Đại Kỷ Nguyên

Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ hãy bồi dưỡng cho con về lòng nhân ái

Trong xã hội hiện đại luôn tồn tại hai thái độ sống đan xen. Một là coi mình là trung tâm, là quan trọng nhất, là ích kỷ và vị tư, sống chỉ vì mình; hai là coi đạo đức, lòng nhân ái là trung tâm, sống vì cái chung, vì tập thể, vì lợi ích của người khác.

Những người coi mình là trung tâm, sống chỉ vì mình, nổi bật về phát triển cá nhân, khi còn nhỏ được thỏa sức vui đùa, để mặc cho tính cách này phát triển. Điều này có thể khiến trẻ xa rời tính “bản thiện”, không biết ơn, không biết nỗi vất vả của cha mẹ, không trân quý của cải do cha mẹ để lại. Vì một khi ham muốn vật chất của con người nảy sinh thì sẽ rất khó khống chế. Đơn thuần nhấn mạnh phát triển cá tính thì sẽ không chú trọng giáo dục chữ hiếu. Khi về già, cha mẹ rất có nguy cơ phải vào viện dưỡng lão, sống trong cô đơn, buồn tẻ.

Nền giáo dục truyền thống chú trọng lòng nhân ái, ngay từ khi trẻ còn nhỏ đã phải giáo dục về lòng hiếu thảo.

Câu chuyện huyền thoại về người quản lý đầu tiên của khách sạn Hilton

Một buổi tối nọ, một cặp vợ chồng cao tuổi tìm đến một khách sạn ở khu du lịch hỏi thuê phòng. Người lễ tân, một thanh niên trẻ nhã nhặn đáp: “Xin lỗi, khách sạn chúng tôi đã hết phòng rồi, không còn phòng nào trống cả”. Song, khi thấy dáng vẻ mệt mỏi và thất vọng của hai vị khách, người lễ tân lại nói: “Tuy nhiên, hãy để tôi nghĩ cách xem sao…”.

Anh đương nhiên không muốn họ tiếp tục phải đi gõ cửa từng khách sạn, mà xem ra cũng đã kín đặc người trong thị trấn, rồi cuối cùng phải ngồi vạ vật đâu đó bên lề đường suốt đêm. Vậy nên, anh dẫn hai vị khách ấy đến một gian phòng nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ: “Đây không phải gian phòng tốt nhất, nhưng lúc này tôi chỉ có thể làm được đến vậy”. Hai vị khách tỏ ra vui mừng khôn xiết.

Ngày hôm sau, khi hai vị khách đến quầy thanh toán, người lễ tân từ chối: “Không cần đâu, vì đó là phòng nghỉ của cháu, cháu cho ông bà mượn phòng nghỉ của mình một đêm thôi mà. Chúc ông bà lên đường may mắn”.

Hóa ra, người lễ tân đã không ngủ mà ngồi làm việc suốt đêm. Hai vị khách vô cùng cảm động. Ông nói: “Cậu là nhân viên tốt nhất mà ta đã từng  gặp. Cậu sẽ được báo đáp!”. Anh ta nghe vậy chỉ mỉm cười.

Sau khi tiễn hai vị khách đi khỏi, anh ta lại tiếp tục bận rộn với công việc của mình và quên hẳn chuyện đó. Không ngờ một ngày kia, anh nhận được một tấm vé máy bay cùng thư mời đến New York làm việc. Anh đi máy bay đến New York, tìm đến địa chỉ ghi trong thư thì thấy trước mặt là một khách sạn cao cấp, sang trọng.

Hóa ra hai vị khách mấy tháng trước anh cho mượn phòng ấy là một cặp vợ chồng tỷ phú. Họ đã mua khách sạn này và tin rằng anh sẽ làm rất tốt công việc quản lý nó. Đây chính là câu chuyện huyền thoại về người quản lý đầu tiên của chuỗi khách sạn Hilton nổi tiếng toàn cầu.

Câu chuyện huyền thoại này xảy ra với một người giàu lòng đồng cảm và nhân ái. Vì thế, những người có tấm lòng nhân ái sẽ không bị thiệt thòi. Họ sẽ được báo đáp xứng đáng.

Khách sạn Hilton. (Ảnh: youtube.com)

Vậy, cha mẹ phải bồi dưỡng lòng nhân ái cho con như thế nào?

Bồi dưỡng lòng nhân ái cho con ngay từ khi còn nhỏ

Thời kỳ nhi đồng là giai đoạn quan trọng để hình thành các phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Vì thế, cha mẹ cần bồi dưỡng lòng yêu thương cho con ngay từ tấm bé. Khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy luôn yêu thương con, thường xuyên quan tâm, mỉm cười với con, để con cảm nhận được tình yêu của cha mẹ. Đây là điểm khởi đầu để tình yêu thương của con trẻ nảy mầm. Khi con lớn dần, cha mẹ phải coi mình là người bạn thân thiết của con, cùng con vui đùa, trò chuyện, học tập, để con cảm nhận được sự ấm áp trong gia đình, cảm nhận được hạnh phúc khi được yêu thương, để con học cách trao yêu thương.

Làm gương cho con

Cha mẹ không nên chỉ yêu thương con mà còn phải làm gương cho con, luôn kính trên nhường dưới và dạy con biết yêu thương người khác. Nếu một đứa bé ngay từ nhỏ chỉ biết nhận tình yêu của người khác mà không biết đáp lại bằng tấm lòng yêu thương, thì sau này lớn lên sẽ trở thành người khiếm khuyết về mặt cảm xúc. Những đứa trẻ như vậy sẽ chỉ mang lại bất hạnh cho gia đình và xã hội, cuối cùng sẽ bị gia đình và xã hội xa lánh.

Một đứa bé ngay từ nhỏ chỉ biết nhận tình yêu của người khác, thì sau này lớn lên sẽ trở thành người khiếm khuyết về mặt cảm xúc. (Ảnh minh họa: nygrc.com)

Tạo cơ hội để con được bày tỏ lòng yêu thương

Rất nhiều bậc cha mẹ chỉ biết truyền đạt tư tưởng cho con mà ít khi cho con có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình. Thực ra, trao yêu thương và nhận yêu thương là hai hành động đan xen. Nếu trẻ chỉ biết nhận yêu thương thì dần dần sẽ mất đi khả năng trao yêu thương, chỉ biết nhận mà không biết cho, đồng thời nghĩ rằng cha mẹ quan tâm đến mình là lẽ đương nhiên.

Một số cha mẹ tưởng rằng, quan tâm và yêu thương con nhiều hơn thì sau này lớn lên chúng sẽ hiếu thảo, thương yêu cha mẹ. Thực ra, đây lại là một nhận thức sai lầm. Cha mẹ không cho con cơ hội học cách yêu thương thì sao con có thể biết yêu cha mẹ được? Một số cha mẹ còn cho rằng nhiệm vụ của con trẻ là học tập, những thứ khác đều không quan trọng, chỉ có học thật giỏi thì sau này mới có tương lai tốt đẹp. Vì thế, việc gì cũng nghĩ cho con, làm thay con mọi việc. Bồi dưỡng trí tuệ đương nhiên rất quan trọng nhưng bồi dưỡng tình cảm còn quan trọng hơn. Bằng cách này, chúng ta đang góp sức mình để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Hồng Ân

Exit mobile version