Đại Kỷ Nguyên

5 phút thủ thỉ cùng con: Chú gà trống kiêu ngạo

Ảnh minh họa: pixabay.

Lời ngỏ:

Có một phương pháp giáo dục gây ngạc nhiên và được các mẹ Nhật áp dụng rất hiệu quả. Đúng như tên của nó, phương pháp “5 phút thủ thỉ” nghĩa là cha mẹ dành khoảng thời gian ngắn trước khi ngủ trò chuyện cùng con, không giới hạn về lứa tuổi. Mục đích là dùng những lời lẽ yêu thương, mong muốn tích cực, giúp định hình và điều chỉnh tính cách của con.

Một số nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản như Shichida, Ibukai Masaru khuyên rằng cha mẹ hãy ru ngủ cho con bằng bài hát, chuyện kể hoặc nói về điều mình muốn khuyên con… sẽ có hiệu quả rất lớn. Bởi vì lúc trẻ chập chờn vào giấc ngủ, những gì bạn nói sẽ đi sâu vào tiềm thức, in đậm trong tâm trí trẻ.

Thực ra, kể chuyện bằng miệng từ hàng ngàn năm nay đã là một phương pháp truyền thống để cha mẹ dạy con về các giá trị sống và cách cư xử. Nhà tâm lý học Deena Weisberg tại Đại học Villanova chia sẻ rằng những đứa trẻ học tốt hơn thông qua các chuyện kể và diễn giải: “Chúng ta học nhanh nhất từ những điều làm chúng ta thấy thú vị. Và những câu chuyện, về bản chất, có thể chứa trong đó rất nhiều điều thú vị mà các bài phát biểu trần trụi không có“.

Vì vậy, Đại Kỷ Nguyên xin được sưu tầm loạt chuyện về phẩm chất cao thượng và thần tiên phù hợp với trẻ em, giúp cha mẹ có nguồn nguyên liệu ý nghĩa để hàng ngày thủ thỉ cùng con. Với tâm nguyện giáo dục lấy đạo đức làm trung tâm, chúng tôi mang đến truyền thuyết dân gian, chuyện xưa tích cũ về lòng nhân ái, đức tính khoan dung, kiên nhẫn, trung thực, những chuyện nhân quả báo ứng nhẹ nhàng mà thấm đượm.

Trọn bộ: 5 phút thủ thỉ cùng con

***

Lòng kiêu ngạo thường có nguyên nhân là do tầm nhìn hạn hẹp, trong mắt chỉ thấy một vùng trời nhỏ bé nên nhầm tưởng bản thân mình to lớn. Hãy thử lắng nghe câu chuyện sau đây, kể về một chú gà trống được mở rộng tầm mắt mà sau đó không còn kiêu ngạo nữa.

Xưa có một con gà trống to lớn gáy mỗi ngày và nó rất tự phụ. Một ngày kia, khi gà trống đi nghênh ngang loanh quanh chuồng, nó gặp một con vịt con. Gà trống liền nói một cách tự hào: “Này con vịt nhỏ, hãy nói cho ta biết ai có tiếng gáy hay hơn ta? Ngoài ta ra, ngươi có lẽ sẽ không tìm ra ai mà có tiếng gáy hay như vậy.”

Nhìn vào gà trống, vịt con nói rằng: “Ngươi ở trong chuồng gà mỗi ngày và không bao giờ ra ngoài để nhìn thế giới. Mấy con ngỗng hoang dã kia ngày mai chúng sẽ đi du ngoạn. Tại sao ngươi không đi với chúng?”, gà trả lời: “Tôi không thể bay. Làm sao bây giờ?” Vịt con nói: “Không sao. Ngươi chỉ cần cưỡi lên lưng chúng. ”

Thế rồi, có một con ngỗng hoang mang một con gà trên lưng! “Thật là thú vị.” Mọi người thật kinh ngạc khi thấy gà trống du ngoạn với ngỗng. Chúng cứ bay mãi và cuối cùng đã đến một hồ nước lớn.

Ngỗng bèn đáp xuống hồ và bận rộn tìm kiếm thức ăn. Gà trống không có gì để làm nên nó đã cất tiếng gáy. Khi vừa khi nghe tiếng gà trống gáy, một con thiên nga trong hồ bắt đầu cất tiếng hát. Đó là lần đầu tiên gà trống nghe lời hát của thiên nga và đã nghĩ rằng nó đến từ những con chim trên cây.

“Tôi ở đây,” một con thiên nga bé tí kêu vang.

Rồi gà trống đã thấy một con thiên nga nhỏ đang cúi mình không xa lắm, và đang nhìn gà, gà hỏi: “Bạn là ai? Có phải bạn vừa hát đó phải không?”

“Dĩ nhiên chính là tôi. Để tôi và các bạn tôi hát một bài hát cho anh nghe.” Rồi các con thiên nga bắt đầu hát. Chúng hát thật hay đến độ những con ve sầu cũng trổ khúc thỏ thẻ phụ họa cho vui.

Khi các con ngỗng ăn xong, chúng tiếp tục cuộc hành trình. Chúng đã bay đi rất xa và đến một khu rừng to lớn. Gà trống say sưa với đủ thứ tiếng chim hót trong rừng mà gà chưa từng nghe bao giờ.

Âm thanh róc rách êm đềm này là gì vậy? Gà tò mò tìm đến nơi, thì ra là tiếng suối reo và thác đổ. Những âm thanh vang dội rõ ràng và thanh bạch từ ngọn thác trong rừng. Thật là tuyệt diệu! Hòa vào đó là tiếng gió xào xạc đùa giỡn reo vui xuyên qua cây lá của núi rừng.

Gà trống đã bị mê hoặc đến nỗi chú ta không muốn rời đi, nhưng các con ngỗng thúc giục chú tiếp tục cuộc hành trình cùng với chúng. Khi chúng đến bên biển, gà trống thật kinh ngạc bởi âm thanh dạt dào của muôn trùng sóng biển.

Rồi gà trống thấy những con hải cẩu tự do vui đùa gọi nhau vang cả bầu trời. Những con ngỗng hoang đã hát cùng chúng thật vui vẻ. Những âm thanh của chúng bay vút lên trời cao. Gà trống đã nhận ra rằng lời hát của những con ngỗng thật hay!

Trong suốt cuộc hành trình, gà trống không ngừng ngạc nhiên, thán phục trước đủ loại âm thanh của thiên nhiên. Đến khi quay trở lại nhà của mình, chú ta không bao giờ còn dám tự cao tự đại nữa.

***

Không cho rằng bản thân mình hơn người khác là một loại tu dưỡng, cũng là một loại cảnh giới, phong độ. Người có được phong thái này ắt có sự hiểu biết sâu rộng về kiếp nhân sinh và giá trị cuộc đời.

Có câu “Học hỏi một người cần sự khiêm tốn”. Cho nên, nếu con trẻ ôm giữ một tâm thái kiêu ngạo thì chẳng khác nào con đã tự đóng cánh cửa học hỏi của chính mình ngay trong lúc tuổi đời còn rất trẻ. Người khác sẽ không muốn chia sẻ điều hay với con, bạn bè tốt sẽ dần xa lánh con. Điều đó thật đáng tiếc!

Hơn nữa, sự cao ngạo là con dao hai lưỡi, đã khiến biết bao anh hùng trong lịch sử như Quan Vũ, Hạng Vũ… phải khuỵu chân dừng bước, làm bao nhiêu kẻ sĩ phải chôn vùi thanh danh. Cho nên làm người là không thể không tu dưỡng đức khiêm tốn.

Bậc Thánh hiền chân chính xưa nay đều thận trọng trong lời nói, dè dặt trong hành động, chẳng bao giờ vỗ ngực tự xưng mình là bậc Thánh hiền. Những người quân tử chân chính thành công đều là nhờ một chữ “Khiêm”. Không ngạo mạn mới có thể đi xa.

Con hãy nhớ những lời này để luôn tự nhắc mình:

Thép tốt phải luyện
Quan giỏi biết nghe
Nghe nhiều biết rộng
Vận động mới khỏe
Khiêm tốn mới tiến
Càng nhiều càng tốt!

Video: Hiếu thuận với cha mẹ, ông Trời ắt để dành phúc phận cho

Exit mobile version