Đại Kỷ Nguyên

9 cách ứng xử thông minh khi con bướng bỉnh

Cha mẹ cần ứng xử phù hợp với hoàn cảnh khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh (ảnh: Pexels).

Nhiều phụ huynh cảm thấy mệt mỏi và phiền não khi những đứa con của họ luôn tỏ ra chống đối, bướng bỉnh, gây nên những phiền toái không nhỏ. Dưới đây là cách ứng xử thông minh khi con bướng bỉnh trong các tình huống của cuộc sống thường ngày.

1. Khi trẻ nhất định không chịu ăn

“Con là một cô bé/cậu bé ăn rất giỏi”.

Nếu trẻ không chịu ăn hoặc ăn rất chậm, tốt hơn hết là cha mẹ nên khuyến khích con. Hãy thể hiện rằng cha mẹ rất tự hào về trẻ thay vì trách mắng chúng kén chọn. Trách mắng hay dạy bảo không phải là cách xử lý đúng đắn trong tình huống này.

2. Khi trẻ không chịu dọn phòng của mình

“Con muốn tự mình làm hay để mẹ phụ giúp?”

Những câu mệnh lệnh như: “Hãy làm ngay lập tức. Mẹ đã nói với con rất nhiều lần rồi!” sẽ khiến trẻ kích động và phản kháng. Sẽ tốt hơn nếu cha mẹ đưa ra cho trẻ sự lựa chọn và không thúc giục.

3. Khi đang vội đi, nhưng con lại chậm chạp những việc như ăn sáng hay mang cặp

“Hãy xem chúng ta có thể làm những việc này nhanh như thế nào trong hôm nay”.

Thông thường trẻ nhỏ khi đang mải mê chơi một món đồ mà mình yêu thích hay vẩn vơ với những ý nghĩ, chúng cũng vô tình quên đi thời gian. Cha mẹ có thể giục hàng chục lần, thậm chí la hét nhưng trẻ vẫn không ý thức được về sự chậm trễ của mình.

Thay vì quát mắng: “Con còn làm gì đấy? Muộn đến nơi rồi có nhanh lên không?”, cha mẹ có thể thử với câu: “Còn 5 phút nữa mẹ con mình phải đi rồi. Con muốn mặc áo khoác không hay chỉ cầm tay?” hoặc “Hãy xem chúng ta có thể làm những việc này nhanh như thế nào hôm nay” để giúp trẻ hiểu rằng chúng cần nhanh hơn mà cha mẹ không cần phải thúc giục con quá nhiều.

4. Trẻ không nói gì hay tỏ ra tức giận quá mức

“Bình tĩnh nào. Có phải con đang cảm thấy mệt không?”

Hành động của trẻ có thể nói lên rất nhiều về những gì chúng muốn và cảm giác của chúng trong thời điểm đó. Trẻ có thể không nói một cách trực tiếp rằng chúng đang buồn chán hoặc mệt mỏi, nhưng những hành động như khóc, không chịu nghe lời hay ném đồ chơi đi đã cho thấy tâm trạng của chúng.

Bố mẹ không bao giờ nên dạy dỗ con vào những lúc cảm xúc tiêu cực đang dâng trào. Hãy giúp trẻ bình tĩnh (ảnh: Pexels).

Những lúc như vậy, thay vì quát mắng, chỉ trích, cha mẹ có thể hỏi một câu rất đơn giản: “Bình tĩnh nào. Có phải con đang cảm thấy mệt không?”.

5. Trẻ vòi vĩnh đòi mua những món đồ chơi

“Con hãy thêm món đồ này vào danh sách lựa chọn quà sinh nhật lần tới nhé”.

Thay vì ngay lập tức từ chối mong muốn của con, cha mẹ nên nói với trẻ “Con hãy thêm món đồ này vào danh sách lựa chọn quà sinh nhật lần tới nhé”. Cha mẹ cũng có thể dùng món đồ chơi mà trẻ thích làm phần thưởng khi chúng làm tốt việc gì đó. Điều này sẽ giúp trẻ giảm bớt tính đua đòi và biết kiên nhẫn chờ đợi nhận được quà từ cha mẹ.

6. Con chạy đi chơi mà không dọn bàn

Con có thể giúp mẹ dọn bát đĩa vào bồn rửa được không?

Trẻ ăn và chạy đi chơi, để lại mớ hỗn độn. Đừng sử dụng những câu như “Đứng ngay lại, đừng như vậy nữa”, “Con dọn bàn ngay đi” hay “Con không bao giờ dọn bàn cả” – Đó là những câu mệnh lệnh, trách mắng. Cách tốt nhất để nói lên yêu cầu là theo cách tích cực.

7. Khi cha mẹ nói nhiều lần và cuối cùng trẻ cũng chịu làm theo

“Cảm ơn con vì đã lắng nghe. Con làm việc đó tốt lắm”.

Đừng tiếc một lời khen ngợi đối với một đứa trẻ bướng bỉnh khi cuối cùng chúng đã làm theo những gì cha mẹ khuyên dặn. Nhận được một lời khen, một lời khích lệ về hành vi tốt nào đó sẽ thúc đẩy trẻ có thể lắng nghe cha mẹ nói trong tương lai.

8. Khi muốn con dừng làm điều gì đó

“Con có thể lấy giúp mẹ cuốn sách này (hoặc làm một điều gì đó khác) được không?”

Khi trẻ đang hăng say chơi một thứ gì đó, thật khó để cha mẹ có thể bảo trẻ dừng lại ngay lập tức. Cho nên, không nên ra lệnh hay đòi hỏi trẻ phải làm theo ý mình. Thay vào đó, cha mẹ có thể chuyển hướng trẻ sang một công việc khác. 

9. Khi trẻ phạm sai lầm hoặc không chịu lắng nghe

“Mẹ yêu con và điều đó chẳng bao giờ thay đổi”.

Lúc này, một số người thường nói với con là: “Mẹ không thương con nữa” hoặc “Không ai muốn ở bên cạnh con nếu con là người xấu”. Điều này sẽ làm trẻ cảm thấy bản thân thật tồi tệ và không được yêu thương.

Trong tình huống này, cha mẹ có thể thể hiện tình yêu của mình với chúng và cho con biết bạn yêu chúng đến nhường nào. Tất nhiên, điều này nhằm trấn an trẻ, nhưng sau đó, hãy nói về hành động sai trái của con và mong muốn con không vi phạm trong lần sau.

Mọi đứa trẻ sinh ra đều như một tờ giấy trắng, sự ứng xử, giáo dục của cha mẹ rất quan trong việc hình thành nhân cách. Do đó, để dạy con biết hành động phù hợp hoàn cảnh, cha mẹ cần phải là những tấm gương tốt và có những phương pháp giáo dục tinh tế.

Hồng Văn

Theo Brightside

Video xem thêm: Nỗi sợ hôn nhân, ai mà không có?

Exit mobile version