Đại Kỷ Nguyên

Bước ngoặt để con trưởng thành

Tự đưa ra quyết định, con sẽ biết chịu trách nhiệm, học được kỹ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo hơn và bớt tức giận đi.

Sự trưởng thành bắt đầu vào ngày chúng ta chấp nhận trách nhiệm đối với hành động của bản thân mình.

Con trai tôi học lớp hai tại trường tiểu học, nó rất mê các trò chơi điện tử trên máy tính. Mỗi ngày đặt cặp sách xuống là chạy vào phòng máy tính không ra ngoài, cuối tuần cũng chỉ ngồi trước máy tính hàng giờ đồng hồ.

Thành tích học tập của nó vì thế mà xuống dốc. Thầy giáo gọi điện cho tôi nói rằng khi đi học nó như người mất hồn, khi bị gọi, lúc nào cũng trả lời không biết. Tôi chỉ biết nói với thầy giáo “vâng, vâng, tôi sẽ dạy dỗ lại cháu”, nhưng trong lòng thực ra là không có cách xoay sở.

Thành tích giảm, bị thầy cô phê bình cũng làm tổn thương lòng tự trọng của con trai. Mỗi sáng thức dậy nó đều lấy lý do đau đầu, đau bụng để nằm dài trên giường. Tôi một mặt phẫn nộ một mặt khuyên bảo, nhưng thật sự là sứt đầu mẻ trán.

Một buổi sáng thứ hai, chuông báo thức reo lên nhiều lần, con trai tôi, người đã chơi suốt hai ngày cuối tuần, nằm cuộn tròn trong chăn kêu gào: “A, con đau đầu, đau đầu lắm!” Tôi vẫn còn ngái ngủ nói trong tức giận: “Vậy thì đừng đi học nữa!” nói rồi tôi gọi điện cho thầy giáo chủ nhiệm xin nghỉ cho nó.

Con tôi thấy vậy nhìn tôi với ánh mắt như đang reo hò “vạn tuế”. Cả ngày nó chỉ biết chơi điện tử, xem tivi, dắt chó đi dạo, chơi đùa vô cùng vui vẻ. Nhìn thấy nó phấn khích, tôi đột nhiên nảy ra một ý tưởng.

Buổi tối hôm đó, tôi chủ động nói với con trai: “Ở nhà chơi vui như thế, hay ngày mai cũng ở nhà chơi đi!” Con trai tôi vui mừng đến phát điên, 3 ngày liên tiếp chỉ chơi, không đi học không cần làm bài tập, cũng không bị thầy cô giáo chỉ trích, điện tử muốn chơi bao nhiêu thì chơi, mẹ không cằn nhằn, không mắng nhiếc.

Tối ngày thứ 3, tôi hỏi con trai: “Không đi học có thích hơn đi học không?”. Con trai tôi trả lời không hề do dự “Tất nhiên rồi!”, tôi nói tiếp: “Vậy thì chúng ta không đi học nữa, mỗi ngày đều ở nhà chơi, muốn chơi cái gì thì chơi cái đó, còn không cần thi cử, không ai quản, tự do tự tại biết bao nhiêu!”

Con trai tôi bán tín bán nghi hỏi: “Thật sự có thể như thế sao? Mẹ lừa con à?”. Tôi trả lời một cách quả quyết: “Tất nhiên là có thể rồi!”

“Thế ạ!….” giống như từ trên trời đột nhiên rơi xuống một chiếc bánh, con trai có chút không thể chấp nhận được. “Không sao, con hoàn toàn có thể làm chủ cuộc đời mình, đi học hay không đi học đều là do con quyết định, mẹ không can thiệp!”, “Vâng, để con suy nghĩ một chút”, con trai bắt đầu nghiêm túc.

Ngày thứ 4, con trai tiếp tục sống trong cuộc sống chơi điện tử vui vẻ, nhưng đôi lúc nó có chút lơ đãng, mở máy tính, nhìn trò chơi này một chút, trò chơi kia một chút, tự nói với mình: “Chẳng có ý nghĩa gì cả!”. Sau đó lại lên Facebook rồi thở dài: “Sao chẳng có ai cả?”. Nó tắt máy tính, rồi đổi sang xem tivi, chuyển hết kênh này đến kênh khác.

Đột nhiên nó hỏi tôi một vài vấn đề: “Mẹ ơi, mẹ nói nếu không đi học thì sau này có tìm được việc làm kiếm tiền không ạ?” Tôi nói: “Được, nhưng cần phải lao động chân tay, sẽ vất vả hơn nhiều! Hơn nữa, người có học thức sẽ kiếm được việc làm dễ dàng hơn những người không có học thức.”

“Mẹ ơi, mẹ nói nếu con không đi học thì các bạn còn chơi với con không?” Tôi nói: “Rất khó nói, nhưng nếu chủ đề mà các bạn nói chuyện con không hiểu thì các bạn sẽ cảm thấy con lạc lõng với mọi người.”

Đến tối thứ 6, con trai tôi long trọng nói tôi: “Mẹ, con nghĩ kỹ rồi, vẫn nên đi học.” “Tại sao thế?”, tôi rất kinh ngạc, nhưng cố gắng vờ như rất lạnh nhạt.

Nó nói “Không đi học, con sẽ mất đi rất nhiều bạn bè, một mình ở nhà chẳng có ý nghĩa gì cả; Không đi học không có kiến thức, con sẽ không thực hiện được ước mơ du hành không gian, con muốn thiết kế trò chơi điện tử cũng không làm được; Hơn nữa, ở trường cũng có rất nhiều môn học thú vị.”

“Vậy thì không có thời gian chơi điện tử rồi? tôi cố ý hỏi lại, nó bảo “Làm bài tập xong rồi chơi!” “Nhưng mà con không thích làm bài tập!”, con trai giống như một ông cụ non, nói với tôi một cách kiên định “Không thích cũng phải làm.” “Nghĩ kỹ rồi?”, “Vâng nghĩ kỹ rồi ạ!”

Tuần tiếp theo, con trai giống như 1 người hoàn toàn khác, không giả bệnh, không lý sự với tôi nữa đến cả thầy cô cũng kinh ngạc: “Bị bệnh một tuần, giống như được thức tỉnh! Cháu bị bệnh gì thế?”

Cuối cùng tôi cũng giải quyết được vấn đề khiến tôi phát điên, tôi thở phào nhẹ nhõm. Thì ra có những thứ bản thân mình tự lựa chọn mới hiểu rõ bản chất của sự việc, mới tích cực suy xét.

Tự lựa chọn mới có thể trưởng thành. Như một nhà tâm lý học từng nói: “Trải qua sự lựa chọn của bản thân, mới là đang sống cuộc đời mình, nếu không bạn chỉ là đang sống hộ người khác mà thôi”.

Không khó để hiểu tại sao một số đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích lại chọn cách tự sát; Tại sao một công chức cả đời thuận buồm xuôi gió đột nhiên cảm thấy trầm cảm, cơ thể họ mặc dù đã trưởng thành, nhưng tâm trí vẫn ở tuổi nhi đồng, bởi vì họ chưa từng suy nghĩ, suy xét hay lựa chọn cho bản thân mình. Cuộc sống mà họ trải qua dù rất vinh quang đặc sắc, nhưng không có gì là lựa chọn của họ cả.

Cho trẻ nhỏ cơ hội lựa chọn, là điều mà cha mẹ nên làm, rốt cuộc thì đó cũng là cuộc sống của chúng. Tất nhiên, rất nhiều người có thể lo lắng, nếu không quản trẻ, thì chúng sẽ bị lừa, đi sai đường, thì phải làm sao?

Phải biết rằng, buông tay không phải là buông bỏ trách nhiệm. Cha mẹ có thể chỉ cho con trẻ những ưu và nhược điểm của mỗi lựa chọn, để con trẻ suy nghĩ về nó, và sau đó trẻ tự đưa ra quyết định. Cha mẹ chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn.

Trên bước đường trưởng thành của con, cha mẹ là người dẫn đường và bảo hộ mà không phải là huấn luyện viên hay quan tòa. Do vậy, cha mẹ hãy trao cho con cơ hội lựa chọn, đó cũng chính là bước ngoặt để con trưởng thành.

Theo Xiaogushi
Ngọc Linh biên dịch
Ảnh Shutterstock

Video xem thêm: Từ cô gái gốc Hà Thành đến cán bộ nhà ở Liên Hợp Quốc: Không bao giờ là muộn để tìm thấy “ngôi nhà” của chính mình

Exit mobile version