Có người nói rằng: “Trà của Mã tốc tiền vị ngọt như nước cam lộ, mà hậu vị lại đắng tựa bồ hòn vậy!”. Mới hay, cái hậu vị của ‘trà Mã Tốc’ thật là đáng để chiêm nghiệm!

Mã Tốc dâng trà cầu minh chúa

Chuyện rằng, Mã Tốc nhà ở Mã Gia Loan, thuộc Thành Nghi. Mã Tốc từ nhỏ có tư chất thông minh, mưu đồ bá nghiệp… Khi Tốc trưởng thành cũng là lúc quần hùng phân chia bờ cõi trong thiên hạ. Mã Tốc nghĩ bụng: “Làm nhà phải chọn nơi đất gò cao, chim chóc phải đậu cành hướng về phía mặt trời. Vậy làm người thì cũng phải biết tìm minh chúa mà thờ”. Khi ấy, Kinh Châu mục Lưu Biểu đã tạ thế, truyền ngôi lại cho con trai là Lưu Tôn – không phải đấng minh quân. Vì sợ cái uy của Tào Tháo mà Lưu Tôn mở cửa dâng thành Kinh Châu cho Tào Tháo. Khi ấy Lưu Bị mới dựng cờ khởi nghĩa đơn độc chống Tào, vì thế lực không cân xứng mà chịu rút lui về phương Nam để chờ thời. Mã Tốc hay tin biết chắc Lưu Bị sẽ phải đi qua Nghi Thành. Từ lâu Mã Tốc đã nghe tiếng Lưu Bị – Lưu Sứ quân là người nhân nghĩa, yêu dân như con. Tả hữu có Quan Vũ và Trương Phi, là hai hổ tướng đương thời,  việc quân cơ lại có Gia Cát Lượng phù trợ. Tuy tạm thời chưa chiếm được ưu thế nhưng tương lai nhất định làm nên đại nghiệp. Nghĩ vậy, Mã Tốc muốn đi theo Lưu Bị mưu đồ nghiệp lớn.

Sau khi toan tính kỹ lưỡng, Mã Tốc lại cho mời các vị bô lão, hương thân đến bàn bạc. Theo kế Mã Tốc, họ cho xây một trà am ở gần phía của Đông thành. Đợi khi quân Lưu Bị rút lui về đến nơi, thì lập tức cho người nhóm lò, đun canh, nấu trà thiết đãi. Mã Tốc còn cử người vào rừng hái lá thuốc, bỏ vào canh trà, vừa để giải khát, vừa giải nhiệt tiêu độc, tăng cường sức khỏe… Binh mã Lưu Bị khi ấy không quá vài ngàn, nhưng bách tính lê dân được dắt theo chạy nạn, thì đến cả mấy vạn người; già có, trẻ có, tất cả đều trong tình trạng sức cùng lực kiệt, bước đi không vững, kêu khóc thảm thê. Đã vậy, lại thêm tiết trời mùa hè oi bức, phải trèo đèo, lội suối, ngày nắng đêm sương phải tốc hành vì e Tào binh truy kịp. Tới đây, vừa hay thấy có trà am thì khác nào ‘đang lúc nắng hạn gặp cơn mưa rào’. Chúa tôi Lưu Bị cùng bách tính nhận được canh trà Mã Tốc dâng, thì ai nấy đều thấy bừng tỉnh, tươi mát khoẻ khoắn trở lại. Mọi người đều tấm tắc khen trà ngon, vị mát bổ đến tận gan mề.

Lưu Bị hết sức cảm động trước tấm lòng của Mã Tốc và các vị lão nhân Nghi Thành, toan hứng ngẩng mặt lên trời ngâm nga:

“Chớ bảo chân trời đường đều lạ
Khắp nơi đều có khách tâm giao”

Ngâm đoạn, hỏi thăm ai là người đưa ra chủ ý này? Muôn người như một đều nói: “Là chủ ý của Mã Tốc!”. Lưu Bị và hai anh em Quan Vũ, Trương Phi, cùng Gia Cát Lượng đến trước Mã Tốc cảm tạ ‘đại ân đại đức’. Ma Tốc cung kính, khiêm nhường nói:

– Lưu Sứ quân chớ khách khí, đây chẳng qua chỉ là một chén trà, không có gì đáng kể!

Lưu Bị cười nói:

– Trà của Mã Tốc huynh đệ ngọt như nước Cam Lộ vậy!

Gia Cát Lượng mỉm cười, phe phẩy chiếc quạt lông vũ tiếp lời:

– Nước ngọt người càng tốt, người tốt nước cũng tốt!

Về phần Lưu Bị, từ lâu đã nghe nói Nghi Thành có Mã Tốc cũng được xem là tuổi trẻ tài cao, thông thuộc binh thư. Nay không hẹn mà gặp quả là hữu ý! Mã Tốc xin theo, Lưu Bị gật đầu lia lịa, vui mừng khôn xiết, thu nhận Mã Tốc làm bộ tướng. Để tưởng nhớ kỷ niệm Mã Tốc dựng trà am cầu chúa hiền ở Nghi Thành, người dân đã trùng tu lại trà am thành một ngôi đền, gọi là Đền Mã Tốc.

Tín cẩn Mã Tốc, Gia Cát Lượng ngậm bồ hòn

Kể từ đấy Mã Tốc đi theo Lưu Bị, và theo Gia Cát Lượng học binh pháp. Mã Tốc thông minh hơn người, lại thích bàn việc quân cơ nên được Gia Cát Lượng hết sức để ý. Tuy nhiên, Lưu Bị sớm đã nhìn ra Mã Tốc thường ngày nói nhiều làm ít, lại có tính khoe khoang tự phụ, thường nói quá bản sự của mình. Vì thế trước lúc lâm chung, Lưu Bị dặn dò Gia Cát Lượng không nên trọng dụng Mã Tốc mà hỏng việc lớn. 

Về phần Gia Cát Lượng, ông rất tự tin vào con mắt nhìn người của mình. Để kiểm chứng lời răn của Lưu Bị: Trong trận Nam chinh dẹp quân nổi dậy, Gia Cát Lượng đã thăm dò ý tứ của Mã Tốc. Mã tốc khuyên Gia Cát Lượng rằng: “Hôm nay Thừa tướng dùng vũ lực dẹp họ, họ tất khẩu phục mà tâm không phục, khi có cơ hội họ lại làm phản. Muốn trừ hậu họa thì thuần phục họ thì hơn; tâm chiến là thượng sách, binh chiến là hạ sách. Nếu Thừa tướng có thể khiến Mạnh Hoạch một lòng một dạ theo nước Thục, thì Nam Trung yên định bền lâu”.

Gia Cát Lượng nghe thấy Mã Tốc nói phải, bèn làm theo kế sách của Mã Tốc. Trong cuộc Nam chinh năm lần bảy lượt bắt sống Mạnh Hoạch rồi lại tha cho về, cuối cùng thuần phục được Mạnh Hoạch. Vì thế, Mã Tốc càng thêm tự mãn về bản thân, mà thường rêu rao rằng Thừa tướng Gia Cát cũng phải kiêng nể ông đôi phần…

Phía Nam được yên định, Gia Cát Lượng tiếp tục cuộc Bắc phạt lần thứ nhất. Mã Tốc lại hiến kế ly gián, khiến Ngụy Đế Tào Duệ cách chức của Đại Đô Đốc Tư Mã Ý, khiến quân Ngụy thua hết trận này đến trận khác. Vì thế, Gia Cát Lượng càng tin cậy Mã Tốc hơn, mà quên mất lời trăn trối của Lưu Bị. Trong trận Nhai Đình, tướng Ngụy là Trương Cáp làm tiên phong. Mọi người đều cho rằng, nên dùng mãnh tướng Ngụy Diên, Ngô Ý đối địch với Trương Cáp, nhưng Gia Cát Lượng vẫn một mực chọn Mã Tốc trấn thủ Nhai Đình.

Khi đến ải Nhai Đình, Mã Tốc quan sát địa thế, song không làm theo lời dặn của Gia Cát Lượng là đóng quân chặn giữa đại lộ và gần bờ sông, mà dẫn 2 vạn quân lên chỗ núi cao trấn giữ. Mục đích là tiện bề quan sát quân địch và lợi thế ‘ỷ dốc’ đánh xuống, thì dễ chiếm thế thượng phong. Vương Bình ra sức phản đối, nhưng vì tự phụ là người tinh thông binh pháp, đến Gia Cát Lượng cũng phải nghe theo kế sách của mình, nên Mã Tốc đã gạt bỏ ý kiến của Vương Bình. Về Sau, Vương Bình đành xin mang theo 5 nghìn binh sĩ, đóng quân dưới chân núi, theo lời dặn của Gia Cát Lượng. Chính điều này đã khiến quân Thục phải chịu thất bại thê thảm tại Nhai Đình. Khi hay tin quân sĩ về, Mã Tốc đã không làm theo quân lệnh, lúc này Gia Cát Lượng mới nhớ đến lời dặn của Lưu Bị trước lúc lâm chung, nhưng đã quá muộn. Việc này đã khiến Gia Cát Lượng ân hận suốt cuộc đời.

*** ***

Chuyện xưa đã lùi xa vào dĩ vãng, song dư âm của nó còn truyền đến tận mai sau. Ngôi đền mang tên Mã Tốc vẫn còn đó, như một lời nhắc nhở hậu nhân: Sống ở đời không nên khoe khoang, tự phụ về bản sự của mình. Mã Tốc vì ba hoa, tự phụ về tài trí của mình mà làm mất Nhai Đình. Gia Cát Lượng tự phụ về con mắt nhìn người của mình, mà đổ vỡ cả cơ nghiệp nhà Thục Hán. Có người nói rằng: “Trà của Mã tốc tiền vị ngọt như nước cam lộ, mà hậu vị lại đắng tựa bồ hòn vậy!”. 

Mới hay, cái hậu vị của ‘trà Mã Tốc’ thật là đáng để chiêm nghiệm vậy!

Thái Bảo

*Bài viết có tham khảo tác phẩm “Tam Quốc ngoại truyện” của dịch giả Nguyễn Trung Hiền – Nguyễn Như Phú và một số tư liệu khác.

Có thể bạn quan tâm:

Video: Con sâu qua sông bằng cách nào? Trí tuệ binh Pháp Tôn Tử: Biết chờ thời mới có thể thành thục vươn lên

videoinfo__video3.dkn.tv||b99d0edf1__

Ad will display in 09 seconds