Đại Kỷ Nguyên

Giáo dục con trẻ bắt đầu từ giá trị gia đình

Những giá trị gia đình là nền tảng phát triển cho trẻ (ảnh: Unplash).

Giá trị gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên, quyết định sự hình thành nhân cách của trẻ. Những phép tắc, sự tôn trọng, tình yêu thương… ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần của thế hệ tương lai. 

Là cha mẹ, ai cũng mong những thứ tốt nhất cho con mình, tìm cho con học ở trung tâm này, trường lớp chất lượng tốt kia… mà đôi khi quên đi vai trò, giá trị của gia đình. Hãy đặt nền móng vững chắc cho con ngay từ trong gia đình, để con trở thành một người có nhân cách tốt. Trong thời hiện đại, những giá trị gia đình lại càng nên gìn giữ, phát huy.

Mỗi gia đình đều có những quy tắc riêng nhưng về việc giáo dục con cái, có những điểm chung các phụ huynh có thể tham khảo dưới đây:

Chú trọng lễ nghĩa

Mỗi gia đình có một lễ tiết, gia phong, tập quán riêng. Những phép tắc như: kính trên nhường dưới, gọi dạ bảo vâng, đi thưa về gửi, chào hỏi, quan tâm, mỉm cười, đi nhẹ, nói khẽ… cha mẹ nên dạy con lặp đi lặp lại trong các sinh hoạt hàng ngày, dần dần sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt. Bên cạnh đó, những việc làm của cha mẹ thường ăn sâu, thấm nhuần vào con trẻ, mà sự ảnh hưởng này lại là tự phát và cực kỳ quan trọng. Vì vậy, để trẻ có thể học lễ phép tốt hơn, người lớn trong gia đình trước hết cần chú ý làm gương.

Kính trọng người lớn tuổi

Cha mẹ nên dạy con và nhắc nhở con thể hiện sự kính trọng với cha mẹ, ông bà, người lớn tuổi… Một trong những việc mà chúng ta nên làm trong những cuộc tụ họp gia đình, là đề nghị trẻ lấy thức ăn mời ông bà trước. Đó là cách thể hiện sự tôn kính với người già. Trẻ con cũng không nên được ưu tiên khi xếp hàng ăn buffet cho dù chúng đang đói.

Không biết kính trọng người lớn, trẻ chỉ biết ăn cho riêng mình sẽ thành người ích kỷ (ảnh: Piqsels).

Người Việt ta, đặc biệt các ông bà trong gia đình thường nhường con, cháu ăn mỗi khi được mời. Vô tình như thế làm trẻ nghĩ sự quan tâm của người khác đối với mình là đương nhiên, khi không được như ý sẽ ăn vạ. Sau này lớn lên cũng chỉ biết nhận sự quan tâm của người khác mà không có thói quen cho đi.

Không chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào người khác

Trẻ cần nhận biết được không gian cảm xúc của người khác, nói trẻ hiểu không nhìn chằm chằm vào ai đó và không chỉ tay vào người khác trừ khi đang chỉ đường. Hãy đề nghị trẻ nghĩ về cảm giác của mình nếu ai đó chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào trẻ.

Trẻ biết phép tắc trong bữa ăn

Biết mời người lớn, mọi người khi ăn, không bới chọn thức ăn, biết tôn trọng công sức nấu nướng của người khác, không chống cằm, mút đũa thìa khi ăn… là những phép lịch sự cơ bản mà phụ huynh nên dạy trẻ ngay từ nhỏ.

Dạy con trung thực 

Cha mẹ nào cũng muốn dạy con sống ngay thẳng, thật thà, làm người tốt. Muốn làm được điều này, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dạy trẻ không được nói dối, không được đổ lỗi khi mắc sai lầm. Cha mẹ cũng cần cẩn thận trong lời nói của mình để làm gương cho con. Ví dụ không nên bảo con nói “mẹ cháu đi vắng” khi có khách đến mà không muốn bị làm phiền. Từ những điều nhỏ bé ấy sẽ làm cho bé hình thành tính không trung thực.

Dạy trẻ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi

Không nên nghĩ rằng trẻ còn nhỏ tuổi mà bỏ qua việc dạy dỗ trẻ những phép tắc này, vì một khi cách cư xử không tốt của trẻ trở thành thói quen bạn sẽ rất khó khăn trong việc uốn nắn sau này. Những cách nói kiểu như “Làm ơn”, “Vui lòng”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Con có thể…”, “Xin mời”, “Vâng”, “Dạ”… là những từ ngữ rất quan trọng trong giao tiếp. Để trẻ hiểu được như vậy, trước hết, chính phụ huynh phải làm đúng lúc, đúng chỗ trong cuộc sống hằng ngày. Giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của từng từ và cách dùng chúng trong từng hoàn cảnh. Nhắc nhở ngay nếu trẻ quên hoặc sử dụng sai.

Dạy trẻ biết tôn trọng người khác

Đây chính là yếu tố rất quan trọng trong giáo dục gia đình. Hãy bắt đầu bằng bài học tôn trọng người lớn xung quanh, bạn bè và cả chính bản thân trẻ. Phụ huynh nên tôn trọng trẻ, trẻ sẽ biết rằng cảm giác được tôn trọng là như thế nào và bắt đầu hiểu tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác. Trẻ biết tôn trọng người khác sẽ quan tâm đến mọi người, có tinh thần trách nhiệm và hoà thuận với bạn bè cùng lứa.

Yếu tố gia đình chịu trách nhiệm đối với quá trình xã hội hóa ban đầu của cá nhân, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của trẻ. Nếu ngay từ đầu các phẩm chất đó bị sai lệch, trẻ sẽ dễ sinh hư. Ông bà ta thời xưa cho rằng muốn con cái trở thành thương nhân thì nên ở gần chợ, muốn con hay chữ thì ở gần trường học, nếu gần trộm, gần cướp thì sớm hay muộn cũng trở thành cướp. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, câu tục ngữ mang tính giáo dục đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Video xem thêm: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối

Exit mobile version