Đại Kỷ Nguyên

Nghiên cứu của ĐH Harvard: IQ không tạo ra chênh lệch giữa trẻ, mà là 5 thói quen này

Kỳ thi cuối năm vừa qua, cậu con trai tôi đã gặp một sự cố lớn, khi bắt đầu được phát đề thi, cậu mới phát hiện ra mình đã để quên hộp bút ở nhà. Thằng bé quá nhút nhát, không dám nói với giáo viên coi thi. Luống cuống chẳng biết làm thế nào, rồi bỗng òa khóc. Và bài thi hôm đó đã làm không tốt…

Về nhà, trước tiên tôi an ủi con và sau đó có nói: “Kết quả bài thi không quan trọng, vấn đề hôm nay là do chứng hay quên của con, con đã thấy tác hại của nó chưa?”

Cậu con vừa khóc vừa hối hận nhận lỗi: “Mẹ, con nhất định sẽ không mắc lại chứng hay quên này nữa”.

Một nhà giáo dục từng nói: Bản chất của giáo dục là uốn nắn các thói quen.

Khoảng cách chênh lệch giữa trẻ, không phải do chỉ số thông minh IQ, mà do sự uốn nắn các thói quen tốt từ nhỏ.

Trẻ nhỏ là giai đoạn tốt nhất để dạy dỗ, uốn nắn các thói quen. Thói quen tốt giúp trẻ có nhiều thành tựu, thói quen xấu có thể làm hại trẻ.

Hy vọng trong kỳ nghỉ hè sắp tới, các em nhỏ được uốn nắn tốt 5 thói quen sau để cuộc sống luôn suôn sẻ và thành công.

Đúng giờ: giúp trẻ trở thành người ‘nề nếp’

Có hai bạn nhỏ cùng lớp học vẽ với con trai tôi, hai bạn khác nhau hoàn toàn. Cậu bạn trai thường xuyên đi học muộn, giáo viên nhắc nhở cũng không không thay đổi, đến lớp luôn trong tình trạng uể oải. Còn cô bạn gái thường đến từ rất sớm, sắp xếp sẵn dụng cụ vẽ trên bàn và ngồi yên chờ giáo viên đến.

Một hôm trời mưa lớn như trút nước, chỉ có bạn gái đó được mẹ đưa đến lớp và cả hai mẹ con họ ướt sũng. Cứ như vậy, chẳng mấy chốc, kỹ năng vẽ của cô bé đã tiến bộ vượt bậc, trong khi cậu con trai vẫn cứ nguệch ngoạc chưa đâu vào đâu.

Các phụ huynh khác háo hức hỏi mẹ cô bé chia sẻ kinh nghiệm, mẹ cô bé nói: “Không có gì đặc biệt, đối với việc học hành của trẻ nhỏ, năng khiếu cần được xem trọng nhưng thái độ học hành thì còn quan trọng hơn nhiều. Tôi luôn yêu cầu con nghiêm túc trong việc học hành, tiền đề của một lớp học nghiêm túc là đi học đúng giờ”.

Quả vậy, thái độ sẽ quyết định trạng thái “tích cực” hay “tiêu cực”

Trạng thái “tích cực” hay “tiêu cực” sẽ quyết định đến sự thành công.

Người đúng giờ không nhất định là người xuất sắc. Nhưng người xuất sắc nhất định sẽ luôn đúng giờ.

Người đúng giờ luôn có ý thức kỷ luật tự giác, có tính trách nhiệm, khiến người khác luôn thấy tin tưởng. Từ đó, sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai, nhất là khi phối hợp làm việc đội nhóm.

Đối với trẻ nhỏ, đó là kỹ năng quản lý thời gian, biết sắp xếp mọi việc theo kế hoạch, có tính trách nhiệm trong học tập và cuộc sống.

Có lần tôi nói chuyện với một cô hiệu trưởng trường mẫu giáo, cô nói, những đứa trẻ đến lớp sát giờ hoặc đến muộn, cơ bản sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tính nghiêm túc, làm việc gì cũng thường kéo dài thời gian.

Một số trường học ở nước Anh, nhà trường phạt tiền bố mẹ đối với những học sinh hay đi học muộn để mọi người sẽ chú ý thực hiện giờ giấc đúng hơn. Đúng giờ tuy là chi tiết nhỏ nhưng lại yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại. Hãy hướng dẫn trẻ học cách đúng giờ ngay khi chúng nhận thức được thời gian.

(Ảnh minh họa: 1272.cn)

Sắp xếp: hướng dẫn trẻ ý thức về tính trật tự và khả năng tập trung

Một người thiết kế nội thất đến một gia đình sắp xếp lại phòng của một trẻ nhỏ, cô ngạc nhiên vì căn phòng quá bừa bộn, mẹ của đứa trẻ than phiền: “Nó phải học cả ngày mà nó chẳng chịu học. Thật chẳng biết làm sao!”

Người thiết kế nội thất nghĩ: “Căn phòng như cái nhà kho như vậy thì đứa trẻ sao có thể ngồi học được?”

Cô bắt đầu công việc, khi căn phòng đã trở lên sạch đẹp, gọn gàng và ngăn nắp. Đứa trẻ vui thích ngồi vào bàn, háo hức lấy sách vở ra học, thậm chí còn không để ý đến cô còn đang có mặt tại đó.

Kết quả khảo sát của Trường Kinh doanh Harvard cho thấy, bàn học luôn gọn gàng, sạch sẽ thường đem lại kết quả học tập cao. Trong không gian đó, tính cách của trẻ dễ cởi mở, làm việc chuyên tâm và bền bỉ. Nhưng nếu bàn học luôn trong tình trạng bày bừa sách vở sẽ khiến trẻ lề mề, uể oải và lâu dần trẻ sẽ không có thói quen sắp xếp gọn gàng.

Vì vậy, trẻ nhỏ cần được hướng dẫn thói quen ngăn nắp sớm nhất có thể.

Trên thế giới, Nhật Bản là một trong các nước điển hình đặc biệt chú trọng giáo dục học sinh thói quen sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Đừng đánh giá thấp khả năng của các em trong việc sắp xếp, dọn dẹp. Sắp xếp không chỉ giúp các em khả năng quan sát, thực hành, nâng cao tính kỷ luật tự giác mà trong tiềm thức cũng được sắp xếp để nhận biết và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực.

Trẻ nhỏ biết sắp xếp đồ dùng, cũng sẽ biết sàng lọc kiến thức.

Biết quy hoạch không gian sống, cũng sẽ biết quy hoạch cuộc sống

Đọc sách: Lợi ích có giá trị suốt đời

Chuyên gia giáo dục nổi tiếng Suhomlinski từng nói: “Một đứa trẻ không đọc sách, có nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến lực học kém”. Nghe thật đáng e ngại nhưng điều này không phải là không có cơ sở.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trẻ nhỏ thích đọc sách có thành tích học tập trung bình cao hơn 1 điểm trở lên. 80% những sinh viên đỗ đầu các trường đại học là những người thích đọc sách.

Một sinh viên đạt điểm thi cao trong kỳ thi tuyển sinh chuyên ngành ngữ văn cho biết: “Đọc sách nhiều giúp em nâng cao khả năng cảm thụ ngôn ngữ. Từ nhỏ, mẹ thường kể chuyện, đọc sách cho em nghe trước khi đi ngủ, cũng chính vì vậy mà khi lớn lên em rất thích đọc sách”.

Sự chênh lệch khả năng học tập giữa những đứa trẻ là ở việc chúng có dành nhiều thời gian đọc sách hay không.

(Ảnh minh họa: mkd.mk)

Trẻ em nên được nghe đọc sách ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Người mẹ bắt đầu từ việc nhẹ nhàng xoa bụng và sau đó cất giọng đọc dịu dàng giúp thai nhi cảm thụ được âm điệu, nhịp điệu của ngôn ngữ. Khi trẻ 1 tuổi, là lúc cha mẹ có thể đọc sách cho con nghe. Cha mẹ dành 20 phút đọc sách cho con nghe trước khi đi ngủ để con cảm nhận được niềm vui đọc sách qua từng câu chuyện thú vị. Khi trẻ 5 tuổi, cha mẹ có thể dạy con nhận biết mặt chữ và hướng dẫn con tự đọc.

Con trai tôi từng chia sẻ trong một sự kiện ở trường mẫu giáo: “Thời gian vui nhất trong ngày của con là được mẹ đọc sách cho nghe”. Tôi nghe con nói mà trong lòng trào dâng cảm xúc.

Trẻ càng thích đọc sách thì tư tưởng càng phong phú, suy nghĩ càng chín chắn, không dễ bị vướng mắc vào thành kiến và cố chấp. Trẻ thích đọc sách có tính tự lập cao, nhận thức độc đáo, không hùa theo số đông một cách mù quáng.

Đọc sách không chỉ là thói quen tốt, mà còn giúp trẻ cảm nhận được nội tâm và ý nghĩa của cuộc sống.

Vận động: Khơi dậy sự tự tin về thể chất

Bạn tôi có cậu con trai đang học lớp mẫu giáo, vì cháu gầy gò, nhỏ bé hơn so với các bạn nên thường nhút nhát, không tự tin. Bạn tôi đã áp dụng mọi cách để động viên, khuyến khích cháu mạnh dạn hơn nhưng không hiệu quả.

Có lần, trường mẫu giáo tổ chức thi nhảy xa, cậu bé không ngờ đứng thứ nhất, nhận được sự hò reo, cổ vũ từ giáo viên và bạn bè. Từ đó, cậu bé vui vẻ, hoạt bát hẳn lên, còn chủ động chơi đùa với các bạn. Bạn tôi đã nhận được nhiều lời chúc mừng: “Xin chúc mừng, cậu bé đã được truyền cảm hứng để tự tin hơn về thể chất của mình”.

Trẻ nhỏ khi đã chứng tỏ được sức mạnh và khả năng của bản thân sẽ tự tin hòa nhập vào môi trường tập thể, đó chính là tác dụng lớn của vận động thể chất.

Một giáo sư về não khoa cho biết, vận động giúp cơ thể tăng nhanh bài tiết các hoạt chất tích cực, giúp phát triển trí não. Theo đó, khả năng tư duy, khả năng kiểm soát, sức chịu đựng, tính cạnh tranh và sự hợp tác đội nhóm cũng được nâng cao.

Kết quả nghiên cứu xác nhận vận động thể chất mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ

Trường học các nước phương Tây rất chú trọng giáo dục thể chất, trẻ em từ 1,5 – 5 tuổi, cần vận động ít nhất 3 tiếng mỗi ngày. Nếu có thể, nên cho trẻ duy trì tham gia một môn thể thao từ nhỏ, đó có thể là môn thể thao vận động độc lập hay theo đội nhóm. Sau khi tan trường, không nên cho trẻ lại tiếp tục vùi đầu vào bài vở, mà nên cho trẻ tham gia các môn vận động tùy thích như: nhảy dây, chơi với bóng, đánh cầu lông, v.v. Vận động không chỉ giúp các em giải tỏa căng thẳng học hành mà còn giúp phát triển chiều cao và ngăn ngừa cận thị.

(Ảnh minh họa: vfnkb.com)

Làm việc nhà: nâng cao tính tự lập và trách nhiệm

Tôi có đứa cháu từ nhỏ đã được nuông chiều, không phải làm việc gì. Một ngày khi học đại học xa nhà, cậu ấy gọi điện thoại về than khóc với mẹ vì không biết lồng chăn bông vào vỏ chăn như thế nào. Không chỉ thế, ngay cả tất cũng không biết cách giặt, hễ đi bẩn thì liền mua đôi mới, kỳ nghỉ lần nào cũng mang theo túi lớn quần áo dơ bẩn về cho mẹ giặt …

Nhiều cha mẹ không muốn con làm việc nhà, họ lo sợ con bị bỏng, bị mệt, bị va đập, rồi sợ con làm không được thì mất công mình phải làm lại. Câu nói quen thuộc mà ít nhiều chúng ta đã từng nghe qua là: “Con lo học đi, việc đó để mẹ làm”. Nuôi dạy con theo kiểu cơm bưng nước rót đến tận miệng, quần áo đưa tới tận tay khiến cho đứa trẻ không có ý thức trách nhiệm.

Đại học Harvard đã mất 20 năm để nghiên cứu và cho ra kết quả giữa trẻ làm việc nhà và không làm việc nhà, sau khi trưởng thành:

Tỷ lệ có việc làm là 15:1

Tỷ lệ phạm tội là 1:10

Với con số nêu trên, liệu cha mẹ còn cho rằng làm việc nhà là việc nhỏ nữa không?  

Hướng dẫn trẻ làm việc nhà, giúp trẻ trưởng thành có ý chí.

***

Việc dạy bảo trẻ em giống như nặn đồ gốm, trẻ nhỏ dễ nhào nặn, cha mẹ dạy bảo theo dạng thức nào thì sẽ cho ra sản phẩm theo dạng thức đó.

Cha mẹ dù có để lại cho con núi vàng, núi bạc rồi cũng có thể sẽ hết, chỉ có rèn giũa những thói quen tốt cho con mới giúp con suốt đời hưởng lợi.  

Trẻ em được dạy bảo những thói quen tốt ngay từ ấu thơ, sẽ có suy nghĩ độc lập, thể chất khỏe mạnh, nội tâm phong phú. Khi trưởng thành sẽ là người luôn tự tin, mạnh mẽ.

Năng lực giúp trẻ bay cao, thói quen tốt giúp trẻ bay xa.

Tâm Kính
Theo Cmoney

Xem thêm:

Exit mobile version