Đại Kỷ Nguyên

Nhật Bản: Trẻ khi chưa đầy năm cũng được huấn luyện phòng tránh thảm họa

Là quốc gia nhiều thiên tai, Nhật Bản có hệ thống giáo dục về thảm họa được tiến hành rất chặt chẽ. Học sinh tiểu học hay học sinh cấp hai, cấp ba thì đương nhiên rồi nhưng ngay cả trẻ mới sinh cũng được huấn luyện phòng tránh thảm họa.

Nếu như để tìm ra điểm khác biệt lớn giữa nền giáo dục Nhật Bản và nền giáo dục nước ta thì đó là việc trẻ em Nhật được huấn luyện phòng tránh thảm họa từ khi trẻ chưa được một tuổi. Theo như tôi nhớ, hồi nhỏ, chương trình huấn luyện đối phó an toàn với thảm họa là tiếng còi hú của lực lượng phòng không dân quân vang lên ở góc phố. Dù đang chơi rất hăng say, chỉ cần tiếng còi đó vang lên là tất cả phải ngừng mọi việc và tìm nơi ẩn nấp ngay lập tức.

Hồi nhỏ, không hiểu sao với tôi tiếng còi là cái gì đó thật đáng sợ. Và dường như, tôi đã mang nỗi sợ hãi mơ hồ ấy bên mình và luôn nghĩ rằng, biết đâu một lúc nào đó sẽ xảy ra chuyện chẳng lành. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được giây phút vội vã núp vào taluy bên đường và nhìn ra con đường lớn không một bóng người, xe qua lại. Vậy nhưng lúc đó, hình như tôi cũng chẳng hề biết vì sao lại không được di chuyển và tại sao phải núp vào đâu đó.

Là quốc gia nhiều thiên tai, Nhật Bản có hệ thống giáo dục về thảm họa được tiến hành rất chặt chẽ. Học sinh tiểu học hay học sinh cấp hai, cấp ba thì đương nhiên rồi nhưng ngay cả trẻ mới sinh cũng được huấn luyện phòng tránh thảm họa. Để tưởng nhớ đại thảm họa động đất ở Kanto xảy ra ngày 1 tháng 9 năm 1923, Nhật Bản lấy ngày này hằng năm làm “Ngày phòng chống thảm họa”, tiến hành huấn luyện sơ tán tại các đoàn thể chính quyền, trường học trên quy mô rộng khắp cả nước.

Nhà trẻ nơi tôi gửi con, họ cũng tổ chức diễn tập cho các bậc cha mẹ, người giám hộ của trẻ cùng với giáo viên và các bé sơ tán một cách trật tự trong trường hợp giả định là xảy ra động đất mạnh. Tôi vẫn không thể quên được đợt huấn luyện phòng chống thảm họa mà con tôi tham gia lần đầu tiên khi bé còn chưa đầy một tuổi. Chương trình huấn luyện nhân “Ngày phòng chống thảm họa” đã được lên kế hoạch và báo trước mấy tháng. Đến trước đó khoảng một tháng tôi nhận được yêu cầu từ nhà trường rằng vào ngày hôm ấy, nhớ đến trường đón con sớm hơn một tiếng so với thường lệ. Họ bảo hãy coi như có thiên tai xảy ra thật nên đừng mang theo xe nôi, và các bà mẹ hãy mặc trang phục thuận tiện cho việc sơ tán.

Vậy là, tôi hồi hộp đến trường đón con về từ buổi huấn luyện phòng chống thảm họa đầu tiên con tôi tham gia. Trong hội trường lớn, học sinh ngồi thành hàng theo lớp, trên đầu đội loại mũ trùm phòng chống thiên tai, trên người mặc thêm một lớp áo phông để giữ cơ thể không bị lạnh và bẩn. Các giáo viên thì đội mũ bảo hộ, khoác áo gi lê phòng hộ, cổ đeo còi.

Các em học sinh trong buổi diễn tập sơ tán. (Ảnh minh họa: hk01.com)

Đặc biệt, lớp nhỏ nhất gồm những bé dưới một tuổi, không khí khá căng thẳng. Các giáo viên vừa địu, vừa bế các bé, vừa hối hả di chuyển. Những bé lớn hơn một chút thì bình tĩnh ngồi yên như thể đã quen với việc huấn luyện này.

Ở một góc hội trường, họ đã chuẩn bị sẵn những thứ như đồ ăn khẩn cấp, nước uống, giày dép, quần áo… Những đồ ăn khẩn cấp này được đảm bảo thời hạn sử dụng rất nghiêm ngặt, người ta sẽ đổi đồ mới nếu hết hạn sử dụng để tiếp tục dự trữ.

Một lát sau, cửa mở, chúng tôi đi ra ngoài sân tập thì đã thấy các giáo viên chủ nhiệm đang đứng riêng theo từng lớp. Các giáo viên chủ nhiệm kiểm tra tên em bé theo thứ tự từng bà mẹ đến đón, sau đó trao em bé lại cho mẹ. Lúc này, con tôi mới 8 tháng tuổi, còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, bé đang trùm chiếc mũ bảo hộ, mồ hôi chảy ròng ròng.

Vừa nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngác của con, tôi suýt chút nữa thì phì cười, nhưng đang giữa buổi huấn luyện rất nghiêm túc nên tôi cố nhịn cười và đưa tay nhận lấy con. Tôi đón lấy con khi bé đang được bọc trong chiếc áo thun và chiếc mũ trùm còn to hơn thân hình của bé. Trên đường đưa con về nhà, tôi thấy thật biết ơn vì ngày hôm nay vậy là đã trôi qua mà không có sự cố gì.

Tuy tôi là người nước ngoài sống ở Nhật nhưng tôi cũng đã chứng kiến và trải qua một thảm họa động đất mạnh ở Đông Nhật Bản. Nhìn làng mạc và con người biến mất một cách bất lực trước thiên tai khủng khiếp đó, tôi thấy thấm thía hơn sự quý giá của mỗi ngày trôi qua mà cả gia đình tôi được sống trong bình yên. Và tôi quyết tâm rằng, khi những chuyện như vậy còn chưa xảy đến với mình, mỗi ngày tôi sẽ đều sống sao cho không có gì phải hối hận đối với gia đình và với cả bản thân.

Tại nhà trẻ hằng tháng đều tiến hành huấn luyện phòng chống thiên tai, một năm sẽ có vài lần huấn luyện quy mô lớn. Nội dung huấn luyện được thông báo qua thư điện tử hoặc tờ thông báo của trường. Nhờ thế mà tôi thấy tin tưởng rằng, dù có gặp phải thiên tai gì đi nữa, các giáo viên cũng sẽ bảo vệ con giúp tôi.

Và thực tế là cho đến tận bây giờ, động đất, thiên tai vẫn hay xảy ra tại Nhật. Mỗi lần như vậy, thông qua hệ thống liên lạc dùng trong phòng chống thảm họa, cha mẹ có thể xác nhận thực trạng sơ tán thực tế của các con. Qua đây, bọn trẻ tự mình học được cách sơ tán còn các giáo viên thì ngay cả trong thảm họa cũng vẫn hết lòng trông coi, chăm sóc và chỉ dẫn cho học sinh của mình.

Qua các buổi diễn tập bọn trẻ tự mình học được cách sơ tán… (Ảnh minh họa: ifuun.com)

Không biết từ lúc nào, mỗi khi có động đất, con tôi cũng biết nhanh chóng trốn ngay xuống gầm bàn. Những lúc đó, tôi thầm nghĩ, vậy là con cũng đã biết cách tự bảo vệ lấy bản thân mình, và trong lòng cảm thấy vừa yên tâm sen lẫn tự hào.

Mấy năm trước tại Nhật cũng đưa tin rộng rãi về vụ tai nạn chìm tàu Sewol tại Hàn Quốc. Tai nạn thì có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Vụ tai nạn này đã gây choáng váng cho những người Nhật vốn thuộc lòng và triệt để tuân theo các phương án xử trí sau tai nạn. Đặc biệt, họ coi việc thuyền trưởng cùng các thuyền viên bỏ mặc hành khách và tìm đường thoát ra trước là chuyện không thể nào tưởng tượng nổi, họ chỉ trích rất gay gắt hành vi này.

Đến tận bây giờ, đôi lúc tôi vẫn nghĩ giá như lúc bình thường việc phòng tránh tai nạn và thiên tai được thực thi triệt để, giá như người ta tiến hành huấn luyện sơ tán chạy nạn giống như nước Nhật và mỗi người có thể tự bảo vệ bản thân mình thì phải chăng rất nhiều hành khách trên con phà đó đã có thể sống sót?

Mới đây nhất là sự cố 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên của đội bóng Thái Lan đã được giải cứu thành công sau 18 ngày mắc kẹt trong hang Tham Luang. May mắn thay, huấn luyện viên của đội bóng đã hướng dẫn các cầu thủ nhí những kỹ năng sinh tồn cơ bản như hạn chế vận động để giữ sức, uống nước giỏ xuống từ các nhũ đá trong hang nên cả đội bóng đã sống sót đến khi được giải cứu. Mọi người vẫn nói đây là kỳ tích, nhưng quả thật nếu không có kỹ năng tự bảo vệ bản thân thì làm sao họ có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt không ánh sáng, không thức ăn, nước uống ấy được?

Chúng ta không mấy khi phải chịu nỗi sợ hãi động đất, bão lớn hay núi lửa phun, nước ta quả là một nơi đáng sống. Vậy nhưng bây giờ thì khác, tai nạn, sự cố đang xảy ra không ngừng, phải chăng chúng ta nên phòng chống và giáo dục một cách nghiêm ngặt hơn nữa đối với những thảm họa do con người gây ra. Giáo dục phòng tránh thảm họa để tự bảo vệ bản thân trong những tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ đâu chắc chắn không bao giờ là thừa.

Thanh Bình

Exit mobile version