Đại Kỷ Nguyên

Bí quyết nuôi dạy con: Lấy đạo lý thu phục lòng người

Sự bạo lực và chuyên chế của người cha đã để lại một bóng đen khủng khiếp, không gì có thể xóa nhòa được trong tâm hồn còn non nớt của cậu bé, khiến cậu bé vốn dĩ trong sáng, thiện lương bỗng chốc trở thành một con quỷ tàn bạo.

Tôi đã từng nghe qua một câu chuyện thế này:

Có một cậu bé rất thích con dê nuôi trong nhà, cậu thường một mình dẫn dê lên núi chơi. Mỗi lần nhìn thấy dê gặm cỏ non trên núi, cậu bé cảm thấy vui thích vô cùng. Trong tâm hồn bé bỏng của cậu, con dê chính là người bạn thân nhất. Cậu bé còn kể cho dê nghe những chuyện cậu nghe thấy và những điều cậu tưởng tượng ra nữa. Cậu cảm thấy rằng, việc cậu đưa dê lên núi phơi nắng là chuyện hạnh phúc nhất.

Nhưng có một ngày cậu tỉnh dậy sau khi nằm phơi nắng trên vách núi, giấc mơ cậu nằm mơ chính là cậu và chú dê đó sẽ ở lại đây, nhưng khi cậu bé tỉnh dậy lại không thấy dê đâu cả. Dê con trước đây chưa bao giờ đi xa, nhưng hôm nay quả thật cậu bé tìm mãi mà không thấy nó đâu nữa. Cậu bé lo lắng, chạy khắp vách núi để tìm nhưng vẫn không thấy dê con đâu. Cậu bật khóc nức nở vì nghĩ rằng cậu sẽ không còn được gặp lại người bạn thân nhất của cậu nữa.

Trời tối rất nhanh, cậu nhanh chóng chạy về nhà. Cậu kể cho cha nghe về những chuyện đã xảy ra, hy vọng ông sẽ giúp tìm dê con về. Không ngờ, cái mà cậu nhận được là một trận đòn. Đòn roi vô tình đã làm bầm giập mặt mũi của cậu bé, phần trán còn bị chảy rất nhiều máu.

“Ta chỉ có con dê này, không tìm được nó thì đừng có trở về nữa…” Nói xong người cha đã đẩy cậu ra khỏi cửa. Cậu bé vô cùng buồn bã.

Một mình cậu bé chạy lên vách núi khi trời đã tối đen. Cậu càng chạy càng không thể nghĩ ra vì sao cha lại đánh mình? Hơn nữa, cậu đâu có cố ý làm mất dê con, không tìm được nó mình cũng buồn mà. “Vì nó mà cha nói rằng, mình vĩnh viễn không được trở về nhà nữa, lẽ nào mình lại chẳng bằng một con dê sao?”

Không lâu sau, cậu bé nhìn thấy một điểm sáng ở phía xa. Khi lại gần, hóa ra là dê con, nó đang gặm cỏ rất thong dong. Bất chợt, cậu bé nghĩ, mình phải chịu trận đòn roi không thương tiếc của cha, cậu liền cầm lấy một hòn đá to. “Chỉ vì mày… nên cha mới đối xử với tao như thế…”. Cậu bé vừa khóc, vừa đập liên tiếp vào đầu dê con.

Bị bố đánh vô lý, cậu bé mất hết lý trí mà đối xử tàn nhẫn với người bạn của mình. (Ảnh: twitter.com)

Hai ngày sau, mọi người nhìn thấy một con dê con đã chết trên vách núi, còn cậu bé thì vĩnh viễn không trở về nhà nữa.

Chúng ta có thể hình dung ra rằng, cậu bé ấy đã đau khổ thế nào, cậu bé đã tự tay giết chết người bạn thân nhất của mình. Sự bạo lực và chuyên chế của người cha đã để lại một bóng đen khủng khiếp, không gì có thể xóa nhòa được trong tâm hồn còn non nớt của cậu bé, khiến cậu bé vốn dĩ trong sáng, thiện lương bỗng chốc trở thành một con quỷ tàn bạo.

Ngay từ nhỏ, trẻ em cần được giáo dục một cách nghiêm khắc, nhưng không phải là sự giáo dục chuyên chế. Cái gọi là chuyên chế đó chính là sự cưỡng ép bắt trẻ phải tuân theo một cách mù quáng. Cha tôi chưa từng giáo dục tôi như thế, ông có thái độ nghiêm khắc hoàn toàn là có cái lý của mình.

Cha tôi không đồng tình với cách giáo dục chuyên chế, bất luận là ở phương pháp giáo dục hay ở các phương diện khác. Luôn chú trọng đạo lý, lấy đạo lý thu phục lòng người, nó sẽ càng có sức mạnh hơn so với các biện pháp cưỡng ép khác. Sự nghiêm khắc của cha sở dĩ không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho tôi là bởi vì cái lý trong đó.

Trên phương diện giáo dục, trước tiên cha luôn tôn trọng tôi, luôn kể một số đạo lý mà tôi có thể lý giải được.

Tôi rất phản đối kiểu người đánh giá thấp cách nhìn của con trẻ trước mặt người khác. Mỗi khi nhận phải sự trừng phạt do làm sai chuyện gì đó, cha không bao giờ chế giễu hay khích bác tôi trước mặt mọi người. Lúc đó, cha luôn làm tôi cảm thấy: Cha rất thực lòng, thật tâm quan tâm tôi.

Mỗi khi cha yêu cầu phải làm một điều gì đó, ông sẽ nói cho tôi tính cấp thiết của việc cần làm đó. Ông sẽ nói rõ ràng rằng, đó là việc mà tôi nên làm chứ không phải ông ép phải làm.

Nếu trong khi đang chơi mà vô tình làm hỏng hay giẫm hỏng hoa của người khác, ông nhất định sẽ gọi tôi đến xin lỗi họ. Bất luận là hàng xóm có biết hay không, ông đều yêu cầu tôi chủ động làm việc đó.

Có thể trong lúc chơi tôi vô tình làm hỏng hoa của nhà hàng xóm, mặc dù họ không biết nhưng bố đều bảo tôi sang xin lỗi. (Ảnh: yandex.by)

Vào một ngày, khi đó tôi 7 tuổi. Ngày hôm đó, tôi vui vẻ chơi trò mô phỏng kị mã cổ đại. Tôi dùng một cái cây gậy làm gươm, tự mình đóng vai là người đang chiến đấu với cường đạo. Trong trò chơi vui nhộn này, tôi tự coi mình là một vị anh hùng thực thụ. Cha thấy tôi vui đùa cũng rất vui vẻ, vì cha hay khuyến khích tôi chơi như thế để kích thích sự phát triển năng lực tưởng tượng, cũng như tốt cho sức khỏe của tôi.

Bỗng nhiên, tôi kêu lên một tiếng “Cha, cha”, nhưng nhanh chóng dừng lại, thì ra trong trận chiến sôi nổi đó, tôi vừa “Chặt” một khóm hoa của nhà hàng xóm. Nhụy và cánh hoa vẫn còn đang bay tứ tung trong không trung. Cha lặng người quan sát, xem tôi sẽ giải thích chuyện này thế nào.

Tôi nhìn cánh cổng nhà hàng xóm, chẳng thấy có người ra, cũng không phát hiện ra cha đang quan sát tôi. Lúc đó, tôi đang muốn quay người “Trốn thoát” thì cha đã gọi lại: “Carl…”.

Lúc đó, tôi biết rằng chuyện này chẳng còn cách nào có thể trốn chạy được, bèn chậm rãi đến bên cha.

“Con không biết con đã phạm lỗi hay sao?”

“Con biết”. Tôi hạ giọng trả lời cha.

“Vậy con nên làm gì?”. Cha nghiêm khắc nói với tôi.

“Con không biết ạ”. Tôi cúi đầu đáp.

“Con trai, nghe cha nói này, con nên sang nhà hàng xóm xin lỗi đi”.

“Nhưng con không cố ý mà”. Dường như là tôi đang giải thích, bởi lúc đó tôi có thể chưa lý giải được hàm ý của sự xin lỗi.

“Carl, con phải nhớ rõ rằng, con người phạm lỗi, trong nhiều trường hợp là không cố ý. Nhưng lỗi đã xảy ra rồi, con phải có trách nhiệm với hành vi của mình. Tuy nhà hàng xóm không trông thấy con làm, nhưng họ thực sự đã bị tổn hại. Con nên đi xin lỗi họ, con người không nên bỏ đi sau khi đã làm tổn thương người khác. Không phải con đang đóng vai kỵ sĩ đó sao? Kỵ sĩ là người dũng cảm…”

“Cha à, con hiểu rồi”. Tôi giống như một kỵ sĩ chân chính gõ cửa nhà hàng xóm.

Lần đó, tôi giống như một kỵ sĩ chân chính gõ cửa nhà hàng xóm. (Ảnh: dreamstime.com)

Hai ngày sau, khi cha tôi gặp người hàng xóm, họ đã không còn nhắc đến những bông hoa bị chặt nát nữa nhưng họ đã nói với cha tôi “Con của anh là một người thật thà”.

Kỵ sĩ dũng cảm là thần tượng của tôi. Cha tôi đã dùng hình ảnh kỵ sĩ để khích lệ, giúp tôi cảm nhận được rằng xin lỗi chẳng phải là một chuyện khó khăn gì. Điều ấy cũng giúp tôi hiểu được rằng, phạm lỗi bất kể là cố ý hay vô ý thì đều nên có trách nhiệm với những gì mình làm.

Rất nhiều cha mẹ lý giải sự giáo dục nghiêm khắc đối với trẻ là chuyên chế, bất giác biến mình thành bạo quân, coi đứa trẻ rất hèn nhát hoặc là kẻ thất bại. Họ cho rằng nếu trẻ không nghe lời thì sẽ dùng bạo lực, hiệu quả của phương pháp này không những không giúp trẻ hiểu đúng về bản thân, trái lại còn gây cho trẻ cảm giác lo lắng và tức giận. Đây là những chia sẻ rất hữu ích của Carl Witte, một học giả người Đức về phương pháp xây dựng cho con một nhân cách toàn diện rất đáng để chúng ta suy ngẫm và tham khảo.

Hồng Ân

 

Exit mobile version