Mục lục bài viết
“Xưa nay cứu chúa xông trăm trận; Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long”… Thế là, tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của hơn một ngàn năm sau đã tái hiện lại quá trình kinh tâm động phách khi đó.
- Tiếp theo Phần 1
Trong chiến trường hỗn loạn vang vọng tiếng chém giết ồn ào, Triệu Vân chạy đi khắp nơi tìm kiếm và nghe ngóng tin tức, sau đó được biết hai vị phu nhân của Lưu Bị đang ôm A Đẩu trốn vào trong đoàn người đang tị nạn. Triệu Vân đi lên gò Trường Bản, đầu tiên là cứu được Cam phu nhân, sau đó lại tìm được Mi phu nhân đang ôm A Đẩu gào khóc ở dưới một chân tường bị thiêu rụi. Quân địch sắp đuổi đến nơi, Triệu Vân nhường ngựa của mình cho Mi phu nhân, quyết định một mình bước lên tử chiến, bảo vệ phu nhân và ấu chúa xông ra khỏi vô số vòng vây của địch. Nhưng Mi phu nhân đang bị thương nặng, không muốn làm liên lụy những người bên cạnh, nàng lao mình nhảy xuống giếng cạn mà chết.
Ra vào trận địa của địch, nghĩa khí ngất trời
Sứ mệnh duy nhất của Triệu Vân lúc này chính là cứu ấu chúa ra ngoài. Triệu Vân cởi bỏ áo giáp và hộ tâm kính ở trước ngực xuống, một tay ôm A Đẩu trong lòng ngực, một tay cầm thương, phi người lên ngựa chuẩn bị nghênh tiếp một trận đánh quyết liệt. Một đội quân Tào lao đến, chưa đầy ba hiệp Triệu Vân đã đâm ngã chủ soái, giết cho đám quân lính bỏ chạy tán loạn, mở ra một con đường sống.
Sau đó, Triệu Vân lại gặp một mãnh tướng khác của Tào Tháo, Triệu Vân giơ thương ra đại chiến mười mấy hiệp, khó phân thắng bại. Triệu Vân không dám háo chiến, tìm được cơ hội liền quất ngựa giành đường mà bỏ chạy. Nhưng không để ý phía trước có một cái hố, Triệu Vân cả người lẫn ngựa đều rơi xuống bên dưới, tướng Tào Tháo nhân cơ hội giơ thương đâm xuống. Cũng may ấu chúa được Thần linh bảo hộ, một luồng ánh sáng đỏ phát ra từ bên trong hố, chiến mã bỗng nhiên trở nên vô cùng uy lực, đạp chân một cái nhảy ra khỏi hố.
Triệu Vân tiếp tục phi ngựa bỏ chạy, lại gặp bốn tướng của Tào bao vây phía trước và phía sau, cùng với một đội quân Tào đang lao lên. Triệu Vân rút thanh bảo kiếm Thanh Công vừa mới có được ra, vung kiếm chém tới tấp. Khi ánh kiếm vừa lóe lên, áo giáp của quân địch liền nứt ra, máu tuôn như suối. Triệu Vân đã không còn đường lui nữa rồi, chỉ có thể quyết chiến đến cùng.
Tào Tháo đang ở phía xa quan sát trận chiến, nhìn thấy Triệu Vân dũng mãnh không gì địch nổi, cũng cảm thấy bội phục trước tinh thần này của Triệu Vân. Ông vội vàng căn dặn các tướng sĩ không được bắn tên, cần phải bắt sống Triệu Vân. Trong suốt trận chiến này, Triệu Vân ôm ấu chúa trong tay, đơn thương độc mã chiến đấu với địch, không chỉ giết quân địch xung phá trùng trùng vòng vây, mà còn chém đổ hai lá cờ lớn của quân Tào, cướp được ba cây sóc (sóc là một loại binh khí của kỵ binh thời xưa, chuyên dùng để đâm), giết hơn 50 danh tướng của Tào Tháo.
Khi A Đẩu được bình an vô sự đưa về đến tay Lưu Bị, Triệu Vân đã gần như sức cùng lực kiệt. Nhưng khi nhìn thấy Triệu Vân xuống ngựa khóc lóc, Lưu Bị cũng khóc đến ướt áo. Nếu như không phải A Đẩu phúc lớn mạng lớn và Tào Tháo có lòng thương tiếc nhân tài, thì e rằng sau khi chiến loạn đi qua, cái mà Lưu Bị đợi được chỉ có tin tử trận của nhất đại phi tướng Triệu Vân mà thôi. Lần này mọi người cố gắng thoát khỏi sự truy sát của quân Tào, khi gặp lại nhau, thật sự giống như cách biệt một đời, trùng phùng chớp mắt.
Nói về chính sử. Trong những năm đi theo Lưu Bị xây dựng Kinh Châu, Triệu Vân lập được công lớn cứu chủ, nhưng không kiêu ngạo tự ca tụng bản thân, trước sau vẫn giữ được đức tính tốt đẹp, lời nói và hành động luôn cẩn trọng, tuân thủ quy tắc luật lệ. Ví dụ như “Vân biệt truyện” được trích dẫn trong “Tam Quốc Chí” có ghi chép: Triệu Vân sẽ không vì giao tình riêng tư mà tự mình quyết định sử dụng bất cứ tù binh nào đến từ quê hương của mình, cũng sẽ không vì sắc đẹp mà làm lung lay ý chí, không nhận lấy những phụ nữ do các tướng lĩnh quy hàng mang đến. Mãi đến sau này, Tôn Lưu liên hôn, Lưu Bị cưới em gái của Tôn Quyền làm Tôn phu nhân. Nhưng thị vệ và quan binh Đông Ngô do Tôn phu nhân dẫn đến, đa số đều có những hành vi làm trái kỷ cương. Vì để quản thúc hậu cung, Lưu Bị biết Triệu Vân là người thỏa đáng nhất, nên đã giao quyền hành quản lý chuyện trong cung cho Triệu Vân.

Khi Tôn gia đến đón Tôn phu nhân về Đông Ngô, Tôn phu nhân nhân cơ hội đưa A Đẩu đi cùng. Rốt cuộc đây là có âm mưu được toan tính từ trước, hay là quyết định bất ngờ của Tôn phu nhân? điều này chúng ta không thể biết được, nhưng có thể chắc chắn một điều rằng, người thừa kế của Thục Hán lưu lạc trên đất Ngô, nhất định sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Cũng may Triệu Vân và Trương Phi kịp thời xuất hiện, diễn một vở “chặn sông cứu A Đẩu” huyền thoại, mới có thể tránh được mọi phiền toái có thể xảy ra trong tương lai. Triệu Vân không phải là vệ sĩ, nhưng lại đóng vai vệ sĩ vàng hai lần, bảo vệ ấu chúa A Đẩu bình an thoát khỏi nhiều kiếp nạn.
Tham dự quốc sách, thần tử hoàn hảo
Trong số những danh tướng và mưu sĩ nổi tiếng bên cạnh Lưu Bị, Triệu Vân đóng một vai trò vô cùng đặc biệt. Triệu Vân lên ngựa có thể xông vào trận địa của quân địch, xuống ngựa có thể quản lý chuyện nội đình, võ có thể cứu chủ thủ thành, văn có thể nghị chính và đưa ra kiến nghị. Triệu Vân gần như là một thần từ toàn năng của Lưu Bị, chỉ cần Thục Hán cần đến, Triệu Vân liền có thể thay đổi thân phận tùy ý, vì nước vì chúa công mà tận trung tận lực. Cho dù là Quan Vũ và Trương Phi có mối quan hệ thân thiết nhất với Lưu Bị cũng không để lại nhiều ghi chép về chuyện tham dự triều chính trong lịch sử, mà trong “Vân biệt truyện”, nhiều lần nhắc đến Triệu Vân đưa ra lời góp ý cho Lưu Bị trong vấn đề thực thi chính trị, có cơ hội nói chuyện trực tiếp với quân vương của mình tương tự như ngôn quan và cận vệ.
Ví dụ, sau khi Lưu Bị bình định Ích Châu, có người khuyên Lưu Bị đem toàn bộ nhà cửa trong thành và vườn ruộng, nương dâu tằm ở bên ngoài thành ban tặng cho tướng sĩ. Triệu Vân ra mặt phản đối, trích dẫn câu danh ngôn “Hung Nô chưa diệt, không nghĩ cho mình” của đại tướng Hoắc Khứ Bệnh thời Đông Hán, nói rằng: “Hiện nay giặc của đất nước không phải chỉ có một mình Hung Nô, quân lính vẫn chưa đến lúc được yên ổn. Nhất định phải chờ đến lúc bình định được loạn tặc trong thiên hạ rồi, mới có thể cho mọi người quay về quê nhà, trồng dâu làm ruộng, vậy mới là chính đạo”.
Triệu Vân lại cầu xin cho bá tánh Ích Châu. Đây là lần đầu tiên dân chúng Ích Châu gặp phải chiến tranh, chi bằng đem nhà cửa ruộng vườn trả lại cho dân chúng. Bá tánh được an cư lạc nghiệp, thì mới bằng lòng phục dịch cho Thục Hán, nộp tiền lương thực, lòng dân mới thực sự quy thuận Thục Hán. Lưu Bị vui vẻ chấp nhận, lập tức nghe theo kiến nghị của Triệu Vân.

Sau khi Lưu Bị lên xưng đế, vì để báo mối thù Kinh Châu thất thủ và Quan Vũ bị giết chết, Lưu Bị chuẩn bị xuất binh phạt Ngô. Lúc đó vẫn là Triệu Vân ra sức khuyên ngăn, Triệu Vân cho rằng kẻ địch lớn nhất của Thục Hán là Tào Tháo chứ không phải Tôn Quyền. Chỉ cần tiêu diệt nước Ngụy, nước Ngô tự nhiên sẽ xưng thần. Nếu chỉ vì báo thù riêng mà trở mặt thành thù với nước Ngô, một khi khai chiến thì sẽ rất khó mà dừng lại. Triệu Vân còn đề xuất chiến lược chinh phạt Tào Ngụy một cách cụ thể: Đầu tiên là Tào Phi soán Hán lên xưng đế, khiến cho thiên hạ đều căm phẫn, Thục Hán xuất binh, là cuộc chiến chính nghĩa. Về tuyến đường thì đầu tiên sẽ tấn công Quan Trung trước, rồi mới chiếm cứ Hoàng Hà, thượng du Vị Thủy để làm trận địa thảo phạt quân Tào. Đến lúc đó, các nghĩa sĩ ở Quan Đông sẽ mang theo lương thực, ngựa chiến đến tài trợ cho quân Thục, nội ứng ngoại hợp, cùng nhau chống lại quân Tào.
Tục ngữ nói: “Thiên tử nổi giận, trăm vạn xác chết ngã xuống, máu chảy ngàn dặm”. Lưu Bị ôm giữ nỗi hận vô cùng bi thương chuẩn bị xuất chinh, mà Triệu Vân vẫn có thể không khiếp sợ cơn giận của thiên tử, ngược lại còn giúp Lưu Bị phân tích chiến thuật chính xác một cách lý trí. Đây chính là tầm nhìn quân sự nên có của một đại tướng quân trải qua hàng trăm trận chiến lớn nhỏ như Triệu Vân, và cũng là sứ mệnh đóng góp ý kiến mà một nguyên lão công thần tham dự quốc sách nên gánh vác.
Tiến công lui thủ, dụng binh như thần
Trong Tam Quốc, chính quyền Thục Hán của Lưu Bị lãnh địa không nhiều, binh lực rất ít, vì vậy Triệu Vân không có cơ hội để làm chủ soái trấn thủ một phương hoặc là dẫn binh đánh trận, cũng khó để phát huy tài năng quân sự của mình trong phương diện cưỡi ngựa bắn cung và chiến thuật. Trong sử sách ghi chép, chiến công của Triệu Vân không hiển hách giống như các danh tướng khác của Tam Quốc, nhưng trong tài liệu lịch sử ít ỏi, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được sự dũng mãnh lao vào vòng vây của quân địch và trí tuệ, phong thái chỉ huy vô cùng điềm tĩnh của Triệu Vân.

Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), trong trận chiến Hán Trung do Lưu Bị khởi xướng, vị tướng già Hoàng Trung đi cướp lương thực của quân Tào, nhưng đã quá thời gian giao ước mà vẫn chưa quay lại. Triệu Vân đoán được Hoàng Trung chắc chắn đã bị trúng mai phục, liền dẫn theo mấy chục kỵ binh đi dò thám tình hình. Vừa xuất phát chưa bao lâu, Triệu Vân đã gặp phải chủ lực của quân Tào, bị đội quân tiên phong của quân Tào tấn công rất quyết liệt. Hai bên vừa mới giao đấu, đại đội quân Tào vô cùng hùng mạnh đã đuổi đến trước mặt. Triệu Vân võ nghệ cao cường, ung dung chỉ huy thuộc hạ đột phá vòng vây của quân Tào hết lần này đến lần khác, vừa chiến vừa lui.
Mặc dù quân Tào bị mất đội hình, nhưng dựa vào ưu thế về số lượng, nhiều lần bao vây đám người của Triệu Vân. Triệu Vân từ từ rút lui về hàng rào của doanh trại quân Thục, nhưng lại phát hiện có một bộ tướng bị thương và tách ra khỏi đội, một mình rơi vào vòng vây của quân Tào. Triệu Vân không chút do dự, liền cho ngựa quay đầu, lại một lần nữa đột phá vòng vây của quân Tào, mạo hiểm mạng sống để cứu bộ tướng đó đưa về bên trong hàng rào. Lúc này quân Tào đã đuổi đến bên ngoài hàng rào. Tướng sĩ phòng thủ hàng rào chuẩn bị đóng cửa để cố thủ, nhưng bị Triệu Vân ngăn lại, Triệu Vân ra lệnh mở cổng hàng rào, toàn quân hạ cờ xuống và dừng gõ trống. Tướng sĩ phòng thủ lấy làm khó hiểu: Hôm nay Triệu tướng quân làm sao vậy? Lẽ nào muốn mọi người ngồi im chờ chết, chờ quân Tào xông thẳng vào đây, tùy ý đốt phá và chém giết hay sao? Nhưng cuối cùng vẫn làm theo mệnh lệnh của Triệu Vân.
Thì ra, quân Tào vốn đa nghi, bọn họ nhìn thấy bên trong doanh trại quân Thục vô cùng im lặng, không một chút dấu vết chuẩn bị nghênh chiến, họ lo lắng Triệu Vân thiết lập quân mai phục ở xung quanh, đợi sau khi dụ bọn họ vào trong doanh trại sẽ vây hãm. Ngay vào lúc quân Tào đang hoang mang không biết phải làm sao, Triệu Vân ở phía trong âm thầm quan sát, thấy vậy liền ra lệnh cho các tướng sĩ gõ trống, các cung thủ bắn ra hàng loạt mũi tên, làm ra vẻ như đại quân đang chuẩn bị tấn công. Ngay trong lúc này, tiếng trống vang trời, mũi tên bắn xuống như mưa, quân Tào vô cùng khiếp sợ, tưởng rằng chủ lực của quân Thục thực sự đang mai phục tại nơi này, lập tức vội vàng bỏ chạy. Bởi vì quân Tào rất đông, khi mọi người hoảng sợ bỏ chạy sẽ khó tránh được giẫm đạp lên nhau, dẫn đến không cẩn thận mà rơi xuống Hán Thủy, rất nhiều tướng sĩ bị chết đuối.
Chiến thuật “không doanh kế” này kỳ diệu không khác gì “không thành kế” của Gia Cát Lượng trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, và đây là trận chiến có thật được ghi chép trong sử sách. Trong tình huống cực kỳ yếu thế như vậy, mà Triệu Vân có thể vận dụng tâm pháp chiến thuật “hư thực tương sinh” trong binh pháp một cách cao siêu như vậy. Chẳng trách vào ngày hôm sau, Lưu Bị đích thân đi quan sát hiện trường chiến đấu, không nhịn được cười mà khen ngợi rằng: “Trên người Tử Long toàn là gan dạ”.
Đến năm Kiến Hưng thứ 6 (năm 228), Gia Cát Lượng đã thực hiện kế hoạch Bắc phạt, Triệu Vân và Đặng Chi tướng quân nhận lệnh đi áp chế quân Tào, cố thủ tại khu vực Cơ Cốc. Khi giao chiến, quân địch quá đông, Triệu Vân và Đặng Chi thất thế, nhưng vẫn tập hợp những quân lính bại trận, trấn thủ tại hẻm núi trọng yếu, khiến quân Tào không cách nào đuổi kịp đại quân của Gia Cát Lượng. Sau đó, quân chủ lực của Thục Hán bại trận ngoài ý muốn tại Nhai Đình, quân Tào ở Cơ Cốc toàn lực tấn công, giao chiến quyết liệt với đám người của Triệu Vân. Triệu Vân vừa chỉ huy quân Thục rút lui theo thứ tự, vừa tự mình chặn ở phía sau, đồng thời thiêu hủy con đường ván gỗ (con đường men theo cách vách đá treo leo) để ngăn chặn quân Tào. Vì vậy mà quân Thục tuy rằng bại trận, nhưng số người thương vong và quân nhu bị tổn thất được giảm xuống mức thấp nhất.
Lần này Triệu Vân chỉ huy rút quân theo trật tự thứ lớp, Gia Cát Lượng cũng cảm thấy kinh ngạc mà thốt lên rằng: “Khi Nhai Đình lui binh, đội quân do ta chỉ huy đều thành một đống hỗn loạn; còn Cơ Cốc lui binh, sắp xếp ngay ngắn giống như lúc xuất quân!”, lời khen ngợi này cũng là một chú giải tuyệt nhất cho năng lực chỉ huy quân sự của Triệu Vân.
Năm Kiến Hưng thứ 7 (năm 229), một ngôi tướng tinh trên trời bỗng nhiên mất đi ánh sáng chói lóa, Triệu Vân mãi mãi rời xa Thục Hán mà mình bảo vệ cả đời. Mấy chục năm sau, Triệu Vân được truy phong thụy hiệu “Thuận Bình Hầu”. Ở Thục Hán, chỉ có người có công lao khổ cực như Gia Cát Lượng và các thượng tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung mới được hưởng vinh dự như vậy mà thôi. Trong nguyên tắc truy phong thụy hiệu quy định, dịu dàng hiền thục là “thuận”, làm việc có trình tự rõ ràng là “bình”, bình định tai họa loạn lạc là “vũ”. Hai chữ “Thuận Bình” tạo thành một bản tóm lược chính xác và tinh tế về thành tựu, phẩm hạnh và tài năng một đời của Triệu Vân.
Hai người con trai của Triệu Vân đều thừa kế chí hướng của cha mình, một người đảm nhận Hổ bôn trung lang, dốc sức bảo vệ sự an toàn của chủ nhân Thục Hán. Một người đảm nhận Nha môn tướng quân, theo quân xuất chinh, cuối cùng tử chiến nơi sa trường. Hai tiểu tướng quân này cũng giống như Triệu Vân năm xưa đi theo tiên chủ Lưu Bị và phò tá hậu chủ Lưu Thiện, họ cũng giống cha, dám xông vào trận địa của kẻ địch mà không sợ chết. Tuy người đã mất, nhưng anh linh trung nghĩa vẹn toàn thì vẫn chưa rời xa. Dưới bầu trời của Thục Hán, Triệu Vân bất luận là lúc còn sống hay khi đã chết, cũng đều âm thầm dốc sức cho đất nước này, thực hiện lời hứa “nghĩa nặng như núi” của năm xưa.
>> Xem trọn bộ Trung Nghĩa Truyện
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch