Đại Kỷ Nguyên

Làm sao để dạy con trẻ tránh xa đố kỵ, cạnh tranh đúng đắn?

Cạnh tranh lành mạnh là xây dựng thành tích trên cơ sở nỗ lực của bản thân, còn đố kỵ là thành công trên cơ sở thất bại của người khác. Vậy, các bậc cha mẹ nên làm gì để khắc phục tâm lý đố kỵ và xây dựng ý thức cạnh tranh đúng đắn cho con mình?

Người Ai Cập cổ có rất nhiều truyện ngụ ngôn nổi tiếng, trong đó có đoạn:

Một ngày, chim con nói với bố: “Bố ơi, giá như con có thể biến thành người thì hạnh phúc biết bao!”.

Chim bố đáp: “Con à, loài người không hạnh phúc như chúng ta đâu”.

Chú chim nhỏ hỏi: “Vì sao ạ?”.

Chim bố trả lời: “Bởi vì trái tim của loài người luôn cắm một cái gai, và cái gai này lúc nào cũng khiến họ nhức nhối. Con nghĩ xem, như thế sao có thể hạnh phúc được? Chẳng phải họ vẫn thường xuyên than rằng ‘nếu tôi là một chú chim nhỏ thì tốt biết bao’ sao?”.

Chim con tò mò hỏi lại: “Bố ơi, cái gai ấy tên là gì ạ?”.

Chim bố đáp: “Nó có tên là: Đố Kỵ!”.

Chỉ là một mẩu truyện nhỏ, nhưng đã nói lên thứ tâm lý khiến con người không thể hạnh phúc: Đó là lòng đố kỵ. Xét từ góc độ tâm lý học, đó là trạng thái phức tạp do nhiều cảm xúc tạo thành như bực tức, hụt hẫng, phẫn nộ, xấu hổ… nảy sinh khi thấy người khác vượt trội hơn mình về phẩm chất, địa vị, tiền bạc, hay danh dự.

Ai cũng có lòng đố kỵ, khi ở mức độ nhẹ sẽ không có hại cho sự phát triển của con người, thậm chí nếu được vận dụng thích hợp thì có thể còn khơi dậy ý chí vươn lên, thúc đẩy sự phát triển và trưởng thành của cá nhân. Tuy nhiên, vì trẻ nhỏ thiếu khả năng kiềm chế, nên khi để mặc cho tâm lý đố kỵ phát triển thì các em sẽ hình thành tính cách không tốt, nghiêm trọng hơn là có thể phát sinh những sự việc ngoài ý muốn.

Vì trẻ nhỏ thiếu khả năng kiềm chế, nên khi để mặc cho tâm lý đố kỵ phát triển thì các em sẽ hình thành tính cách không tốt. (Ảnh: flickr.com)

Muốn giúp con khống chế lòng đố kỵ, trước tiên cha mẹ cần hiểu vì sao trẻ nảy sinh loại tâm lý tiêu cực này. Thông thường, nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố sau:

Ảnh hưởng từ môi trường: Ở nhà hoặc ở trường, nếu trẻ thường xuyên chứng kiến những chuyện như nghi kỵ lẫn nhau, coi thường nhau, hạ thấp người khác, bàn luận về chuyện của người khác thì vô hình trung tâm lý của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Phương thức giáo dục không đúng đắn: Nhiều cha mẹ thường xuyên so sánh con cái với người khác để kích thích trẻ, ví như nói với con: “Con nhìn kìa, thành tích của con chẳng bằng bạn A”, hoặc: “Bạn A biết tự vệ sinh cá nhân rồi, còn con thì chẳng làm gì cả, chỉ biết ăn thôi!”. Những câu nói này tưởng chừng như vô hại nhưng lại rất dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý tự ti, ban đầu là không phục sau đó là đố kỵ.

Trẻ muốn được quan tâm, chú ý: Một số trẻ rất giỏi về một hoặc vài mặt nào đó nhưng lại có những phương diện không bằng các bạn đồng trang lứa. Chúng quen nhận được sự quan tâm chú ý của cha mẹ và thầy cô, vì thế mà dễ nảy sinh lòng đố kỵ với những bạn giỏi hơn mình về một vài phương diện nào đó.

Trên đây là những nguyên nhân làm nảy sinh lòng đố kỵ của trẻ. Dựa vào đó, cha mẹ có thể tham khảo 5 gợi ý sau đây để kịp thời điều chỉnh tâm lý tiêu cực này.

1. Không làm những ông bố bà mẹ “thích nói này nói nọ, bàn chuyện thị phi”

Về căn bản, việc nảy sinh tâm lý và hành vi đố kỵ là do nhân tố tiêu cực của bản thân trẻ và do môi trường bên ngoài tác động mà thành.

Trong đó, ảnh hưởng từ gia đình là lớn nhất. Lời nói và hành vi của cha mẹ luôn là tấm gương để trẻ bắt chước, mô phỏng. Nếu lớn lên trong môi trường mà cha mẹ hay nói này nói nọ, bàn chuyện thị phi thì trẻ cũng sẽ vô thức học theo.

Vì thế, cha mẹ hãy để con hiểu rằng mỗi người đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, nên học ưu điểm và không nên tùy tiện phê bình khuyết điểm của người khác. Cha mẹ cần xây dựng một không khí đoàn kết, thân ái, tôn trọng lẫn nhau, khiêm tốn và nhường nhịn trong gia đình. Đây là cơ sở quan trọng để phòng ngừa và điều chỉnh tâm lý đố kỵ của trẻ.

Xây dựng một không khí khiêm tốn và nhường nhịn trong gia đình, là cơ sở quan trọng để phòng ngừa và điều chỉnh tâm lý đố kỵ của trẻ. (Ảnh theo lamchame)

2. Đánh giá trẻ một cách đúng đắn

Trẻ em luôn thích được biểu dương và khích lệ. Biểu dương đúng mực có thể củng cố ưu điểm, tăng cường sự tự tin và thúc đẩy trẻ không ngừng học hành tiến bộ. Nếu biểu dương không đúng lúc hoặc biểu dương quá mức sẽ khiến trẻ kiêu ngạo, từ đó coi thường người khác, cho rằng chỉ mình là giỏi nhất, người khác đều không bằng mình.

Khi trẻ có hành vi đố kỵ, cha mẹ không nên phê bình và chỉ trích một cách nghiêm khắc, càng không nên châm chọc con. Bởi vì như thế chỉ khiến trẻ mất đi lòng tự trọng, nghiêm trọng hơn là rơi vào nỗi đau khổ của lòng đố kỵ.

3. Giúp trẻ xây dựng niềm tin

Trẻ càng thiếu tự tin thì lại càng chú ý đến điểm yếu của mình, và càng cảm thấy kém cỏi thì lại càng thêm đố kỵ. Với những đứa trẻ như vậy, tình yêu, lời khen ngợi và sự thấu hiểu của cha mẹ là phương thuốc hữu hiệu nhất để khắc phục sự tự ti, từ đó loại bỏ tâm lý đố kỵ.

Vì thế, cha mẹ hãy giúp con xây dựng niềm tin, để con biết mình cũng có ưu điểm, cũng có quyền để kiêu hãnh. Cha mẹ hãy khích lệ và biểu dương ưu thế của con, chú ý tới sự tiến bộ của chúng. Mỗi khi con tự mình giải quyết được một vấn đề dù lớn hay dù nhỏ thì cha mẹ đừng ngần ngại thể hiện niềm tự hào về con. Khi trẻ thấy tự hào về bản thân, chúng sẽ dễ dàng tiếp nhận việc người khác được quan tâm chú ý hơn mình về một vài phương diện nào đó.

Nếu trẻ ‘chưa bằng bạn bằng bè’ thì cũng không nên chỉ trích mà hãy giúp con bồi đắp khiếm khuyết ấy. Nếu có thể, cha mẹ hãy nhờ đứa trẻ giỏi hơn giúp đỡ con mình làm tốt một vài việc nào đó. Sự giúp đỡ chân thành ấy cũng là một phương thuốc hữu hiệu khắc phục tâm lý đố kỵ.

4. Chuyển hướng chú ý và mục tiêu quan tâm của trẻ

Cho dù rất khó dập tắt lòng đố kỵ chốc chốc lại nảy sinh, bạn vẫn có thể chuyển hướng sự chú ý của trẻ để lòng đố kỵ trở thành động lực kích thích trẻ vươn lên.

Có câu chuyện kể rằng, một cậu bé nọ vô cùng đố kỵ khi nhìn thấy bộ sưu tập ô tô đồ chơi của người bạn hàng xóm. Cậu bé nói với mẹ: “Nhất định là bạn ấy đã mượn ô tô của người khác mà không chịu trả lại, nếu không sao lại có nhiều ô tô như vậy được!”. Sau khi nghe con nói xong, mẹ liền nhẹ nhàng nói với con: “Con cũng muốn có nhiều ô tô đồ chơi phải không? Vậy sao con không để dành tiền tiết kiệm để mua ô tô nhỉ? Mẹ nghĩ là nếu con dành dụm tiền tiêu vặt thì sẽ mua được rất nhiều ô tô đồ chơi đấy!”.

Câu nói của mẹ khiến cậu bé vô cùng hào hứng, từ đó cậu không còn tiêu tiền bừa bãi nữa, mà để dành để mua những chiếc ô tô mới. Cậu cũng không còn thấy người khác có nhiều đồ chơi mà sinh lòng đố kỵ nữa.

Bạn có thể chuyển hướng sự chú ý của trẻ để lòng đố kỵ trở thành động lực kích thích trẻ vươn lên. (Ảnh: mulpix.com)

5. Dẫn dắt trẻ xây dựng ý thức cạnh tranh đúng đắn

Những trẻ mang tâm lý đố kỵ thường có lòng tự trọng cao, tính sĩ diện lớn, có tính cách hiếu thắng. Cha mẹ có thể tận dụng tính sĩ diện và lòng tự trọng ấy một cách thích hợp để khơi dậy ý thức cạnh tranh của trẻ, để chúng tích cực nỗ lực hoàn thiện bản thân mình.

Cạnh tranh lành mạnh là xây dựng thành tích trên cơ sở nỗ lực của bản thân, còn đố kỵ là xây dựng thành công trên cơ sở thất bại của người khác. Đây là sự khác biệt cơ bản về tâm lý cạnh tranh lành mạnh và đố kỵ. Là cha mẹ, hãy dẫn dắt, giáo dục và xây dựng ý thức cạnh tranh đúng đắn cho con mình. Hãy nói với con rằng: cạnh tranh là để tìm ra sự khác biệt, lấy mạnh bù yếu, từ đó tiến bộ nhanh hơn, chứ không được dùng thủ đoạn bất chính để giành chiến thắng. Cha mẹ hãy dẫn dắt tính cách hiếu thắng của con theo hướng tích cực như vậy.

Trẻ có thể khắc phục lòng đố kỵ và biết cạnh tranh đúng đắn hay không là kỳ vọng của cha mẹ, cũng là tiền đề tất yếu cho sự phát triển sau này. Khi con có thể xử lý tốt các mối quan hệ giao tiếp, cùng nhau phát triển và tiến bộ là mong ước thiết tha nhất của các bậc làm cha làm mẹ. Bởi cuộc sống là như thế, những gì khốc liệt hơn, khó khăn hơn vẫn đang chờ phía trước. Nếu ngay cả tâm lý cạnh tranh lành mạnh còn không có thì sao có thể tham gia vào sự cạnh tranh rộng lớn hơn?

Hồng Ân

Exit mobile version