Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện thú vị đằng sau tên gọi 12 tháng trong năm

Chúng ta vẫn hay gọi các tháng bằng tiếng Việt một cách đơn giản: Tháng một, tháng hai, tháng ba… theo dương lịch và có thêm tháng giêng, tháng chạp theo âm lịch. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, mỗi một tháng thường bắt nguồn từ tên vị thần Hy Lạp hoặc những từ ngữ cổ trong tiếng Latin.

January (tháng 1), được viết tắt: Jan

Janus là một vị Thần trong quan niệm của người La Mã xưa có 2 khuôn mặt để cùng lúc canh gác hai mặt của một lối ra vào. Lễ kỷ niệm vị thần này diễn ra vào đầu năm, là lúc người ta nhìn lại năm cũ và hướng về năm mới. 

February (tháng 2), được viết tắt: Feb

Tháng duy nhất có dưới 30 ngày của năm bắt nguồn từ februarius trong tiếng Latin. Theo các tài liệu cổ, februarius có gốc từ februum, một thứ dùng trong các nghi lễ tẩy uế xưa diễn ra vào ngày 15/2 hàng năm. Trong phong tục của La mã thì thường các phạm nhân đều bị hành quyết vào tháng 2 nên người ta lấy luôn từ này để đặt cho tháng. Từ này cũng có hàm ý nhắc loài người hãy sống lương thiện hơn và tránh xa mọi tội lỗi.

Ảnh: SiloCreativo

March (tháng 3), được viết tắt: Mar

Mỗi tháng 3, người La Mã thường tổ chức vài lễ hội để chuẩn bị cho các cuộc chiến và tôn vinh Mars, vị Thần chiến tranh của họ. Đó cũng là lý do tháng 3 mang tên March.

April (tháng 4), được viết tắt: Apr

Từ tiếng Anh April có gốc từ chữ Aprillis trong tiếng Latin, là tháng tư trong lịch của La Mã cổ đại. Còn trong tiếng Anh cổ, April đôi khi được gọi là Eastermonab (tháng Phục sinh, thời điểm thường dùng để tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Jesus theo quan niệm của người Kitô giáo).

May (tháng 5), được viết tắt: May

Tên gọi của tháng được đặt theo tên nữ thần Maia của Hy Lạp. Bà là con của Atlas và mẹ của thần bảo hộ Hermes. Maia thường được nhắc tới như nữ thần của Trái đất và đây được xem là lý do chính của việc tên bà được đặt cho tháng 5, một trong những tháng mùa xuân.

June (tháng 6), được viết tắt: Jun

Rời khỏi khi Hy Lạp, nguồn gốc tên các tháng của tiếng Anh lại quay về với đế chế La Mã khi June chính là tên đặt theo vị thần cổ Juno, vợ “Vua của các vị Thần” Jupiter (người cai quản bầu trời và sấm sét, tương tự Zeus trong thần thoại Hy Lạp). Juno đồng thời là nữ thần của hôn nhân và sinh nở.

Ảnh: Fastweb

July (tháng 7), được viết tắt: Jul

Julius Caesar, lãnh tụ nổi tiếng nhất của Cộng hòa La Mã cổ đại là người trần và nhân vật có thật trong lịch sử đầu tiên được lấy tên để đặt cho một tháng trong năm. Sau khi ông qua đời vào năm 44 trước Công nguyên, tháng ông sinh ra được mang tên July. Trước khi đổi tên, tháng này được gọi là Quintilis (trong tiếng Anh là Quintile, có nghĩa “ngũ phân vị”).

August (tháng 8), được viết tắt: Aug

Năm 8 trước Công nguyên, tháng Sextilis (thứ sáu) được đổi tên thành August, theo tên của Augustus, Hoàng đế đầu tiên cai trị đế chế La Mã (qua đời năm 14 trước Công nguyên). Augustus thực chất là một danh xưng sau khi trở thành Hoàng đế của Gaius Octavius (hay Gaius Julius Caesar Octavianus), người kế thừa duy nhất của Caesar. Danh xưng này có nghĩa “đáng tôn kính”.

September (tháng 9), được viết tắt: Sept

Septem (có nghĩa “thứ bảy”) trong tiếng Latin là tháng tiếp theo của Quintilis và Sextilis. Kể từ tháng 9 trở đi trong lịch đương đại, các tháng sẽ theo thứ tự như sau: tháng 9 (hiện nay) là tháng thứ 7 trong lịch 10 tháng của La Mã cổ đại (lịch này bắt đầu từ tháng 3).

October (tháng 10), được viết tắt: Oct

Từ Latin Octo có nghĩa là “thứ 8”, tức tháng thứ 8 trong 10 tháng của một năm. Vào khoảng năm 713 trước Công nguyên, người ta đã thêm 2 tháng vào lịch trong năm và bắt đầu từ năm 153 trước Công nguyên, tháng một được chọn là tháng khởi đầu năm mới.

Ảnh: Scatter

November (tháng 11), được viết tắt: Nov

Novem là “thứ 9” (tiếng Latin), là tháng gần cuối theo lịch người La Mã trước đây.

December (tháng 12), được viết tắt: Dec

Tháng cuối cùng trong năm hiện tại là tháng decem (thứ 10) của người La Mã xưa.

Năm là đơn vị chỉ thời gian, gồm 12 tháng và mang tính biểu tượng như một vòng tuần hoàn có tính chu kì (một đời người, một triều đại, sự bắt đầu và kết thúc một nền văn hoá, chu kì vũ trụ). Biểu tượng hình tròn của năm thường được nằm gói gọn trong một hình vuông với bốn góc là bốn nhân vật tượng trưng cho bốn mùa trong năm. Tấm thảm thêu về Sự sáng tạo trong nhà thờ Gerona là một ví dụ cho hình ảnh đó.

Sự sáng tạo trong nhà thờ Gerona (Ảnh: www.pinterest.com)

Trong truyền thống Trung-hoa thì vòng tròn biểu tượng của năm được chia thành hai phần bằng nhau, tương ứng với bóng tối/cái chết và ánh sáng/sự sống. Từ thời xa xưa thì người ta tin rằng mỗi người đều phải trải qua một quá trình tái sinh hàng năm, từ tháng Mười hai cho đến tháng Sáu, biểu tượng cho cái chết và sự phục sinh. 

Thiện Nhân

Exit mobile version