Đại Kỷ Nguyên

5 phút thủ thỉ cùng con: Giúp người là giúp chính mình

Một người chỉ thực sự có đạo đức khi anh ta phục tùng sự thôi thúc muốn giúp tất cả mọi sinh mệnh anh ta có thể giúp được và lùi lại không làm tổn thương tới bất cứ sinh linh nào (ảnh: pixabay).

Lời ngỏ:

Có một phương pháp giáo dục gây ngạc nhiên và được các mẹ Nhật áp dụng rất hiệu quả. Đúng như tên của nó, phương pháp “5 phút thủ thỉ” nghĩa là cha mẹ dành khoảng thời gian ngắn trước khi ngủ trò chuyện cùng con, không giới hạn về lứa tuổi. Mục đích là dùng những lời lẽ yêu thương, mong muốn tích cực, giúp định hình và điều chỉnh tính cách của con.

Một số nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản như Shichida, Ibukai Masaru khuyên rằng cha mẹ hãy ru ngủ cho con bằng bài hát, chuyện kể hoặc nói về điều mình muốn khuyên con… sẽ có hiệu quả rất lớn. Bởi vì lúc trẻ chập chờn vào giấc ngủ, những gì bạn nói sẽ đi sâu vào tiềm thức, in đậm trong tâm trí trẻ.

Thực ra, kể chuyện bằng miệng từ hàng ngàn năm nay đã là một phương pháp truyền thống để cha mẹ dạy con về các giá trị sống và cách cư xử. Nhà tâm lý học Deena Weisberg tại Đại học Villanova chia sẻ rằng những đứa trẻ học tốt hơn thông qua các chuyện kể và diễn giải: “Chúng ta học nhanh nhất từ những điều làm chúng ta thấy thú vị. Và những câu chuyện, về bản chất, có thể chứa trong đó rất nhiều điều thú vị mà các bài phát biểu trần trụi không có“.

Vì vậy, Đại Kỷ Nguyên xin được sưu tầm loạt chuyện về phẩm chất cao thượng và thần tiên phù hợp với trẻ em, giúp cha mẹ có nguồn nguyên liệu ý nghĩa để hàng ngày thủ thỉ cùng con. Với tâm nguyện giáo dục lấy đạo đức làm trung tâm, chúng tôi mang đến truyền thuyết dân gian, chuyện xưa tích cũ về lòng nhân ái, đức tính khoan dung, kiên nhẫn, trung thực, những chuyện nhân quả báo ứng nhẹ nhàng mà thấm đượm.

Trọn bộ: 5 phút thủ thỉ cùng con

***

Cha mẹ kể cho con câu chuyện sau đây vừa súc tích, dễ hiểu, lại rất trực quan, có thể khắc sâu trong con tư tưởng “giúp người là giúp mình”.

Vào đầu triều Minh của Trung Quốc, một người họ Trương từ doanh trại Cao Bưu Vệ chèo thuyền đi làm công vụ.

Khi đang ở trên hồ thì một cơn bão ập đến đánh lật thuyền của ông. Sau khi thoát nạn, ông tiếp tục đi dọc theo bờ sông. Bị sương mù che phủ phía trước, Trương lờ mờ thấy có một người đang bám trên một chiếc thuyền nhỏ bị lật đang bập bềnh theo từng đợt sóng và đang kêu cứu.

Động lòng thương xót, Trương bèn hỏi mượn một chiếc thuyền câu nhỏ của một ngư dân gần đó để đi cứu người kia. Tuy nhiên, người ngư dân từ chối không cho mượn.

Chỉ khi Trương hứa sẽ tặng lại phù hiệu bạch kim thì người ngư dân mới chịu đi cứu nạn nhân.

Sau khi cứu người, Trương nhận ra rằng thực chất ông đã cứu chính con trai mình. Thì ra con trai ông đã ở dưới nước nửa ngày để chờ người đến cứu. Anh ta đã ở trên bờ vực của cái chết và đã có thể chết đuối bất cứ lúc nào.

Câu chuyện ông Trương may mắn cứu con trai mình càng làm rõ thêm chân lý “Cứu người là cứu chính mình”.

(Nguyên tác “Song Hòe Tuế Sao”)

***

Trong xã hội ngày nay, con người thường đánh giá cao vật chất và địa vị xã hội. Nhưng một khi gặp nguy hiểm tính mạng hoặc sức khỏe xuống cấp thì mới hiểu ra tiền và quyền đều không cứu nổi sinh mệnh.

Trong khi đó có những tình huống bất ngờ mà ân nhân cứu mệnh lại chính là người bạn đã từng giúp đỡ. Cho nên mới thấy, giúp người, cứu người có ý nghĩa lớn lao.

Phật gia giảng rằng thứ gì rồi cũng mất, duy chỉ có đức và nghiệp là mang theo bên mình khi vãng sinh, chuyển kiếp. Điều đó có nghĩa: dù nghèo khó hay giàu có thì đều cần hành thiện, tích đức.

Hơn nữa, làm việc thiện không phải vào chùa, cũng không nằm ở mâm cao cỗ đầy, mà thực chất là suy nghĩ tốt đẹp về người khác, hành xử tử tế hàng ngày, luôn sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh.

Kỳ thực, nói là hành thiện giúp người nhưng trên thực tế là chúng ta đang gieo mầm phúc đức cho chính mình.

Video: Người Mỹ ủng hộ niềm tin vào tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại ở Trung Quốc

Exit mobile version