nghe thấy tiếng tranh cãi bên trong. (Ảnh minh họa: phunuvietnam.vn)

“Anh xem, anh được mẹ anh chiều, hàng ngày về nhà là nằm dài trên sofa, việc gì cũng không làm, đồ cũng không thu nhặt, rác cũng không đổ, chỉ thiếu nước đem cơm đút miệng anh nữa thôi. Anh giống như đứa trẻ mới cai sữa vậy”.

“Mẹ cũng không như người khác đi công viên tập thể dục, cứ như cái camera chăm chăm chĩa vào chúng ta”.

Người mẹ ‘hiếu thảo’: Bạn xác định xem có thực sự là vì tốt cho con không?

Không ngờ, những công sức bỏ ra của tôi như bà mẹ chồng ‘hiếu thảo’ này, đánh đổi lại lại là những lời như thế này. Điều khiến tim tôi nghẹn lại là con trai từ đầu đến cuối chỉ nói một câu: “Mẹ là mẹ anh, em bảo anh làm thế nào?”

Bất kể là ở nơi công sở hay gia đình, tôi vẫn tự cho rằng một tay mình có thể vun vén chăm lo, cuối cùng, trong mắt con dâu, tôi là một người không hiểu sự đời như thế này đây.

Một lần rời đi giúp tôi hiểu được…

Về đến nhà, tôi rớt nước mắt nói với chồng những oan ức của mình: “Nó là đứa con trai duy nhất của tôi, suy nghĩ lớn nhất của tôi là chăm sóc chúng nó cho tốt, chỉ thiếu nước móc trái tim ra đưa cho chúng nó. Vậy mà lại rơi vào thảm cảnh như thế này”.

Chồng tôi vừa nhè nhẹ vỗ vai tôi vừa nói: “Có dịp tôi sẽ nói chuyện đạo lý với chúng nó”.

Tiếp theo, chồng tôi nói: “Em hãy xem những đồng nghiệp của em đó, gần thì du ngoạn khắp mọi vùng đất nước, xa thì đi khắp thế giới”.

“Trước kia em là một trong những người theo trào lưu mới nhất, nhưng vì chúng nó, giờ đã bị tụt hậu sau biết bao ông già bà già khác rồi. Hãy nghĩ xem, anh cũng thấy oan uổng cho em quá…”

Những lời nói này của chồng tôi, từng câu xối thẳng vào tâm khảm. Lẽ nào tôi không nghĩ đi ngao du chơi?

Nói đi liền đi, tôi không kịp chào hỏi nữa, kéo ông chồng đi du lịch lên thảo nguyên chơi.

Ở nhà những người du mục, tận mắt chứng kiến cả quá trình dê mẹ sinh con, thấy dáng vẻ dê mẹ cho dê con bú, đã bao lâu rồi, tôi và con trai chẳng phải cũng thân thiết như thế này đó sao.

(Ảnh minh họa: Du lịch Việt Nam)

“Các dân tộc du mục trên thảo nguyên một năm 4 mùa đều di chuyển. Nếu dê mẹ cũng như em, việc gì cũng không nỡ buông tay thì dê con làm sao tồn tại được?”

“Hơn nữa, ai muốn lấy một con dê mà về tinh thần vẫn chưa cai sữa đây?”

Chồng tôi đứng bên, vừa xem đàn dê, vừa cảm khái nói.

“Tình yêu của người mẹ đích thực là rút lui êm đẹp”.

Nói rồi, chồng tôi rút điện thoại đưa tôi xem một bài viết.

Dường như bài viết nhằm đúng vào tôi:

“Cha mẹ không nguyện ý rời xa con cái đã trưởng thành, nói là họ yêu thương con, kỳ thực là họ muốn kiểm soát con. Loại kiểm soát này đem lại cho họ cảm giác thành công và lớn mạnh, khiến họ hài lòng với bản thân…”

“Tôi là người mẹ thế này sao?” – Tôi tức giận nhìn chồng.

“Thuộc về loại còn có thể cứu vãn được” – Chồng tôi mỉm cười nhìn tôi.

Chuyến du lịch 7 ngày trên thảo nguyên, tôi và chồng chụp ảnh lưu niệm, anh dạy tôi lấy sáng như thế nào, làm sao để có được ảnh đẹp…

Cùng là hai vợ chồng sống chung một mái nhà, vậy mà sao bao nhiêu năm chúng tôi mới có những khoảnh khắc gần gũi và hạnh phúc như vậy.

Sau khi trở về, tôi gọi điện cho con trai, nói rằng tối tôi sẽ đến nhà các con.

Con trai rất kinh ngạc: “Mẹ, chẳng phải mẹ có chìa khóa đó sao, mẹ cứ trực tiếp đến là được rồi”.

Tôi cười cười không nói gì.

Ăn tối xong, tôi và chồng đến nhà con trai. Đến cửa nhà, tôi gõ cửa, con dâu ra mở cửa. Tôi kể với các con về hành trình 7 ngày du ngoạn của mình.

Tình yêu của người mẹ đích thực là rút lui êm đẹp

Đó là một buổi tối thật vui vẻ. Lúc sắp ra về, tôi lấy từ trong túi ra chiếc chìa khóa mà đối với tôi mà nói, nó tượng trưng cho chủ quyền, quyền phát ngôn, quyền gia trưởng, lặng lẽ để vào tay con trai rồi nói: “Sau này có lẽ mẽ sẽ không thường xuyên đến, nếu có đến cũng sẽ gọi điện thoại trước”.

Con trai nhìn tôi khó xử: “Mẹ, mẹ sao thế?”

“Không phải mẹ tức giận, chỉ là đang học cách rút lui”.

Con trai ôm lấy tôi, mắt tôi bỗng ươn ướt.

Tôi và con trai thực sự cáo biệt là bắt đầu từ cái ôm đó. Mặc dù không nỡ rời, nhưng tôi biết, tôi đã cáo biệt muộn rồi, nhưng vẫn còn kịp.

***

“Mẹ, mẹ đang ở đâu?”. Khi tôi đang du lịch thì nhận được tin nhắn của con trai. Tôi lập tức chụp ảnh cùng chồng rồi gửi đi, kèm theo lời thuyết minh: “Thế giới rộng lớn như thế này, mẹ với cha con muốn đi xem thế giới”.

Một lúc sau, trong nhóm bạn bè của con dâu lan truyền bức ảnh tôi với chồng đang du ngoạn, tiêu đề là: “Tấm gương cho tôi khi về già, cha mẹ chồng thân yêu của tôi”.

Thường có người hỏi: “Muốn có con là để làm gì?

Nối dõi tông đường hay là nuôi con phòng lão?

Cuối cùng nghe được một đáp án khiến người ta cảm động: “Là để hy sinh và thưởng thức”.

Tất cả các bậc cha mẹ đừng coi con cái là thứ duy nhất của mình. Vì con cái mà không có giao lưu xã hội của riêng mình, không có hứng thú sở thích của riêng mình, không để ý đến mình có vui vẻ hạnh phúc hay không.

Cách sống vì con như thế đem lại cho con cái những gì? Ngoài gây áp lực và dằn vặt lẫn nhau ra chẳng có cái gì khác.

Cách làm gương tốt nhất cho con là, cha mẹ yêu thương nhau, cha mẹ hạnh phúc, cha mẹ có sự nghiệp riêng, cha mẹ có vai trò xã hội riêng. Trong con mắt của con cái, cha mẹ là những người mạnh khỏe lạc quan tích cực.

Tất cả các bậc cha mẹ đừng coi con cái là thứ duy nhất của mình. (Ảnh: Medium)

Có người từng chia sẻ rằng:

“Tôi khâm phục một kiểu cha mẹ, họ dành tình cảm thân mật mạnh mẽ với con cái ở tuổi ấu thơ, họ biết rút lui êm đẹp khi con cái trưởng thành. Chăm sóc và rời xa là nhiệm vụ mà bậc cha mẹ ắt phải hoàn thành đối với con cái.

Quan hệ cha mẹ với con cái không phải là chiếm hữu vĩnh cửu, mà là một duyên phận thâm sâu trong sinh mệnh.

Chúng ta không thể để con cái khi còn nhỏ cảm thấy nghèo hèn, lại càng không thể để con cái khi trưởng thành cảm thấy ngột ngạt.

Làm cha mẹ là một cuộc lữ hành dài của con tim và trí tuệ. Không chỉ là làm cha mẹ, đời người rất nhiều lúc đều cần phải hiểu được cách rút lui”.

Không cầu con cái hoàn mỹ, không cần con cái đem lại vẻ vang cho mình, càng không cần con cái dưỡng lão.

Chỉ cần sinh mệnh này tồn tại mạnh khỏe, trong thế giới tươi đẹp này bước đi một lượt, có thể đồng hành với con cái một đoạn đường…

Thế nên mỗi bậc cha mẹ nên chăng tự khuyên bảo mình rằng: “Hãy thay đổi phương thức để yêu thương con cái. Chỉ cần chúng mạnh khỏe, vui vẻ thì đã đủ rồi.

Theo Cmoney
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version