Đại Kỷ Nguyên

Tiết học đạo đức ở bậc Tiểu học Nhật Bản: Dùng tâm thái đối đãi với bản thân để mà đối đãi với người khác

Đây là một tiết học đạo đức của con gái tôi đang học lớp 3 bậc tiểu học mà tôi có dịp được làm người quan sát. Giáo viên viết lên bảng đầu đề của bài học: “Người cần phải hiểu và cảm thông đối với tâm tình và cảm nhận của người khác”.

Tôi thầm nghĩ, phải hiểu được cảm nhận của người khác ư? Để xem giáo viên sẽ giảng như thế nào cho lũ trẻ hiểu về điều đó. Hơn nữa hiểu cảm nhận của người khác thì có liên quan gì đến đạo đức chứ?

Đừng quên cảm thụ được cha mẹ thương yêu, trân quý

Sau khi viết đề bài học lên bảng, giáo viên quay lại nhìn các học sinh trong lớp. Tôi vốn tưởng giáo viên sẽ giải thích về khái niệm như thế nào là cảm nhận, mỗi người có những loại tâm tình nào, mục đích là gì? Nhưng giáo viên không giải thích gì, chỉ mỉm cười nhìn học sinh rồi hỏi: “Các em đã từng giúp đỡ bạn bè chưa? Có ai cho cô biết cần giúp đỡ bạn trong những tình huống nào đây?”.

Có học sinh nói, khi bạn bị té sấp xuống, chạy đến đỡ bạn; có bạn nói, khi bạn khóc thì an ủi bạn… Giáo viên đem những tình huống giúp đỡ bạn của học sinh viết lên bảng, rồi tiếp tục nói: “Đúng vậy, giúp đỡ, đỡ nâng bạn, nhất là khi thấy bạn ngã xuống, chạy tới đỡ bạn hoặc là thấy bạn sắp ngã xuống, liền chạy tới nâng bạn để bạn không ngã xuống. Những hành động này đều dễ hiểu, cũng dễ thực hiện. Khó khăn nhất là an ủi người khác, giúp người khác giải quyết khó khăn phiền não. Bởi vì đây là ở mặt tâm lý, không dễ nhìn thấy được, nhưng cũng là việc cần làm nhất, việc quan trọng nhất”.

Các học sinh nhìn nhau, đều tỏ vẻ bối rối, nếu nhìn không ra cảm thụ của người khác thì làm sao hiểu được tâm tình của họ đây? Giáo viên lại hỏi: “Có phải mọi người đều rất để ý cảm thụ của bản thân mình không? Có phải rất coi trọng cảm nhận của bản thân mình không? Có phải luôn hy vọng được người khác quý trọng, được người khác đối xử thật tốt với mình hay không?”. Các học sinh đều gật đầu đồng ý, có một số ít em nói đùa rằng bản thân mình không có cảm giác đó.

Vì thế giáo viên lại hỏi: “Xin hỏi các em, từ khi được sinh ra cho tới bây giờ, nếu như không có cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng, mỗi ngày nấu cơm, giặt quần áo, thu dọn sắp xếp, chăm sóc mỗi khi bị bệnh, thì liệu các em có thể bình an mà lớn cho đến hôm nay không? Nếu không có cha mẹ chăm sóc bảo vệ, các em có bình an khỏe mạnh mà lớn lên không? Khi gặp khó khăn phiền toái có phải cha mẹ chính là người giúp chúng ta giải quyết hay không? Ai cũng không dám nói một mình bản thân tự mình có thể sống sót rồi lớn lên. Ngẫm lại xem, có phải mỗi người trong chúng ta đều được cha mẹ thương yêu mà nuối nấng lớn lên phải không? Nếu cha mẹ bỏ mặc chúng ta, không quý trọng chúng ta, có phải chúng ta sẽ cảm thấy mất mát, thật thương tâm không? Xem ra các em đều hiểu được cảm giác được cha mẹ yêu thương, trân trọng, được cha mẹ đối xử vô cùng tốt là như thế nào, đúng không”.

Cảm thụ và thấu hiểu cảm giác của cha mẹ. (mainichi.jp)

Nghe đến đây, các học sinh trong lớp đều nở nụ cười, bởi vì chính bản thân các em mỗi ngày đều có thể cảm nhận được trong cuộc sống quen thuộc, được cha mẹ quan tâm yêu thương, được cha mẹ bảo bọc chăm sóc. Cho nên các em có thể có thể lập tức hiểu được và có thể lý giải được những cảm nhận đó.

Đến đây, tôi bắt đầu ý thức được điều giáo viên muốn nói cho học sinh rằng: sở dĩ phải hiểu được cảm nhận và tâm tình của người khác, là bởi vì không hiểu được lòng người thì không thể giúp được người, cũng không có cách nào để tự giúp bản thân mình. Khi ở nhà thì được cha mẹ giúp đỡ, ra bên ngoài thì có người khác giúp đỡ, nếu không có người trợ giúp thì ai cũng không thể tự mình sống được trên đời. Một người nếu hiểu được lòng mình, thì sẽ hiểu được lòng người khác. Nếu như muốn người khác đối xử thật tốt với mình, hy vọng người khác hiểu được mình, được người khác giúp đỡ mình, thì phải biết thật tâm đối đãi với người khác, phải đối đãi với người khác như đối đãi với bản thân mình vậy. Cho nên giáo viên mới lấy những cảm nhận thực tế của học sinh được đối đãi trong gia đình để nói về chủ đề của tiết đạo đức hôm nay – Vì sao phải đối xử tốt với người khác, vì sao phải hiểu được lòng người?

Giáo viên nói: “Chính mình hy vọng được tôn trọng, được an ủi, được người khác ủng hộ, khi gặp khó khăn cũng hy vọng được người khác chìa tay giúp đỡ, thì nên chân thành đối với cảm thụ của người khác, nên lý giải được tâm tình của người khác”.

Học tốt chữ quốc ngữ và ngữ văn để có thể biểu đạt được tốt hơn tâm tình của mình và hiểu được tâm tình của người khác

Vì để cho học sinh coi trọng cảm nhận của người khác, lý giải được tâm tình của người khác, giáo viên phát cho mỗi học sinh một tờ giấy trắng, rồi bảo học sinh viết ra những từ ngữ miêu tả tâm tình và cảm thụ của mỗi người.

Đợi các học sinh viết xong, nộp lại cho giáo viên, lúc này giáo viên giải thích: “Đau lòng, khổ sở, buồn bực, phẫn nộ, chán ghét, cao hứng, vui vẻ… đều là những trạng thái tâm lý thường gặp, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy được. Còn socola, leo núi, nghe nhạc… các loại là những từ ngữ chỉ tên của những sự vật và chỉ sự việc, không phải dùng để miêu tả tâm trạng, không thể dùng để diễn đạt  cho mọi người hiểu được tâm trạng của một người. Nhưng vì sao phải học tập những từ ngữ biểu đạt tâm trạng đó đây?”.

Mỗi người phải học cách bày tỏ cảm xúc, học cách mô tả chúng bằng lời nói… (Ảnh: youtube.com)

Giáo viên giảng giải tiếp:

“Nhiều khi, ngay trước mặt mọi người, hoặc là lần đầu tiên gặp sự cố, cảm xúc thật sự của chúng ta có thể sẽ không biểu hiện ra, hoặc cũng có thể sẽ không được người khác hiểu ngay lập tức. Cho nên chỉ có thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt tâm tình của mình, thì người khác mới có thể hiểu được chính xác tâm tình của chúng ta, lúc ấy mới có thể giúp đỡ chúng ta, cũng là chính chúng ta tự giúp đỡ mình. Vì vậy mỗi người phải học cách bày tỏ cảm xúc, học cách mô tả chúng bằng lời nói, không ngừng sắp xếp lại cảm xúc của mình, không ngừng lắng nghe cảm xúc của người khác. Đây chính là lý do vì sao chúng ta phải học cho tốt ngôn ngữ, học cho tốt ngữ văn và nên chăm chỉ đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học.

Tất cả chuyện này, là để có thể giao lưu hòa hợp, xử lý tốt mối quan hệ giữa người với người, trở thành một người có khả năng giúp đỡ người khác, có thể tôn trọng và cảm thông, trở thành một người được mọi người yêu mến”.

Và tiết học đạo đức đến đây là kết thúc.

***

Tiết học đạo đức này, trực tiếp lấy cuộc sống thực tế của học sinh tiểu học, lứa tuổi đang được cha mẹ bao bọc chăm sóc, để có thể giảng giải cho học sinh hiểu được một cách tự nhiên và trực diện vấn đề – vì sao phải học cách hiểu cảm xúc và cảm thụ của người khác. Hiểu được người khác cũng cần sự tôn trọng, quý trọng của người khác, như thế mới có thể giúp đỡ người khác được, cũng là có thể trợ giúp chính bản thân mình. Nhờ vậy mới có thể có cuộc sống bình an, tốt đẹp trong xã hội.

Không chỉ như vậy, thật tự nhiên, đồng thời giáo viên đã có thể giáo dục cho học sinh hiểu được rằng phải học thật tốt từ ngữ, học tốt chữ quốc ngữ, và cho học sinh thấy được tầm quan trọng của việc biểu đạt, bày tỏ cảm xúc. Như vậy có thể nhận thấy rằng, ở các trường học Nhật Bản, chữ quốc ngữ và đạo đức có tác dụng bổ trợ cho nhau. Cũng có thể nhận thấy rằng, phương thức giáo dục của họ, không ngừng cải biến và đổi mới, tự nhiên mà phát triển và dẫn lối cho học sinh, mới có thể làm cho học sinh được tự do nói lên ý kiến bản thân, từ đó giúp cho học sinh tự nhiên cảm nhận và hiểu được. Đây là một phương pháp giáo dục tự nhiên mà dễ hiểu đối với học sinh ở độ tuổi tiểu học.

Theo Zhengjian.org
Minh Phúc biên dịch

Exit mobile version