Cô Karen Loewe, một giáo viên ở Oklahoma, Hoa Kỳ đã có một trải nghiệm thú vị về việc dạy trẻ biết cảm thông, theo Little Things. Chia sẻ trên Facebook về kết quả cuộc thử nghiệm của cô khiến nửa triệu người không khỏi kinh ngạc.
Dạy trẻ về tầm quan trọng của lòng tốt và sự cảm thông chưa bao giờ là dễ dàng. Với lứa tuổi ô mai, khi các vấn đề về bắt nạt và cái tôi nổi lên một cách đáng lo ngại, rõ ràng đây là một trận chiến đầy thách thức. Bất chấp những trở ngại gặp phải, hàng triệu phụ huynh và nhà giáo dục tâm huyết đã và đang nỗ lực để truyền thụ đến các em những giá trị sống nền tảng. Cô Karen Loewe, một giáo viên cấp hai ở Oklahoma, sau 22 năm đứng lớp, đã nhận ra rằng cách tốt nhất để bắt đầu năm học sẽ là một bài học về sự đồng cảm.
“Tôi bắt đầu năm thứ 22 dạy ở trường trung học. Hôm qua có lẽ là một trong những ngày đặc biệt nhất tôi từng trải qua”, cô Karen bắt đầu bài đăng trên Facebook. “Tôi đã thử một hoạt động mới gọi là ‘Hoạt động hành lý’”.
Cô Karen đã có một cuộc thảo luận với học sinh về ý nghĩa của hành lý – những thứ các em mang theo bên mình. “Tôi đã hỏi bọn trẻ ý nghĩa của hành lý và hầu hết bọn trẻ cho rằng đó là những gánh nặng trên đôi vai và gây ra tổn thương”, câu trả lời cho thấy rằng chúng đang nắm bắt tốt những gì cô muốn truyền đạt.
“Tôi yêu cầu các em viết ra một mảnh giấy những gì đang làm chúng phiền lòng, những gì đè nặng trái tim, làm tổn thương chúng…”, cô giải thích. “Các tờ giấy đều ẩn danh. Các em vo tròn tờ giấy của mình lại và ném chúng khắp phòng”.
Sau đó, cô Karen bảo mỗi bạn lần lượt đọc to một tờ giấy ngẫu nhiên. “Mỗi em nhặt lên một cục giấy và đọc to những gì bạn cùng lớp đã viết. Sau khi một em đọc xong, tôi hỏi ai đã viết tờ giấy, nếu người viết sẵn lòng chia sẻ”, cô viết.
Bằng cách tạo cho học sinh cơ hội để cất lên tiếng nói về các vấn đề các em phải đối mặt mà không ép buộc, cô Karen đã giúp rất nhiều em mở lòng. “Nói thật rằng, tôi chưa bao giờ xúc động đến chảy nước mắt như khi bọn trẻ mở lòng và chia sẻ cùng cả lớp”.
Chúng ta thường quên rằng những đứa trẻ không chỉ phải đối diện với những vấn đề của riêng chúng và các tương tác khác trong xã hội, mà còn phải chịu ảnh hưởng sâu sắc và đôi khi bất lực trước các vấn đề của những người xung quanh.
“Những thứ như tự tử, bố mẹ ngồi tù, gia đình có người nghiện, bị bố mẹ bỏ rơi, cái chết, ung thư, mất thú cưng (một em nói rằng chú chuột gerbil của em chết vì quá béo làm chúng tôi bật cười khúc khích), rồi cả những điều tương tự nữa”, cô Karen kể chi tiết hơn.
Bọn trẻ cũng cảm nhận được bầu không khí lắng đọng giống cô giáo của chúng. “Những em đọc tờ giấy đã khóc vì những gì được chia sẻ rất xúc động. Đôi khi người viết tờ giấy (nếu em ấy tự nguyện nhận) cũng khóc”, cô tiết lộ.
Nghe có vẻ như có rất nhiều điều cần giải quyết, nhưng cô Karen cảm thấy điều quan trọng là các em phải hiểu rằng mọi người đều phải trải qua khó khăn nào đó. “Đó là một ngày đầy cảm xúc, nhưng tôi tin chắc rằng bọn trẻ của tôi sẽ phán xét ít đi một chút, yêu thương nhiều hơn một chút, và tha thứ nhanh hơn một chút”.
Đối với các tờ giấy, cô Karen quyết định cất bộ sưu tập trong một cái túi treo trên cửa. “Chiếc túi này treo trước cửa để nhắc nhở rằng tất cả chúng tôi đều có hành lý. Chúng tôi sẽ để nó bên ngoài cửa lớp. Khi bọn trẻ ra về, tôi nói với các em, chúng không cô đơn, chúng được yêu thương và chúng tôi luôn có nhau”, cô kết luận. “Tôi rất vinh dự được làm giáo viên của chúng”.
Trải nghiệm của Karen đã lan truyền rộng rãi với hơn nửa triệu người chia sẻ câu chuyện của cô. Nhiều người ca ngợi cô với tư chất của một nhà giáo dục, không ít học sinh cũ của Karen cũng bày tỏ tình cảm của mình.
Nhiều cựu học sinh tâm sự rằng cô đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của họ và họ rất thích được cô chỉ bảo. Cô Karen là một trong rất nhiều nhà giáo dục tâm huyết đã đặt tất cả trái tim vào công việc của mình và làm thay đổi nhiều số phận.
Bạn đang đọc bài viết: “Đột phá trong cách giáo dục trẻ biết cảm thông: Thử nghiệm thành công của cô giáo Mỹ” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |