Đại Kỷ Nguyên

Tinh hoa đạo học Việt (P.2): Chuyện thi cử thú vị của sĩ tử ngày xưa (1)

LTS: Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Hàng nghìn năm qua, nước Việt cũng xứng đáng là một “quốc gia lễ nghĩa”, coi trọng sự học. Hãy cùng ngược dòng quá khứ để tìm hiểu xem các sĩ tử thời xưa mài giũa sự học hành của mình như thế nào. 

Tiếp theo Kỳ 1

Ở kỳ trước, chúng ta đã có một chuyến du hành nhỏ ngược thời gian, trở lại thời kì những học trò tóc để chỏm ê a trong lớp dùi mài kinh sử. Kỳ này, mời quý vị và các bạn theo chân các thư sinh mặt trắng lên kinh ứng thí. 

Dưới thời các vương triều phong kiến, phần lớn hàng ngũ quan lại được chọn lọc từ khoa cử. Mục đích học hành của các sĩ tử cũng chính là lên kinh ứng thí, ghi danh bảng vàng, vinh quy bái tổ. 

Ngay từ khi mới lập ra phép tắc giáo dục nhân tài, dựng trường dạy dỗ học sinh, các vương triều Việt Nam đã cố gắng tổ chức những kỳ thi Nho học hoàn chỉnh. Năm 1075, kỳ thi đầu tiên diễn ra dưới triều vua Lý Nhân Tông.

Các khoa thi thời đó không có quy định rõ ràng về thời gian. Khi nhà nước cần tuyển trạch nhân tài phục vụ cho bộ máy quan chế thì mới lại tổ chức thi. Do vậy cứ khoảng 5 năm, thậm chí có lúc là 12 năm, người ta mới tổ chức một kỳ thi Nho học.

Đến năm 1463, vua Lê Thánh Tông mới đặt ra lệ mới: cứ 3 năm tổ chức một khoa thi bao gồm 3 vòng (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Cùng trong năm đó, nhà vua mở khoa thi Hội đầu tiên, thu hút hơn 4400 người dự thí, chọn được 40 tiến sĩ. Tại kỳ thi Đình, tiến sĩ Lương Thế Vinh đỗ đầu, trở thành Trạng nguyên của kỳ thi theo thể thức mới. 

Kể từ đó, lịch sử khoa cử Việt Nam bước sang trang mới. Các kỳ thi Nho học trở thành ngày hội của cả đất nước. Với các nho sinh và gia đình, đó là cơ hội thăng tiến, làm rạng danh dòng tộc. Với triều đình, đó là cơ hội tuyển trạch nhân tài phụng sự quốc gia. Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu thêm một chút về thể chế, cách thức vận hành của một kỳ thi Nho học điển hình. 

Các vòng thi

Sĩ tử nhập trường Hà Nam – Khoa Nhâm Tý 1912 (Ảnh: chimviet.free.fr).

Về cơ bản, các kỳ thi bao gồm 3 vòng: Hương, Hội và Đình. Hai vòng đầu (Hương và Hội) quan trọng nhất. Một tỉnh hoặc nhiều tỉnh sẽ tổ chức kỳ thi Hương. Mỗi kỳ thi Hương có 3 vòng (tam trường) hoặc 4 vòng (tứ trường) tùy theo quy định ở mỗi vùng. Về đại thể, có thể kể ra 4 vòng đó như sau:

Vòng thứ nhất là thi Kinh nghĩa. Thí sinh sẽ phải giải thích, bàn rộng những chỗ khúc mắc, khó hiểu trong một câu kinh sách mà giám khảo chọn. Yêu cầu là bài thi phải làm sáng tỏ ý nghĩa cho câu kinh. 

Vòng thứ hai là thi Chiếu – chế – biểu. Chiếu là lời hiệu lệnh của nhà vua ban xuống cho thần dân. Chế là lời vua ban khen. Còn biểu là lời của thần dân, quan lại  dâng lên nhà vua để thỉnh nguyện, bày tỏ. Hạ biểu là lời chúc mừng của nhà vua, còn tạ biểu là lời tạ ơn của người được phong thưởng, chúc mừng. 

Thông thường, thí sinh phải làm bài chiếu, biểu theo đúng giọng của người được nói đến trong đề mục. Ví dụ chiếu của vua thì giọng phải nghiêm trang, đĩnh đạc, còn biểu của bề tôi thì phải cung kính, lễ phép. 

Trường Hà Nam – Khoa Nhâm Tý 1912. Ở giữa là nhà Thập Đạo, bên cạnh có chòi canh (Ảnh: chimviet.free.fr)

Vòng thứ ba là thi Thơ phú. Về thơ, đề thi sẽ được chọn trong kinh sử, ấn định vần gieo. Thể thơ dùng để làm bài bao gồm: “Cổ phong” và “Đường luật”. Cổ phong linh động hơn, không gò bó về niêm luật, bằng trắc hay số chữ, câu, vần… Đường luật phải làm theo dạng “Thất ngôn bát cú” (8 câu, 7 chữ), phải tuân theo niêm luật vần đối, bố cục cố định, khuôn phép. 

Phú là thể văn vần dùng để phô diễn, mô tả cảnh vật, tính tình, phong tục bằng lối viết trực diện, không dùng so sánh, ẩn dụ… Phú cũng được chia thành “Cổ thể” và “Đường luật”, đều có quy tắc và yêu cầu khác nhau. Thí sinh làm bài phải tôn trọng niêm luật, quy tắc, tỏ rõ tư tưởng thanh cao, lời lẽ thận trọng, khiêm tốn, có ý tán tụng đương triều. Vòng thi thơ phú không khó nhưng kết quả phụ thuộc nhiều vào cảm tính của người chấm thi, thành thử lại trở thành chướng ngại lớn với các thí sinh.

Vòng thứ tư là thi Văn sách, cũng là môn thi quan trọng nhất của mỗi khoa thi. Sách có nghĩa là mưu kế. Bắt đầu từ thời Hán, nhà vua tổ chức các cuộc thi văn sách, cho mời sĩ tử vào sân đình hỏi kế sách trị nước. 

Đề thi của văn sách thường là những câu hỏi về chính trị, quân sự, giáo dục, phép sử dụng nhân tài, đạo vua quan… Thí sinh có thể phải luận về điển tích trong kinh sử xưa hoặc luận về tình thế đương thời, so sánh hiện tại với quá khứ. 

Một chiếc lều của Thí sinh trường Hà Nam – Khoa Nhâm Tý 1912 (Ảnh: chimviet.free.fr)

Sau thi Hương là thi Hội. Về đại thể, thi Hội cũng được chia thành 4 kỳ tương tự như thi Hương. Chữ “Hội” ở đây nghĩa là hội tụ, tụ hợp. Những người đỗ kỳ thi Hương (thường được gọi là Hương cống) sẽ tập hợp và so tài với nhau trong kỳ thi Hội tổ chức ở kinh đô. 

Cuối cùng là kỳ thi Đình (còn được gọi là Điện thí). Sở dĩ gọi như vậy là bởi vòng này các thí sinh đã đỗ kỳ thi Hội sẽ ngồi làm bài thi ở ngay tại sân điện trong tử cấm thành. Đích thân nhà vua sẽ ra đề và chấm thi. Các bài thi đều được rọc phách, bài thi đến tay nhà vua hoàn toàn không có tên họ thí sinh. Cuộc thi này chủ yếu để thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ. 

Quy định trường thi

Trường Hà Nam – Khoa Canh Tý 1900. Các quan họp ở nhà Thập Đạo để ra đề thi (Ảnh: chimviet.free.fr)

Trong khi làm bài thi, các sĩ tử phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về húy kỵ, tức là cấm không được viết tên vua, hoàng hậu, tổ tiên lâu đời hoàng tộc… vào bài thi. Năm 1825, vua Minh Mạng ban hành lệnh cấm 5 chữ “quốc húy”, yêu cầu khi đọc và nói phải tách chữ húy ấy làm hai phần. 

Quy định ở trường thi rất nghiêm ngặt. Sĩ tử phạm phải sẽ bị xử phạt theo từng mức độ. Tội nặng thì bị đề tên lên bảng trét vôi trắng. Bị nêu tên trên bảng này, đối với sĩ tử thời xưa mà nói thì là một điều sỉ nhục lớn. Tội nhẹ thì chỉ bị đánh hỏng bài thi, không bị nêu danh trên bảng niêm yết.

Trong những tội bị đề tên lên bảng thì phạm húy là tội rất lớn. Sĩ tử muốn không phạm húy thì phải viết tránh đi bằng nhiều cách (thêm nét, bớt nét, dùng chữ cận âm, cận nghĩa…), sao cho người đọc vẫn đoán được nghĩa. Người làm bài thi phạm húy đôi khi phải đối diện với những hình phạt rất nặng, không chỉ bị đánh hỏng bài thi mà còn bị chịu phạt đánh, giáng cấp, xóa khỏi sổ đăng khoa (sổ ghi những người thi đỗ)… 

Trong sách “Khoa cử Việt Nam” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, tập thượng) còn tả lại một cảnh rất đặc biệt ở trường thi ngày xưa như sau: “Thời Lê Trung Hưng, để tránh gian lận nên cứ mỗi khoa thi, đến kỳ văn sách, nhà nước bắt sĩ tử làm bài vào lúc đêm tối. Khi đã chép đầu bài, nghe xong ba hồi trống “diệt hỏa” (tắt lửa) là bao nhiêu nến, bạch lạp, đèn dầu trong các lều phải tắt hết. Sĩ tử phải lấy tay bấm phỏng lấy dòng mà viết mò trong xó tối. Vì phải viết như thế nên được phép viết tháu. Và vì viết tháu trong xó tối nên sĩ tử mới bầy ra lối viết “tháu đấm” cho nhanh. Chữ “tháu đấm” là viết một bộ phận chữ ở giữa rồi “đấm” hai bên tả hữu hai nét chấm. Mười chữ thì viết “tháu đấm” đến sáu, bẩy. Lâu dần “tháu đấm” thành một lối thư pháp đặc biệt. Lối viết tháu ấy ra ngoài cả phép tắc viết của các thiếp chữ thảo của Tầu”. 

(Còn nữa)

Văn Nhược

Tham khảo: “Khoa cử Việt Nam” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, tập thượng, NXB An Tiêm, 2002)

Exit mobile version