Đại Kỷ Nguyên

4 quy tắc giáo dục trẻ em của thế kỷ 21

Thuật ngữ “thế kỷ 21” đã trở thành một phần tất yếu trong tư duy và thiết lập kế hoạch giáo dục cho tương lai. Vậy học tập trong thế kỷ 21 cần phải như thế nào? Các nhà giáo dục và quản lý đều đang chủ động tìm kiếm những cách thức để chuẩn bị cho trẻ em trước tương lai đầy biến động. 

Các nghiên cứu khác nhau đã cho chúng ta thấy học thuộc lòng không phải là một phương pháp học tập hiệu quả, đồng thời lớp học lấy giáo viên làm trung tâm thật khó để gắn kết học sinh vào bài giảng. 

Ngày xửa ngày xưa, vai trò của giáo viên, phụ huynh là chuẩn bị cho trẻ em những nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu chúng phải hoàn thành. Tuy nhiên, thời bấy giờ xã hội đơn giản hơn, đồng nhất hơn trong khi ngày nay xã hội phức tạp bởi sự pha trộn của nhiều tín ngưỡng và văn hóa khác nhau. Vì vậy cần có sự thay đổi trong giáo dục, đặc biệt là hoạt động dạy và học, thể hiện qua 4 quy tắc sau:

1. Lấy trẻ em làm trung tâm

Nhìn chung, giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm là một xu hướng mạnh mẽ của thế kỷ 21. Điều đó không có nghĩa giáo viên không giảng bài, mà việc giảng bài của giáo viên không nên là nguồn cung cấp thông tin duy nhất và chủ yếu. Giáo dục không còn chỉ là học sinh nghe giáo viên nói và tiếp nhận thông tin.

Để đóng góp cho xã hội, trẻ em cần khả năng tự thu thập thông tin mới khi có vấn đề phát sinh. Sau đó, chúng sẽ kết nối thông tin mới với kiến thức đã có và áp dụng nó để giải quyết vấn đề trong tay. Học sinh phải là người tự giải quyết thay vì thụ động đợi sự chỉ bảo từ giáo viên, phụ huynh. Hay nói cách khác, họ cần học cách tự học.

Trong mô hình lớp học này, giáo viên sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ học sinh. Thay vì tiếp nhận thông tin từ giáo viên, học trò sẽ tự thu thập thông tin dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Chúng ta khích lệ các cách học khác nhau, và làm sao để người học càng ngày càng nâng cao động lực học tập, tư duy độc lập và tinh thần chịu trách nhiệm. Họ sẽ tham gia nhiều hoạt động thực hành khác nhau và thể hiện việc học theo nhiều cách khác nhau. Học chính là khám phá chứ không phải ghi nhớ các sự kiện.

2. Giáo dục sự hợp tác

Ngày nay, trẻ em cần học cách cộng tác cùng người khác, bởi vì hầu như các công việc đều cần sự hợp tác từ phạm vi một công ty cho đến một quốc gia, rộng hơn nữa là toàn cầu. Nếu như các em không thể hợp tác cùng những người bạn ngay trong lớp thì điều gì có thể đảm bảo được sau này có khả năng làm việc cùng những đối tác từ khắp nơi trên thế giới, đến từ các nền văn hóa rất khác nhau.

Hợp tác cùng nhau học sinh sẽ trở nên năng động và chủ động (ảnh: Projectpals).

Chúng ta cần khuyến khích học sinh làm việc cùng nhau để khám phá thông tin, ghép chúng lại với nhau và tìm ra ý nghĩa. Khi hợp tác cùng nhau học sinh sẽ trở nên năng động và chủ động. Khi làm việc nhóm học sinh sẽ học cách nhận ra những điểm mạnh và tài năng của đồng đội và sẵn sàng thay đổi để vai trò của mỗi thành viên phù hợp với năng lực và đam mê của họ.  

Các trường cũng nên hợp tác với các tổ chức giáo dục khác trên thế giới để chia sẻ thông tin và tìm hiểu về các phương pháp học tập hiệu quả. Họ nên sẵn sàng thay đổi cách thức giảng dạy của chính mình theo những phương pháp mới tiến bộ hơn.

3. Học tập cần bối cảnh

Lấy học sinh làm trung tâm không có nghĩa giáo viên từ bỏ mọi quyền kiểm soát lớp học. Mặc dù học sinh được khuyến khích học theo nhiều cách khác nhau, giáo viên vẫn là người đứng ra hướng dẫn về các kỹ năng cần thiết. Giáo viên cần đưa ra quan điểm giúp các em hiểu được tầm quan trọng của các kỹ năng và thực tế chúng được áp dụng trong cuộc sống ra sao. Rõ ràng, nếu thấy lợi ích và giá trị thiết thực, học sinh sẽ có động lực học tập.

Vì giáo viên không phải chuẩn bị cho học sinh những thứ cụ thể, nên họ cần có cách tiếp cận tổng quát hơn và cần dạy học sinh những kỹ năng hữu ích trong mọi tình huống. Giáo viên cũng giúp học sinh thấy được những bài học trên lớp có ý nghĩa thế nào tới cuộc sống của chúng bên ngoài trường học.

4. Trường học hòa nhập với xã hội

Để giáo dục trẻ em trở thành công dân có trách nhiệm, chúng ta cần hiểu một công dân có trách nhiệm là gì.

Học sinh tham gia dọn dẹp khu phố là hoạt động có ý nghĩa giáo dục tốt (ảnh: Dân Trí).

Thông thường, trường học sẽ tạo điều kiện tổ chức hoặc khuyến khích các sự kiện cộng đồng, ví dụ hiến máu tình nguyện, khuyến khích học sinh tham gia ban điều phối hoặc trực tiếp hiến máu. Đôi khi học sinh giúp cộng đồng xung quanh dọn dẹp khu phố hoặc trồng cây xanh.

Với sức mạnh của công nghệ và Internet, học sinh ngày nay có thể làm được nhiều hơn thế. Chúng ta phải hiểu cộng đồng không chỉ là khu vực không gian nằm quanh trường, mà đã vươn ra và bao trùm thế giới. Ví dụ, các dự án bảo vệ môi trường, ngăn chặn thảm họa, chấm dứt tội ác cần sự chung tay của toàn cầu.

Đan Tâm

Theo Teachthought

Video xem thêm: Điều gì làm nên giấc mơ Shen Yun?

Exit mobile version