Đại Kỷ Nguyên

Mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ nhỏ, hãy biết cách dạy con từ khi còn thơ dại

Giáo dục đặc biệt là với trẻ nhỏ cần dựa trên sự chân thành và trung thực. Người ta nên dạy các bé theo những gương của cá nhân cụ thể, trực quan, không chỉ qua cách giảng dạy bằng lời nói suông. Sau đây là những câu chuyện có thật trong lịch sử về cách người xưa dạy con cái như thế nào.

Tăng Tử (505-432 TCN) đến từ Nam Vũ nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Khi ông 16 tuổi, ông được nhận làm học trò của Khổng Tử. Cuối cùng là ông đã trở thành một trong những đồ đệ kế thừa Khổng học chính truyền.

Tăng Tử tán thành quan điểm sự thịnh vượng của một gia đình yêu cầu bổn phận về sự hiếu học. Sự rèn luyện cá nhân được dựa vào sự chân thành, và người ta nên dạy dỗ theo gương của cá nhân, không chỉ qua cách giảng dạy bằng lời nói suông.

Tăng Tử (505-432 TCN) đến từ Nam Vũ nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, học trò của Khổng Tử và trở thành một trong những đồ đệ kế thừa Khổng học chính truyền. (Ảnh: saylor.org)

“Tăng Tử làm thịt heo” là một câu chuyện mô tả việc Tăng Tử đã dạy dỗ con trai mình về tính trung thực bằng cách giữ lời hứa.

Một ngày nọ, vợ của Tăng Tử đi ra chợ. Cậu con trai của ông vừa đi theo mẹ vừa quấy khóc. Bà vợ cảm thấy rất khó chịu và muốn đứa trẻ đi về nhà, nên bà nói: “Con quay về đi – rồi mẹ sẽ làm thịt heo cho con ăn”.

Vợ Tăng Tử trở về nhà sau khi đi chợ và Tăng Tử đã lấy con heo ra giữa sân để mổ thịt. Khi ông chuẩn bị xuống tay giết con heo thì vợ ông ngăn lại và nói: “Tôi chỉ nói vậy để dỗ dành con thôi; đừng nghiêm trọng hóa nó lên”.

Tăng Tử không tán thành nói:

“Không có trò đùa nào cho cha mẹ dùng để hứa với con của họ. Trẻ con vẫn chưa có khả năng nhận thức đúng đắn, và chúng sẽ học từ cha mẹ. Chúng sẽ làm theo sự chỉ bảo của cha mẹ. Nếu bà lừa dối thằng bé, sau đó bà sẽ dạy thằng bé cách lừa dối. Nếu người mẹ mà lừa dối một đứa trẻ, thì đứa trẻ đó sẽ không còn tin mẹ nó nữa”.

Cũng lại là một câu chuyện về việc “thịt lợn” cho con để dạy về chữ “Tín” khác. Thưở nhỏ mẹ Mạnh Tử đã vì môi trường tốt cho ông mà đổi nhà liên tục cho tới khi đến gần một trường học cũng là để ông đua bạn học tập lễ phép. Một hôm, Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế?”. Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói nhỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.

Người xưa coi trọng chữ Tín trong giáo dục như vậy, nên việc dạy dỗ các em nhỏ nhất định không thể đại khái, dễ dãi trong việc lấy ví dụ, nói chơi, nói đùa với trẻ.  (Ảnh: Pinterest)

Người xưa coi trọng chữ Tín trong giáo dục như vậy, nên việc dạy dỗ các em nhỏ nhất định không thể đại khái, dễ dãi trong việc lấy ví dụ, nói chơi, nói đùa với trẻ. Ngày nay rất nhiều bậc phụ huynh hay người nhà các em nhỏ thường hay trêu đùa các bé, lời nói xem ra chỉ là bông đùa vì trẻ con cả tin, nhưng tác dụng của một vài lần nói như vậy có thể ăn sâu trong suy nghĩ các em nhỏ, khiến chúng thấy việc buông lời thật không cần phải có trách nhiệm trong đó, thích sao thì nói chơi vậy thôi.

Rất dễ để bắt gặp những câu nói thiếu trách nhiệm của người lớn vô tình có thể khiến trẻ thật sự tổn thương và khắc sâu trong tâm trí. Ví như nhiều lần cơ quan tôi có đồng nghiệp đưa con nhỏ tới trong khi trường cháu nghỉ học. Em bé rất đáng yêu khiến các cô chú đều rất cưng nựng và hay trêu chọc. Bé bám mẹ, nên trong khi mẹ đang đi lấy cơm cho cháu thì cháu khóc, các cô thấy vậy lại trêu thêm: “Thôi chết rồi, mẹ đi đâu rồi, mẹ đi chơi rồi, bỏ con ở đây rồi, về nhà với cô nhé!….”. Những lời xem ra vô thưởng vô phạt nhưng quả thật là sự dối lừa xảy ra thường xuyên xung quanh những em bé ngây thơ, trong sáng sẽ để lại những ảnh hưởng đôi khi không thể vãn hồi.

Hàng xóm nhà tôi có gia đình nọ, bố mẹ thường xuyên đi làm bận nên cháu bé ở với bà ngoại. Bà vì để dỗ dành cháu nên hay nghĩ ra những cách đối phó không chân thật. Ví như vì cháu muốn ăn thêm kẹo nhưng bà không cho thì lại nói “con mèo ăn hết rồi”. Lời nói bâng quơ đó cuối cùng cũng không có phải là để gió cuốn đi mà nó quay trở lại với chính bà khi có lần cháu bé vì thèm ăn thịt rán quá nên ăn hết phần của bà, đến lúc bà hỏi thì cháu thưa rằng “con mèo ăn hết của bà rồi bà ạ!”.

Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng, người mà không giữ chữ Tín thì sao có chỗ sinh tồn. Chữ Tín vì sao lại quan trọng, nó không chỉ là cơ sở thiết lập niềm tin trong các mối quan hệ mà người ta đôi khi đã bỏ qua mất một ý nghĩa cũng quan trọng không kém của chữ Tín. Đã làm người trên đời, nhất định phải trung thực không chỉ với người khác mà với chính bản thân mình. Chỉ khi chúng ta trung thực với bản thân, nhìn nhận được đúng về con người mình thì mới có thể phấn đấu cải thiện được nó. Nhận thức được bản thân là một loại trí huệ, một loại tự tại, muốn thế thì phải trước tiên phải có cái nhìn trung thực. Tín không chỉ để cho người khác tin bạn, mà còn là để bạn tin mình, tin người và từ đó có niềm tin vào cuộc sống.

Quay trở lại quan điểm giáo dục phải trực quan sinh động từ chính ví dụ người thật việc thật xung quanh đứa trẻ của Mạnh Tử. Một câu chuyện khác về người mẹ vĩ đại của ông có thể sẽ cho bạn một cái nhìn cụ thể hơn và truyền cảm hứng trong việc dạy dỗ con cái.

Cách giáo dục quý báu của người mẹ đã góp một phần lớn trong việc hình thành con đường tự học sau này của Mạnh Tử. (Ảnh: talkinglearn.com)

Có một hôm Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Mẹ ông đang ngồi dệt bên khung cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Từ hôm đó, Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi về sau thành một bậc đại hiền. Chắc chắn công giáo dục quý báu của người mẹ đã góp một phần lớn trong việc hình thành con đường tự học sau này của Mạnh Tử.

Người ta vẫn nói người mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ nhỏ, nên người mẹ phải biết cách dạy con từ khi còn thơ dại. Chính cái buổi ban đầu ấy mới là cái buổi khó khăn, bởi từng hành động nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng lâu dài tới việc hình thành nhân cách một con người sau này. Và việc giáo dục con nhỏ hiệu quả nhất chính là từ tấm gương của bản thân người làm cha làm mẹ, những người hàng ngày em bé tiếp xúc cùng và nhìn vào đó để hình thành nhân sinh quan của mình. Thế nên, một khi bạn sinh con ra, hãy nhớ rằng chính là từ lúc đó, bạn bắt đầu đi trên hành trình làm một người tốt điển hình để con cái nhìn vào, sẽ không có những lúc nghỉ ngơi thư giãn, bởi giáo dục một con người là việc nghiêm túc phi thường, là việc liên quan tới tu dưỡng chính bản thân bạn từng thời từng khắc.

Nguyễn Linh

Exit mobile version