Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện giáo dục ở Phần Lan: Trông người lại nghĩ đến ta…

Hiện nay tại Việt Nam, xu hướng đi du học chính là mục tiêu hướng tới của các bạn trẻ, với mong muốn được đổi đời. Vậy, tại sao nền giáo dục nước ngoài không nặng nề áp lực nhưng lại mang đến nhiều thành tựu, và là niềm khao khát của các sinh viên Việt Nam đến vậy?

Việt Nam vốn nổi tiếng với nhiều thành tích quốc tế về các bộ môn tự nhiên thiên về lý thuyết như Toán, Lý, Hóa… trội hơn so với học sinh ở các nước tiên tiến khác trên thế giới. Nhưng không phải do học sinh các nước khác kém thông minh hơn, mà là nền giáo dục của họ chú trọng những gì mang tính ứng dụng, thực tiễn cao hơn trên lý thuyết.

Cũng dễ dàng để hiểu rằng vì sao học sinh Việt Nam lại có nhiều thành tích về lý thuyết đến như thế. Bởi đó là kết quả của của hàng giờ đồng hồ cặm cụi vào việc học, chúi mặt vào những trang sách, đặc biệt là trẻ em học sinh.

Một ví dụ điển hình, hầu hết học sinh Việt Nam phải thức dậy vào lúc 5h30 sáng để có thể kịp ăn sáng và đến trường. Tan trường, các bậc phụ huynh còn phải lo mua đồ ăn nhanh, thúc giục các con ăn cho lẹ để còn kịp giờ vào học thêm. Như vậy, trung bình các bạn học sinh phải học từ 8-10 tiếng mỗi ngày, chưa tính thời gian tự học và làm bài tập ở nhà. Nguyên nhân chính của việc thúc ép học quá nhiều này một phần là do bố mẹ muốn con mình phải xuất sắc, đạt điểm cao ở tất cả các môn. Thêm vào đó, giáo trình học của Việt Nam khối lượng kiến thức quá nhiều và dày đặc, dẫn đến việc thầy cô phải giảng nhanh để dạy hết chương trình, nhưng không phải em nào cũng hiểu hết.

Cảnh hai em học sinh vừa ngồi sau xe vừa tranh thủ ăn sáng cho kịp giờ lên lớp. (Ảnh: Youtube)

Và sự dồn ép con trẻ trong môi trường cạnh tranh ngay từ nhỏ đã đánh mất tuổi thơ các em, không cho các em có cơ hội phát huy toàn diện khả năng trí tuệ của mình và có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm. Do vậy, việc học sinh tự tử vì áp lực học tập tại Việt Nam có xu hướng gia tăng gần đây là một điều dễ hiểu.

Nền giáo dục của các nước phát triển khác trên thế giới đặc biệt tại Âu – Mỹ lại khác biệt nhiều so với Việt Nam. Học sinh không có quá nhiều áp lực học tập như vậy, chúng không cần phải học thêm hay làm bài tập quá nhiều mà thay vào đó là các chương trình vui chơi mang tính thực tiễn để có thể phát triển toàn diện kỹ năng và thể chất cần thiết cho cuộc sống sau này.

Phần Lan là một điển hình trong phong cách giáo dục, trái ngược hoàn toàn với Việt Nam. Nhưng đây lại là nước đứng đầu thế giới về tiêu chuẩn tri thức, theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Các em học sinh Phần Lan có thể đọc nhiều sách hơn một cách rõ rệt so với học sinh những quốc gia khác, xếp hạng nhất về bộ môn khoa học, hạng năm về toán học. Vậy, điều gì đã giúp Phần Lan có nền giáo dục phát triển rực rỡ bậc nhất và tạo cảm hứng cho nhiều nước trên thế giới đến như thế?

Trái ngược với Việt Nam, Phần Lan không có cảnh vội vã đến trường, nhưng tỉ lệ phát triển giáo dục tự nhiên đạt cao nhất thế giới.  (Ảnh: Associazione Nazionale Docenti)

1. Môi trường học tập không áp lực

Nếu đối với nhiều học sinh Việt Nam một ngày nghỉ học là niềm hạnh phúc, thì với học sinh Phần Lan mỗi ngày đến trường lại là một niềm vui. Bởi, Phần Lan hướng đến việc giúp môi trường giáo dục thành nơi sinh hoạt vui chơi bổ ích không tạo áp lực cho con trẻ. Trường học là nơi bình đẳng cho tất cả mọi thành phần lứa tuổi, không có các kỳ thi, không có sự ganh đua so sánh, không có học sinh nào sợ nhận điểm xấu ở Phần Lan, lớp học là nơi khuyến khích trẻ, không phải nơi răn đe trẻ.

Ở Phần Lan, trẻ em không được học chính thức cho đến khi 7 tuổi. Cho đến lúc đó, nhiều trẻ em được gửi vào lớp chăm sóc ban ngày và học qua các trò chơi, bài hát và trò chuyện. Hầu hết trẻ em đi bộ hoặc đạp xe đến trường cho dù còn rất nhỏ tuổi. Thời gian học ở lớp ít và dường như không có bài tập về nhà.

Cứ mỗi một tiếng, học sinh Phần Lan luôn có 15 phút chơi tự do ngoài trời. Không khí trong lành, thiên nhiên và hoạt động thể chất thường xuyên được coi là năng lượng cho việc học. Theo châm ngôn Phần Lan: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ”.

Phần Lan không lãng phí thời gian và tiền bạc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn dày đặc nhưng không đem lại kết quả. Thay vào đó, trẻ em được đánh giá mỗi ngày qua quan sát trực tiếp, đăng ký và các câu đố. Trong lớp, trẻ được vui chơi, cười đùa và mơ mộng cả ngày. Người Phần Lan luôn nói: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”.

Cứ mỗi một tiếng, học sinh Phần Lan luôn có 15 phút chơi tự do ngoài trời. (Ảnh: Le blog SavoirsPlus)

Không khí lớp học luôn là ấm áp, an toàn, tôn trọng và hỗ trợ. Không có một bài học được viết trước hay những yêu cầu chuẩn mực như đi trên một đường thẳng cứng nhắc. Nếu tại Việt Nam, trẻ em cảm thấy ở lớp học như đang ở trong quân đội, thì tại Phần Lan, trẻ em sẽ cảm thấy mình là một phần của gia đình tuyệt vời.

2. Không có những kỳ thi mà chú trọng đào tạo ứng dụng thực tiễn

Nếu tại Việt Nam, việc thi cử dày đặc và là điều đáng sợ của các cô cậu học trò thì người Phần Lan lại có câu nói: “Nếu phải chọn lựa giữa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống hay cho những kỳ thi, tôi chọn điều thứ nhất”.

Đó là lý do không có kỳ thi nào trong những trường học ở Phần Lan. Giáo viên sẽ tự quyết định thời điểm tiến hành các bài kiểm tra. Chỉ có một kỳ thi duy nhất là bài thi viết để xét tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học. Không có một lớp ôn luyện nào trước kỳ thi.

Trường học là nơi đào tạo những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, trẻ em Phần Lan sẽ biết cách trả tiền thuế, lập trang web quảng cáo, tính phần trăm chiết khấu hoặc vẽ bản đồ…

3. Bình đẳng giữa các học sinh

Nếu tại Việt Nam việc phân biệt lớp thường, lớp chọn là một điều hiển nhiên, thì tại Phần Lan học sinh đều bình đẳng không có sự phân chia. Không có học sinh ngoan hay học sinh cá biệt, tất cả đều phải trải qua những thách thức về thể chất và trí tuệ như nhau. Nguyên tắc cơ bản của giáo viên là đối xử với học sinh với thái độ khách quan, công bằng.

Chương trình học được thiết kế để có thể tiếp cận với từng học sinh. Từ sách giáo khoa, sách thực hành, cho đến bài tập về nhà và bài giảng trên lớp đều được chọn lựa và phân loại sao cho phù hợp với từng học sinh. Ngoài ra, nhà trường có những lớp phụ đạo và gia sư kèm cho những học sinh cần cải thiện thành tích.

Mọi giáo viên sẽ cố gắng khuyến khích học sinh học tập, nhưng nếu học sinh đó không muốn học hoặc không có khả năng học, họ muốn tập trung tìm kiếm một công việc thực tế hơn, giáo viên sẽ không vì thế mà liên tục cho học sinh đó điểm thấp. Việc học lại một năm cũng không phải điều đáng xấu hổ nếu nó cần thiết cho tương lai.

Không có học sinh ngoan hay học sinh cá biệt, tất cả đều phải trải qua những thách thức về thể chất và trí tuệ như nhau. (Ảnh: UNB)

4. Tôn trọng vấn đề riêng tư cá nhân

Nếu ở Việt Nam có bao nhiêu người từng bị tổn thương khi bị bạn bè trong lớp xì xầm chế giễu vì một thông tin nào đó của mình bị lộ ra và truyền miệng rộng rãi, ví dụ như: “Con bé đó có bố đi tù” hay “Mẹ nó bán giò chả đấy”, thì tại Phần Lan giáo viên không được phép biết nghề nghiệp của phụ huynh học sinh.

Về điểm số của mỗi cá nhân cũng được giữ riêng tư. Một học sinh nào đó có thể bị đánh giá là chậm hiểu hơn các bạn trong lớp, nhưng không có ai, thậm chí cả học sinh ấy biết được điều ấy.

5. Chú trọng tính độc lập, tự do tìm hiểu sáng tạo thay vì dồn ép ghi nhớ kiến thức rập khuôn

Giáo viên Phần Lan không dạy học sinh quá nhiều kiến thức mà dạy phương pháp ghi nhớ cũng như cách tự mình suy nghĩ, phân tích, tìm kiếm thông tin từ những nguồn bên ngoài lớp học, đặc biệt là internet.

6. Chú trọng giáo dục nhân cách, kỹ năng sống thông qua các hoạt động vui chơi ngoại khóa

Giáo viên Phần Lan cho biết họ chú ý hơn đến giáo dục nhân cách của học sinh, hy vọng mỗi cá nhân có thể học cách tôn trọng người khác, chăm sóc chính mình, sức ép học tập quá mức trái lại sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ. Họ còn nói thêm rằng: “Khi học sinh có thời gian để vui chơi, cùng học tập đạo lý làm người, các em sẽ có một nhân cách hoàn thiện, hạnh phúc”.

Vì thế các tour du lịch, tham quan bảo tàng, hoạt động ngoại khóa tại Phần Lan đều được khuyến khích đều đặn và miễn phí.

Theo lời khuyên của Gardner, một người nhận được học bổng Fulbright khóa 2015-2016 và là giảng viên về truyền thông giáo dục tại Đại học Đông Phần Lan là William Doyle đã đăng ký học cho con trai 7 tuổi vào trường tiểu học Joesuu. Và ông Doyle đã không phải thất vọng về nền giáo dục tuyệt vời này. Một buổi tối, ông Doyle hỏi con trai về những gì cậu bé đã làm vào giờ thể chất hôm đó và nhận được câu trả lời: “Chúng con được đưa vào rừng với tấm bản đồ và la bàn. Chúng con phải tự tìm đường ra”.

Hoạt động ngoại khóa tại Phần Lan được khuyến khích và hoàn toàn miễn phí. (Ảnh: InfoVaticana)

Nhờ những nguyên tắc cơ bản trên mà nền giáo dục Phần Lan đã đào tạo được tầng lớp thế hệ trẻ khỏe mạnh, tài năng nhờ tạo điều kiện tối đa cho trẻ phát huy toàn diện thể chất lẫn tinh thần. Khi rời khỏi ghế nhà trường chúng có thể vận dụng những kỹ năng đã từng học vào cuộc sống, chẳng hạn như khi đối mặt với tình huống nguy cấp như lạc vào rừng, hay động đất, sóng thần… chúng có thể tự bảo vệ mình. Hơn nữa, nhờ phương pháp đào tạo gợi mở sự sáng tạo, đúng đam mê, sở trường cá nhân, trẻ em Phần Lan có thể làm đúng ngành nghề và nghiên cứu chuyên sâu hơn để tạo ra các sản phẩm có ích phục vụ xã hội.

Còn tại Việt Nam, phần đông học sinh đều bị cận thị và có thể chất yếu ớt do hàng giờ ngồi trên bàn học. Thời gian để vận động, học kỹ năng sống cần thiết lúc nguy cấp lại hạn chế nên hầu hết các em đều thiếu khuyết điều quan trọng này. Môi trường học tập lại đầy áp lực dưới sức ép của gia đình và nhà trường khiến các em không thể phát triển tối đa sở thích của mình để từ đó bị trầm cảm và thiếu tính sáng tạo trong công việc sau này…

Thiết nghĩ một nước đã có nền giáo dục phát triển vượt bậc như Phần Lan và có những kết quả thực tiễn minh chứng trên toàn thế giới thì tại sao chúng ta không thể lấy đó làm hình mẫu để học hỏi áp dụng. Thời gian thì không dừng lại, thế hệ trẻ lại luôn được sinh ra, nếu được tiếp cận với nền giáo dục văn minh sớm thì có lẽ khao khát được du học không phải phổ biến như hiện nay tại Việt Nam, và hiện tượng tự kỷ trầm cảm của tất cả học sinh cũng không còn là điều đáng lo ngại.

Nhã Thanh

Exit mobile version