Đại Kỷ Nguyên

Cha mẹ thông minh sẽ không nói: ‘Chúng ta đời này là dựa cả vào con!’

“Hãy chăm chỉ học hành, chúng ta đời này là dựa cả vào con”. Đây là những gì mà nhiều bậc cha mẹ sẽ nói với con cái của họ từ khi còn nhỏ. Nhưng vấn đề là, cả đời dựa vào con cái là chuyện không thể nào, đặc biệt là đối với những đứa con là ‘nghịch tử’.

Năm 2016, giáo sư Patnam của Đại học Harvard và nhóm của ông đã dành nhiều năm nghiên cứu 107 thanh niên Mỹ từ tầng lớp lao động đến tầng lớp trung lưu, và xuất bản một cuốn sách có tên “Những đứa con của chúng ta” (Our Kids).

Trong cuốn sách này đã để tiết lộ một sự thật: Ảnh hưởng giữa các thế hệ lớn hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng.

Đúng vậy, ảnh hưởng của cha mẹ đối với thế hệ tiếp theo vượt xa tầm nhìn của chúng ta. Loại ảnh hưởng này thường không chỉ thể hiện bằng tiền, mà còn bao gồm hôn nhân ổn định (cảm giác an toàn), thời gian dư dật (đồng hành), quan hệ giữa người với người (tài nguyên) và kiến ​​thức giáo dục của cha mẹ (tầm nhìn)…

‘Vượt qua đẳng cấp’, giống như một cuộc đua tiếp sức giữa các thế hệ gia đình. Và chính bạn là dòng khởi đầu tốt nhất cho con của bạn.

Nghèo nàn dễ sinh ra quý tử?

Năm 1948, một phụ nữ người Giang Tô tên là Vương Thục Trinh đã cùng chồng và 13 đứa con chuyển đến Đài Loan sinh sống. Thật không may, một năm sau, chồng bà bị tai nạn và qua đời.

Cái chết bất ngờ của chồng khiến gia đình mất đi nguồn thu nhập chính yếu. Kể từ đó, bà Vương từ một người xuất thân gia đình giàu có, vốn là ‘tiểu thư khuê các’ không bao giờ phải đụng đến việc nhà, nay sẵn sàng hạ mình xuống, đi làm người ở, người giúp việc, rửa bát thuê… cho người ta.

Tất cả những gì bà có thể dựa vào là đôi tay của chính mình, sẵn sàng làm việc cả ngày lẫn đêm để nuôi 13 người con khôn lớn. Trong tình cảnh này, đối với những gia đình khác sẽ có thể phải cho con bỏ học để đi làm. Nhưng bà Vương nghiêm khắc giáo dục con, và mỗi đứa trẻ phải đến trường để nhận được một nền giáo dục tốt, “phải có một tương lai tốt đẹp”. Cho dù ở nhà thậm chí không có đồ ăn, cả nhà mười mấy người chỉ ở trong một căn nhà nhỏ đơn sơ ở ngoại thành, người mẹ này vẫn quyết tâm cho con đi học dẫu xa hàng chục dặm, chưa bao giờ gián đoạn.

Cuối cùng, 13 người con của Vương Thục Trinh đều đã trở thành tiến sĩ về nghiên cứu, kinh doanh, nghệ thuật, IT, tài chính và các lĩnh vực khác. Và ba trong số họ đã giành được giải thưởng ‘Mười thanh niên xuất sắc nhất’ ở Hoa Kỳ.

Bà là mẹ của Tiến sĩ Lý Xương Ngọc  (Li Changyi), một “Thám tử” nổi tiếng quốc tế. Bà cũng là người phụ nữ đã được hai tổng thống Hoa Kỳ ca ngợi là “người mẹ vĩ đại” trong ba thế kỷ.

Thị trưởng thành phố New York và bà Vương Thục Trinh. (Ảnh: wechatrank.com)

Vậy có phải gia cảnh càng nghèo thì càng có khả năng thành tựu được con hiển quý? Có, nhưng không hoàn toàn đúng.

Nếu nói về nghèo đói, có rất nhiều gia đình ở Đài Loan khi ấy còn nghèo hơn gia đình bà Vương Thục Trinh. Vậy có bao nhiêu gia đình nghèo có thể chọn cho con cái họ bỏ học để kiếm tiền, thay vì “một đứa cũng không được bỏ học” như bà Vương Thục Trinh, luôn nhất nhất rằng mọi đứa trẻ đều phải được học hành tốt, không được phép sa ngã.

Bởi vậy, chìa khóa để có được những người con hiển quý không phải bởi “nghèo”, mà là ở “cánh cửa”. Tầm nhìn, kiến ​​thức, giá trị và quan điểm sống của cha mẹ và các thành viên trong gia đình đều có tác động sâu sắc đến thế hệ con trẻ.

Nhiều người thường chỉ nhìn thấy một gia đình giàu có là của cải đầy nhà, nhưng họ không biết rằng:

Những gia tộc thịnh vượng, truyền thừa lại cho con cái đời sau không phải là tiền tài, mà điều được truyền lại chính là tài năng, kiến ​​thức, kinh nghiệm, niềm tin và sự tu dưỡng.

Gia đình ảnh hưởng đến quỹ đạo cuộc sống của những người trẻ như thế nào?

Trong nghiên cứu của mình, Giáo sư Putnam đã phân tích ảnh hưởng bởi gia đình đối với cuộc sống của trẻ em từ góc độ trình độ học vấn của cha mẹ, tình trạng hôn nhân, cộng đồng sinh sống và sinh con không kết hôn…

Trong số nhiều số liệu nghiên cứu, một trong những ví dụ ấn tượng nhất là khoảng cách trong giáo dục ở trường học: Một người có thể tốt nghiệp đại học hay không, xuất thân gia đình là quan trọng hơn, không phải là điểm kiểm tra ở trường trung học.

Thực tế là cha mẹ có trình độ học vấn cao hơn sẽ khuyến khích con cái họ được học cao hơn, và cha mẹ có trình độ học vấn thấp sẽ thể hiện thái độ thờ ơ.

Nói cách khác, những người trẻ tuổi từ các gia đình khác nhau đã đứng trên một vạch xuất phát hoàn toàn khác ngay từ đầu.

Nhiều bậc cha mẹ luôn kỳ vọng ở thế hệ tiếp theo, nhưng điều họ không biết là: Trong một gia đình, trước tiên cha mẹ không được từ bỏ chính là yêu cầu đối với bản thân mình, cho dù đó là vật chất hay ý thức. Bởi hầu hết chúng ta một ngày nào đó đều sẽ là vạch xuất phát cho những người khác.

Ảnh hưởng của cha mẹ đối với thế hệ tiếp theo vượt xa tầm nhìn của chúng ta. (Ảnh minh họa: ivsky.com)

Tại sao bạn lại lo lắng?

Tôi từng trò chuyện với một người bạn đã không gặp trong nhiều năm. Trong thời gian đó, tôi có một số trở ngại trong công việc, nên tinh thần có chút lo nghĩ.

Trông thấy bộ dạng lạc quan vui vẻ của người bạn, tôi hỏi: “Bạn không phải lo nghĩ gì sao?”

Anh cười nói: “Tôi đã làm việc chăm chỉ, cũng biết mình đang ở trên trần nhà rồi, không phải lo lắng”.

Anh ấy thực sự không lo lắng sao? Tôi tin rằng anh ấy có đủ sức mạnh để nói điều này, nhưng tôi cũng tin rằng chỉ là vào những giai đoạn khác nhau của cuộc sống mà người ta có cảm ngộ khác nhau mà thôi.

Mấy ai khi còn trẻ mà chẳng lo nghĩ, chẳng muốn mình tận lực bước đi nhanh hơn? Chỉ là sau khi đã thử tất cả các loại nỗ lực, cuối cùng nhìn thấy chân tướng của thế giới này, bạn mới chấp nhận vị trí mà số phận đã sắp xếp an bài cho chính mình.

***

Cha mẹ thay vì lo lắng rằng con cái của mình sẽ thua ở vạch xuất phát, hàng ngày thúc đẩy con bằng cách “Hãy chăm chỉ học hành, chúng ta đời này là dựa cả vào con”, chi bằng cứ sống thật tốt và làm việc chăm chỉ.

Thay vì kỳ vọng con cái sẽ thành long thành phượng để sau này cha mẹ có thể dựa vào con, cha mẹ hãy là người truyền thụ cho con tài năng, kiến ​​thức, kinh nghiệm, niềm tin và sự tu dưỡng.

Trong cuộc sống này, thay vì lo lắng, nếu bạn đã cố gắng “làm hết sức”, thì việc dù tốt hay xấu, đều là sự an bài tốt nhất.

‘Vượt qua đẳng cấp’ là một cuộc đua tiếp sức gia đình, và điều mỗi chúng ta đều phải làm chính là: Cố gắng hoàn thiện từ chính bản thân mình.

Vân Hà
Theo tw.aboluowang.com

Exit mobile version