Mục lục bài viết
Ở kỳ trước, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã đề cập đến 4 vấn đề lớn trong giáo dục lịch sử ở Trung Quốc. Do thiếu ‘lịch sử quan’, lại thêm vào một bộ của chủ nghĩa Mác để nhìn nhận, đã khiến người Trung Quốc rút ra kết luận sai lầm rằng: lịch sử Trung Quốc là một bộ những thứ ‘nông dân tạo phản’.
- Trọn bộ Trung Hoa văn minh sử
Là một người nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Chương đánh giá: ‘đây là lời nói dối lớn nhất trong giáo dục lịch sử của ĐCSTQ’. Từ những tư liệu chính sử, Giáo sư Chương đã phân tích, rồi dần dần rồi làm rõ nhận định của mình như sau.
ĐCSTQ nhấn mạnh đấu tranh giai cấp nên mới giảng ‘nông dân tạo phản’
ĐCSTQ cho rằng những người/nhóm người tạo phản như: Trần Thắng – Ngô Quảng, giặc Khăn vàng (hoàng cân), Hoàng Sào, Lý Tự Thành, Chu Nguyên Chương… là chủ đạo trong lịch sử.
Ở Trung Quốc, đối với rất nhiều sự kiện quan trọng, người học hầu như là ‘cưỡi ngựa xem hoa’. Ví như thời Xuân Thu – Chiến Quốc ‘trăm nhà đua tiếng’ (bách gia tranh minh); Hán Vũ Đế khám phá hình thái ý thức của quốc gia Trung Quốc; thời kỳ Tuỳ – Đường, Phật giáo phát triển; bao gồm thời nhà Minh xuất hiện học thuyết ‘Tâm học’ do Vương Dương Minh đề xuất v.v. đây là những sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử Trung Quốc nhưng đều không giảng đến.
Giáo sư Chương nhìn nhận, giáo dục lịch sử của Trung Quốc tạo thành cho người ta cảm giác như ‘nông dân tạo phản’, ‘cải triều hoán đại’ (thay đổi triều đại), đấu tranh giai cấp… là những thứ thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. Nhưng đây là kết luận hoàn toàn sai lầm.
ĐCSTQ tuyên truyền đấu tranh, cho nên nó luôn muốn biến mâu thuẫn giai cấp trở nên rất căng thẳng, cảm giác như nông dân phải chịu áp bức thế này thế kia. Nhưng nếu thật sự xem xét một cách kỹ lưỡng về lịch sử Trung Quốc, chúng ta sẽ phát hiện rằng: mỗi lần ‘cải triều hoán đại’ đều không phải là nông dân tạo phản, kiểu như một giai cấp bị áp bức quá nghiêm trọng sau đó lật đổ một giai cấp khác, thế là cải triều hoán đại; không có lần nào phát sinh sự việc như thế.
Giáo sư Chương nói rằng đây không phải là ‘nói chuyện giật gân’, bởi vì khi chúng ta đi ngược về quá khứ các triều đại của Trung Quốc sẽ phát hiện ra vấn đề.
Mô thức ‘cải triều hoán đại’ chủ yếu: Một quốc gia/dân tộc diệt một quốc gia/dân tộc khác, và quyền thần soán vị
3 triều Hạ – Thương – Chu
Giáo sư Chương phân tích rằng, triều đại đầu tiên nhất của Trung Quốc là triều Hạ. Khi ấy, văn hóa Trung Quốc phân thành 3 địa khu lớn. Khu vực đầu tiên chính là vùng Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Trung Quốc hiện nay. Đây thuộc về địa khu Trung Nguyên, thuộc về văn hoá Hoa – Hạ.
Tiếp theo, mặt phía đông thời ấy là vùng Sơn Đông. Trên thực tế, địa phương này thuộc về một dân tộc khác, gọi là Di. Họ thuộc về vòng tròn văn hoá khác.
Sau đó ở phía Nam, tức vùng Hồ Bắc, Hồ Nam là thuộc về văn hóa Sở; họ là một thể hệ văn hoá khác. Trên thực tế, khi ấy có 3 thể hệ lớn.
Giáo sư Chương thường giảng, một dân tộc là một khái niệm văn hóa. Vì văn hóa khác nhau nên giữa các dân tộc cũng có xung đột, chính là xung đột quân sự. Chúng ta thường nói rằng, 3 triều đại Hạ – Thương – Chu đều là người Trung Quốc, đều là dân tộc Hoa Hạ, nhưng trên thực tế không phải như vậy.
Vị trí địa lý của vương triều nhà Hạ, đại khái là vùng đất phía nam của Sơn Tây, phía bắc của Hà Nam, phía nam của Hà Bắc và phía tây của Sơn Đông. Đây thuộc về dân tộc Hoa Hạ.

Trên thực tế, dân tộc Hoa Hạ luôn bị uy hiếp bởi tộc Di đến từ phía đông. Nếu xem ‘Sử ký – Hạ bản kỷ’, chúng ta sẽ thấy rằng sau khi triều Hạ khai quốc không lâu, đến thời Thái Khang làm Hạ Hậu – 夏後 (từ ‘hậu’ – 後này khi đó chỉ ‘đế’ – 帝, tương đương với người thống trị cao nhất của nhà Hạ), thì đã phát sinh việc tù trưởng Hậu Nghệ của Đông Di tiêu diệt nhà Hạ. Lịch sử của triều Hạ bị gián đoạn vì Hậu Nghệ năm đó chiếm được vùng đất này.
Sau này, trải qua mấy chục năm, Tiểu Khang của tộc Hạ lại đánh đuổi được bộ lạc Đông Di, đây gọi là giai đoạn ‘Tiểu Khang trung hưng’ trong lịch sử, chính là thiết lập lại sự thống trị của tộc Hạ đối với địa khu này.
Vậy nên, chúng ta sẽ biết rằng, sự diệt vong của triều Hạ đến từ một dân tộc khác phía đông, chúng ta gọi là tộc Thương hay tộc Di đều được. Trên thực tế, Thương diệt Hạ là một quốc gia/dân tộc diệt một quốc gia/dân tộc khác, đây không phải do chủ nô áp bức đối với nô lệ khiến nô lệ chịu không nổi nên mới ‘cải triều hoán đại’; mà là một quốc gia diệt một quốc gia khác.
Vậy thì Chu diệt Thương cũng là khái niệm một quốc gia diệt một quốc gia khác.
Chúng ta biết rằng, nhà Thương thuộc về văn hóa Đông Di, trong khi ấy nhà Chu lại là văn hóa Hạ, tức văn hóa nhà Chu tương thông với văn hóa nhà Hạ.
Khi ấy xung quanh nhà Thương có rất nhiều ‘tiểu bang’ (vùng đất nhỏ), nhà Thương gọi những tiểu bang này là ‘đa phương’ (多方: nhiều mặt), tương đương với việc nhà Thương có rất nhiều tiểu chư hầu ở nhiều mặt và nhiều hướng. Lãnh tụ của những nước chư hầu này gọi là ‘phương bá’ (方伯: bá chủ một phương).
Lãnh tụ của tộc Chu khi đó là Tây Bá Hầu Cơ Xương. Dần dần tộc Chu trở nên càng ngày càng lớn mạnh. Thời ấy, giữa Chu với Thương có quan hệ ‘thông hôn’ (liên minh thông qua hôn nhân), nên tộc Chu lại càng lớn hơn nữa.
Sau này, đợi đến khi tộc Thương viễn chinh nơi Hoài thuỷ, khi đó quân đội chủ lực của của nhà Thương được điều động đến vùng Sơn Đông, Giang Tô đánh trận, tộc Chu nhân cơ hội mà diệt được tộc Thương. Đây là trận chiến Mục Dã trong lịch sử.
Do đó, Chu diệt Thương cũng không phải là đấu tranh do giai cấp chủ nô áp bức nô lệ tạo thành, mà là một nước diệt một nước hoặc là một tộc diệt một tộc.
Tần Hán
Tiếp sau nhà Chu là nhà Tần. Tần diệt Chu hiển nhiên là một nước diệt một nước. Bởi vì khi đó là thời kỳ Chiến Quốc, lúc ấy địa bàn của nhà Chu đã trở nên rất nhỏ, sau này bị Tần diệt.
Có người cho rằng, sự diệt vong của Tần là do ‘đấu tranh giai cấp’, là do ‘nông dân tạo phản’, cảm thấy như Trần Thắng – Ngô Quảng tạo phản khiến nước Tần diệt vong. Giáo sư Chương nhìn nhận không phải như vậy.
Giáo sư Chương nhấn mạnh, Tần không phải bị Hán diệt. Tuy chúng ta học lịch sử nói rằng, sau nhà Tần là nhà Hán, kỳ thực giữa Tần và Hán còn có một triều đại rất ngắn ngủi tạm thời, triều đại này chính là Sở.
Diệt Tần không phải Hán mà là Sở. Những người tạo phản đương thời như Trần Thắng, Ngô Quảng, Lưu Bang, Hạng Vũ, Hàn Tín, bao gồm cả Tiêu Hà, Tào Tham, Quán Anh, Phàn Khoái, Chu Bột v.v. đều là người nước Sở. Đây là lý do vì sao khi ấy lưu truyền một câu nói như thế này: “Sở tuy tam hộ, diệt Tần tất Sở” (Sở tuy ba hộ, diệt Tần ắt Sở).
Trên thực tế, Tần bị Sở diệt, bởi vì Sở là một quốc gia cực kỳ rộng lớn thời Chiến Quốc, vốn dĩ có quan hệ thông hôn với Tần. Nhưng từ khi Tần diệt Sở, người nước Sở luôn không phục, cho nên vẫn luôn muốn tạo phản.
Đây là lý do vì sao mọi người sẽ thấy trong Sử ký, Tư Mã Thiên dùng ‘bản kỷ’ để ghi chép về Hạng Vũ. Chúng ta biết rằng bản kỷ là ghi chép ‘triều đại’ hoặc ‘đế vương’. Tư Mã Thiên dùng quy cách ‘bản kỷ’ để ghi chép đối với Hạng Vũ, cũng chính là nói: trong tâm mắt của Tư Mã Thiên đã thừa nhận địa vị của Hạng Vũ như người khai quốc.
Trong Sử ký còn có ‘biểu’ (表). ‘Biểu’ chính là thời gian nào phát sinh sự việc gì. Bởi vì Sử ký là thể ‘kỷ’, ‘truyện’. Cho nên có lúc ghi chép nhân vật, thì thứ tự thời gian khá mơ hồ. Do đó Thái sử công Tư Mã Thiên đặc biệt làm ra loại ‘biểu’ này, thời gian nào phát sinh sự việc gì. Vậy thì trong thời gian Hán – Sở tranh hùng, bao gồm cả Trần Thắng – Ngô Quảng tạo phản, đoạn thời gian này trong Sử ký một ‘biểu’ gọi là ‘Tần Sở chi tế nguyệt biểu’, mỗi tháng giữa Tần và Sở phát sinh sự việc gì.
Vì sao Tư Mã Thiên không gọi là ‘Tần Hán chi tế nguyệt biểu’? Là vì Tư Mã Thiên thừa nhận khi đó có một chính quyền là Sở. Cho nên chúng ta cảm thấy dường như Trần Thắng – Ngô Quảng tạo phản diệt Tần; nhưng trên thực tế, thời gian Trần Thắng – Ngô Quảng tạo phản rất ngắn, không quá nửa năm. Tháng 7 năm 209 TCN (tức năm đầu tiên thời Tần Nhị Thế) Trần Thắng ngô Quảng tạo phản, họ tạo phản đến tháng 11 hoặc tháng 12 thì hoàn toàn bị tiêu diệt.
Cuối cùng, những người diệt Tần còn lại chỉ có Lưu Bang, Hạng Vũ. Họ đều là người nước Sở.
Giáo sư Chương tiếp tục nhận định, sau khi lịch sử Trung Quốc tiến nhập vào thời nhà Hán, mỗi lần vương triều diệt vong hầu như đều là mô thức ‘quyền thần soán vị’ hoặc là một nước diệt một nước khác, tuyệt đối không xuất hiện ‘nông dân tạo phản’.
Người Trung Quốc học lịch sử đều nói là giặc khăn vàng tạo phản tạo thành sự diệt vong của thời Đông Hán. Nhưng trên thực tế, quân khăn vàng tạo phản liền bị dập tắt rất nhanh sau đó. Còn sự diệt vong thật sự của triều Hán là do con trai Tào Tháo là Tào Phi lật đổ triều Hán. Đây là mô thức quyền thần soán vị. Khi ấy Tào Phi là Nguỵ vương, ông ấy đã phế bỏ Hán Hiến Đế.
Nguỵ Tấn – Nam bắc triều
Sau khi Nguỵ vương Tào Phi soán vị Hán Hiến Đế, lịch sử tiến vào thời Tam quốc. Kết thúc thời kỳ Tam quốc, Tư Mã Viêm thuộc gia tộc Tư Mã đoạt lấy ‘chính trị quốc gia’ (quốc chính) nước Nguỵ.
Tư Mã Viêm cũng thuộc về quyền thần. Sau khi đoạt lấy quốc chính nước Nguỵ rồi lập nên nhà Tây Tấn, do đó từ thời Tam quốc đến Tây Tấn cũng là theo mô thức quyền thần soán vị.
Sự diệt vong của nhà Tây Tấn là do ngoại tộc xâm lăng, là mô thức một nước diệt một nước khác. Người Hung Nô khi ấy là Lưu Uyên đã kiến lập nên nhà Hán. Con trai ông ta là Lưu Thông, Lưu Nghệ tấn công đô thành Lạc Dương của Tây Tấn. Lịch sử gọi giai đoạn này là ‘Vĩnh Gia chi loạn’. Sau đó Tây Tấn diệt vong.
Sự diệt vong của Tây Tấn là một nước diệt một nước, chứ không phải là do nông dân tạo phản, cũng không phải là do đấu tranh giai cấp.
Sự diệt vong của Đông Tấn cũng vậy. Khi đó Đông Tấn có một đại tướng quân là Lưu Dụ đã thay thế Đông Tấn. Đây cũng là mô thức quyền thần soán vị.
Đương thời, phương bắc Trung Quốc là ‘ngũ Hồ loạn Hoa’ (五胡亂華). ‘Ngũ Hồ loạn Hoa’ chính là một tộc diệt một tộc khác. Chiến tranh giữa các dân tộc với nhau gồm Hung Nô, Tiên Ti, tộc Yết, tộc Đê, tộc Khương, đánh qua đánh lại giữa các tộc với nhau, bao gồm cả Nhu Nhiên v.v.
Sự thay đổi chính trị quốc gia của 4 nước phương nam là Tống Tề Lương Trần (thuộc thời kỳ Nam Bắc triều) đều thuộc về một loại mô thức quyền thần soán vị. Giống như Tiêu Đạo Thành, Tiêu Diễn, Trần Bá Tiên kiến lập triều đại ở phương nam, sự thay đổi này đều là quyền thần soán vị. Tiếp theo, ở phương bắc là Bắc Chu diệt Bắc Tề (thuộc thời kỳ Nam Bắc triều) cũng thuộc về mô thức quyền thần soán vị.
Tuỳ – Đường, Ngũ đại Thập quốc
Sau đó, Bắc Chu bị nhà Tuỳ thay thế. Người thay thế triều đại Bắc Chu là Tuỳ Văn Đế Dương Kiên, ông là ông ngoại của Hoàng đế Bắc Chu. Ông được phong là Tuỳ vương, sau đó ông phế Tiểu Hoàng đế, tự mình lập nên triều đại nhà Tuỳ. Đây là mô thức quyền thần soán vị điển hình.
Sau đó nhà Đường thay thế nhà Tuỳ cũng tương tự như thế. Hoàng đế khai quốc của triều Đường là Lý Uyên, ông có quan hệ anh em với Tuỳ Dượng Đế, họ có chung ông ngoại là Tây Nguỵ Vệ quốc công Độc Cô Tín. Họ đều là hậu duệ của Độc Cô Tín. Lý Uyên trấn thủ ở Thái Nguyên, sau đó thay thế triều Tuỳ. Đây cũng là mô thức quyền thần soán vị.
Khi chúng ta học lịch sử thường cho rằng Hoàng Sào tạo phản khiến triều Đường diệt vong. Nhưng kỳ thực, khi ấy Hoàng Sào không kiến lập một vương triều thống nhất, ông ta chỉ là chính quyền giặc cỏ, đi đến đâu cướp bóc đến đó, địa phương mà ông chiếm vô cùng nhỏ. Ông chính là một loại giặc cỏ cướp bóc, chỉ lưu lại Trường An 2-3 năm, sau đó đã giết rất nhiều người.
Nhưng khi đó Hoàng đế Chiêu Tông của Đại Đường vẫn còn tại vị. Sự diệt vong thật sự của nhà Đường là bị Chu Ôn tiêu diệt, lịch sử gọi giai đoạn này là ‘Chu Ôn soán Đường’. Chu Ôn là một Tiết độ sứ, do đó đây cũng là mô thức quyền thần soán vị. Tiếp theo đến thời kỳ ‘ngũ đại thập quốc’, trên cơ bản đều là quyền thần soán vị.
Tống Nguyên Minh Thanh
Tiếp sau nữa là triều Tống. Triệu Khuông Dận – người kiến lập nhà Tống, cũng là một quyền thần, ông đã kết thúc chính quyền nhà Hậu Chu. Ông là Điện tiền đô kiểm điểm, tương đương với Thống lĩnh Cấm quân, ông đã thay thế Tiểu Hoàng đế của Hậu Chu, sau đó tự mình làm Hoàng đế, kiến lập nên nhà Bắc Tống.
Bắc Tống bị nước Kim diệt, tương đương với một ngoại tộc xâm chiếm. Còn sự diệt vong của Nam Tống là do người Mông Cổ, khi đó Hốt Tất Liệt của Mông Cổ tiêu diệt Nam Tống. Đây là một nước diệt một nước, chứ không phải là đấu tranh giai cấp.
Tiếp đến nói về sự diệt vong của triều Nguyên. Có người nói rằng, sự diệt vong của triều Nguyên là do nông dân tạo phản. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Giáo sư Chương nhìn nhận, triều Nguyên là chính quyền do người Mông Cổ kiến lập, họ bị Chu Nguyên Chương lật đổ.
Chu Nguyên Chương thật ra không phải là nông dân, ông là một hòa thượng. Sau khi Chu Nguyên Chương thực hiện việc thống nhất phương nam, đến năm 1368 ông tuyên bố đem binh bắc phạt. Cuộc bắc phạt này không phải là đấu tranh giai cấp. Trên thực tế, ông đã phát hịch văn ‘phụng thiên thảo phạt quân Nguyên’. Điều này mang màu sắc của ý thức dân tộc và giải phóng dân tộc.
Khi ấy khẩu hiệu bắc phạt của ông là: “Khu trục Hồ lỗ, khôi phục Trung Hoa, lập cương trần kỷ, cứu tế tư dân” (Tạm dịch: đánh đuổi bọn Hồ, khôi phục Trung Hoa, lập kỷ thay cương, cứu tế dân chúng). Vậy nên ông kêu gọi độc lập dân tộc, chính là không để người Mông Cổ cai trị, ông lấy khẩu ‘đánh đuổi bọn Hồ, khôi phục Trung Hoa’ để kêu gọi. Việc này cũng không thể nói là kết quả của đấu tranh giai cấp.
Tiếp đến là Thanh diệt Minh. Triều Thanh diệt triều Minh đương nhiên là một nước diệt một nước khác. Có người nói: ‘Khi đó chẳng phải Lý Tự Thành tiêu diệt triều Minh, đây chẳng phải nông dân tạo phản sao?’
Nhưng Giáo sư Chương đánh giá, Lý Tự Thành lúc này cũng giống như Hoàng Sào năm xưa, ông ta không chiếm được địa bàn quá lớn. Ông ta chỉ là tấn công Bắc Kinh. Sau đó lập tức phát sinh sự việc Ngô Tam Quế đầu hàng Đa Nhĩ Cổn, rồi người Mãn đã đánh đuổi được Lý Tự Thành. Kỳ thực, khi ấy phía nam Trung Quốc còn có chính quyền Nam Minh (nhà Minh ở phía nam). Vậy nên, không thể nói triều Minh diệt vong là do Lý Tự Thành. Trên thực tế là nhà Minh diệt vong là do nhà Thanh.
Những năm cuối triều Thanh, mọi người thấy rằng cũng không phải là nông dân tạo phản. Cách mạng Tân Hợi khi ấy cũng mang theo màu sắc độc lập dân tộc. Năm đó Tôn Trung Sơn mượn khẩu hiệu của Chu Nguyên Chương, ông nói: “Khu trừ Thát lỗ, khôi phục Trung Hoa” (Tạm dịch: Đánh đuổi lũ Thát (người Mãn), khôi phục Trung Hoa). Cách mạng Tân Hợi cũng mang theo màu sắc ý thức dân tộc.
Giáo sư Chương đã đem sự việc ‘cải triều hoán đại’ trong lịch sử Trung Quốc nói cho mọi người một lượt. Giáo sư Chương nhận định rằng, những ấn tượng có được trong giáo dục lịch sử Trung Quốc như: ‘mâu thuẫn giai cấp gay gắt như thế nào, sau đó nông dân không chịu nổi nên mới phản kháng, từ đó dẫn đến cải triều hoán đại’… Đây đều là những điều sai lầm.
Thời Trung Quốc cổ đại, chênh lệch giàu nghèo không lớn
Giáo sư Chương còn đưa ra thêm một nghiên cứu. Ở Trung Quốc có một học giả là Tần Huy chuyên môn nghiên cứu vấn đề đất đai. Ông là Giáo sư Khoa Lịch sử của Đại học Thanh Hoa. Ông từng tính toán mức độ bình quân trong phân phối đất đai thời Trung Quốc cổ đại bằng cách dùng khái niệm hệ số Gini. Ông đã tiến hành thống kê thông qua số liệu nguyên thủy nhất (mà có thể tìm thấy được).
Ông phát hiện rằng, ở xã hội Hoàng triều truyền thống của Trung Quốc cổ đại có phân phối đất đai khá bình quân.
Theo cách tính của ông, hệ số Gini về phân phối đất đai của Trung Quốc thời đó, đại khái dưới 0,4. Hệ số Gini dưới 0,4 là tương đối bình quân.
Để cho chúng ta dễ hình dung, ví như bạn có một vùng đất rất lớn, nhưng một mình cá nhân bạn không thể kham nổi việc trồng trọt trên mảnh đất đó. Cho nên nếu bạn có đất đai rất rộng, bạn khẳng định muốn thuê người trồng trọt. Nói cách khác, tuy bạn nắm giữ rất nhiều đất đai, nhưng thu nhập của bạn không phải là thu nhập của toàn bộ vùng đất ấy. Điều này có nghĩa là: hệ số Gini phân phối thu nhập của người ấy so với hệ số Gini phân phối đất đai mà họ nắm giữ thì nhỏ hơn một chút.
Do đó ở Trung Quốc khi ấy chênh lệch giàu nghèo không lớn. Vì chênh lệch giàu nghèo không lớn, nên đương nhiên mâu thuẫn giai cấp không gay gắt đến mức giống như ĐCSTQ thổi phồng.
Trong tập 1, Giáo sư Chương đã nói một chút về 4 vấn đề của giáo dục lịch sử Trung Quốc, sau đó thuận tiện làm sáng tỏ lời nói dối lớn nhất trong giáo dục lịch sử của ĐCSTQ, chính là: đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của lịch sử, là nguyên nhân của ‘cải triều hoán đại’.
Trong tập sau, Giáo sư Chương sẽ đưa ra 4 mục đích nghiên cứu lịch sử, từ đó thể hiện ‘lịch sử quan’ (góc nhìn lịch sử) của cá nhân mình, đồng thời cũng lần giở những ẩn đố trong lịch sử như: kim tự tháp, Stonehenge, Mặt Trăng v.v. kính mời quý độc giả đón xem những phần tiếp theo.
Mạn Vũ
(Dựa trên bài giảng Trung Hoa văn minh sử tập 1 của Giáo sư Chương Thiên Lượng đăng trên Thành trì hy vọng)