Đại Kỷ Nguyên

Thần đồng 5 tuổi vào lớp 4, 14 tuổi đỗ đại học danh giá: Thành công nhờ nỗ lực chăm chỉ chứ không vì tư chất sẵn có

Tuổi trẻ mà đã thành công thì cần nỗ lực nhiều hơn người khác gấp bội. Chỉ có dựa vào sự nỗ lực, kiên trì của bản thân mới có thể được vận may chào đón, vận mệnh nâng đỡ.

Với hàng loạt thành tích nổi bật như 5 tuổi vào lớp 4, 7 tuổi vào trung học và 14 tuổi vào đại học, Fan Shukai (Sơn Tây, Trung Quốc) khẳng định tất cả những điều đó đều là do cậu nỗ lực, chăm chỉ hơn người khác mà thôi.

Theo 24 Giờ, Fan Shukai sinh ra ở thị trấn Hợp Phố, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vào ngày 24/12/1999. Cậu tham gia tuyển sinh đại học và đạt 601 điểm, được nhận vào Đại học Thanh Hoa, một trong những ngôi trường danh giá hàng đầu Trung Quốc.

Khi được nhận vào Đại học Thanh Hoa, lúc đó cậu chỉ 14 tuổi, trong khi hầu hết bạn bè đều đang học trung học thì cậu đã sẵn sàng để bắt đầu sự nghiệp đèn sách ở đại học.

Tài năng học vấn của Fan Shukai được chú ý khi cậu 5 tuổi đã nhảy vào học lớp 4, 7 tuổi đã học trung học và 14 tuổi đã đậu đại học. Chính vì những thành tích xuất sắc như vậy mà mọi người gọi cậu là “Thần đồng”.

Thần đồng truyền cảm hứng nhất Trung Quốc, khẳng định thành tích đạt được là do nỗ lực không ngừng (ảnh: 24 Giờ).

Thế nhưng, Fan Shukai không tự nhận mình là Thần đồng. Theo lời cậu nói, sở dĩ bản thân biết đọc sớm vì gia đình quá nghèo, không có tiền đi học nên cha mẹ buộc phải tự dạy con mình học ở nhà. Cậu sống trong một ngôi làng nhỏ ở miền núi, một nơi mà việc học rất bị hạn chế nên hầu như trẻ em nơi đây phải bỏ học từ rất sớm.

Chính điều kiện thiếu thốn như vậy đã thúc đẩy Fan Shukai chăm chỉ học hành. Lúc 5 tuổi, sau khi được sự đồng ý của nhà trường, cậu đã bắt đầu học tiểu học từ năm lớp 4. Có thể nói rằng trường hợp của cậu là lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử giáo dục ở thị trấn Hợp Phố. Vào thời điểm đó, giáo viên lo lắng rằng liệu một đứa trẻ nhỏ như vậy có thể theo kịp chương trình học không. 

Ban đầu, vì tuổi còn nhỏ nên Fan Shukai vẫn chưa thích nghi được với cuộc sống tập thể ở trường, nhưng sau đó dần dần cậu bắt đầu quen với việc học tại đây và đạt được những thành tích khiến cho bạn bè lẫn giáo viên vô cùng ngưỡng mộ.

Con đường học vấn của Fan Shukai bắt đầu tỏa sáng từ đây. Tuy nhiên, dù là học trường gì thì cậu vẫn luôn duy trì tinh thần ham học của mình, mỗi môn học đều cố gắng giỏi đều. Từ tiểu học đến trung học, bài tập về nhà luôn được cậu hoàn thành ở trường, thời gian ở nhà là lúc cậu làm các bài tập khác. 

Sau kỳ tuyển sinh đại học, khắp phòng của Fan Shukai luôn có những chồng sách dày cộm cao cả mét. Đây có thể nói là một sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ, thay vì chỉ là trí thông minh sẵn có. Do đó, những danh xưng như “Thần đồng” hoàn toàn không chính xác khi nói về cậu.

Sự thành công của Fan Shukai đến từ việc chăm chỉ từ ngày này sang ngày khác. Tuy nhiên, cậu cũng thừa nhận mình có một chút may mắn khi dựa vào chính sách đặc biệt của Đại học Thanh Hoa để được vào được trường. Vào thời điểm đó, cha mẹ của cậu chỉ muốn con trai mình thử sức chứ không muốn ép buộc phải vào học đại học sớm. Thế nhưng, cuối cùng cậu đã chọn trở thành sinh viên khoa kỹ thuật cơ khí của Đại học Thanh Hoa.

Fan Shukai cũng thẳng thừng nói rằng không có bất kỳ lối tắt nào cho việc học. Nếu muốn đi trước người khác, chắc chắn bạn cần phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường. Nói như vậy không có nghĩa là Fan Shukai học ngày học đêm không nghỉ ngơi. Trong thực tế, lúc học tiểu học, cậu có thói quen thức dậy lúc 5:30 và đi ngủ lúc 10:00 mỗi ngày. Sau khi học xong cấp 3, thói quen này có một chút thay đổi, đó là cậu đi ngủ vào lúc 12:30.

Fan Shukai đã nhận xét cuộc đời mình bằng một câu nói: “Thực ra trẻ em ai cũng giống nhau, chúng chỉ khác một chỗ là sự kiên trì mà thôi”.

Ngược dòng thời gian, chúng ta nhớ đến Lương Khải Siêu (1873-1929), một nhà hoạt động chính trị và văn hóa nổi tiếng người Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Lương Khải Siêu là nhà tư tưởng và hoạt động chính trị Trung Quốc thời cận đại (ảnh: Wikipedia).

Mọi người biết tới Lương Khải Siêu từ cuộc Bách nhật duy tân. Lúc đó, Lương Khải Siêu và thầy giáo Khang còn có tên chung là “Khang Lương”. 16 tuổi ông đã thi cử đỗ đạt, 22 tuổi ông được phong làm Thượng thư, 23 tuổi ông cầm bút viết “Thời Vụ Báo”. Quả là “Một trang giấy khuấy đảo biển rộng, khán thính giả thất kinh vì đây” (Nhất chỉ phong hành hải nội, Quan thính vi chi nhất tủng).

Cả một đời Lương Khải Siêu cứu nước cứu đời. Ông liên tục sáng tác, cả cuộc đời mình ông đã viết khoảng hơn 14 triệu chữ. Ông từng viết bài “Tri mệnh dữ nỗ lực” (Biết thiên mệnh và sự nỗ lực). Trong bài viết ấy, Lương Khải Siêu nói: “Vì sao chúng ta phải thực sự nỗ lực? Bởi vì chỉ khi đó, chúng ta mới có thể không thấy mệt mỏi, chán chường”. Ông nhấn mạnh việc “tri mệnh” (biết mệnh trời) một cách tích cực và cần đối đãi với cuộc sống bằng sự nỗ lực, nghiêm túc. Đây cũng chính là một phương diện tu dưỡng tâm tính của một người.

Hồi nhỏ, Lương Khải Siêu bắt đầu đọc Tứ Thư Ngũ Kinh, 17 tuổi ông đã thi đỗ cử nhân. Lương Khải Siêu vẫn không hề bằng lòng với chính mình. Ngược lại, ông còn tiếp tục chăm chỉ học tại Học Hải Đường ở Quảng Châu.

Lương Khải Siêu được gọi là đứa con cưng của giới dư luận Trung Quốc cận đại. Mọi người nói rằng ngòi bút của ông mạnh hơn 100 nghìn quân lính. Nguồn gốc của danh hiệu này không chỉ là vận may mang tới, mà là sự nỗ lực thực sự.

Sự khác biệt giữa người thành công và người thất bại là sự kiên trì, bền bỉ sử dụng những gì bạn có, ngay cả khi đối mặt với khó khăn. Thành công không phải tự nhiên mà có mà là một quá trình gian khổ, không ngừng học tập, rèn luyện. 

Video xem thêm: Câu chuyện về những người đẹp lên tiếng về hai người bạn

Exit mobile version