Đại Kỷ Nguyên

Tạo cảm hứng – Bí quyết hàng đầu để giáo dục trẻ thành tài

Einstein từng nói: “Cảm hứng là thầy giáo tốt nhất”. Giai đoạn ấu thơ, trẻ rất hiếu kỳ với những sự vật xung quanh, từ đó sinh ra cảm hứng sâu sắc, có thể là khởi nguồn cho thành tựu cả cuộc đời. Cảm hứng ở đây nói đến việc trẻ có ham muốn khám phá một sự vật nào đó, ngay cả khi công việc đó khiến trẻ khổ cực thì trẻ vẫn cảm thấy vui.

Đầu tư vào việc khơi dậy nguồn cảm hứng cho con

Karl Witte là một học giả người Đức, được biết đến như là tiến sĩ trẻ nhất thế giới khi nhận bằng Tiến sĩ tại trường Đại học Giessen tại Đức năm 13 tuổi. Ông có một nguyên tắc giáo dục là “giáo dục không bắt ép”. Cho dù dạy cái gì, trước tiên ông cũng cố gắng khơi dậy cảm hứng của con, chỉ khi con có cảm hứng mãnh liệt, ông mới tiến hành dạy dỗ.

Khi dạy con đọc sách, trước tiên ông mua cho con một quyển sách nhỏ và một tập tranh, ông đọc diễn cảm cho con nghe, đồng thời nói: “Nếu con biết những chữ này, con sẽ có thể hiểu được câu chuyện”. Ông dùng cách này để kích thích trí tò mò và lòng hiếu kì của con. Khi giảng cho con nghe, ông nói: “Câu chuyện trong bức tranh này vô cùng hay, nhưng cha không có thời gian kể cho con nghe”. Cứ như vậy, con trai ông nghĩ nhất định phải biết những chữ cái đó. Lúc này, ông không bỏ lỡ cơ hội mà ngay lập tức dạy chữ cho con.

Trong thực tiễn giáo dục trẻ, cha mẹ phải kiên trì một nguyên tắc là khơi dậy lòng khao khát học hỏi của trẻ. Cha mẹ thông qua quan sát phát hiện trẻ hứng thú với điều gì, sẽ khích lệ và giúp trẻ tăng cường học về điều đó. Cha mẹ hoàn toàn không nên ép trẻ học những thứ mà cha mẹ thích hoặc cho rằng cái này cần thiết nên buộc trẻ phải học.

Một đứa trẻ, lúc 5 tuổi phải làm theo ý muốn của cha mẹ là tập viết chữ, dưới sự giám sát của cha mẹ, mỗi ngày đứa trẻ phải tập viết khoảng một tiếng đồng hồ. Một hôm, đứa trẻ tâm sự với mẹ rằng: “Con chẳng thích viết chữ tí nào, hàng ngày mẹ ép con viết chữ, thực ra con viết là vì mẹ, khi mẹ khen ngợi con, con cũng chẳng thấy vui”. Câu nói này khiến người mẹ ngạc nhiên, cũng khiến chị đau lòng. Người mẹ liền hỏi con: “Vậy con thích thứ gì?”. Đứa trẻ nói: “Con thích đàn, con muốn học đàn”. Người mẹ sau khi suy nghĩ, cảm thấy là nên tôn trọng ý kiến của con và đáp ứng ngay nguyện vọng đó. Do có cảm hứng, nên đứa trẻ học đàn rất tự giác, sau này cậu bé trở thành một nhạc công tài ba.

Cha mẹ hoàn toàn không nên ép trẻ học những thứ mà cha mẹ thích hoặc cho rằng cái này cần thiết nên buộc trẻ phải học. (Ảnh: barcharts.com)

Cảm hứng là nhân tố bên trong thôi thúc trẻ nhận thức sự vật xung quanh

Đối với cha mẹ, cách giáo dục tốt nhất là quan sát và phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của trẻ. Sau đó, mới tiến hành kích thích, tạo ra động lực học tập cho trẻ, khiến trẻ dưới sự chỉ dẫn của cha mẹ khai phá tối đa tiềm năng của chính mình.

Mẹ của Vĩ rất coi trọng việc giáo dục con, chị luôn ao ước một ngày con sẽ trở thành thần đồng để mọi người ngưỡng mộ. Chị thường nói với mọi người rằng: “Tôi không tin con tôi không làm được những việc của thần đồng. Chỉ cần không tiếc tiền, bỏ công sức, là con tôi nhất định sẽ thành công”.

Nói là làm, người mẹ này đã sưu tập những bài thơ hay, mỗi tối dù mệt nhọc bận rộn thế nào chị cũng dạy con học thuộc. Nhưng điều đáng tiếc là trong khi mẹ tràn đầy niềm tin thì con lại rất thờ ơ. Sau đó, chị lại mua về một cây đàn điện tử, mời gia sư về dạy con học đàn và còn dùng tiền bạc, vật chất ra để khích lệ con: “Con học đàn cho giỏi, rồi muốn gì mẹ cũng đồng ý.” Đã nửa tháng trôi qua mà một đoạn nhạc đơn giản con cũng không biết đánh, thậm chí tâm trạng con còn có biểu hiện của sự chán nản. Mẹ rất lo lắng dùng mọi biện pháp từ khuyên nhủ đến đánh mắng nhưng đều vô ích. Lúc này, cả mẹ và con đều vô cùng mệt mỏi.

Khi Vĩ 4 tuổi, vì yêu cầu công việc nên mẹ phải đi công tác nước ngoài, mẹ gửi Vĩ cho ông bà chăm sóc. Quan niệm giáo dục của ông bà lại khác hẳn với mẹ Vĩ, họ cho rằng: Phải để trẻ phát triển thuận theo tự nhiên, lớn lên trong vui vẻ, chứ không ép trẻ phải trở thành thần đồng.

Chi khi cha mẹ tôn trọng cảm hứng của trẻ thì mới có thể phát huy hết tiềm năng của trẻ, mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. (Ảnh: hatenablog.com)

Sống với ông bà, Vĩ rất vui vẻ và có sở thích tháo tung hết các đồ chơi do ông bà mua cho. Ông không trách mắng mà chỉ nhẹ nhàng bảo: “Con tháo ra như thế nào thì hãy lắp vào như thế ấy.” Vậy là, những lần sau Vĩ tháo rất cẩn thận, mỗi linh kiện được tháo ra đều sắp xếp theo tuần tự. Sau khi tháo xong, cậu bé xem xét kỹ lưỡng rồi tỉ mỉ lắp lại. Cứ như thế, bất kể đồ chơi nào có thể tháo lắp là Vĩ cứ tháo rồi lại lắp. Dần dần, Vĩ tìm ra quy luật lắp ráp và tự chế được đồ chơi mới từ những đồ chơi em có. Cậu bé rất say mê với tác phẩm mình tạo ra, tâm trạng luôn cảm thấy vui vẻ thoải mái, em đã lấy lại được sự hồn nhiên vốn có của mình.

Ông thấy Vĩ có niềm say mê với lắp ráp như vậy nên kể cho cháu nghe những câu chuyện về các nhà phát minh. Vĩ rất chăm chú nghe và có nguyện vọng muốn trở thành một nhà phát minh.

Cảm hứng là nhân tố bên trong thôi thúc trẻ nhận thức sự vật, trẻ có cảm hứng với sự vật nào sẽ tập trung sự chú ý tới sự vật đó, hơn nữa còn tích cực chủ động khám phá. Do vậy, chỉ khi cha mẹ tôn trọng cảm hứng của trẻ thì mới có thể phát huy hết tiềm năng của trẻ, mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Phát hiện cảm hứng của trẻ như thế nào?

Cảm hứng thực ra rất dễ phát hiện, nhất là cảm hứng của trẻ nhỏ. Một học giả người Mỹ đã chỉ ra những biểu hiện cho thấy trẻ hứng thú với điều gì đó:

1. Chuyên tâm chú ý

Những việc mà người bình thường chỉ tập trung sự chú ý vào vài phút mà trẻ có thể tập trung nhìn trong cả tiếng đồng hồ mà không bị ngắt đoạn, phân tâm và bị can nhiễu bởi các yếu tố bên ngoài.

Cảm hứng thực ra rất dễ phát hiện, nhất là cảm hứng của trẻ nhỏ. (Ảnh: afamily.vn)

2. Kiên trì

Dù gặp khó khăn thế nào trẻ cũng vẫn kiên trì làm, ngay cả khi thất bại cũng có thể thu dọn và bắt đầu cho một khởi điểm khác.

3. Không có cảm giác thời gian

Không chú ý thời gian trôi nhanh hay chậm, bỏ qua thời gian nghỉ ngơi, không phân biệt sớm muộn, có thể làm mà quên cả chuyện ăn uống và cảm thấy phiền khi bị người khác cản trở công việc của mình.

4. Không cảm thấy mệt mỏi

Một khi có thể khiến trẻ vui vẻ thì dù mệt mỏi đến mấy trẻ cũng không thấy khổ, chúng có thể vì đó mà không cần nghỉ ngơi, không muốn ngủ.

5. Tràn đầy động lực

Sau khi nghỉ ngơi, trẻ sẽ tiếp tục thực hiện công việc. Nếu cần người tương trợ thì trẻ sẽ chủ động tìm người giúp, khi giải quyết được vấn đề lại tập trung làm tiếp.

Tôi tin rằng, nguồn cảm hứng chính là nhiên liệu của niềm đam mê. Nếu ví đam mê như ngọn lửa rực cháy trong tim mỗi người, thì nguồn cảm hứng chính là nhiên liệu để giữ ngọn lửa đó cháy mãi. Vậy ai có trách nhiệm nuôi dưỡng niềm đam mê của con trẻ bằng nguồn cảm hứng đây? Không ai khác chính là các bậc làm cha làm mẹ. Nếu các bạn không làm được điều đó thì hãy tin tôi đi – thời gian trôi qua, niềm đam mê, nguồn cảm hứng sẽ trở nên xa cách đối với con trẻ, nó sẽ chỉ còn là một vị khách thi thoảng mới ghé thăm và chẳng buồn gõ của trái tim bạn nữa.  

Hồng Ân

 

Exit mobile version