Đại Kỷ Nguyên

Thiện lương là gia phong tốt nhất – Gia giáo và nền nếp gia đình thấm nhuần cả đời con trẻ

Gia giáo và nền nếp là tài sản quý giá nhất của một gia đình, cũng là tài phú mà con cháu đời sau lấy hoài không hết. Từ xưa đến nay, gia giáo và nền nếp trong gia đình là có ảnh hưởng đến con trẻ vô cùng lớn.

Có một câu chuyện nhỏ như vậy: Một phụ huynh đưa con ra ngoài ăn tối, trên đường đi gặp một người ăn mày. Thông thường cha mẹ sẽ có thể nói: “Con cố mà học cho giỏi, nếu không… sau này chỉ có giống như bọn họ, không có công việc, chỉ biết xin ăn mà sống”. Tuy nhiên, vị phụ huynh này đã nói với con bằng một niềm tin mạnh mẽ: “Con hãy cố gắng học tập chăm chỉ, sau này có thể giúp cho những người này có việc làm, để họ không phải đi ăn mày như vậy nữa”.

Kiểu gia đình như thế nào thì sẽ sinh ra những người con như vậy, phương cách giáo dục ra sao sẽ dưỡng thành những đứa trẻ như thế. Diện mạo của cha mẹ, chính là diện mạo của con cái. Gia giáo và nền nếp là tài sản quý giá nhất của một gia đình, cũng là tài phú mà con cháu đời sau lấy hoài không hết. Từ xưa đến nay, gia giáo và nền nếp trong gia đình là có ảnh hưởng đến con trẻ vô cùng lớn.

Thiện lương là gia phong tốt nhất

Người xưa nói: Trung hậu truyền đời thì gia đình được vững bền, khiêm cung thận trọng thì phúc thọ được dài lâu (Trung hậu truyền gia cửu, khiêm thận kế thế trường). Nếu một gia đình có được nhân đức và thiện lương, có thể truyền thừa cho đến mười thế hệ cháu con.

Gia tộc Phạm Trọng Yêm là một ví dụ điển hình.  

Phạm Trọng Yêm là chính trị gia, văn học gia đời Bắc Tống, sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo khổ ở huyện Ngô – phủ Tô Châu. Cuộc sống thanh bần thời thơ ấu khiến ông gây dựng được thói quen cần kiệm tiết chế. Sau khi vào triều đình, làm quan lớn, Trọng Yêm vẫn giữ được nền nếp ấy…

Có lần ông mua nhà ở Tô Châu, thầy phong thủy ra sức khen ngợi phong thủy thật tốt, đời sau con cháu nhất định làm đến tam công cửu khanh. Phạm Trọng Yêm nghĩ thầm: “Nếu nhà này có phong thủy khiến cho đời sau vinh hiển như thế không bằng ta đổi thành học đường thì hơn để muôn dân trăm họ Tô Châu được vinh hiển. Tương lai sau này có nhiều người tài đức chẳng phải là càng có lợi đó sao?”.

Ông lập tức đem ngôi nhà quyên góp, sửa sang thành học đường, quả là thỏa nguyện ước ấp ủ bao lâu nay của những trẻ nghèo không có tiền đi học.

Ông có bổng lộc khá cao nhưng không vì thế mà hư nát trong dục vọng, tiền tài. Phạm Trọng Yêm luôn nghĩ đến rất nhiều người còn đang khổ cực, quyết định đem bổng lộc cứu tế dân nghèo.

Phạm Trọng Yêm thông qua lời nói và việc làm mẫu mực, đã dạy cho con cháu những bài học làm người vô cùng sâu sắc. Làm người ấy chính là phải biết sửa mình, có một tấm lòng chí công vô tư, tích đức hành thiện.

Bốn người con trai của Phạm Trọng Yêm lớn lên đều thông minh phi phàm, tài đức vẹn toàn, cũng được làm quan tới Tể tướng, tam công cửu khanh, thị lang. Con cháu Phạm gia cũng đều vinh hiển, có đức có tài, phúc báo thật là kéo dài không dứt.

Tục ngữ có câu: “Không ai giàu 3 họ”. Nhưng dòng họ Phạm lại thịnh vượng trong suốt 800 năm, đến thời Dân Quốc, Phạm gia vẫn là một dòng họ nổi tiếng. Đây đúng là một minh chứng chân thực cho việc tích đức hành thiện, tạo phúc báo cho đời sau.

Thiện lương là gia phong tốt nhất. Thiện lương là sự cao quý và kiên cố nơi tâm hồn, giúp con người trở thành một người tốt với nhãn quan thế giới tươi đẹp. Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình thiện lương nhân hậu, sẽ được dưỡng thành một con người thiện lương, tấm lòng rộng mở. Người xưa nói: Một ngày làm việc thiện, phúc dù chưa tới, họa đã xa rồi. Thiện lương chính là lá bùa hộ mệnh tốt nhất đối với con trẻ.

(Ảnh minh họa: wukong.com)

Cần cù chăm chỉ là nền tảng

Tiêu Hà đã có những đóng góp to lớn cho việc thành lập nhà Hán. Sau khi lập quốc, Lưu Bang đã ban cho Tiêu Hà rất nhiều ruộng tốt nhà đẹp. Tuy nhiên, Tiêu Hà đều từ chối, ngược lại chỉ chọn một mảnh đất cằn cỗi. Lưu Bang cảm thấy khó hiểu. Tiêu Hà nói: “Ruộng đất nghèo có thể khiến cho con cháu chăm chỉ trồng trọt, ruộng nương tốt ngược lại sẽ khiến con cháu hết ăn lại nằm, nếu cứ như thế mãi thì Tiêu gia cuối cùng cũng suy vong”.

Và sự thực quả là như vậy!

Sau khi nhà Hán được thành lập được 100 năm, hầu hết các gia tộc đều đã suy vong, chỉ có gia tộc họ Tiêu là vẫn thịnh vượng.

Cũng như vậy, rất nhiều gia đình cứ mãi ôm ấp con cái trong vòng tay, chăm sóc và cưng chiều vô độ. Những đứa trẻ này việc gì cũng không biết làm, ngũ cốc cũng không biết phân biệt, cơm bưng nước rót tận miệng… Chúng ngày càng trở nên lười biếng, ỷ lại, cuộc sống như vậy sớm muộn cũng bị hủy hoại.

Những gì người Mỹ đang làm là giáo dục thực tế, cho phép trẻ em làm việc tình nguyện, đi làm từ thiện, đi làm thêm, không giống như một số gia đình ở châu Á, chỉ cần con trẻ học tập chăm chỉ, cha mẹ sẽ làm thay mọi việc. Chăm chỉ và nỗ lực mới có thể dưỡng thành một đứa trẻ có tính cách độc lập.  

Tăng Quốc Phiên từng nói: Con cháu ngoài đọc sách ra thì dạy quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế, dọn phân, nhổ cỏ… đều là những việc cực tốt, nhất định không được cho rằng mất thể diện mà không để con cháu làm”.  

Có nhiều bậc cha mẹ chỉ luôn muốn đặt những điều tốt đẹp nhất lên bàn tay con trẻ, nhưng đây chính là đang làm hại con mà không tự biết. Giáo dục tốt nhất, chính là hướng dẫn và khuyến khích trẻ chăm chỉ làm việc, giúp trẻ hiểu được nỗi vất vả, học được sự cần cù và nỗ lực. Đây mới là món quà quý giá nhất mà cha mẹ nên dành cho con.  

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Đọc sách là thói quen tốt nhất

Tích tiền không bằng dạy con, ngồi chơi không bằng đọc sách. Đối với người bình thường mà nói, đọc sách là ngưỡng cửa cao quý nhất. Đối với một gia đình mà nói, đọc sách là thói quen tốt nhất.

Từ trong trang sách, chúng ta có thể hiểu biết núi rừng biển cả, nhân tình thế thái, hơn nữa còn có thể cảm ngộ sâu sắc về nhân sinh của các bậc hiền triết.

Vào thời nhà Thanh, tại tỉnh Hà Nam có một gia tộc họ Khang được biết đến với cái tên “Khang bách vạn”, nổi danh một vùng và từng được Từ Hi Thái hậu phong ấn ban thưởng. Thời điểm thịnh vượng nhất của Khang gia: “Đầu gối Lạc Dương, Tây An, chân đạp Lâm nghi, Tế Nam; ngựa chạy nghìn dặm không ăn cỏ nhà khác, người đi nghìn dặm tất cả đều là ruộng đất Khang gia”. Khang gia có một lịch sử lâu dài, thậm chí cả gia tộc 12 thế hệ con cháu đều là những phú thương, quan lại giàu có. Vinh quang của gia tộc họ Khang không phải đến từ phong thủy, mà là một cặp câu đối:

Chí rạng danh tiên tổ, duy chỉ có đọc sách dạy con
Tâm vinh hiển cháu con, không gì bằng giữ nhà cần kiệm

(Chí dục quang tiền duy thị độc thư giáo tử,
Tâm tồn dụ hậu mạc như cần kiệm trì gia).

Ngay cả khi gia tộc họ Khang có một cuộc sống sung túc, vàng bạc đầy nhà, họ vẫn không quên giáo dục con cháu đọc sách. Mỗi một đời tộc trưởng Khang gia đều coi việc đọc sách là ưu tiên hàng đầu. Khuyến khích con cháu chớ ngồi mát ăn bát vàng, mà hãy đọc vạn cuốn sách. Gia tộc họ Khang đặc biệt coi trọng giáo dục vỡ lòng, không tiếc tiền mời danh sư đến dạy học cho con cháu ngay từ khi còn nhỏ, làm nền tảng tốt cho con cháu trở thành trụ cột trong tương lai.

“Bụng có thi thư khí tự hoa”, bình thường đọc sách, khí chất tự nhiên sẽ thay đổi. Đọc sách giúp mở rộng nhãn quan thế giới của chúng ta, khiến cho người ta cảm thấy động lực tinh thần tựa như được nuôi dưỡng, lòng dạ rộng rãi, ánh mắt cao xa, trở thành một con người phong phú. Đọc sách, chính là thói quen tốt nhất của một gia đình, là cách giáo dục tốt nhất đối với con trẻ.

Vân Hà
Theo tw.aboluowang.com

Xem thêm:

Exit mobile version