Đại Kỷ Nguyên

Nghe sao cho con nói, nói sao cho con nghe: Cách dạy để con không “ghét” bố mẹ

Ảnh minh hoạ (nguồn: Daycontaigioi).

Cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng chỉ vì nóng nảy, dạy con không đúng cách, nhiều phụ huynh thường có xu hướng áp đặt, la mắng con cái, khiến chúng ghét bỏ, phản ứng lại lời cha mẹ, thậm chí là bỏ nhà đi… 

Trao đổi với Infonet, TS tâm lý Trần Văn Hùng cho hay, nhiều bậc phụ huynh chẳng hiểu gì cảm xúc của con bởi vì họ đã trải qua nhiều thử thách trong cuộc sống nên rất khó để quay lại hiểu tâm trạng của một đứa trẻ. Từ đó dẫn đến việc áp đặt lý luận của người lớn vào cảm xúc trẻ con. Áp đặt không xong, họ chuyển sang việc đánh mắng, xúc phạm con như một cách để thỏa mãn cơn giận dữ của bản thân.

Chính sự đánh mắng vô cớ ấy khiến trẻ bị mất thăng bằng, trở nên thất vọng về bản thân, xa lánh cha mẹ. Bên cạnh đó, những từ ngữ cha mẹ dùng khi mắng con càng làm đứa trẻ cảm thấy mình bị oan ức và tự khép chặt cánh cửa lòng mình. Đặc biệt, ở lứa tuổi học sinh, các em rất dễ tổn thương, thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng là tự tử.

TS Hùng cũng tiết lộ những con số đáng buồn qua cuộc khảo sát hàng năm về đời sống học sinh, sinh viên cho thấy, mùa tuyển sinh năm nào cũng có teen buồn bã tự tử với những nguyên nhân như bố mẹ la mắng, thất vọng bản thân, không còn là đứa con được bố mẹ tự hào…

Chính vì vậy, theo TS Hùng, các bậc cha mẹ khi dạy con làm sao cho con nói và nói sao cho con nghe thông qua hành động: Nói ít, nghe nhiều, đồng cảm nhiều. “3 câu đơn giản này thôi nhưng làm khó lắm. Thế nên nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng nói nhiều hơn nghe và cuối cùng là con không nghe lời mình nói. Mình nói mình lại sướng mình thôi”, TS Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo TS Hùng, khi chúng ta muốn để trẻ loại bỏ suy nghĩ tiêu cực thì hình như trẻ lại càng mất thăng bằng. Bố mẹ thường không nói chuyện với con về cảm xúc xấu của con, vì sợ làm tình hình còn tồi đi. Nhưng sự thật thì ngược lại, trẻ khi nghe những câu chia sẻ này lại được an ủi, thỉnh thoảng trẻ mong được thể hiện cảm xúc sâu sắc của mình.

Ảnh minh hoạ: Infonet.

Em Trần Văn T, (13 tuổi) học lớp 8, ngụ tại quận 9, Tp.HCM thường hay cãi vã với mẹ xung quanh chuyện học hành. Mỗi lần nhắc đến chuyện học là T. lại mệt mỏi vì mẹ lúc nào cũng “ca” bài: “Học thì ấm vào thân. Học giỏi để sau này bảo vệ Tổ quốc…”, T. tỏ vẻ giận dỗi. Và cậu thường đưa ra những lý lẽ: “Con học làm gì nhiều? Nhiều người trước học dốt, bây giờ vẫn giàu có” thì nhận được ngay câu trả lời: “Mày nói ngu như heo ấy. Mày không học giỏi, mẹ thấy xấu hổ thay cho mày với những người làm cùng cơ quan đấy”. Nhưng theo T: “Đấy là mặt mẹ chứ. Con có đến cơ quan mẹ đâu mà xấu mặt con”.   

Tất cả những lời yêu thương “roi vọt” đó đã khiến T. từ chán nản chuyển sang ghét bỏ mẹ. T. ít vui vẻ khi ở nhà và thường tìm đến nhà bà ngoại là nơi vui chơi, ngủ nghỉ nhiều hơn.

Một trường hợp khác của chị Trần Thị Hương, ngụ tại Q. Thủ Đức, Tp.HCM kể, vợ chồng chị đã sốc nặng khi phát hiện ra lá thư tình mùi mẫn mà một cậu bạn trai đã viết cho cô con gái mới 12 tuổi của chị. Không kiềm chế được cơn giận khi con mới “nứt mắt” đã yêu đương, anh chị đã gọi con đến và mắng thậm tệ: “Tí tuổi đầu đã yêu đương nhăng nhít, làm nhục bố mẹ”, rồi đưa bức thư ra trước mặt con.

Cô bé sợ hãi, xấu hổ và hét vào mặt bố mẹ trước khi bỏ đi khỏi nhà: “Bố mẹ là người con tôn trọng nhất, vậy mà tại sao lại nói với con những lời như vậy. Chúng con yêu nhau trong sáng mà”.

Cách để cha mẹ nói chuyện với con

Tâm ý của những người làm cha mẹ là tốt, ai cũng mong dạy con những điều hay lẽ phải nhưng cách dạy, truyền đạt đến con lại tiêu cực, vô tình đẩy con ra xa và mối quan hệ giữa cha mẹ và con trở nên căng thẳng. Khi bị cha mẹ la mắng suốt, tức nước thì vỡ bờ, các bé càng có xu hướng uất ức và la hét lớn hơn như một cách đối đầu và cố gắng giành phần thắng trong cuộc cãi vã, vì chúng cũng không phân biệt được đúng sai nên chúng luôn cho mình đúng.

Do vậy, nếu chẳng may đã rồi, cha mẹ nên hạ cảm xúc và giao tiếp với con qua ánh mắt trước tiên.

Ảnh minh hoạ: gia đình mới.

Sử dụng giọng nói tông thấp và cương nghị, bình tĩnh giải thích về hành vi cư xử chưa đúng mực của con, cho con hiểu lý do con bị mắng.

Cư xử khéo léo sẽ giúp con học được bài học giá trị và yêu thương cha mẹ hơn.

Cha mẹ nên điều chỉnh mình, cân bằng cuộc sống

Nhiều cha mẹ quá áp lực công việc, dù cố gắng kiềm chế nhưng đôi lúc vì quá căng thẳng mà cha mẹ cũng không thể kiểm soát cảm xúc mà quát mắng các con. Đó là những sai lầm khó tránh. Nhưng đôi khi đừng quá nghiêm khắc với bản thân. Hãy coi đó như một bài học làm cha mẹ.

Bạn hãy nên thừa nhận sai lầm nếu bạn làm sai, hãy xin lỗi con nếu bạn lỡ mắng sai bé để bé cũng biết học cách nhận lỗi và sửa lỗi khi chúng sai phạm. Nếu cả bạn cũng không làm được điều đó thì con bạn sẽ trở nên không biết nhận sai và sửa sai đâu. Gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên, là yếu tố quan trọng nhất hình thành nên nhân cách của trẻ.

Con trẻ là hạt giống, tốt hay xấu do cha mẹ quyết định. Hi vọng thông qua bài viết này có thể giúp được các bậc cha mẹ hay mắng con hiểu rằng nóng giận, la mắng không bao giờ cách tốt nhất để giải quyết vấn đề nuôi dạy con.

Chúc các bậc cha mẹ sẽ luôn có một gia đình hạnh phúc và con ngoan!

Video xem thêm: Thức tỉnh – Sinh mệnh tìm về cội nguồn

Exit mobile version