Đại Kỷ Nguyên

Tinh hoa đạo học Việt (P.1): Sĩ tử thời xưa học hành thế nào để ghi danh bảng vàng?

LTS: Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Hàng nghìn năm qua, nước Việt cũng xứng đáng là một “quốc gia lễ nghĩa”, coi trọng sự học. Hãy cùng ngược dòng quá khứ để tìm hiểu xem các sĩ tử thời xưa mài giũa sự học hành của mình như thế nào. 

Các trò không chỉ được học kiến thức, lý luận mà còn được học đạo làm người, đạo cư nhân xử thế ở đời. Thầy coi trò như con cháu trong nhà, thầy đồ nào nghiêm khắc thì thậm chí còn đánh mắng học trò. Ngược lại trò coi thầy như cha, có lỗi thì chịu phạt, sợ thầy còn hơn cả sợ cha, cung kính khiêm nhường. 

Hán học hay Nho học truyền vào nước ta từ Trung Hoa, có lẽ vào thế kỷ thứ 2 thời Bắc thuộc. Nhiều sử gia đều chung quan điểm rằng, Sĩ Nhiếp, một người Việt gốc Hán, đã có công truyền bá văn hóa, chữ viết và giáo dục vào đất Việt (khi đó còn gọi dưới cái tên An Nam). Sau khi giành được quyền tự chủ vào thế kỷ 10, nước Việt vẫn còn chìm trong những cuộc phân chia quyền lực, các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê lại có số phận ngắn ngủi, nên giáo dục vẫn chưa được quan tâm. 

Chỉ sang đến thời Lý, đặc biệt là thời Trần, giáo dục mới trở thành tâm điểm trong kế sách an bang trị quốc của các vương triều. Năm 1075, kỳ thi Nho học đầu tiên diễn ra dưới thời vua Lý Nhân Tông. Đến khi chấm dứt vào năm 1919 (đời vua Khải Định nhà Nguyễn), các kỳ thi ấy đã có tuổi đời gần 900 năm. Đằng sau những nghiên mực, quản bút, lều chõng, tay nải ứng thí là cả một thế giới muôn màu vẻ của lớp Nho sinh, trí thức ngày xưa cũ… 

Trí thức thời phong kiến được gọi dưới cái tên “sĩ”. Tầng lớp này được xã hội rất trọng vọng, đứng đầu trong tứ dân, gồm: Sĩ – nông – công – thương. Sĩ phu là những người có học, hiểu biết rộng, tinh thông nhiều loại học vấn, từ thầy đồ, thầy thuốc, quan lại đến thư sinh. Công việc chính của họ hàng ngày là đọc sách Thánh hiền, làm văn, ngâm thơ, xử lý chữ nghĩa, văn thư, giấy tờ. Kẻ sĩ luôn được trọng vọng. Khoa cử là con đường mà mọi kẻ sĩ đều mơ ước. Và chỉ nhờ có khoa cử mà một thư sinh chân trắng mới mơ được đổi đời, ra làm quan, thi thố tài năng giúp đời. Trong gia đình kẻ sĩ, người vợ phải tần tảo sớm hôm lo việc đồng áng, canh cửi để nuôi chồng. Nếu chồng thi đậu khoa cử, người vợ sẽ trở thành bà thám, bà bảng hay là mợ cử, mợ tú. Nếu chồng thi trượt, người vợ vẫn có thể hãnh diện với danh vợ thầy đồ làng hay là vợ tú tài. 

Trí thức thời phong kiến được gọi dưới cái tên “sĩ”. Tầng lớp này được xã hội rất trọng vọng. (Ảnh: pinterest.com)

Sĩ tử dùi mài kinh sử ra sao? 

So với thời hiện đại, độ tuổi đi học chữ của trẻ em thời xưa cũng có phần tương đương. Độ 6, 7 tuổi là trẻ được cha mẹ, người thân gửi gắm vào nhà thầy đồ để được “học dăm ba chữ” Thánh hiền, lễ nghĩa và đạo đức làm người. Nhưng các thầy đồ xưa đức cao vọng trọng, vốn trọng khí tiết, không bao giờ tùy tiện nhận trò.

Cha mẹ muốn thầy nhận con mình thì phải chuẩn bị lễ vật làm lễ “khai tâm” trước bàn thờ Đức Khổng Tử theo đúng nghi thức. Lễ vật cũng đơn giản, chủ yếu là thứ quà quê, thức nhà: cau, trầu, rượu, hương, đèn, xôi, gà… Ngoài ra, các thầy cũng chỉ nhận những trò có đạo đức, lễ phép vào cửa. Đôi khi nhìn thấy đứa trẻ nào ngoan ngoãn, tướng mạo đĩnh đạc, có dấu hiệu là nhân tài tương lai, thầy còn sẵn sàng bồi dưỡng không công, không yêu cầu học phí. 

Cả thảy có 4 cấp học: Ấu học, Sơ học, Trung học và Cao học. Thoạt đầu, trò lớp ấu học (6, 7 tuổi) được học chữ nghĩa căn bản, đọc những cuốn như: Tam Tự Kinh, Tam Thiên Tự, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám… Trò lớn hơn thì học thêm văn sách, triết lý và luận lý Nho học như Tứ Thư, Ngũ Kinh, lớn hơn nữa thì tập học làm thơ, phú, giảng giải kinh, sách, điển, sớ. 

Các trò không chỉ được học kiến thức, lý luận mà còn được học đạo làm người, đạo cư nhân xử thế ở đời. Thầy coi trò như con cháu trong nhà, thầy đồ nào nghiêm khắc thì thậm chí còn đánh mắng học trò. Ngược lại trò coi thầy như cha, có lỗi thì chịu phạt, sợ thầy còn hơn cả sợ cha, cung kính khiêm nhường. Ngày lễ tết, trò phải đến thăm hỏi, làm đủ lễ nghi với thầy. Dân gian có câu: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Khi thầy mất, học trò phải để tang, lo tang ma, chôn cất chu đáo. Quá trình để tang thường kéo dài 3 năm (tương đương với để tang cha mẹ), gọi là “tâm tang”. Đến ngày giỗ kỵ của thầy, học trò vẫn đến thắp hương, lo góp giỗ, hương hỏa. 

Người xưa rất “tôn sư trọng đạo”. Thầy coi trò như con cháu trong nhà, còn trò coi thầy như cha, có lỗi thì chịu phạt, sợ thầy còn hơn cả sợ cha. (Ảnh: flickr.com)

Trường học của sĩ tử 

Thời Nguyễn, trường học là nơi học sinh đến học chữ Nho và Nho giáo. Ngoài trường công (Quốc Tử Giám), ở nhiều nơi, các thầy đồ còn tự mở trường tư ở nhà để dạy học trò. Thầy đồ thường là tú tài thi rớt hoặc quan đã về hưu. Một thầy có thể dạy cả hàng trăm, thậm chí hàng nghìn học trò. Ví như thầy Trần Quý Cáp, có tiếng là hay chữ, mở trường học tại quê nhà có rất nhiều trò theo học, hàng ngày có đến 150 – 200 học trò đến để được “nghe sách”. Nhà văn Phan Khôi, theo học thầy Trần trong 10 năm, có tả lại khung cảnh trường học thời đó như sau: 

“Cái nhà ba gian, hai chái, sườn bằng gỗ, rộng lòng căn. Trong nhà trừ ba gian bàn thờ và một cái buồng ở góc, còn thì liệt ván cả. Một bộ ván cao ở giữa là chỗ thầy ngồi; còn bao nhiêu ván thấp, cho học trò… Sách giảng hàng ngày là kinh, truyện, sử, mà cứ ngày chẵn ngày lẻ đổi khác nhau. Như ngày chẵn: Kinh Thi, truyện Luận Ngữ, sử Hán, thì ngày lẻ: Kinh Dịch, truyện Mạnh Tử, sử Đường. Rồi theo đó cứ luân lưu mà giảng tiếp. Thầy ngồi yên rồi dưới này một trò nào chẳng hạn chiếu theo ngày mà mở ba cuốn sách nhằm chỗ tiếp với hôm trước, theo thứ tự đè chồng lên nhau và đem đặt lên ghế xuân ý trước mặt thầy.   

– Đọc đi! Thầy truyền… Rồi một người tốt giọng bắt đầu đọc. Đọc chậm rãi mà ngân ngợi. Được vài ba tờ, tới chỗ thầy bảo dứt thì dứt. Đến phiên thầy cắt nghĩa…” 

Vài dòng chữ ngắn ngủi ấy cho người ta một cảm nhận rất chân thực về chuyện dùi mài kinh sử của lớp học trò xưa. Ở chính những tấm phản, tấm ván thô sơ kia, những tài năng của đất Việt đã ra đời. Mà kiểu học của thầy và trò cũng rất đặc biệt, học theo đúng cách truyền thụ bằng “tâm pháp”: trò đọc – thầy cắt nghĩa. Làm như vậy vừa có thể phát huy tinh thần tự học, chủ động của trò (được tham gia trực tiếp vào bài giảng), lại vừa vẫn đảm bảo tính chính thống (thầy giảng giải ý nghĩa từng câu, từng chữ). Lối học sinh động ấy nếu giữ được đến bây giờ há chẳng tốt quá sao? 

Thầy đồ đóng vai trò rất lớn trong việc nuôi dạy một con người, cả về học thức lẫn lễ giáo. (Ảnh: flickr.com)

Thời bấy giờ, từ cấp huyện trở lên, triều đình mới tham gia vào giáo dục. Trường huyện thì có quan huấn đạo (thất phẩm) chịu trách nhiệm. Cấp phủ thì có thêm quan giáo thụ (lục phẩm) và đốc học (tứ phẩm) ở trường tỉnh trông coi. Quốc Tử Giám ở Thăng Long lần đầu tiên được mở cửa vào năm 1075. Đến thời Nguyễn, năm 1803, vua Gia Long cho mở Quốc Tử Giám ở kinh thành Huế, chuyển dịch trung tâm giáo dục từ phía Bắc vào miền Trung. Đến năm 1908, tại Bắc và Trung Kỳ có tới 15.000 trường học với khoảng 200.000 học sinh.  

* Ở những phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách thức các sĩ tử tham dự khảo thí và tiêu chuẩn khoa bảng thời phong kiến. Rất mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của quý độc giả gần xa cho loạt bài này. 

Văn Nhược 

Exit mobile version