Đại Kỷ Nguyên

Quá bao bọc không phải là cách bảo vệ trẻ khỏi nguy hiểm trong đời

Điều gì sẽ gây ra nguy hiểm cho trẻ? Nếu xét từ góc độ sự nguy hiểm để nhìn nhận cuộc sống của trẻ thì mỗi ngày chúng đều sống trong nguy hiểm. 

Một hôm, Ngọc Anh cầm con dao nhọn trong tay, phấn khích chạy từ trong bếp ra ngoài. Mẹ sững người, không dám quát con cũng không dám chạy lại cướp lấy con dao vì sợ con sợ hãi mà làm mình bị thương.

Lúc ấy, bố vừa kéo dài tên gọi của con, vừa từ từ đi tới cầm lấy cổ tay con, giằng lấy con dao. Mẹ bật khóc.

Trong những năm tháng trưởng thành của trẻ, sẽ không tránh khỏi việc gặp nguy hiểm. Nhưng cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên bảo vệ trẻ, càng không thể bảo vệ trẻ suốt đời được. Vậy, cha mẹ nên bảo vệ như thế nào mới có thể khiến trẻ tránh bị tổn thương?

1. Nguy hiểm của trẻ đến từ đâu

Cái gì sẽ gây ra nguy hiểm cho trẻ? Nếu xét từ góc độ nguy hiểm để nhìn nhận cuộc sống của trẻ thì mỗi ngày chúng đều sống trong nguy hiểm. Có điều, xét một cách tổng thể thì có thể phân thành:

Loại thứ nhất, trẻ có thể đối mặt với nguy hiểm do nhận thức chưa đủ. Ví như, đối với lửa, điện, nước sôi… trẻ không biết chúng sẽ mang lại nguy hiểm mà tiếp cận không chút sợ hãi.

Loại thứ hai, đối mặt với nguy hiểm do thiếu kỹ năng, ví như chậu hoa. Trẻ phải học cách bê nó giống như người lớn nhưng do chưa đủ sức nên có thể làm mình bị thương.

Loại thứ ba, các nguy hiểm khách quan tồn tại trong cuộc sống như thiết bị điện, ao hồ, đường giao thông…

Loại thứ tư, nguy hiểm cần phòng tránh đặc biệt, như những thiếu niên lỗ mãng, người xấu…

Trong những năm tháng trưởng thành của trẻ, sẽ không tránh khỏi việc gặp nguy hiểm. (Ảnh minh họa: letsfilm.org)

2. Nguy hiểm nên ‘khơi’ không nên ‘chặn’

Trong cuộc sống của trẻ, nguy hiểm luôn tiềm ẩn. Cha mẹ có cẩn thận đến đâu cũng không thể hoàn toàn loại bỏ và ngăn chặn giúp con. Nếu vì sợ trẻ đối mặt với nguy hiểm mà cố hết sức tránh xa nguy hiểm thì cũng không thể đề phòng được bất trắc. Chỉ có thể để trẻ nhìn thẳng vào nguy hiểm, học cách chiến thắng nguy hiểm mới có thể nâng cao được kỹ năng ứng phó với nguy hiểm của con. 

Có một câu chuyện kể như thế này:

Trong một khu làng, có hộ gia đình nọ chỉ có một cậu con trai. Khi cậu bé 5 tuổi, cậu vẫn thường cùng các bạn đến con sông đầu làng nghịch nước. Rồi cậu bé bị cha phát hiện đã lôi cậu về đánh cho một trận, cha cấm cậu không được lại gần con sông đó.

Mỗi lần cậu nhìn thấy những đứa trẻ khác tung tăng bơi lội, cậu cũng muốn đi nhưng ánh mắt nghiêm khắc của cha đã vô tình dập tắt khát vọng trong cậu.

Năm cậu 10 tuổi, trong làng xảy ra lũ lụt. Những đứa trẻ khác đều thoát nạn nhờ biết bơi và sự giúp đỡ của người lớn. Chỉ có cậu là không thoát nạn.

Mặc dù với trẻ, nước sông nguy hiểm những những đứa trẻ sống gần sông, cha mẹ nên để trẻ học bơi, học cách đối mặt với nguy hiểm thì mới tránh được nguy hiểm.

Trước nguy hiểm, một mực tránh né không phải là cách giải quyết hay. Ví như, nếu cha mẹ sợ con gọt bút chì sẽ đứt tay mà giành lấy gọt hộ con thì làm sao con có cơ hội trải nghiệm, tất nhiên con sẽ lúng túng khi rơi vào tình huống nguy hiểm thật sự.

Trước nguy hiểm, một mực tránh né không phải là cách giải quyết hay. (Ảnh minh họa: busehirde.com)

3. Dạy con cách đối mặt với nguy hiểm

Nhìn thấy ấm nước sôi trên bếp, đứa trẻ muốn tự mình bắc ấm xuống. Đối với cậu bé mà nói thì đây là một việc vô cùng nguy hiểm. Nhưng nếu ngăn cấm thì sẽ khơi dậy ham muốn được thử sức của cậu bé. Thế là, bố quyết định dạy cậu cách bắc ấm nước xuống.

Bố liền đổi nước sôi thành nước ấm, đồng thời nói với con trai: “Khi nước sôi, cả nước và cả ấm đều rất nóng, vì thế con phải lót khăn bông vào quai ấm rồi mới lấy xuống được. Trong khi bắc ấm xuống, ấm nước phải thăng bằng, nếu không nước sẽ đổ ra ngoài”.

Lần đầu tiên con làm thử, nửa ấm nước đổ ra ngoài. Vì là nước ấm nên chỉ bị đỏ da. Bố lại chuẩn bị một ấm nước khác cho con và nói: “Con chưa đủ sức, phải dùng hai tay”. Đồng thời khích lệ con thử lại lần nữa.

Lần này, dưới sự hướng dẫn của bố, con trai đã bắc được ấm nước xuống một cách an toàn.

Mặc dù cha mẹ đều sợ con gặp nguy hiểm nhưng cho dù thế nào đi nữa cũng không được nhốt trẻ ‘trong cái lồng bảo vệ’ do mình tạo ra. Có một vài nguy hiểm vừa phải vẫn nên để con đối mặt. Vì thế, có lẽ cách làm tích cực nhất chính là dạy con nắm được, phân biệt được và chống lại được nguy hiểm.

Nhận thức bất kỳ sự vật nào, trẻ cũng cần một quá trình. Khi giúp trẻ phân biệt nguy hiểm cha mẹ không nên nóng vội, càng không chỉ nói đạo lý suông mà nên để trẻ cảm nhận một cách cụ thể hình tượng, để trẻ nhìn, nghe, sờ, trải nghiệm, sau đó không ngừng tổng kết kinh nghiệm.

Khi dạy trẻ một vài kiến thức về nguy hiểm, cha mẹ cần chú ý những vấn đề sau:

– Căn cứ vào độ tuổi và khả năng tiếp nhận của trẻ, từng bước tiến hành hướng dẫn con về sự an toàn. Ví như, hướng dẫn con về nhà bằng cách nào khi đi lạc đường.

– Bình thường không được dùng mối nguy hại không tồn tại để dọa nạt trẻ, tránh tạo cho trẻ sự mất cân bằng về nhận thức nguy hiểm và tình huống bình thường.

– Dạy trẻ sử dụng công cụ đúng đắn. Một số công cụ thường dùng như dao gọt hoa quả, dao gọt bút chì, kéo thủ công… trẻ sớm muộn đều phải sử dụng. Lúc thích hợp nên dạy trẻ phương pháp sử dụng đúng đắn.

– Định nghĩa chuẩn xác về nguy hiểm. Ví như, cha mẹ nhắc nhở trẻ lửa rất nguy hiểm nhưng khi trẻ nhìn thấy ngọn nến sẽ không nhận thức được độ nguy hiểm mà lửa mang lại. Cha mẹ nên cho con tham quan một vài triển lãm hoặc tham gia các hoạt động về phòng cháy chữa cháy để trẻ hiểu độ nguy hiểm thật sự khi ngọn lửa mất kiểm soát.

– Chủ yếu là đề phòng, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Một số kiến thức về phòng ngừa phải kịp thời để trẻ nắm được.

Hướng dẫn trẻ đối mặt với nguy hiểm cũng là cách để bảo vệ trẻ. (Ảnh minh họa theo marryliving)

4. Trẻ được học cách ứng phó với nguy hiểm mới không nguy hiểm

Nguy hiểm, trong cuộc sống là không hoàn toàn tránh được. Nhưng nguy hiểm không hề đáng sợ, đáng sợ là không biết gì về nguy hiểm, không thể ứng phó với nguy hiểm. Câu chuyện dạy con cách đối diện với nguy hiểm của một người cha sau đây rất đáng để chúng ta tham khảo.

Ông vua dầu mỏ của Mỹ là Rockefeller vì muốn để con hiểu được rằng, không được sống dựa vào sự bảo vệ của người khác nên đã cho phép các con đi thuyền độc mộc hoặc thuyền buồm, để chúng mạo hiểm một chút, trải nghiệm nguy hiểm.

Đứa con 9 tuổi của Rockefeller đã từng ngã khỏi yên ngựa, đứa con 12 tuổi khi nghịch súng hơi đã làm bị thương chân mình. Mặc dù Rockefeller vô cùng lo lắng nhưng vẫn để con được trải nghiệm.

Làm cha mẹ, ai cũng yêu thương và muốn bảo vệ con mình nhưng không vì thế mà nuôi con trong lồng kính. Muốn để con trưởng thành, để trẻ đối mặt với nguy hiểm thích hợp, để chúng tăng cường khả năng ứng phó với khó khăn, nguy hiểm, để trẻ có thể tránh được nguy hiểm trước khi nguy hiểm thật sự xuất hiện.

Trong cuộc sống của trẻ, nguy hiểm luôn tiềm ẩn. Cha mẹ dù có bảo vệ con tới đâu cũng không thể chăm lo hết được mọi mặt. Đôi khi, để trẻ biết mùi vị của nguy hiểm có thể rèn luyện ý chí của trẻ. Khi đó, khả năng xử lý của trẻ được nâng cao, sự tự tin được tăng cường và tỷ lệ trẻ bị nguy hiểm cũng sẽ là nhỏ nhất.

Hồng Ân

Exit mobile version