Đại Kỷ Nguyên

Ca sỹ opera Trần Trang: Hành trình từ cô sinh viên Sư phạm Anh văn tới người nghệ sỹ chân chính

Chỉn chu, nắn nót trong cách lấy hơi nhả chữ, “Người con gái sông La”, “Gọi anh” của Trần Trang năm 2013 khiến khán giả choáng ngợp bởi trường giọng mạnh mẽ, thăm thẳm. Nghe Trần Trang hát, ngắm Trần Trang trên sân khấu với tất cả trái tim và tâm hồn trao trọn cho nghệ thuật, người ta hiểu rằng: “Với nghệ thuật, không thể đạt được điều gì đúng mà thiếu đi nhiệt huyết” (Robert Schumann).

Từ cô gái Sư phạm tới người nghệ sỹ chân chính

Ca sỹ Trần Trang sinh năm 1986 ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Từ khi còn là sinh viên Sư phạm Anh văn tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, được đi thi hát tại các cuộc thi văn nghệ, Trần Trang dần nhận ra sở trường và đam mê của mình với ánh đèn sân khấu. Tiếng nói của trái tim thiếu nữ, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tình yêu dành cho những giai điệu trầm bổng đã tiếp thêm động lực cho cô mạnh dạn tìm thầy học hát. Thế là tối thứ 6 hàng tuần, Trần Trang lên tàu ra Hà Nội học hát, tối chủ nhật lại bắt tàu về Vinh để kịp giờ học ở trường ngày hôm sau.

Chân dung nghệ sỹ Trần Trang

Không kể nắng mưa, không kể những ngày thi bận rộn, những áp lực học tập và cuộc sống, Trần Trang đã miệt mài đi đi về về trên chuyến tàu Hà Nội – Vinh với ước mơ học thành tài. Sự nỗ lực bền bỉ và quyết tâm mạnh mẽ của cô gái trẻ đã mang lại quả ngọt khi Trần Trang đăng ký thi vào hệ trung cấp, Nhạc viện quốc gia và đậu với điểm số cao. Tuy nhiên, lúc ấy là năm cuối Sư phạm Anh văn nên Trần Trang đã quyết định không theo học trung cấp thanh nhạc và tập trung vào học ngoại ngữ để đạt kết quả thật tốt.

Trần Trang trong một vở nhạc kịch

Nhưng vẫn có câu rằng mọi sự đến trong đời đều là duyên, người dẫu chia xa nhưng có duyên sẽ quay trở về. Ca hát với Trần Trang là một mối nhân duyên kỳ diệu như thế. Đam mê âm nhạc, nên dù là năm cuối thi cử bận rộn, Trần Trang vẫn đều đặn mỗi thứ 6 hàng tuần ra Hà Nội học nhạc. Thời điểm tốt nghiệp Sư phạm cũng là lúc Trần Trang nhận giấy báo trúng tuyển hệ Đại học của Nhạc viện. Bước ngoặt ấy không chỉ khiến bạn bè và người thân bất ngờ, mà ngay cả bản thân cô cũng tự nhận là “ngỡ như mơ”.

Để thi đỗ vào hệ đại học thanh nhạc, thông thường các sinh viên thanh nhạc phải trải qua 4 năm rèn luyện ở bậc trung cấp. Trần Trang từ một cô sinh viên sư phạm, không học trung cấp thanh nhạc, đã thi vượt rào và đỗ thẳng vào hệ đại học. Có thể nói, sự nỗ lực, bền bỉ, kiên cường của Trần Trang là yếu tố quan trọng giúp tài năng của cô tỏa sáng. 

Ca sỹ Trần Trang trong chương trình hòa nhạc “Gala Mùa xuân” năm 2017

Năm 2013, Trần Trang tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Hà Nội và tiếp tục chương trình học bậc Thạc sỹ. Cũng trong năm này, cô tham gia cuộc thi Sao Mai và xuất sắc giành giải 3 thính phòng. Chỉn chu, nắn nót trong cách nhả hơi, lấy chữ, “Người con gái sông La”, “Gọi anh” của Trần Trang trong đêm chung kết khiến khán giả không khỏi choáng ngợp bởi trường giọng mạnh mẽ, thăm thẳm. Cô hát như thể chính mình đang sống trong ca khúc, cô đã cảm nhận và đồng điệu với tâm tình của nhân vật. “Gọi anh” của Trần Trang da diết, khắc khoải, vừa có sự dịu dàng, mong manh của người thiếu nữ, vừa có sự mãnh liệt, khát khao của người con gái đang trong đợi chờ.

Ca sỹ Trần Trang trong đêm Chung kết Sao Mai năm 2013

Gọi anh giữa mùa đông giá lạnh,
để nghe sớm mùa xuân bừng sáng.
Gọi anh lúc hè sang nắng đổ,
để nghe sớm mùa thu đầy gió.

Thương anh, thương anh.
Thương anh, thương anh.
Vô cùng!

Kỹ thuật từ việc miệt mài học tập, rèn luyện cùng trái tim dành trọn cho nghệ thuật, cho phần thể hiện của mình đã giúp Trần Trang trình diễn xuất sắc ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ theo phong cách thính phòng. Người con gái xứ Nghệ nhỏ nhắn với nụ cười rạng rỡ đã đưa khán giả qua mọi miền cảm xúc, yêu thương, nhớ nhung, xao xuyến, đợi chờ.

Trần Trang trong Lễ tốt nghiệp Cao học

Thành công từ cuộc thi Sao Mai đối với Trần Trang là một điểm khởi đầu cho con đường nghệ thuật nhiều thử thách phía trước. Năm 2016, Trần Trang tốt nghiệp thủ khoa Thạc sỹ Nhạc viện Hà Nội với điểm 10 xuất sắc và tham gia Festival mùa xuân Bình Nhưỡng ở Triều Tiên. Tại đây cô đã đạt huy chương bạc.

Trần Trang tham gia Festival mùa xuân Bình Nhưỡng ở Triều Tiên năm 2016 và đạt huy chương bạc

Năm 2017, Trần Trang nằm trong Hội đồng giám khảo chấm thi Sao Mai toàn quốc khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và Ban giám khảo sân chơi âm nhạc Giọng ca xứ Nghệ phát trực tiếp trên sóng truyền hình. Không chỉ vậy, Trần Trang còn tham gia các vở nhạc kịch, như vai chính trong vở Cô Sao của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận, vai chính Micaëla trong vở Carmen của Prosper Mérimée và gần đây nhất là vở opera Lá đỏ của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân.

Hình ảnh Trần Trang khi giữ vai trò Ban giám khảo cuộc thi âm nhạc Giọng ca xứ Nghệ năm 2017

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”

Chia sẻ với thí sinh cuộc thi Giọng ca xứ Nghệ, Trần Trang nói: “Đối với dòng nhạc Thính phòng rất khó, đòi hỏi một kỹ thuật chắc chắn, cách cảm nhận cũng phải thật tốt. Bên cạnh việc rèn luyện hàng ngày, các bạn cần phải đầu tư công sức để tìm hiểu kỹ về từng câu chữ, ý tứ trong bài hát, qua đó cảm nhận sâu sắc để có cách xử lý kỹ thuật khéo léo, đạt được cảm xúc tốt nhất khi thể hiện ca khúc. Về dòng nhạc Dân ca thì cần chú tâm trong việc luyến láy sao cho mềm mại, ngọt ngào trong từng câu chữ để tạo sự truyền cảm, ra chất dân ca. Cuộc thi nào thì cũng đều phải có những áp lực mà các bạn cần phải vượt qua, quan trọng nhất là chiến thắng chính mình”.

Trần Trang trên sân khấu cùng nghệ sỹ Đăng Dương trong Hòa Nhạc Năm mới 2018

Có lẽ “chiến thắng chính mình” đã trở thành điều Trần Trang luôn luôn tâm niệm trong cuộc sống. Cũng bởi dòng nhạc cô theo đuổi là thính phòng, nên Trần Trang không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện. Cô nói: “Mặc dù đã tốt nghiệp thủ khoa thạc sỹ nhạc viện nhưng tôi vẫn đi học thêm, lúc nào cũng phải trau dồi thêm”. Cô cũng nhấn mạnh rằng: “Để đạt được sự đam mê thì phải học, học cả đời, nghệ thuật không có điểm chót”.

Quả thực, không khó lý giải thành công ngày hôm nay của Trần Trang với dòng nhạc thính phòng bác học. Bởi từ chính những lời chia sẻ chân thành và thẳng thắn của cô, ai ai cũng hiểu rằng thành công đó không đến một cách ngẫu nhiên, nó đã được nhào nặn từ biết bao sức lực, tâm lực và trí lực. Nó là trái ngọt sau những giây phút miệt mài luyện thanh, luyện giọng, nắn chỉnh từng câu chữ, thái độ chỉn chu và nghiêm túc trong làm nghệ thuật, trách nhiệm với khán giả và từng sản phẩm của mình. Trên tất cả, đó là mong ước chân thành và mãnh liệt của Trần Trang về những tác phẩm nghệ thuật chân chính cho những người yêu mến giọng ca của cô và cho chính bản thân cô.

Trần Trang cùng dàn nhạc trong “Gala mùa thu”

Trần Trang chia sẻ sắp tới cô đang hình thành con đường làm album riêng. Bên cạnh những vở opera tại nhà hát, cô cũng thường xuyên trình diễn những ca khúc dân ca, nhất là dòng dân ca xứ Nghệ, bởi “quê tôi là xứ Nghệ mà”.

Trần Trang chụp ảnh cùng NSND Trung Đức

Hiện tại, Trần Trang đang là diễn viên soloist của nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và là giảng viên thanh nhạc tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội. 

Đôi dòng suy ngẫm: Nghệ thuật chân chính sẽ thức tỉnh lòng người

Có thể Trần Trang là một cái tên xa lạ đối với rất nhiều bạn trẻ, nhưng với những ai yêu dòng nhạc thính phòng, dân ca, hoặc ngay cả những ai tình cờ nghe cô hát một đôi lần, Trần Trang là một giọng ca đầy lôi cuốn. Người ta nhìn thấy ở nghệ sỹ này tài năng, sự nghiêm khắc với chính mình và cái tâm làm nghệ thuật.

Khoảnh khắc thăng hoa trong nghệ thuật và cảm xúc của Trần Trang

Quả thực, nghệ thuật chân chính là nghệ thuật của cái tâm và cái tài đồng thời tỏa sáng. Một người nghệ sỹ được đào tạo về chuyên môn nghệ thuật một cách bài bản, nghiêm túc sẽ biết những gì thực sự được gọi là “nghệ thuật”. Một người nghệ sỹ có cái tâm trong sáng, thiện lương sẽ biết mình hát vì điều gì, hát cho ai: Cho khán giả, cho chính mình, cho một nền nghệ thuật chân chính có thể gieo mầm và đánh thức những hạt giống tốt đẹp trong tâm hồn con người.

Thiết nghĩ, nghệ thuật chân chính cũng không phải chạy theo thời thế, xu hướng, bởi những điều chân chính là những điều sẽ trường tồn với thời gian, là bức tường kiên cố đủ sức chống chọi với những cám dỗ về danh lợi của cuộc đời. Và cũng bởi nghệ thuật chân chính luôn có cho mình một giá trị riêng, một giá trị khác biệt.

Chúc Trần Trang sẽ có những bước tiến lớn hơn trên con đường làm nghệ thuật của mình. Và hi vọng độc giả sẽ tìm được cho tâm hồn mình “những khúc ca của nghệ thuật chân chính”.

Ảnh và video trong bài do nhân vật cung cấp

Thiên Thủy

Exit mobile version