Đại Kỷ Nguyên

Socrates để lại cho thế nhân một phương pháp học tập: Phương pháp Socrates

Tranh vẽ thầy Socrates (bên phải) đang thuyết giảng (ảnh chụp màn hình video https://youtu.be/CyIKayNXTPY).

Phương pháp Socrates nghĩa là đặt một loạt câu hỏi rồi rút ra chân lý. Người thầy sẽ đặt câu hỏi sâu sắc theo nguyên tắc nhưng biểu hiện như thể không biết gì về chủ đề đang thảo luận cho đến khi toàn nhóm rút ra kết luận. Cách thức “dạy mà như không dạy” giúp trò tư duy độc lập và phát huy tới mức tối đa hiểu biết của họ về chủ đề môn học. Kỳ thực, Socrates, được mệnh danh là bậc thầy về lý luận và truy vấn, đã để lại cho hậu thế phương pháp này.

Socrates đã từng nói: “Tôi biết anh sẽ không tin tôi, nhưng phương thức cao nhất trong những điều tốt đẹp nhất của con người là tự hỏi mình và hỏi những người khác”. Ông luôn luôn tuyên bố: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả”, ám chỉ trí tuệ của con người rất giới hạn, chỉ có Thượng Đế là uyên bác.

Bậc thầy Socrates thời Hy Lạp cổ đại

Socrates được coi là một triết gia vĩ đại vạch ra hướng đi cho triết học đạo đức trong lịch sử văn minh phương Tây. Là vị thầy của Plato, ảnh hưởng không nhỏ tới Aristole – học trò của Plato, ba người tạo nên trụ cột tư tưởng trong nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Chính vì vậy xét về vai trò lịch sử, ông được coi là nhà hiền triết có ảnh hưởng bậc nhất trong triết học phương Tây.

Trước Socrates, các triết gia Hy lạp cổ đại chỉ nghiên cứu và bàn luận về nguồn gốc của vũ trụ. Họ mặc nhiên nhìn nhận sự hiện hữu của vũ trụ này: Cái gì có là có, cái không không thể sản sinh ra cái có và cái có không thể giản trừ cái không. Chưa có ai đặt ra câu hỏi rằng đâu mới là con đường giúp loài người nhận thức chính mình?

Socrates là một trong những tư tưởng gia Hy Lạp cổ đại đầu tiên kêu gọi giới học giả và các nhà lãnh đạo quốc gia đương thời nên quan tâm nhiều hơn đến bản chất của con người. Ông xem con người có phần xác và phần hồn là một tổng thể thống nhất. Ông tin có thượng đế là thần linh thấu suốt những điều tốt điều xấu và vì thế ông là người đầu tiên đề ra chuẩn mực đạo đức cho triết học về con người.

Ông không quan tâm đến của cải vật chất, thay vào đó ông đã dành trọn thời gian của mình để tu luyện phần tâm linh bằng cách trau dồi đạo đức. Socrates luôn nhấn mạnh về đức hạnh và đạo đức, vì chỉ có đạo đức mới đưa con người đến gần hơn với các vị thần mà họ tôn thờ. Bởi vậy, Cicero, một triết gia La Mã cổ cho rằng, chính Socrates là người “mang triết học từ thiên thượng xuống nhân gian”.

Phương pháp đặt câu hỏi của Socrates

Socrates đã tìm cách dẫn dắt người ta đi đến kết luận của ông qua những cách thức mà hiện nay chúng ta gọi là Phương Pháp Socrates. Ông đã lắng tai nghe những cuộc thảo luận một cách yên lặng và hỏi những câu hỏi như thể là ông không biết gì về chủ đề của cuộc thảo luận cho đến khi toàn nhóm đưa ra kết luận.

Ông có một khả năng kỳ lạ để hướng dẫn người nào đó tán thành với ông ngay cả khi họ không muốn tán thành. Và một số người ghét ông vì chính điều đó, bởi vì ông có thể chứng minh những lời nói của ông mà không kiêu ngạo, và họ cũng không thể nói rằng ông sai lầm.

Ban đầu, câu hỏi của ông nghe rất đơn giản, nhưng sau đó cuộc đối thoại trở nên sâu sắc và logic khiến học trò suy nghĩ, thảo luận, tranh cãi, phân tích và đánh giá bằng tư duy của chính mình.

Sau đây là một đoạn hội thoại minh họa cho phương pháp Socrates:

Đang lúc lên lớp triết học, các học sinh thỉnh giáo thầy Socrates: “Thưa thầy, thầy có thể lấy ví dụ thực tế để nói rõ một chút rốt cuộc cái gì gọi là ngụy biện được không ạ?”.

Socrates suy nghĩ một lúc, sau đó nói: “Giả sử có hai người đến nhà thầy làm khách, một người rất sạch sẽ tươm tất, còn người kia thì rất bẩn thỉu xuề xòa. Thầy mời hai người này đi tắm, các em thử nghĩ xem, hai người họ ai sẽ đi tắm trước?”.

“Điều này còn phải hỏi, tất nhiên là người bẩn thỉu kia rồi“. Một em học sinh lớn tiếng nói.

“Sai rồi, là người sạch sẽ kia”. Socrate phản bác nói, “Bởi vì người sạch sẽ kia đã dưỡng thành thói quen thích tắm gội, còn người bẩn thỉu lại cho rằng không cần phải đi tắm gì cả. Hãy nghĩ thử đi, rốt cuộc ai sẽ đi tắm trước đây?“.

“Là người sạch sẽ kia“. Hai em học sinh nói tiếp.

“Không đúng, là người bẩn thỉu. Bởi vì người bẩn thỉu càng cần phải tắm gội hơn người sạch sẽ kia“. Socrates lại phản bác nói.

Sau đó, Socates lại hỏi thêm lần nữa: “Như vậy xem ra, trong hai người khách rốt cuộc ai sẽ đi tắm trước đây?“.

“Là người bẩn thỉu!“. Ba em học sinh lớn tiếng lặp lại câu trả lời lần thứ nhất.

“Lại sai nữa rồi. Đương nhiên là cả hai người đều sẽ đi tắm“. Socrates nói, “Bởi người sạch sẽ có thói quen tắm gội, còn người bẩn thỉu kia thì cần phải đi tắm. Thế nào, rốt cuộc ai sẽ là người đi tắm trước đây?“.

“Thế thì xem ra hai người đều sẽ đi tắm“. Bốn em học sinh lưỡng lự trả lời.

“Không đúng, cả hai đều sẽ không tắm“. Socrates giải thích nói, “Bởi vì người bẩn thỉu không có thói quen tắm gội, còn người sạch sẽ kia thì vốn không cần phải tắm“.

“Lời thầy nói đều có đạo lý cả, nhưng chúng em rốt cuộc nên phải hiểu thế nào đây?“. Các học sinh bất mãn nói, “Mỗi lần thầy nói đều không như nhau, nhưng lại đều luôn đúng cả!“.

Socrates nói: “Chính là như vậy. Các em xem, ở bề ngoài, ở hình thức dường như là vận dụng thủ đoạn suy luận chính xác nhưng trên thực tế lại là trái với quy luật khách quan, đưa ra kết luận nghe thì thấy giống thật nhưng lại là sai, đấy chính là ngụy biện! Thủ đoạn ngụy biện thường thấy là có thay đổi luận đề, ngụy tạo căn cứ, luận chứng vòng vo, cưỡng từ đoạt lý, cắt câu lấy nghĩa…“.

Các em học sinh lại thỉnh giáo Socrates: “Thưa thầy, vậy ta nên nhìn nhận tác dụng trong ngụy biện thế nào đây?“.

Socrates trả lời: “Kẻ giỏi nói không bằng người biết phân tích lắng nghe. Ngụy biện nhìn ngoài thì hiệu nghiệm thật, nhưng không cao. Xảo trá chi bằng hãy sống chân thành, muôn nghìn diệu kế chẳng bằng sống đúng đạo làm người”.

***

Đặt câu hỏi như thầy Socrates là một phương pháp hiệu quả để gợi mở và đi sâu các ý tưởng. Học sinh tự mình khám phá kiến thức qua những câu hỏi thăm dò mà giáo viên nêu ra.

Khi thực hiện kỹ thuật này, giáo viên tự nhận là không biết gì về chủ đề được học để kích thích học sinh tham gia vào cuộc hội thoại. Chính sự “giả vờ ngốc ngếch” này giúp học sinh phát huy tới mức tối đa mức độ hiểu biết của họ về chủ đề môn học.

Ngày nay phương pháp Socrates được áp dụng trong các trường luật, trong tâm lý trị liệu, huấn luyện và phát triển nhân lực, cũng như trong việc soạn thảo các bài học trong trường.

Video: Vì sao thắp hương bái Phật lại không linh nghiệm? Bí mật được che giấu suốt mấy nghìn năm!

Exit mobile version