Đại Kỷ Nguyên

Khi trẻ không lễ phép, cha mẹ chớ vội mắng mà hãy hỏi con 2 câu này

Út Hoa nói một câu khiến cho mẹ phải giật mình: “Không phải là mẹ bỏ tiền ra để thuê cô ta làm việc quét dọn sao? Tại sao con phải đi tôn trọng một người giúp việc chứ?”

Nên làm thế nào để giáo dục con trẻ? Vấn đề này chắc hẳn khiến không ít bậc cha mẹ phải đau đầu. Hiện nay, trẻ nhỏ thật nhanh nhẹn và thông minh, trách mắng của cha mẹ nhiều khi không có tác dụng gì. Cũng không biết làm thế nào để quản, giáo dục để trẻ chịu nghe lời.

Kỳ thực, giáo dục trẻ không chỉ là giáo dục trên phương diện học hành, trẻ học hành không tốt chưa phải là vấn đề quan trọng, tìm được sở trường của trẻ mới là vấn đề. Nhưng tính cách của trẻ không tốt, giá trị quan lệch lạc, thì sẽ khiến cho trẻ trưởng thành cũng lệch lạc, không vững vàng.

Cho nên, việc bồi dưỡng nhân cách cho con trẻ mới là vấn đề trọng yếu mà cha mẹ nên dụng tâm cố gắng.

Xin kể ra đây một câu chuyện có thật, để cha mẹ có cái nhìn khác về phương diện giáo dục nhân cách cho trẻ.

***

Ba mẹ của Út Hoa vừa mới tìm thuê được một người giúp việc, đó là một người phụ nữ tuổi trung niên nhìn rất trung thực. Gia đình của người giúp việc có ba người con thì có hai người thường xuyên bệnh tật, vì hoàn cảnh khó khăn cho nên cô buộc phải rời nhà lên thành phố xin làm nghề giúp việc. Cô mang theo một tấm hình chụp gia đình, những khi nhớ nhà, nhớ con cái, cô liền mang tấm hình ra ngắm.

Ba mẹ của Út Hoa đối đãi với người giúp việc mới này rất tốt, nhưng mà Út Hoa là đứa bé không hiểu chuyện, thường xuyên tìm cớ để gây khó dễ cho cô giúp việc. Cô giúp việc hiền lành bỏ qua, không hề trách móc bé.

Có một lần, Út Hoa ăn dưa hấu, đem hạt phun đầy ra sàn nhà. Mẹ nhìn thấy không vui, nói với Út Hoa rằng dì mới lau nhà xong, con làm như vậy là không tôn trọng dì, không tôn trọng thành quả lao động của dì. Không ngờ Út Hoa nói một câu khiến cho mẹ phải giật mình: “Không phải là mẹ bỏ tiền ra để thuê cô ta làm việc quét dọn sao? Tại sao con phải đi tôn trọng một người giúp việc chứ?”

Không ngờ Út Hoa nói một câu khiến cho mẹ kinh sợ… (Ảnh minh họa: lomography.cn)

Khi ấy, người giúp việc đang ở bên cạnh, mẹ của Út Hoa vừa giận con, lại ngượng với cô giúp việc nên vội vàng nói lời giải thích, đồng thời bảo Út Hoa xin lỗi cô giúp việc. Thế nhưng Út Hoa khăng khăng nhất định không chịu xin lỗi. Còn cho rằng mình không hề sai.

Thái độ của Út Hoa đối với cô giúp việc không chỉ dừng ở đó, mà còn phát triển đến mức độ ghê gớm hơn. Sau đó, chờ khi cô giúp việc đi vắng, Út Hoa vào phòng cô giúp việc, lấy tấm hình kia xé nát, còn cố tình tè bậy lên trên giường, vừa lúc cô giúp việc về bắt gặp được. Cô giúp việc vội chạy tới nhặt những mảnh vụn của bức ảnh lên rồi òa khóc. Út Hoa thấy vậy thì trong lòng có chút hối hận, nhưng rồi bé cho rằng mình là chủ nên không cần nhận sai. Nghĩ vậy thật đắc ý, bé liền chạy ra ngoài chơi.

Khi mẹ trở về, biết được mọi chuyện, rất tức giận muốn đánh cho Út Hoa một trận, nhưng bị cô giúp việc kịp thời ngăn lại.

Sau đó, mẹ không hề trách mắng Út Hoa, mà mẹ nhặt từng mảnh bị xé của bức ảnh ngồi ghép lại thật cẩn thận. Nhìn thấy mẹ lạnh lùng không nói lời nào, trong lòng Út Hoa thấy lo sợ không yên. Nhưng cuối cùng mẹ không có đánh Út Hoa, mà kêu bé đến bên cạnh mình, để cho bé chính mắt nhìn thấy mẹ đem giường chiếu của cô giúp việc giặt sạch, nhìn mẹ đem từng mảnh nhỏ của bức ảnh ghép lại. Cứ như vậy, Út Hoa nhìn mẹ làm đến hơn nửa đêm. Lúc này, Út Hoa vừa nhìn mẹ vừa khóc, đồng thời liên tục nói xin lỗi mẹ. Nhưng mẹ cũng không dừng lại, chờ đến khi làm xong, mẹ mới quay qua nói với Út Hoa, mẹ kể ra những việc hàng ngày cô giúp việc đã làm, cũng kể ra những việc cô giúp việc đối tốt với Út Hoa. Cuối cùng mẹ hỏi Út Hoa hai câu:

“Mẹ thay con gánh chịu trách nhiệm, con cảm thấy khổ sở không?

Mỗi một người đều xứng đáng được tôn trọng, con có hiểu không?”

Dạy con trẻ biết lễ phép là điều mà mỗi cha mẹ nên làm. Trẻ nhỏ ngày nay càng ngày càng biểu hiện xuất sắc, nhưng cha mẹ làm thế nào để giáo dục con hiểu và biết cách đối đãi với những người lao động được xã hội mặc định là ở tầng lớp thấp?

Trẻ nhỏ ngày nay ngày càng biểu hiện xuất sắc, để giáo dục con tốt là cả một quá trình dài cải biến con cũng như cải biến bản thân. (Ảnh minh họa theo newlife )

Cha mẹ nên xét lại mình xem lời nói và hành vi của mình có cố tình hay vô ý phân biệt đối xử với những người này hay không? Lời nói và hành vi cư xử của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đối với con trẻ?

Cha mẹ là hình mẫu của con trẻ. Giá trị quan của cha mẹ như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành giá trị quan của trẻ. Tất nhiên, con trẻ cũng rất dễ bắt chước theo những người gần gũi bên cạnh hoặc hoàn cảnh sinh sống. Khi cha mẹ phát hiện con trẻ có những ảnh hưởng không tốt từ bên ngoài thì phải lập tức ngăn chặn, đồng thời giảng giải cho trẻ hiểu thế nào là sai, thế nào là đúng, nhằm chỉnh sửa lại những nhận thức không đúng kia.

Cha mẹ cần cho trẻ biết rằng, mỗi một người bỏ công sức ra làm việc chân chính đều xứng đáng được tôn trọng; tôn trọng người khác không phải chỉ vì địa vị hay công việc của họ cao hay thấp. Giúp con xây dựng được nhân sinh quan và giá trị quan đúng đắn, tương lai đối mặt với những thành công hay thất bại trong cuộc sống mới có thể bình tĩnh, trấn định, mới có thể tin tưởng vào giá trị bản thân, giá trị nhân cách của con người.

Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch

Exit mobile version