Đại Kỷ Nguyên

Làm gì khi trẻ nổi nóng bướng bỉnh? Giải pháp đơn giản: Không cần khuyên bảo!

Là cha mẹ, chúng ta thường rất đau đầu khi những đứa con tỏ ra chán nản, bực bội hay có những yêu cầu vô lý. Chúng ta khuyên bảo, giảng giải nhưng chúng bướng bỉnh không chịu nghe, thậm chí còn hành xử tệ hơn. Chuyên gia về giao tiếp giữa cha mẹ và con cái đưa ra một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả bất ngờ: công nhận cảm xúc của trẻ!

Trong cuốn sách bán chạy nhất được xếp hạng bởi Thời báo New York – “Nói sao cho trẻ chịu nghe & Nghe sao cho trẻ chịu nói”, hai tác giả Adele Faber và Elaine Mazlish đã phân tích phản ứng của trẻ khi cha mẹ đáp lại cảm xúc buồn bực của chúng theo những cách khác nhau.

Phản xạ tự nhiên phổ biến của cha mẹ là khước từ cảm xúc của trẻ. Ví dụ: khi trẻ phàn nàn về việc thầy giáo gạch tên mình ra khỏi đội tuyển chỉ vì đi học muộn, bạn có xu hướng ngay lập tức “chỉnh” con rằng không được phép nổi khùng với thầy, rằng đó là lỗi của con, lẽ ra con phải đến đúng giờ chứ v.v.

Thực ra, bạn đang dùng lý lẽ để giáo dục con, nhưng lại quên mất rằng khi trẻ đang trong tâm trạng buồn bực, cảm xúc sẽ lấn át lý trí và chúng khó có thể tiếp nhận giáo huấn gì. Khi phải nghe lời răn dạy, chúng có thể sẽ càng tức giận hơn, không kiềm chế nổi và nói hỗn với bạn. Bạn sẽ phát cáu vì đứa con “không biết phải trái”, kết tội chúng, thế là hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng rộng ra.

Vì vậy, cách tốt nhất là: giúp trẻ xử lý cảm xúc của chúng. Sau khi bình tĩnh lại, chúng sẽ có thể tự tìm ra nguyên nhân và tháo gỡ vấn đề. Đến lúc này, những đạo lý làm người mới có thể được con trẻ tiếp thụ.

Hình ảnh minh hoạ từ cuốn sách “Nói sao cho trẻ chịu nghe & Nghe sao cho trẻ chịu nói” của Adele Faber và Elaine Mazlish

Trong cuốn sách, Faber & Mazlish đã kể lại một câu chuyện thú vị được chia sẻ bởi một vị phụ huynh. Cậu bé con ông vừa đi học về đã hét ầm lên rằng: “Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!”.

Nếu người cha theo phản xạ khước từ cảm xúc của cậu bé, thì cuộc đối thoại sẽ diễn ra như sau:

Con: Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!

Cha: Sao vậy? Có chuyện gì xảy ra?

Con: Nó quẳng tập của con xuống đất!

Cha: Hừ, con đã làm gì nó trước phải không?

Con: Không!

Cha: Con chắc chứ?

Con: Con thề, con không bao giờ đụng tới nó.

Cha: Hừ, Michael là bạn của con. Nếu làm theo lời khuyên của ba thì con sẽ quên chuyện đó liền. Con biết là con đâu có ngoan hoàn toàn. Đôi khi con bất thần kiếm chuyện rồi đổ lỗi cho người khác – giống như cách con hay đổ thừa cho anh vậy.

Con: Không phải. Nó kiếm chuyện với con trước… mà thôi, con không nói chuyện với ba nữa!

Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Vì ông đơn giản là chỉ lắng nghe những gì con nói, công nhận cảm xúc của con, cuộc đối thoại trở thành như sau:

Con: Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!

Cha: Trời, con tức giận quá.

Con: Con muốn đấm vào giữa cái mặt phèn phẹt của nó!

Cha: Con phát điên với nó đến thế cơ!

Con: Ba có biết cái thằng bắt nạt đó đã làm gì không? Nó giật tập của con ở trạm xe buýt và quẳng xuống đất. Vô cớ!

Cha: Hừmm!

Con: Con cá là tại vì nó tưởng con đã làm bể con chim bằng đất sét thô thiển của nó trong phòng mỹ thuật!

Cha: Con nghĩ vậy à.

Con: Phải đó, ba. Nó cứ nhìn chằm chằm vào con trong lúc nó la thét.

Cha: Ồ.

Con: Nhưng con đâu có làm bể. Con đâu có làm.

Cha: Con biết rõ là con không làm.

Con: Ừm, con không cố ý! Con đâu thể tránh được khi thằng ngốc Debby xô con vào bàn.

Cha: Thì ra Debby xô con.

Con: Đúng rồi. Nhiều thứ đổ ụp xuống, nhưng món duy nhất bị bể là con chim. Con không cố ý làm bể nó. Con chim của nó khá đẹp.

Cha: Ờ, đúng là con không cố ý làm bể nó.

Con: Dạ. Nhưng nó không tin con.

Cha: Con không tin là nó tin con nếu con nói cho nó nghe sự thật.

Con: Con không biết… Để con thử nói với nó xem sao – cho dù nó có tin con hay không. Con nghĩ nó nên xin lỗi con vì đã quẳng tập con xuống đất!

“Người cha rất kinh ngạc. Ông không hề hỏi một câu nào và đứa trẻ tự động kể cho ông nghe toàn bộ câu chuyện. Ông không khuyên răn lời nào mà đứa con tự tìm ra hướng giải quyết của nó. Ông dường như không thể tin nổi mình lại giúp đỡ đắc lực cho con chỉ bằng cách lắng nghe và công nhận cảm xúc của nó”.

Nếu như chúng ta lớn lên với những trải nghiệm bị khước từ cảm xúc, thật khó để trở thành những ông bố bà mẹ dịu dàng, cảm thông, tâm lý với các con. Nếu những gì chúng ta học được từ ông bà của lũ trẻ chỉ là đe nẹt, quát mắng và làm ngơ, sẽ không dễ dàng để lắng nghe chúng trút giận và công nhận cảm xúc của chúng.

Có lẽ vì thế mà quá trình nuôi dạy con cũng là hành trình học hỏi, trưởng thành của cha mẹ. Qua những mâu thuẫn phát sinh, chúng ta học được cách lắng nghe bằng sự kiên nhẫn, thông cảm với lòng bao dung, lý giải vấn đề một cách thiện ý và chân thành.

Ngọc Hà

(Tham khảo: “Nói sao cho trẻ chịu nghe & Nghe sao cho trẻ chịu nói”, Adele Faber và Elaine Mazlish, bản dịch của Trần Thị Hương Lan)

Exit mobile version