Mục lục bài viết
Ban Chiêu là một phụ nữ không chỉ có tài viết sách sử mà còn có phẩm đức cao dày. Hoàng đế đương triều đã mời nàng vào cung làm nữ sư giảng dạy cho hoàng hậu và phi tần. Khi nàng qua đời, vì muốn tỏ lòng tôn kính, hoàng hậu đã mặc thường phục để tang cho nàng. Vậy nàng là người phụ nữ như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bậc ‘Nữ thánh nhân’ tài cao đức dày, nữ sư hậu cung Ban Chiêu.
Xuất thân trong gia đình hiển quý có truyền thống học rộng biết nhiều

Ban Chiêu, tự là Huệ Ban, còn được gọi là Huệ Cơ, là một nhà văn, nhà sử học thời Đông Hán. Nàng sinh ra ở Phù Phong An Lăng (nay là Hàm Dương, Thiểm Tây) thời Đông Hán.
Ban Chiêu sinh ra trong gia đình danh môn, cha là Ban Bưu, một bậc thầy về Nho học nổi tiếng thời Đông Hán, anh trai là Ban Cố, cũng là một nhà sử học nổi tiếng, anh trai thứ là Ban Siêu, cố sự nổi tiếng ‘Đầu bút tòng nhung’ là viết về việc anh trai nàng đi sứ Tây Vực, lập được nhiều công lao giúp cho biên cảnh Đông Hán được yên ổn.
Sinh ra và lớn lên trong nhà Thế gia lỗ nho, gia phong thuần chính, Ban Chiêu thông tuệ siêu phàm, từ nhỏ đã được đọc các sách cổ và nhiều loại sách vở khác. Từ sớm Ban Chiêu đã lộ rõ tài hoa văn học, và giống như anh trai của mình, nàng đặc biệt am hiểu nghiên cứu lịch sử.
Năm 14 tuổi, Ban Chiêu đã được gả cho Tào Thọ (Tào Thế Thúc, một kẻ sĩ ở cùng quận). Tào Thế Thúc mất sớm, Ban Chiêu dẫn theo 3 con về nhà mẹ đẻ, trợ giúp cha và anh trai chỉnh lý tài liệu lịch sử cho đến khi qua đời mà không tái giá. Nàng tuân thủ các quy tắc đối với người phụ nữ, cử chỉ hợp lễ nghi, khí tiết phẩm hạnh được người người khen ngợi.
Kế thừa chí nguyện của anh trai, nàng tiếp tục viết “Hán thư”
Khi Ban Chiêu 43 tuổi, anh cả Ban Cố của nàng bị ép chết trong tù vì liên lụy đến vụ án Đậu Hiến, không thể tiếp tục kế thừa chí nguyện của cha hoàn thành ‘Tây Hán thư’.
Năm 99 sau Công nguyên, Ban Chiêu phụng chiếu vào Tàng thư các Đông Quan của hoàng thất, tiếp tục kế thừa viết tiếp ‘Hán thư’ mà anh trai nàng chưa hoàn thành.
Vào thời điểm đó, sự uyên bác và tài năng của Ban Chiêu đã nổi tiếng khắp thiên hạ; đến độ Mã Dung, một đại gia học vấn thời Đông Hán cũng phải xin học hỏi kinh nghiệm của nàng. Hán Hòa đế nhiều lần mời nàng vào cung là nữ sư giảng dạy cho hoàng hậu và phi tần, phong cho nàng là “Đại gia”, “Tào đại gia”.
Ban Chiêu đã sắp xếp lại các bản thảo gốc rải rác của “Hán Thư”, cẩn thận sửa đổi, sửa lỗi và bổ sung phần còn thiếu, hoàn thiện chương ‘Bát biểu’ và ‘Thiên văn chí’ của Ban Cố, đồng thời cũng viết ‘Cổ kim nhân biểu’.
Trong quá trình biên soạn lịch sử, Ban Chiêu rất coi trọng tư tưởng chính thống viết sử, lấy đạo trị quốc tu thân của bậc thánh vương minh quân làm tiêu chuẩn giá trị cho hậu thế; đồng thời nàng luôn tuân theo sự thật lịch sử, không giả vờ tô vẽ điều tốt đẹp hay che giấu tội ác của bất kỳ ai. Nàng tôn sùng cách lấy đức trị quốc của bậc quân chủ, và nêu ra rằng, đất nước muốn ổn định và hòa bình lâu dài thì bậc đế vương cần kính thiên tín thần, thương dân như con, nghiêm khắc kiềm chế bản thân, tôn trọng người hiền và nâng cao tài năng của bản thân.
Kiệt tác lịch sử “Hán thư” do cha con, anh em, hai thế hệ nhà họ Ban cống hiến, cuối cùng cũng ra đời, tổng cộng 100 quyển gồm 800 000 chữ. Ban Chiêu gần như tiêu hao hết tinh lực cuộc đời mình.
Viết tấu chương gửi Thiên tử giúp anh trai hồi hương
Anh thứ hai của Ban Chiêu là Ban Siêu, đã trấn giữ biên cương nhà Hán hơn 30 năm dưới thời trị vì của Hán Hòa đế. Khi tuổi đã ngoài 70, ông rất nhớ nhà và xin từ quan để hồi hương. Tuy nhiên Hán Hòa đế không tìm được lý do thích hợp để chọn người thay thế nên đã không chấp nhận.
Ban Chiêu đã viết một bức thư cho Hán Hòa đế, cầu khẩn Hán Hòa đế ân chuẩn cho anh trai cáo lão hồi hương. Trong tấu chương, nàng không viết chút gì liên quan đến chuyện gia đình mà thuyết phục Hán Hòa đế từ góc độ đại nghĩa quốc gia. Nàng nói rằng, Tây Vực là quốc gia ngay sát sườn, cục diện phức tạp, họ ‘coi trọng cường tráng mà coi khinh già yếu’. Ban Siêu mặc dù thấy chết không sờn, nhưng dù sao cũng tuổi già sức yếu, chỉ lo Tây Vực có thể nghịch loạn bất cứ lúc nào, hoàng thượng nên mau chóng cắt cử quan viên tuổi trẻ tài cao tới cai quản biên ải, như vậy mới có thể giúp cho triều đình tránh được mối lo.
Đồng thời, Ban Chiêu thỉnh cầu Hán Hòa đế quan tâm nhiều hơn tới việc giáo hoá chữ Hiếu trong thiên hạ, thu phục lòng dân, khiến vạn dân quy thuận. Nếu như Ban Siêu có thể trở về cố hương, không chỉ Ban gia vĩnh viễn ghi nhớ ân điển của hoàng đế, mà toàn bộ thiên hạ cũng được đại ân của hoàng đế cảm hóa, họ càng thêm yêu nước và ủng hộ quân vương.
Sau khi đọc tấu chương, Hán Hòa đế vô cùng cảm khái, đã đồng ý để Ban Siêu cáo lão hồi hương.
Phụ tá Thái hậu trợ giúp triều chính
Hán Hòa đế băng hà khi Đặng Thái Hậu mới 24 tuổi, Thái Hậu phải lên triều nghe báo cáo và quyết định sự việc, bà rất cần những thân tín có đức có tài, trợ giúp phò tá hoàng đế nhỏ tuổi, bởi vậy bà đã hạ chiếu mời Ban Chiêu vào cung, giảng dạy và giúp đỡ tham mưu chính sự.
Ban Chiêu thông thuộc sử sách, đương thời thịnh loạn trì suy, được mất tiến lui nàng rất minh tỏ, bởi vậy nhờ có sự phụ tá của nàng, Đặng Thái Hậu điều hành mọi việc một cách thuận buồm xuôi gió.
Anh trai của Đặng Thái Hậu là Đặng Chất Nhân, một đại tướng quân trấn thủ biên cương. Lần đó bởi vì mẫu thân qua đời nên anh trai của Thái Hậu thỉnh cầu xin từ chức hồi hương. Tuy vậy, trong lòng Đặng Thái Hậu không muốn, bà đã hỏi ý kiến của Ban Chiêu.
Ban Chiêu nói rằng, đại tướng quân giữ vững nghĩa trung hiếu, thỉnh cầu từ quan, chính là muốn công thành thân thoái rồi, nếu như không đồng ý với ông ấy, tương lai khó bảo toàn danh tiếng khiêm nhường. Nàng cũng là nói một cách ẩn ý với Đặng Thái Hậu rằng Thái Hậu cũng cần dũng cảm rút lui khi đang ở đỉnh cao vinh quang, bởi vì sau này khi anh trai không còn nắm quyền thì chuyện nhỏ gì cũng có thể gây họa. Đặng Thái Hậu liền tiếp nhận ngay ý kiến của Ban Chiêu.
Lo lắng viết ‘Nữ giới’ làm quy phạm nữ đức

Khi Ban Chiêu về già, lo rằng bản thân sống trên đời không còn được bao lâu nữa, do vậy nàng mong muốn lưu lại di huấn cho thế nhân, để tránh việc người sau thiếu hiểu biết mà thất lễ, ảnh hưởng danh tiếng gia tộc. Ban Chiêu đã viết 7 chương ‘Nữ giới’, tường thuật thái độ làm vợ, làm dâu như thế nào mới có thể tự tôn từ ái, không bị người khác khinh thường và đối xử bạc bẽo.
‘Nữ giới’ thấm đượm những điều tâm đắc trong tu dưỡng một đời của nàng, lời văn khẩn thiết, hàm ý thâm sâu và đầy trí tuệ. Từng chữ từng câu đều khiêm tốn khắc chế bản thân, thể hiện rõ dụng tâm lương khổ của bậc trưởng bối, vô cùng cảm động.
Nàng dạy phụ nữ nên lấy ôn nhu làm đẹp, dựa vào kính cẩn khiêm nhường để nuôi dưỡng đức hạnh. Trong chương Ti nhược, nàng nói: “Làm phụ nữ thì phải khiêm hạ, nhẫn nhường, đối với người cung kính. Khi gặp việc tốt thì luôn nhường người lên trước, mình lui lại phía sau. Dù bản thân làm điều tốt cũng không được khoe khoang tự mãn, còn làm việc sai thì không được thoái thác trách nhiệm. Hàm dưỡng đức nhẫn nhục, không tranh biện với người, thường giữ tâm kính sợ, dè dặt cẩn thận. Nếu có thể thực hành không mỏi những việc trên thì đã tận đạo nghĩa ti nhược, khiêm nhường rồi vậy”.
Ti nhược ở đây không phải là hèn mọn ti tiện mà là khiêm tốn ôn nhu, cũng chính là người khiêm cung nhún nhường. Người phụ nữ nếu có thể làm được khiêm tốn nhún nhường, nội tâm phục tùng, (phục tùng ở đây không phải dễ dãi thuận theo, không phải vì bảo vệ bản thân mà làm). Việc tốt trước hết nhường cho người khác, bản thân khiêm tốn lui về phía sau, làm việc thiện mà không công khai, mắc phải sai lầm thì thành thật nhận lỗi. Nhẫn nhục, thường lo rằng bản thân làm không được tốt nên từ đầu đến cuối luôn đặt bản thân ở vị trí thấp hơn người khác.
Kỳ thực, nếu phụ nữ ngày nay làm được như vậy thì mọi người đều sẽ yêu thích và tôn trọng, sao có thể là loại ti tiện thấp kém đây? Đó mới là đại trí tuệ của nữ nhân.
Khi Ban Chiêu qua đời vì bệnh tật, Hoàng thái hậu vì tỏ lòng tôn kính đã mặc thường phục để tang nàng. Sau này, cuốn ‘nữ giới’ do nàng viết đã được Trưởng Tôn hoàng hậu của Đường Thái Tông hết mức khuyến khích nữ nhân trong thiên hạ hành theo, trở thành cuốn sách mà nữ tử những nhà gia thế phải học. Nàng được người đời sau tôn làm ‘Nữ thánh nhân’ và ‘Nho lâm nữ thánh’.
Theo Epoch Times
San San biên dịch