Đại Kỷ Nguyên

Các bậc cha mẹ đều nói thật khó dạy con trẻ, hãy xem Gia Cát Lượng dạy con như thế nào

Hiện nay việc khiến cha mẹ đau đầu nhất chính là làm thế nào để dạy dỗ trẻ nhỏ? Buông lỏng hay giám sát chặt chẽ? Làm thế nào để phối hợp với giáo viên?

Kỳ thực, đối với cổ nhân, họ cũng có những phiền não giống như vậy. Đào Uyên Minh thời Đông Tấn ngoài danh ngôn “Không vì năm đấu gạo mà khom lưng”, thì còn có viết bài thơ “Trách tử”, để tỏ rõ sự thất vọng của mình đối với 5 đứa con chỉ biết thích ăn ngon mà lười làm.

Cũng đừng chờ con trẻ lớn lên mới bắt đầu giáo dục, con trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm lúc vừa lên 8 tuổi đã được Gia Cát Lượng viết cuốn “Giới tử thư” để răn dạy, cũng được lưu truyền rộng rãi và trở thành “Giáo dục khái luận”, được nhiều danh nhân của các triều đại tôn sùng.

Gia Cát Lượng thích mặc áo đơn bên trong, bên ngoài khoác bối tử, đầu đội khăn xếp. Đây là bản khắc thời triều Minh, vạn lịch năm 73. (Ảnh: bldaily.com)

Chúng ta ở đây cùng nhau đọc qua một đoạn trích nguyên văn của “Giới tử thư”:

“Phu quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.

Phu học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học.

Thao mạn tắc bất năng nghiên tinh (lánh tố”Lệ tinh”), hiểm táo tắc bất năng dã tính.

Niên dữ thì trì, ý dữ nhật khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế, bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!”

Tạm dịch:

“Hành động của người quân tử là lấy tĩnh lặng để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức. Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không suy nghĩ được xa.

Học thì phải cần yên tĩnh, muốn có tài năng phải học; không học thì không hiểu biết rộng, không có chí thì việc học không thành.

Khinh thường ngạo mạn thì không thể nào trở thành tinh thông, vội vàng nóng nảy thì không thể tu dưỡng được tính tình.

Tuổi tác cùng năm tháng trôi qua rất nhanh, ý chí theo năm tháng trôi đi ngày càng xa, mơ ước trở nên khô héo cạn kiệt, lại không có cống hiến gì cho xã hội, chỉ có thể phiền muộn nơi lều nhỏ, làm sao còn có thể khôi phục lại được chí hướng được”.

Cuốn “Giới tử thư” này không đến 100 từ, đều là nói về cách rèn luyện nuôi dưỡng nhân cách, giáo dưỡng học vấn, và làm như thế nào để đạt được chí hướng. Nội dung chính của cuốn sách này chính là “Tĩnh”, “Kiệm”. Gia Cát Lượng giảng giải cho con biết rằng, muốn học thật tốt, thì trước tiên tâm nhất định phải tĩnh xuống, cho dù là người lớn cũng vây, mỗi ngày, thậm chí là mỗi tuần cần có thời gian để tâm tĩnh xuống mà suy xét lấy bản thân, nếu không thì sẽ “không nghĩ được xa”, không cách nào hiểu được càng sâu càng rộng.

Muốn làm một người có tri thức sâu rộng, Gia Cát Lượng cho rằng, tri thức, hoc vấn được tích lũy không phải chỉ dựa vào khả năng thiên phú của chính mình ví như nhìn một là có thể làm được mười khiến người kinh ngạc. Mà là “không học thì không biết rộng”, nhất định phải dựa vào việc không ngừng đọc sách.

Cho nên, dựa vào việc không ngừng đọc sách thì có thể trên thông thiên văn, dưới tường địa lý sao? Gia Cát Lượng nói “không có ý chí thì việc học không thành”, cũng chính là nói người không có chí hướng xa rộng (người xưa thường có chí hướng là làm quan, tạo phúc cho dân chúng), đương nhiên sẽ không cách nào thực hiện “không ngừng đọc sách” được, mà có thể đọc qua được “Tứ thư” “Ngũ Kinh” cũng xem như đã là vừa lòng mãn ý.

Ảnh minh họa: Gia Cát Chiêm, chinh chiến bỏ mình ở sa trường, cả hai cha con Gia Cát Lượng đều tận sức vì nhà Thục Hán.

Nếu trở thành một người học rộng tài cao, được mọi người kính trọng, như vậy là có thể thỏa mãn rồi chăng?

Gia Cát Lượng nói, không thể, đọc sách cũng không phải là công cụ để thu danh lợi, mà ông cho rằng đọc sách là để tu thân dưỡng tính, cho nên “Khinh thường ngạo mạn thì không thể nào trở thành tinh thông, vội vàng nóng nảy thì không thể tu dưỡng được tính tình”.

Trong “Tả truyện – Chiêu công nguyên niên” có viết: “Quân tử chi cận cầm sắt dĩ nghi tiết dã, phi dĩ thao tâm dã”. Ý rằng, người Quân tử dùng đàn cũng xem như là lễ tiết vậy, không phải vì sự vui thích của mình”. Người quân tử đánh đàn là một loại lễ nghi, dùng âm nhạc để ước thúc hành vi đúng quy cũ, hợp lễ nghi, chứ không phải là vì niềm vui thích của mình.

Nếu một người mới có được chút ít tài năng, đã lên mặt ngạo mạn, khinh thường lại không tiếp tục chăm chỉ đọc sách tu thân, thì sẽ không có cách nào mà bồi dưỡng, rèn giũa để trở thành tinh hoa cả.

Người xưa có câu “Một loại gạo nuôi trăm loại người”, mỗi người đều có cá tính tư chất là không giống nhau, nhưng nếu đọc sách mà không có chút tác dụng nào, thì cá tính “vội vàng nóng nảy” chính là một nguyên nhân trong đó.

“Nóng vội” chính là cảm xúc dễ dàng dao động, mất bình tĩnh, là chỉ người tính tình nóng nảy. Cũng giống như khi dệt vải, bất kể là tốc độ nhanh chậm, cuối cùng cũng cho ra một tấm vải để dùng, nhưng người có cảm xúc nóng nảy đều có thể bộc phát tính tình mà không để ý mọi chuyện, chỉ cần “nóng vội” một cái, thì tấm vải đã dệt được một nửa có thể bị đứt đoạn hỏng ngay, tất cả công sức dệt trước đó đều bị uổng phí. Cho nên cái tính tình không tốt này cần phải được sửa đổi ngay.

Cuối cùng Gia Cát Lượng nói, tuổi tác và thời gian trôi qua rất nhanh, hùng tâm tráng chí cũng theo năm tháng mà mờ phai, đến lúc đó nếu bản thân còn chưa có thành tích gì, cũng không đóng góp được gì cho xã hội, chỉ có thể ở tại nhà tranh ngày ngày thở dài cảm thán ngày tháng trôi qua, lại có thể làm được cái gì bây giờ? Hết thảy chẳng phải là đạo lý sao?

Vào thời đại của Gia Cát Lượng, mục tiêu của người đọc sách chính là làm quan tạo phúc cho dân chúng, càng có nhiều người vì dân chúng mà cống hiến sức mình cho sự nghiệp. Cho đến nay, bất kể là lựa chọn con đường nào, học tập hay nghiên cứu, thì những lời dạy của Gia Cát Lượng vẫn mãi có ý nghĩa tác dụng rất to lớn đối với việc giáo dục con trẻ.

Theo Bldaily.com
Minh Phúc biên dịch

Exit mobile version