Đại Kỷ Nguyên

Nếu trở lại thời sinh viên, ta sẽ sống rất khác

Nếu trở lại thời sinh viên, ta sẽ sống rất khác

Ảnh: Flickr.

Làm sinh viên thì có gì hay nhỉ? Có người nói rằng đó là quãng đời nhiều trải nghiệm và là bước ngoặt trưởng thành, nhưng ta lại không cảm nhận được điều đó ngay lúc ấy. Chỉ biết rằng, chinh phục xong mục tiêu “đỗ đại học, ta bị hụt hẫng trong vô định.

Vào đại học là một bước ngoặt trong cuộc đời. Ai đã trải qua thời sinh viên mà không nhớ những ngày tháng vui vẻ, nồng nhiệt ấy và cũng sẽ không quên những gian khó đầu đời. Từ một học sinh cấp ba trong vòng tay bố mẹ, chất quanh mình đủ loại sách bài tập và tài liệu tham khảo, làm thử cả đống đề thi với ý chí đỗ đại học thôi thúc khôn nguôi… Bỗng nhiên, chỉ qua một kỳ thi mà cuộc đời chợt rẽ lối. Ta rời căn nhà thân thương để đến một thành phố mới, xô bồ và lạ lẫm. Niềm vui đỗ đại học mau chóng nín lặng trước những lo toan của lần đầu sống tự lập. Ta nhớ nhà, nhớ bố mẹ xiết bao. Chưa quen việc tự lo cho mình từng bữa cơm. Bị xô đẩy, soi xét, hối thúc bởi những mối quan hệ mới, của bạn bè bốn phương.

Háo hức với cuộc sống mới chẳng được bao lâu, bỗng nhiên ta thấy thảng thốt về tương lai của mình. Mai sau ta sẽ làm gì, rồi trở thành người như thế nào? Nhiều môn học, chằng chịt cả thời khóa biểu, liệu có ích gì không? Người lớn bảo phải lo mà học để kiếm được cái bằng ưu, sau này dễ xin việc. Cũng có kẻ rỉ tai “Cứ chơi đi, tuổi trẻ có thắm lại bao giờ!”.

Thế rồi ta lao đầu vào học, mặc kệ thế giới ngoài kia. Sinh viên năm thứ hai hoài nghi về tương lai. Sang năm thứ ba vẫn mông lung về chính mình. Bốn năm đại học nhanh như gió thoảng, ta ra trường, đi làm, nhưng vẫn tự hỏi mình đã đạt được điều gì trong quãng đời sinh viên tươi trẻ vừa trôi qua?

Ảnh minh họa: Ekrulila / Pexels.

Không phải kiến thức, mà là kỹ năng

Câu hỏi ấy tưởng như sẽ mãi chìm vào dĩ vãng nếu như ta không gặp lại cô bạn cũ thuở nào. Giờ đây cô ấy là một giảng viên đại học, hằng ngày tiếp xúc với các bạn trẻ và hiểu cặn kẽ về họ. Thật thú vị khi nghe cô bạn kể về tâm tư của sinh viên, sao mà giống suy nghĩ thời non nớt của mình đến thế. Bao giờ buổi học đầu tiên cô cũng nói chuyện với sinh viên về tầm quan trọng của kỹ năng và thái độ. Bởi sinh viên thường chỉ chú trọng học kiến thức mà quên mất rằng chúng thực ra chỉ là nguyên liệu cho quá trình rèn luyện kỹ năng và hình thành thái độ sống đúng đắn của họ. Đó chính là khoảng trống khiến các bạn ấy, dù còn là sinh viên hay đã đi làm nhiều năm, vẫn luôn cảm thấy mông lung vô định. Bởi kiến thức, dù mênh mông như biển cả, thì vẫn chỉ là… kiến thức mà thôi. Nếu họ chọn một góc nhìn khác để nhận thức giá trị cần tu dưỡng là kỹ năng và thái độ, thì sự trưởng thành sẽ đến, các giá trị cốt lõi sẽ được củng cố và hiển lộ rõ ràng.

Theo nghiên cứu của UNESCO, 3 thành tố chính tạo nên năng lực của con người là: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó thái độ chiếm 70%, kỹ năng chiếm 26% còn kiến thức chỉ chiếm 4%. Thời đại đang phát triển nhanh, có những nghề nghiệp mà tương lai sẽ biến mất và cũng có những ngành mới xuất hiện. Vậy thì điều quan trọng đối với sinh viên ngày nay chính là chuẩn bị tốt về kỹ năng và thái độ để nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, rút ngắn thời gian làm chủ công việc mới, bắt nhịp được với nhận thức và trạng thái mới. Nghề nào cũng cần những kỹ năng cơ bản như thông tin, giao tiếp, tương tác và tâm lý phối hợp. Những kỹ năng đó quyết định sự hợp tác ăn ý giữa các thành viên trong một hệ thống, giúp hoạt động hiệu quả, dẫn đến thành công. Thậm chí, ngay cả trong cuộc sống gia đình thì những kỹ năng này cũng quyết định sự bền vững của hôn nhân.

Kỹ năng là thứ cần được trau dồi và rèn luyện cùng năm tháng, chứ không phải một sớm một chiều. 4 năm đại học là khoảng thời gian phù hợp để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tương tác với thầy cô và bạn bè. Đây là cơ hội để một sinh viên học cách lắng nghe – tiếp thu ý kiến của người khác, đồng thời cũng biết sắp xếp, thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu. Kỹ năng tương tác sẽ được hình thành và mài giũa thông qua hoạt động nhóm. Những việc này giúp trau dồi khả năng thuyết phục đối tượng và phối hợp hành động với các thành viên trong đội để tối ưu kết quả chung. Nói rộng ra, kết quả và chất lượng của hầu hết các hoạt động đều liên quan đến kỹ năng của người tiến hành chúng. Kỹ năng theo sát chúng ta trên từng bước chân, cuộc hẹn, chuyến đi, sự kiện, bài học, giảng đường… Nhiều lớp kỹ năng khác nhau tạo thành bề dày kinh nghiệm sống và làm việc, xây dựng vị thế và uy tín, phong cách và chất lượng cuộc sống của con người.

Ảnh minh họa: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

Thái độ còn quan trọng hơn kỹ năng

Kỹ năng quan trọng đến thế, mà cũng chỉ chiếm 26% năng lực con người, trong khi đó, thái độ quyết định đến 70%. Vì sao lại như vậy? Có câu chuyện kể rằng một du học sinh Pháp rất thông minh, học giỏi. Nhưng vì thiếu rèn luyện tâm tính, cậu đã trốn vé xe buýt rất nhiều lần vì biết xác suất bị bắt cực thấp. Đúng là cậu đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá và khoe chiến tích của mình trên Facebook cá nhân. Cậu không ngờ rằng hành vi gian dối đó đã bị xã hội ghi nhận như một vết nhơ khó gột rửa. Dù giành được tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, nhưng ở đất nước văn minh này, không một nhà tuyển dụng nào muốn chấp nhận một nhân viên đã vi phạm đạo đức căn bản như vậy. Hóa ra, cậu ta đã phải trả giá rất đắt cho những chuyến xe buýt miễn phí.

Câu chuyện nhỏ ấy đã khiến cô bạn tôi – một nhà giáo tâm huyết, cảm thấy đau lòng. Trong tầm nhìn của các chuyên gia giáo dục, việc học tập vất vả gian khó cũng chính là thử thách giúp sinh viên tu dưỡng sự trung thực và kiên nhẫn. Nhưng giúp họ nhận ra và tu dưỡng những giá trị đó không phải là việc dễ dàng. Nếu mọi thứ đều nhẹ nhàng và đơn giản thì những cá nhân xuất sắc và trung thực sẽ không có cơ hội tỏa sáng. Mặt khác, hệ lụy chung là sinh viên sẽ thiếu sự chuẩn bị cần thiết để vượt qua áp lực khắc nghiệt của công việc và cuộc sống sau này. Sự đơn giản ấy cũng không giúp trui rèn cho sinh viên tố chất kiên nhẫn, biết từ chối cám dỗ để dùi mài kinh sử ở thư viện, trong phòng thí nghiệm, trên giảng đường… Năng lực tổng quan của con người quyết định ở thái độ sống và làm việc, bộc lộ qua tâm tính và kỹ năng, đó mới là mục tiêu sau cùng của giáo dục, chứ không phải biến sinh viên thành những chiếc bao lèn chặt kiến thức và không biết dùng làm gì.

Cuộc trò chuyện với cô bạn cũ đã khiến ta bừng tỉnh, hóa ra suốt thời trẻ ta đã sống trong khái niệm lệch lạc và hoang tưởng về kiến thức. Ta ước được trở về tuổi thanh xuân để lấp đầy những tháng ngày rỗng tuếch và hoang phí. Ta đáng ra phải sống một cuộc đời sinh viên rất khác. Từng phút, từng giây của 4 năm tuổi trẻ đáng lẽ phải dành cho rèn luyện kỹ năng, tu dưỡng tâm tính, vượt qua từng môn học theo những cách khác nhau, trân trọng và xây dựng quan hệ tương tác với thầy cô và bạn bè… Nếu làm được như vậy, khi bước ra khỏi cổng trường đại học, ta sẽ tự tin và cũng khiêm tốn hơn về những giá trị mà mình đã tu dưỡng và đạt được. 4 năm sinh viên ấy cũng sẽ đặt nền móng cho một khóa học kéo dài suốt đời ta, mang tên “Khiêm nhường và Tự Hoàn thiện”. Thấm nhuần được bài học đó từ khi còn trẻ thì thật là đáng giá!

Viết đến đây ta chợt nghĩ, nếu khi xưa mình được trải nghiệm 4 năm sinh viên theo mô hình tu dưỡng “hoàn hảo” kia, thì hôm nay bài viết này có xuất hiện không? Không chắc, vì mỗi con đường sẽ dẫn người ta tới các điểm đến khác nhau. Ta thành công hơn chưa chắc đã là điều tốt cho mọi người khác.

Ta đã ước được quay trở lại tuổi trẻ, nhưng làm thế cũng chỉ để bản thân mãn nguyện. Vậy thì, nên chăng là hài lòng với thực tại và truyền đạt lại những điều tâm huyết cho các lứa sinh viên đi sau. Vậy hãy đọc và chia sẻ bài viết này nhé các bạn, đó là kinh nghiệm trả giá bằng tuổi thanh xuân của tôi đấy!

Exit mobile version