Đại Kỷ Nguyên

Thành công luôn đến với người dũng cảm

Một học giả đã từng nói: ‘Dũng cảm và trí tuệ là hai anh em song sinh, nếu bạn không có dũng khí mở cánh cửa lớn mà bạn muốn bước vào, thì bạn chẳng thể nào biết được bí mật phía sau cánh cửa đó’.

Đã từng có một câu chuyện về sự thành công nhờ có lòng dũng cảm như sau:

Một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đến xin việc ở một công ty nọ, ngay ở vòng phỏng vấn đầu tiên cô đã bị loại, vì người công ty cần là một kế toán có kinh nghiệm làm việc. Nhưng cô sinh viên này vẫn không nản chí, tiếp tục kiên trì. Cô nói với ban tuyển dụng: ‘Hãy cho tôi thêm một cơ hội nữa, hãy cho phép tôi tham gia vòng thi viết’. Ban tuyển dụng không thể từ chối lời đề nghị chân thành của cô nên đã đồng ý. Kết quả, sau bài thi viết, cô được giám đốc nhân sự cân nhắc vào vòng phỏng vấn tiếp theo.

Giám đốc nhân sự khá ấn tượng về bài thi viết của cô, nhưng chỉ có điều những lời cô nói làm ông có chút thất vọng. Cô nói rằng: Cô chưa hề làm việc gì liên quan đến nghiệp vụ kế toán, kinh nghiệm duy nhất là làm tài vụ cho hội học sinh của trường. Tìm một người không có kinh nghiệm làm công việc tài chính kế toán không phải là dự định của họ. Vì thế vị giám đốc ấy liền nói: ‘Hôm nay dừng ở đây thôi, nếu có thông tin gì, tôi sẽ điện thoại thông báo cho cô’.

Cô gái đang ngồi đột nhiên đứng dậy, không nói gì, chỉ lấy từ trong túi ra một tờ hai mươi nghìn. Hai tay cô đưa tờ tiền ấy cho vị giám đốc kia rồi nói: ‘Cho dù có được nhận hay không, xin ông hãy gọi điện cho tôi ạ’.

Vị giám đốc kia chưa gặp phải trường hợp thế này bao giờ, liền nói: ‘Tại sao cô lại biết chúng tôi không gọi điện cho người không trúng tuyển?’

Cô liền đáp: ‘Ông vừa nói nếu có tin gì sẽ gọi, như vậy có nghĩa là không có tin gì, tức là không trúng tuyển thì ông sẽ không gọi’.

Vị giám đốc thấy có gái này vô cùng thú vị, liền hỏi lại: ‘Nếu cô không được nhận, tôi gọi điện cho cô, cô muốn biết điều gì?’. ‘Xin ông hãy nói cho tôi biết có điểm nào tôi không đạt yêu cầu của công ty, điểm nào còn thiếu sót, như vậy tôi sẽ cố gắng làm tốt và thay đổi bản thân’. Vậy tờ hai mươi nghìn…’

Cô gái mỉm cười nói: ‘Gọi điện thoại cho người không trúng tuyển không thuộc vào chi phí bình thường của công ty, vì thế tôi sẽ chịu phí gọi điện thoại, xin ông hãy gọi cho tôi ạ’.

Giám đốc cười lớn và nói: ‘Cô hãy cất nó đi, tôi không cần gọi điện thoại nữa, bây giờ tôi có thể thông báo cho cô biết, cô đã trúng tuyển rồi’.

Và như vậy, cô gái đã dùng dũng khí, sự mạnh dạn của mình gõ vào cánh cửa tạo ra cơ hội và mở ra thành công.

Dũng khí, sự mạnh dạn đã giúp cô gái trúng tuyển. (Ảnh minh họa: juridipedia.com)

Cô gái trong câu chuyện trên có thể đạt được thành công bước đầu chính là nhờ lòng dũng cảm của mình. Khi đối mặt với lời từ chối, cô đã không bỏ cuộc mà dũng cảm thể hiện tinh thần ham học hỏi và sự cầu tiến của mình. Qua sự dũng cảm đó, cô đã thay đổi được tình thế và giành được thành công. Dũng khí chính là phẩm chất cần thiết của một người muốn thành công. Một học giả đã từng nói: ‘Dũng cảm và trí tuệ là hai anh em song sinh, nếu bạn không có dũng khí mở cánh cửa lớn mà bạn muốn bước vào, thì bạn chẳng thể nào biết được bí mật phía sau cánh cửa đó’.

Đương nhiên, đối với một đứa trẻ, dũng cảm không chỉ giúp chúng có cơ hội thành công, mà còn chứa đựng hy vọng vào cuộc sống. Bởi vì, dũng cảm có thể làm giảm nhẹ những tổn thương trong cuộc sống.

Có hai con chim nhỏ đang nằm co ro trong tổ, đợi mẹ mang thức ăn về. Nhưng đã mấy tiếng trôi qua mà chim mẹ vẫn chưa thấy quay về, chúng đói đến nỗi kêu ầm ĩ. Con chim anh nói: ‘Anh muốn bay ra ngoài để tìm thức ăn. Có lẽ lúc đầu sẽ khó khăn, nhưng anh sẽ không nản vì chúng ta sinh ra để bay mà’.

Con chim em không yên tâm nói: ‘Anh đừng bay, lông cánh của anh đã mọc hết đâu’. Vừa nói dứt lời thì chim anh đã bước ra cành cây, dang đôi cánh, lúc đầu nó suýt ngã xuống đất, nhưng nó nhanh chóng bình tĩnh lại và bay lên. Nó ở trên cao hét gọi em: ‘Em thấy chưa, không khó khăn như tưởng tượng của chúng ta đâu! Em hãy cố lên! Bay lên đi nào!’.

Chim em thở dài, bần thần đứng trong tổ, hai tiếng nữa trôi qua, chim anh tha vài con sâu trở về và kể cho em nghe thế giới tươi đẹp bên ngoài.

Chim anh kể xong liền nói: ‘Nếu em muốn, hãy bay cùng anh nhé!’. Chim em đáp: ‘Cánh của em chắc không cứng bằng của anh đâu, em sẽ ngã xuống đất và sẽ bị loài vật khác ăn thịt mất, em sợ lắm’.

Ngày hôm sau, có một con trăn bò đến tổ, nó bắt đầu đến gần chim em, nhưng chim em không có ý định bỏ chạy. Con trăn liền nói: ‘Tại sao ngươi không bay?’ Chim em đáp: ‘Ngày trước tôi đã bỏ lỡ mất cơ hội bay, bây giờ có muốn thì cũng đã muộn’. Và như vậy, chim em bị con trăn ăn thịt.

Nếu con chim  em cũng dũng cảm đối mặt với thách thức và khó khăn giống chim anh, thì có xảy ra bi kịch như vậy không?

Tất cả điều này đã chứng minh rằng, dũng cảm là ánh sáng trong hoàn cảnh khó khăn của mỗi con người. Dũng cảm giúp chúng ta loại bỏ mọi trở ngại, dẹp bỏ mọi chông gai để hướng đến thành công.

Các bậc cha mẹ nên bồi dưỡng tính dũng cảm cho các con từ khi còn bé. (Ảnh: sohu.com)

Nếu cha mẹ muốn con thành công, vậy hãy giúp em khắc phục tính cách nhút nhát để trở nên dũng cảm hơn. Hơn nữa, bồi dưỡng tính cách dũng cảm cho con ngay từ nhỏ là điều vô cùng quan trọng bởi những lợi ích sau đây:

Thứ nhất, dũng cảm giúp trẻ thoát khỏi nỗi sợ hãi tâm lý, giúp con sống tích cực và mạnh dạn giao tiếp.

Thứ hai, trẻ em dũng cảm thường không sợ thất bại, không sợ bị cười nhạo. Chúng sẽ tích cực xung phong phát biểu bài trên lớp, dù có sai cũng không cảm thấy lo lắng.

Thứ ba, trẻ dũng cảm sẽ có tính cách độc lập, biết chịu trách nhiệm. Chúng không ỷ lại vào người lớn, gặp khó khăn cũng không sợ hãi bỏ cuộc.

Ngoài ra, trẻ dũng cảm còn biết đấu tranh cho chính nghĩa, bảo vệ lẽ phải. Chỉ cần trẻ nghĩ là đúng thì chúng sẽ tuân theo nguyên tắc của chân lý và không nhượng bộ.

Đương nhiên, muốn con trở nên dũng cảm không phải là chuyện dễ dàng. Vì không phải ai sinh ra cũng có sẵn phẩm chất này. Khí chất này cần được bồi dưỡng, rèn luyện, tích lũy dần trong cuộc sống và cần cha mẹ chú ý bồi dưỡng thường hằng.  

Hồng Ân

 

Exit mobile version