Đại Kỷ Nguyên

‘Cô yêu tất cả các học trò đều như nhau’, câu chuyện cảm động về tình thầy trò

Đây là câu chuyện xảy ra cách đây nhiều năm tại trường tiểu học của một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ. Trong ngày khai giảng năm học mới, như hầu hết các giáo viên ngày đầu tiên nhận lớp, cô Thompson nói với các học trò lớp Năm của mình rằng: Cô yêu tất cả các học trò đều như nhau…

Nhưng cô Thompson biết lời nói đó khó thực hiện, bởi ở ngay dãy bàn đầu, cô Thompson nhìn thấy cậu học trò tên là Teddy Stoddard. Cô giáo trẻ hiểu rằng, ở mỗi lớp học bao giờ cũng có một vài học sinh “cá biệt” và hầu hết giáo viên nào cũng mong muốn được dạy những cô cậu trò ngoan, thông minh và sáng sủa.

Trò Teddy có gương mặt lấm lem, quần áo xộc xệch và mái tóc bù xù cùng vẻ mặt khá lạnh lùng làm cô Thompson thấy cậu bé có thái độ bất cần. Kết thúc tuần đầu tiên làm quen với các trò trong lớp, cô Thompson nhận rõ sức học của trò Teddy rất kém, tụt hậu so với các bạn cùng lớp và tính cách thì khá lầm lì.

Cô Thompson vẫn luôn nghĩ mình có khả năng xử lý cảm xúc cá nhân khá tốt cho tới khi cô nhận dạy lớp Năm này. Những ngày sau đó, cô Thompson vẫn nói cô yêu tất cả các học trò trong lớp như nhau, ngoại trừ Teddy Stoddard.

Thực tế, cô Thompson đã dành nhiều sự chú ý tới những học trò giỏi giang trong lớp và cô tự thừa nhận với bản thân là đã lơ là với Teddy, học trò duy nhất trong lớp hội tụ đầy đủ những yếu điểm cả về sức học, ngoại hình, và tính cách.  

Dù không bao giờ thể hiện sự khó chịu với trò Teddy trên lớp, nhưng mỗi khi chấm đến bài của Teddy thì chữ “F” (Fault – Sai) hay dấu X mà cô phê vào bài của Teddy bao giờ cũng lớn hơn một chút và đỏ đậm hơn mức cần thiết so với các học trò khác trong lớp.

Cô yêu tất cả các học trò đều như nhau, nhưng Teddy vẫn là đứa học trò mà Thompson tỏ ra không mặn mà cho đến khi cô nhận ra được một sự thật về sự nhút nhát của Teddy. (Ảnh: pequepolis.com)

Mỗi khi đánh giá bài viết trên lớp, dù cô Thompson không cố ý chê trách trò Teddy, nhưng thái độ không hài lòng của cô Thompson thể hiện khá rõ ràng. Trong mắt bạn bè, Teddy trở thành tiêu điểm cho các trò chế giễu và trở thành một “kẻ” khó ưa  trong lớp.

Rồi một học kỳ sắp trôi qua khi lễ Giáng sinh đến gần, cô Thompson biết rằng Teddy sẽ không thể bắt kịp kiến thức để chuyển cấp lên lớp sáu. Cậu bé có khả năng sẽ phải học lại. Để biện minh cho những nhận xét của mình, cô Thompson đã đọc lại hồ sơ 4 năm học trước của trò Teddy.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 1 nhận xét: “Teddy là học trò sáng dạ, chan hòa và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Trò khá ngăn nắp và mang lại niềm hứng khởi cho bạn bè xung quanh. Gia cảnh rất nghèo”.

Lớp 2: “Teddy là học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý, nhưng trò đang gặp phiền muộn vì mẹ ốm nặng và ít nhận được sự quan tâm của người cha”.

Lớp 3: “Teddy có tính cách dễ chịu. Mẹ qua đời đã tác động mạnh tới tâm lý của Teddy. Sức học giảm sút, trò không nhận được sự quan tâm của cha và cần được sự giúp đỡ”.

Lớp bốn: “Teddy học giảm sút, không tập trung, ít nói, không có nhiều bạn bè, và hay ngủ gật trong lớp”.

Có điều lần này, cô Thompson ngạc nhiên khi đọc hồ sơ của trò Teddy Stoddard. Với điểm số học tập phập phù ở năm lớp bốn, cô Thompson không rõ làm thế nào trò Teddy có thể lên được lớp năm và giờ là năm học bản lề để vượt cấp. Cô thấy hổ thẹn và áy náy vì đã không lưu tâm đến cậu học trò “cá biệt” này.

Rồi ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh đã đến. Cây thông nhỏ của cô trò Thompson được trang hoàng tuyệt đẹp đặt trên bục giảng và xung quanh gốc thông bày trí nhiều hộp quà của tất cả học trò đang chờ đợi khoảnh khắc cô Thompson mở quà.

Cây thông nhỏ của cô trò Thompson được trang hoàng tuyệt đẹp đặt trên bục giảng. (Ảnh: Mount Hanover, Duleek)

Món quà của Teddy được bọc vụng về trong một túi giấy báo màu nâu xù xì, khác biệt hẳn so với những hộp quà bọc giấy hoa sáng bóng rực rỡ và trang trí bằng những dải ruy băng rất đẹp. “Tặng cô Thompson, trò Teddy” – dòng chữ ngắn ngủn trên hộp quà cũng khác hẳn những lời chúc hoa mỹ cầu kỳ của các trò khác dành tặng cho cô Thompson nhân ngày lễ Giáng sinh.

Cô Thompson đã chọn món quà của Teddy để mở ra đầu tiên trước những cặp mắt hiếu kỳ của lũ trò nhỏ bên dưới. Những tiếng cười và thì thầm bên dưới vang lên khi cô Thompson giơ lên một chiếc vòng tay bằng đá cũ kỹ bị thiếu vài viên đá và một lọ nước hoa rẻ tiền chỉ còn một nửa.

“Chiếc vòng thật đáng yêu phải không?”, cô Thompson hỏi rồi đặt chiếc vòng tay lên cổ tay mình. “Teddy, con có thể giúp cô cài móc được không?”. Tiếng xì xào và cười nhạo bên dưới im bặt khi cô Thompson gọi trò Teddy lên bục giảng.

Lần đầu tiên cô Thompson thấy Teddy mỉm cười bẽn lẽn khi giúp cô đeo chiếc vòng. Rồi cô Thompson xức chút nước hoa trong lọ thoa phía sau tai mình.

Cuối buổi hôm đó, lần đầu tiên Teddy Stoddard chủ động gặp cô Thompson chỉ để nói: “Con ngửi thấy mùi hương giống như mẹ của con. Chiếc vòng tay cô đeo rất đẹp. Con cảm ơn cô Thompson vì cô đã thích nó”.

Nói rồi Teddy nhanh chóng rời đi. Cô Thompson đã khóc hàng giờ vì sự ân hận, cô đã tước đi của Teddy sự quan tâm của một người thầy. Kể từ ngày hôm đó, cô Thompson đã nán lại mỗi buổi chiều để kèm cặp thêm cho Teddy. Dần dần, chậm nhưng chắc chắn, Teddy đã bắt kịp kiến thức với các trò khác trong lớp. Không chỉ dạy kiến thức, cô Thompson còn lưu tâm chăm sóc Teddy và nhận thấy tâm trí cậu trò nhỏ dường như trở nên phấn chấn, sống động hẳn lên. Cô càng động viên, khuyến khích Teddy thì trò càng trở nên tiếp thu nhanh và cởi mở hơn. Cuối năm ấy, Teddy đã trở thành một trong những học trò thông minh và giỏi nhất lớp.

Cô Thompson đã khóc hàng giờ vì sự ân hận, cô đã tước đi của Teddy sự quan tâm của một người thầy. (Ảnh: Quotabulary)

Ngày chia tay cuối cấp, cô Thompson nói trước cả lớp rằng, Cô yêu tất cả các học trò đều như nhau. Nhưng cô biết cô đã không giữ đúng lời nói, bởi Teddy đã trở thành học trò mà cô yêu quý nhất.

Một năm sau, cô Thompson nhận được một tờ giấy nhỏ ghim dưới khe cửa. Teddy viết rằng, cô Thompson là cô giáo tốt nhất mà cậu từng gặp trong cuộc đời.

Sáu năm sau, cô Thompson nhận được lá thư thứ hai từ Teddy:

“Thưa cô Thompson,

Con chỉ muốn cô là người đầu tiên được biết, con vừa tốt nghiệp cấp ba và đứng thứ hai trong lớp. Và cô vẫn là cô giáo tốt nhất mà con từng được biết trong cuộc đời.

Học trò

Teddy Stallard”

Những năm sau đó Teddy năm nào cũng gửi thư cho cô giáo Thompson và cô vẫn là cô giáo tốt nhất và con yêu quý nhất trong cuộc đời…(Ảnh: Pinterest)

Bốn năm tiếp nữa, cô Thompson nhận được lá thư thứ ba từ Teddy:

“Thưa cô Thompson,

Con muốn cô là người đầu tiên biết. Con vừa nhận được thông báo rằng, con đã tốt nghiệp đại học với điểm số đứng đầu lớp. Cuộc sống trong trường đại học thật không hề dễ dàng, nhưng con rất thích. Và cô vẫn là cô giáo tốt nhất và con yêu quý nhất trong cuộc đời.

Học trò

Teddy Stallard”.

Rồi vài năm nữa lại trôi qua,  một lá thư khác lại đến. Lần này Teddy viết rằng sau khi lấy được bằng cử nhân, anh đã quyết định học tiến xa hơn.  Và trong thư, anh vẫn lặp lại rằng, cô Thompson vẫn là cô giáo tốt nhất và là người anh yêu quý nhất trong đời.

Và lá thư cuối cùng cô nhận được từ Teddy:

“Thưa cô Thompson,

Con muốn cô là người đầu tiên được biết. Một tuần nữa là tới ngày con sẽ kết hôn. Con muốn hỏi cô rằng, cô có thể đến dự lễ cưới và ngồi vào vị trí mà mẹ của chú rể sẽ ngồi. Bố con đã mất vào năm ngoái và con không có người thân nào ở đó. Cô luôn là cô giáo giỏi nhất và tốt nhất mà con từng biết trên đời.

Học trò

Theodore J. Stallard, MD”.

Vẫn lời lẽ ngắn gọn như trong các bức thư lần trước, nhưng lần này cô Thompson nhận thấy ở cuối thư, chữ ký của cậu học trò dài hơn một chút: Tiến sĩ Y khoa Theodore F. Stoddard.

Cô Thompson không biết sẽ tặng món quà gì cho Tiến sĩ Y khoa, nhưng cô biết chắc món quà cô sẽ dành tặng Theodore F. Stoddard trong ngày cưới của cậu.

Bạn đoán xem cô Thompson sẽ tặng món quà gì cho Tiến sĩ y khoa Theodore F. Stoddard trong ngày trọng đại của anh?

Vâng ngày hôm ấy, cô Thompson đã đeo chiếc vòng tay bằng đá cũ kỹ khuyết vài viên đá, và xức lọ nước hoa mà Teddy nhớ mùi hương mẹ của anh đã dùng trong lễ Giáng sinh cuối cùng của cuộc đời bà.

Họ ôm nhau và Tiến sĩ Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: “Cảm ơn cô Thompson vì đã đặt niềm tin vào con. Cảm ơn cô rất nhiều vì đã làm con cảm thấy mình còn quan trọng trong cuộc đời, và chỉ cho con thấy rằng con có thể tạo nên sự khác biệt”.

Nhưng cô Thompson đã trả lời: “Không, con mới là người đã dạy cô biết sống khác đi. Cô chưa từng trở thành cô giáo đích thực cho đến khi cô được gặp con”.

P/S: Theodore F. Stoddard là Tiến sĩ y khoa tại Trung tâm Y tế Iowa Methodist ở thành phố Des Moines (Hoa Kỳ). Đây là Trung tâm y tế nổi tiếng bậc nhất (bao gồm cả bệnh viện và đại học Y) ở khu vực Trung Tây của nước Mỹ.

Trang Thơ

Exit mobile version