Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế Khang Hy dạy con, các hoàng tử đi học mỗi năm chỉ được phép nghỉ 5 ngày

Giáo dục trong Hoàng gia của triều nhà Thanh là nền giáo dục quý tộc văn võ song toàn. Hoàng đế Khang Hy đích thân kiểm tra dạy dỗ các hoàng tử, có thể nói ông là một trong những bậc Đế vương chăm chỉ nhất trong các triều đại. Ông yêu cầu các hoàng tử phải học các tác phẩm kinh sách kinh điển về văn học, lịch sử, ngoại ngữ, cưỡi ngựa bắn cung, học võ thuật từ nhỏ.

Khang Hy dạy hoàng tử học bơi lội

Ngoài những môn học bắt buộc ra, Hoàng đế Khang Hy cũng có chủ trương cho các hoàng tử bồi dưỡng rèn luyện một số kỹ năng trong cuộc sống. Có một lần, ông chứng kiến thấy một thị vệ vốn có bản lĩnh võ công cao cường nhưng không biết bơi lội, tỏ ra lo lắng sợ hãi khi đối mặt với sông nước. Một kiện tướng oai hùng trên lưng ngựa tự do rong ruổi lại bị nước làm khó, ông cảm thấy thật lo lắng cho vị tướng kia, đồng thời trong lòng lại cảm thông với vị tướng ấy. Chính vì thế, ông nghĩ đến việc cho các hoàng tử học bơi lội, tương lai, một khi có chuyện phát sinh ngoài ý muốn trên sông nước, thì các hoàng tử cũng có thêm khả năng để bảo vệ cho bản thân mình được an toàn.

Hoàng đế Khang Hy rất quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng và huấn luyện các Hoàng tử – tranh “Khang Hy đi tuần phương Nam”. (Ảnh: kiddle.co)

Hoàng tử, hoàng tôn phải đi bộ đến trường học

Có nhiều người bình thường cho rằng, các hoàng tử công chúa được sinh ra và lớn lên trong hoàng cung, ngay từ nhỏ đã có cuộc sống “áo quần đưa đến tận tay, cơm dâng tới tận miệng”, được phục vụ chăm sóc cẩn thận. Nhưng đối với Hoàng đế Khang Hy, thì ông không hy vọng các hoàng tử được sống quá an nhàn, vì muốn rèn luyện cho các con, ông đã chế định một số quy củ.

Tiền Quán Thạch, người đảm nhiệm chức Thượng thư phòng, làm thầy dạy cho các hoàng tử, đã từng cho biết, trong cung, các A Ca (Hoàng tử) hơi lớn một chút thì mỗi ngày đều phải đi bộ ba đến bốn dặm, sau đó mới đến thư phòng đọc sách, học tập. Buổi chiều, sau khi học xong, lại phải đi bộ khoảng ba bốn dặm, sau đó mới về nhà. Cứ như thế, cho dù mùa đông lạnh giá thì mỗi ngày đều phải đi bộ sáu, bảy dặm đường, hơn phân nửa các hoàng tử hoàng tôn đều phải tuân theo quy củ này. Các hoàng tử, hoàng tôn mỗi ngày phải chịu vất vả một chút, làm như vậy nhằm giúp họ tĩnh tâm đọc sách, học tập, vừa rèn luyện thêm tính nhẫn nại và thể lực.

Thượng thư phòng là nơi các Hoàng tử nhà Thanh đọc sách, nằm ở phía đông nam Càn Thanh môn trong Tử Cấm Thành. (Ảnh minh họa: archdaily.com)

Hoàng đế Khang Hy đôn đốc giám sát tình hình học tập cả văn lẫn võ của các hoàng tử

Khi các hoàng tử vừa đi vững, Hoàng đế Khang Hy sẽ dạy các con học cưỡi ngựa, bắn tên, bơi lội… Ông dùng các môn học này thay thế các trò chơi và giải trí cho các hoàng tử.

Các hoàng tử từ lúc 6 tuổi là phải bắt đầu đọc sách, mỗi ngày từ sáng sớm lúc 5h cho đến 3h chiều, tổng cộng mỗi ngày phải đọc sách hết mười mấy giờ đồng hồ, tuy nhiên đây chỉ mới là học văn hóa.

Nơi các hoàng tử, hoàng tôn đọc sách được gọi là “Thượng thư phòng”. Thời kỳ nhà Thanh đang ở thế hưng thịnh, gần như mỗi ngày Hoàng đế đều tuần tra qua Thượng thư phòng để kiểm tra bài học của các hoàng tử. Mỗi buổi sáng vào lúc khoảng 9h, Hoàng đế Khang Hy đến Thượng thư phòng để nghe các hoàng tử học thuộc lòng. Các hoàng tử đứng theo hàng, từng người từng người bước lên để đọc thuộc bài học. Buổi chiều vào khoảng từ 15 đến 17h, hoàng đế lại bất ngờ đến để kiểm tra các hoàng tử làm bài.

Từ 17h đến 19h, các hoàng tử ra bên ngoài để luyện tập bắn tên và chịu sự huấn luyện các môn học thuộc về quân binh. Hoàng đế Khang Hy bận rộn việc chính sự quốc gia, trăm công nghìn việc như vậy, nhưng ông vẫn tranh thủ dành thời gian để cùng theo kiểm tra đôn đốc các hoàng tử học hành.

Kết thúc một ngày học tập rèn luyện cả văn lẫn võ, lúc này các hoàng tử mới được phép về nhà. Những vị hoàng tử này mỗi ngày không chỉ phải học thuộc và ghi nhớ đầy đủ các ngôn ngữ tiếng Hán, Mông Cổ… mà còn phải chịu khổ luyện các môn võ thuật, bắn tên, binh khí…., bất kể là mùa hạ hay mùa đông khắc nghiệt cũng không hề gián đoạn một ngày. Suốt trong một năm, trừ được nghỉ vào 5 ngày lễ lớn như: tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, Trung Thu, sinh nhật Hoàng Thượng, sinh nhật bản thân, thì thời gian còn lại các hoàng tử đều phải lo tập trung học tập rèn luyện không được nghỉ.

Các Hoàng tử nhà Thanh, trong một năm, trừ được nghỉ vào 5 ngày lễ lớn thì thời gian còn lại đều phải lo tập trung học tập rèn luyện không được nghỉ. (Ảnh minh họa: wikimedia.org)

Hoàng đế Khang Hy đích thân mang các hoàng tử ra vùng dã ngoại huấn luyện

Học giả nổi tiếng người Pháp tên là Joachim Bouvet, một trong 50 người được vua Louis XIV của Pháp gửi đến Trung Hoa để truyền giáo vào thời Khang Hy. Ông sau đó đã trở lại nước Pháp kể lại cho vua Louis XIV nghe những gì mình đã trải nghiệm và tận mắt thấy tai nghe về Trung Hoa, đã viết nên cuốn “Khang Hy đại đế”.

Trong tác phẩm này, Joachim Bouvet kể lại rằng Hoàng đế Khang Hy đặc biệt chán ghét cuộc sống lười biếng và nhàn rỗi, ông thích lấy hoàn cảnh khó khăn gian khổ để tôi luyện bản thân cũng như cho các hoàng tử, hoàng tôn. Để ngăn ngừa giới quý tộc Mãn Châu sa vào cuộc sống an nhàn sinh lười nhác, hàng năm Hoàng đế Khang Hy bèn lấy danh nghĩa tổ chức các cuộc ‘săn bắn’, mang các hoàng tử, hoàng tôn, các giới vương công quý tộc, các vị tướng lĩnh và thị vệ cùng những người liên quan đến vùng núi Tatar, nhằm tiến hành hoạt động “huấn luyện dã ngoại”. Hơn nữa mỗi lần tổ chức  “huấn luyện dã ngoại” như vậy thường kéo dài trong thời gian từ hai đến ba tháng.

Các hoàng tử tham gia hoạt động “huấn luyện dã ngoại” này, kể cả hoàng tử nhỏ nhất cũng sẽ tham gia săn bắn với mọi người, cũng đều tự thân độc lập giương cung lắp tên, tự mình đi tìm thú để săn bắn. Các hoàng tử cũng giống như mọi người, đều phải ở trong lều trại nơi hoang dã, cũng đều phải ăn thức ăn săn bắn được chỉ qua chế biến thô sơ.

Bức tranh vẽ cảnh “săn bắn của các Hoàng tử vào mùa thu”. (Ảnh: ozvoice.org)

Để bồi dưỡng tính cách kiên cường và dũng mãnh cho con cháu giới quý tộc, Hoàng đế Khang Hy cho họ huấn luyện loài chó dữ và chim ưng hung dữ, nhằm muốn thông qua công việc huấn luyện này để triệt tiêu sự yếu đuối và nhát gan cho họ. Hoàng đế Khang Hy với tư cách là một bậc đế vương, một người cha đã giám sát, đốc thúc bồi dưỡng và huấn luyện các hoàng tử, cho dù là vì trách nhiệm với đất nước, hay vì trách nhiệm với gia đình, ông đều vô cùng nghiêm túc, có thể nói đã khổ tâm tận lực làm việc.

Theo epochtimes.com
Minh Phúc biên dịch

Exit mobile version