Đại Kỷ Nguyên

5 điều thường làm của cha mẹ quyết định tới sự tự tin hoặc tự ti của con trẻ

Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái mình lớn lên khỏe mạnh, tràn đầy tự tin trong cuộc sống. Nhưng bạn có biết rằng, dù chỉ là một câu nói của cha mẹ thôi cũng đủ quyết định sự tự tin hay tự ti của con trẻ.

Tâm lý tự ti mang đến ảnh hưởng không nhỏ suốt cuộc đời. Người tự ti thường cảm giác người khác không thích bản thân mình, quá để ý đánh giá của người khác. Khi gặp được người hoặc đồ vật mà mình yêu thích, thì không hề nghĩ mình nên cố gắng để có nó, mà luôn cảm thấy bản thân mình không xứng với nó. Cho dù lớn lên thật xuất sắc, nhưng trong tư tưởng vẫn tồn tại chướng ngại tự ti rất lớn…

Dưới đây là 5 việc mà cha mẹ làm sẽ quyết định con trẻ tự tin hay tự ti:

1. Buông tay để trẻ độc lập hay là không tin tưởng vào khả năng của trẻ

Một đứa trẻ tự ti, nguyên nhân trước hết là đến từ phía gia đình, tiếp đến là thầy cô giáo và bạn bè.

Trẻ tự tin hay tự ti, thường có lên quan đến việc giáo dục trẻ ở gia đình. Nhiều khi cha mẹ cảm thấy trẻ còn nhỏ, sợ thêm phiền phúc, hoặc là không tin vào khả năng của trẻ mà phủ nhận ý tưởng và hành vi của chúng. Ví như khi trẻ bưng giúp mẹ cái khay, người mẹ lập tức nói: “Con bưng không vững, đừng có làm vỡ cái khay đó”, hay như khi trẻ cầm chổi quét nhà, bà liền nói: “Cháu đừng quét nữa, cháu quét không sạch gì cả”. Trẻ nhỏ thì hay ưa thích những sự vật những sự việc mới lạ, cho nên cha mẹ thấy vậy hay chê trách: “Đứa trẻ này làm cái gì cũng không kiên nhẫn, vừa nhìn là biết không được rồi”.

Trẻ tự tin từ đâu mà có? Hoàn toàn đến từ trong sinh hoạt hàng ngày, đến từ những việc tưởng như nhỏ nhặt, nhưng trải qua những thể nghiệm nhỏ đó, mà có thể gia tăng lòng tin đối với bản thân, với cuộc sống. Trẻ có thể làm được rất nhiều việc, nếu cha mẹ tin tưởng trẻ, thì trẻ sẽ càng ngày càng tin tưởng vào chính mình. Còn nếu cha mẹ không tin vào khả năng của trẻ, sẽ khiến trẻ dễ cảm giác giá trị bản thân thật thấp.

2. Sẵn sàng khen ngợi trẻ hay là cứ đem trẻ ra so sánh

Vì sao có rất nhiều cha mẹ không thể khoan dung với những mặt chưa tốt của con mình, lại cứ thích nhắc đến con cái của người khác?

Trong sinh hoạt hàng ngày, các bậc cha mẹ thường hiếm khi tán thưởng, khen ngợi con cái của mình, nhưng đối với con cái người khác thì lại khen ngợi không dứt, nào là con của hàng xóm học giỏi thế này, con của đồng nghiệp ngoan thế kia… cứ như thể con của mình vĩnh viễn cũng không được ngoan, không giỏi bằng con của hàng xóm, đồng nghiệp.

Khi cha mẹ cứ khen ngợi ưu điểm con nhà người khác, đồng thời chỉ thấy được nhược điểm của con mình, thì đó chính là một loại phủ định đối với con trẻ. Một đứa trẻ không nhận được những lời khen tích cực, khi lớn lên, nó sẽ vô thức mà lấy những ưu điểm của người khác đem so với bản thân, hạ thấp năng lực bản thân, từ đó luôn sa vào sự tự ti.

Trên thế giới này không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, càng không có đứa trẻ nào là hoàn mỹ, mà mỗi đứa trẻ có mỗi đặc điểm riêng của mình. Nhưng đáng tiếc, không ít cha mẹ keo kiệt lời khen ngợi, keo kiệt một ánh mắt tán thưởng, mà lại thích dùng phương thức so sánh và chê bai, từ đó gieo vào tâm hồn trẻ sự tự ti sâu sắc.

Tâm hồn non nớt của trẻ sẽ nhớ mãi sự so sánh chê bai của cha mẹ về bản thân, từ đó mà dẫn đến tự ti. (Ảnh: youtube.com)

3. Tôn trọng ý kiến của trẻ hay là quyết định thay trẻ

Theo thời gian, trẻ ngày càng lớn, thì những việc cần đưa ra sự lựa chọn tất nhiên cũng ngày càng nhiều, từ những công việc thường ngày trong gia đình, cho đến trường học, sự nghiệp và lập gia đình, tất cả đều cần có sự lựa chọn và quyết định của bản thân.

Các bậc cha mẹ thường hay có thói quen quyết định thay cho con, mà không hề hỏi ý kiến của trẻ như thế nào. Như thế lâu dần, đứa trẻ cũng sẽ ít có ý nghĩ của riêng mình, và dần quen với việc mọi thứ phụ thuộc vào cha mẹ hoặc người khác.

Cha mẹ cần phải xem trẻ như một cá thể độc lập, cũng cần phải hỏi ý kiến của trẻ một số việc thường ngày mà trẻ có thể hiểu được. Ví như muốn đưa trẻ đi ra ngoài chơi thì cũng nên hỏi trẻ con thích đi đâu hoặc chơi gì để trẻ lựa chọn; hoặc khi đưa trẻ đi mua các loại văn phòng phẩm, cũng nên để trẻ lựa chọn thứ mà bản thân cảm thấy thích.

Có đôi khi sự lựa chọn của trẻ cũng không được cha mẹ tán thành, nhưng cũng không nên vì thế mà phủ nhận hoàn toàn. Nếu cha mẹ không đồng ý với sự lựa chọn của con trẻ mà có sự lựa chọn khác, thì hãy nói cho trẻ biết và để cho trẻ lựa chọn một trong hai thứ.

Hãy để cho trẻ cảm nhận bản thân đang được cha mẹ tôn trọng, như vậy trẻ càng tăng thêm sự tự tin của mình. Được cha mẹ tôn trọng ý kiến của mình, đứa trẻ sẽ ý thức được giá trị của bản thân, đây cũng là cách nuôi trồng tự tin cho trẻ.

4. Dùng ngôn ngữ tích cực nói chuyện với trẻ hay là dùng ngôn ngữ bạo lực

Đại đa số bi kịch đều bắt đầu từ việc không nói chuyện đàng hoàng. Ngôn ngữ là khả năng thiên phú của nhân loại, nhưng nó cũng có thể trở thành thứ vũ khí làm tổn thương đến người khác.

Khi cha mẹ phát hiện con trẻ trở nên càng ngày càng tự ti, càng lúc càng ít thân cận với cha mẹ, thì nên xem xét lại bản thân mình có hay không đã nói với con nói những lời như này:

– Con thật ngu ngốc, đồ vô dụng;

– Thật kém cỏi; con người ta sao lại giỏi như thế;

– Đầu óc của con làm sao vậy, mà việc đơn giản như thế cũng không làm được.

– Đồ nhát gan, không trông mong gì cả.

……

Mọi người thường quan niệm rằng: “đánh là thương, mắng là yêu”. Cha mẹ trách mắng con cái đều là vì mong muốn con có thể sửa đổi trở nên tốt hơn. Nhưng sự thật là, mỗi một câu phủ định của cha mẹ đều khiến cho con trẻ cảm thấy hoài nghi bản thân mình: “Ba mẹ đều cảm thấy mình không tốt, có lẽ do mình quá tệ”.

Những lời cay nghiệt của ba mẹ trong lúc tức giận rất có thể làm cho trẻ bị suy sụp tinh thần. (Ảnh: deskgram.net)

Trong tâm lý học có một hiện tượng gọi là “tâm lý ám thị”. Khi chúng ta hạ thấp vai trò của trẻ, hoặc phóng đại những lỗi lầm của trẻ, gắn cho trẻ những “cái mác” tiêu cực, thì dần dần trẻ sẽ vô thức mà tin tưởng bản thân mình đúng là như vậy, cuối cùng lâm vào cái vòng luẩn quẩn của sự tự ti.

5. Yêu thương vô điều kiện hay là đón nhận có điều kiện

Đại đa số cha mẹ đối với con cái là yêu thương vô điều kiện. Nhưng một khi con trẻ có xuất hiện một vài vấn đề, thì tình yêu thương này sẽ được bổ sung thêm một vài điều kiện và tiêu chuẩn. Ví như: chỉ cần nghe lời, học cho giỏi, chơi cho ngoan… đây thường là những điều kiện yêu thương mà cha mẹ đặt ra cho trẻ.

Cha mẹ một mặt thỉnh thoảng lấy việc “không yêu thương con” ra đe dọa để điều chỉnh hành vi của trẻ, một mặt lại chỉ trích, chê bai khi trẻ gặp vấn đề hay phạm sai lầm, cứ như vậy trẻ sẽ khó có nhận thức tốt về bản thân, và xuất hiện tâm lý hụt hẫng, thất vọng.

Khi còn nhỏ, trẻ không được cha mẹ tiếp nhận, thì sau khi trưởng thành cũng sẽ khó mà tiếp nhận bản thân mình.

Cha mẹ yêu thương con trẻ, thì nên tiếp nhận cả những cái hoàn mỹ và không hoàn mỹ của con trẻ. Cho dù con cái có làm cho cha mẹ có thể diện hay không, con cái có làm cho cha mẹ cao hứng hay không, con cái có trở thành như mong muốn của cha mẹ hay không, mặc kệ con cái có như thế nào đi nữa thì cha mẹ cũng nên đều yêu thương.

Yêu thương con cái vô điều kiện và kiên trì nguyên tắc dạy bảo là không hề mâu thuẫn với nhau. Mỗi một đứa trẻ đều được yêu thương và nguyên tắc làm cơ sở thì luôn có tâm hồn rộng mở, dù cho trong tương lai gặp phải khó khăn gì cũng có thể tự tin đối mặt.

Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch

Exit mobile version