Vi Cố cung kính nhờ cụ già cho biết mối duyên tiền định của mình. Ông lão mỉm cười, nói: ‘Phu nhân tương lai của cậu hiện là một bé gái 3 tuổi, con của mụ ăn mày, thường lui tới xin ăn ở ngay trong chợ Đông Đô này…
Tích cũ kể rằng: Ở dải đất Trung Nguyên, vào triều nhà Đường (618-907) có chàng nho sỹ tên Vi Cố hào hoa phong nhã, học giỏi tài danh.
Vi Cố du học đến Đông Đô. Vào một đêm trời quang mây tạnh, trăng sao vằng vặc, gió thổi hiu hiu, chàng nho sinh thơ thẩn dạo chơi thì bỗng nhiên gặp một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi dưới ánh trăng. Mắt ông lão đang chăm chú nhìn vào mộ quyển sổ to, trong khi đôi tay khô héo già nua thì thoăn thoắt se những sợi tơ đỏ thắm. Nhác trông rõ là bậc lão niên tiên phong đạo cốt. Vi Cố lấy làm lạ bèn tiến đến gần, hỏi:
– Chẳng hay lão trượng ở đâu đến đây mà ngồi một mình giữa đêm khuya canh vắng? Còn sách này là sách chi và tơ đỏ này, cụ se làm gì?
Cụ già đáp:
– Ta là Nguyệt lão, còn có tên gọi là Nguyệt hạ Lão nhân (ông già dưới trăng), chuyên quản công việc xem sổ định hôn của dương gian. Còn chỉ ta đương se đây gọi là ‘xích thằng’ (tơ hồng). Duyên nợ vợ chồng nơi nhân thế đều là do tơ hồng này của ta buộc lại.
Vi Cố nghe vậy cả mừng, chàng cung kính nhờ cụ già cho biết mối duyên tiền định của mình.
Ông lão mỉm cười, vuốt chòm râu trắng muốt, nói:
– Phu nhân tương lai của công tử hiện là một bé gái 3 tuổi, con của mụ ăn mày, thường lui tới xin ăn ở ngay trong chợ Đông Đô này.
Vi Cố vừa nghe xong thì vô cùng buồn tủi, cổ họng nghẹn đắng, nói không lên lời.
Cụ già xem chừng biết ý, bảo:
– Đó là duyên trời định. Già này không thay đổi được. Mà công tử đây muốn tránh cũng chẳng xong.
Vi Cố miễn cưỡng chắp tay bái biệt Nguyệt hạ Lão nhân rồi lủi thủi đi về.
Suốt đêm hôm đó chàng nho sinh không sao chợp mắt được. Sáng hôm sau, để xác thực lại sự tình, Vi Cố lặng lẽ rảo quanh chợ Đông Đô thì quả thực trông thấy một mụ ăn mày áo quần dơ dáy, mặt mũi nhọ nhem, tay dắt theo một đứa bé gái chừng 3 tuổi đang thơ thẩn xin ăn ở góc chợ.
Vi Cố trở về, trong lòng bực tức, cảm thấy bất an khi nghĩ về duyên phận và tiền đồ của mình.
Suy đi tính lại, ngay ngày hôm sau chàng bèn tìm một gã sát thủ thuê hại chết cho kỳ được đứa bé gái kia, và hứa sẽ thưởng cho y thật nhiều tiền nếu ra tay nhanh gọn.
Sát thủ nhận lời. Lựa lúc hai mẹ con người đàn bà khốn khổ kia đang thất thểu xin ăn bên lề đường, hắn cầm dao xông đến, chém một nhát thẳng tay vào đầu đứa bé rồi ù té phi ngay vào ngõ hẻm.
Mụ ăn mày hét lên, hốt hoảng, ôm con chạy.
Nhìn thấy máu tuôn xối xả, tên lưu manh tưởng đứa bé đã chết, y hối hả đi tìm Vi Cố đòi nốt số tiền bất chính, rồi mau chóng cao chạy xa bay.
Mười lăm năm sau, Vi Cố đi thi và đỗ Thám Hoa. Sau khi vào triều bái yết Hoàng Thượng xong, chàng ra thi lễ trước quan Tể Tướng họ Chu, vốn làm chủ khảo khoa thi ấy. Thấy quan tân khoa khôi ngô tuấn tú lại chưa thành gia thất, quan Tể Tướng liền ngỏ ý gả con gái cho. Vi Cố mừng rỡ, bái tạ.
Đến khi nhập phòng hoa chúc, Vi Cố thấy vợ mỹ miều, đẹp đẽ. Chàng lấy làm hớn hở, vừa ý lắm. Chợt nhìn ở sau ót nàng có một vết sẹo lớn, Vi Cố lấy làm lạ hỏi. Nàng thành thật kể rõ thân thế rằng mình vốn là con của mụ ăn mày, 15 năm về trước bị tên sát nhân ác độc, không biết có thâm thù gì lại chém một nhát vào sau đầu nàng. Mẹ nàng nhanh chân chạy khỏi, nàng chỉ bị thương sau ót. Sau này mẹ chết, nàng chịu cảnh bơ vơ, may gặp được quan Tể Tướng giữa đường, ngài rủ lòng thương nên đem về nuôi, xem nàng như con cái trong phủ.
Nghe vợ thuật, Vi Cố thảng thốt thở dài, trong lòng vô cùng hổ thẹn và ân hận. Quan tân khoa thầm nhủ:
– Thật là duyên trời định, tránh đâu cũng không khỏi. Chi bằng hết lòng trân trọng mối duyên này, âu cũng là bù đắp nỗi thống khổ mà ta đã gây ra cho mẹ con nàng 15 năm về trước.
***
Trong vở kịch thần thoại “Lên cung trăng” của Ngô Tổ Quang lại có tích truyện chép rằng:
Cung thủ Hậu Nghệ, người nước Hữu Cùng, có tài bắn rụng 9 mặt trời, sau này được tôn làm hoàng đế. Một đêm nọ, Hậu Nghệ cùng hai người đồ đệ của mình là Ngô Cương và Phùng Mông đang trên đường xuống núi thì gặp một ông lão đang ngồi dưới ánh trăng, tay cắp một quyển sổ to. Trên sổ buộc tơ đỏ chằng chịt. Hậu Nghệ lấy làm lạ, hỏi:
– Thưa cụ! Cuốn sách sao lại có buộc nhiều dây tơ hồng thế kia?
Cụ già nói:
– Quý nhân đã hỏi, già này phải nói thực: già chính là Nguyệt lão chuyên quản việc hôn nhân trong thiên hạ. Đây là quyển sổ nhân duyên của người thế gian.
Nghệ nói:
– Thế thì may quá. Ba thầy trò chúng tôi đều độc thân, nhờ cụ xét coi việc hôn nhân của chúng tôi trong tương lai sẽ như thế nào?
Ngô Cương đến trước nghiêng mình xưng tên họ và nhờ cụ già xem. Cụ già giở sổ xem một lúc nhưng lặng im không nói.
Hậu Nghệ hỏi:
– Thưa cụ, nhân duyên của đồ đệ tôi thế nào?
Ngô Cương cũng nóng nảy, giục:
– Có không cụ?
Cụ già đáp:
– Số tráng sĩ trọn đời không vợ.
Ngô Cương mỉm cười, nói:
– Không vợ cũng được.
Đến phiên Phùng Mông. Cụ già bảo:
– Vì tráng sĩ chưa quyết, còn tiến thoái lưỡng nan nên việc hôn nhân vì thế mà chưa định được.
Hậu Nghệ cất tiếng cười ha hả:
– Té ra hai đứa học trò đều không vợ cả, dám phiền cụ xét coi số phận của Nghệ này ra sao?
Cụ già cúi đầu giở sổ, một lúc kêu lên:
– Đây rồi! Cách đây rất xa, ở trong một cái hang hiu quạnh tại phương Bắc. Có cô con gái nhà nghèo, mình không manh áo che thân, cơm không đủ ngày hai bữa…
Hậu Nghệ tỏ vẻ thất vọng bất bình, nói:
– Nghệ tôi có một người vợ như thế sao?
Cụ già cười bảo:
– Nàng là chim phượng hoàng, là đóa hoa khôi, kiếp trước đã định rồi, đời này sẽ tác hợp. Có điều hiện giờ cô bé còn nhỏ quá.
Nghệ nóng nảy hỏi:
– Thì mấy tuổi.
Cụ già đáp:
– Mới có 6 tuổi thôi.
Phùng Mông và Ngô Cương nín không nổi, liền cười phá lên! Nhưng thấy sư phụ có vẻ không vui bèn bịt miệng lại, không dám cười nữa.
Hậu Nghệ nói với cụ già:
– Tôi không tin.
Nguyệt lão mỉm cười, vuốt râu bảo:
– Già đã nói là không bao giờ sai. Sổ nhân duyên đã chép, đâu có phải chuyện đùa cho được!
Hậu Nghệ lẩm bẩm:
– Nhưng mới có 6 tuổi.
Cụ già điềm nhiên nói:
– Sau 10 năm nữa há chẳng 16 tuổi ư? Sau 20 năm nữa há chẳng phải 26 tuổi ư? Lại 60 năm nữa há chẳng phải 66 tuổi ư? Quý nhân chẳng biết con gái lớn lên, thay đổi đến mười tám lần đó ư?
Hậu Nghệ bực tức, lớn tiếng:
– Rõ ràng là cụ muốn trêu tôi!
Cụ già vẫn mỉm cười, đĩnh đạc bảo:
– Ngàn dặm nhân duyên một sợi tơ, trêu đùa sao được.
Hậu Nghệ giận dữ, quát:
– Đồ quỷ.
Nguyệt lão bật cười ha hả rồi thốt nhiên biến mất.
Mười năm sau, Hậu Nghệ sai Ngô Cương đến phương Bắc, tìm được Hằng Nga, đón về và phong làm hoàng hậu. Sự tình diễn ra đúng như lời cụ già dưới trăng đã nói thuở trước.
Kể từ dạo đó, những từ như: “Tơ hồng”; “Chỉ hồng” thường được dùng để chỉ việc nhân duyên vợ chồng. Hình ảnh “Ông tơ”, “Nguyệt lão”, “Trăng già”… cũng do điển tích này mà ra.
Trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi được Kim Trọng ướm hỏi chuyện trăm năm:
“Tiện đây xin một hai điều,
Ðài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”…
Thúy Kiều đã thẹn thùng mà thưa rằng:
“Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”…
Trong dân gian, lễ cưới còn được gọi là lễ tơ hồng là vậy.
Đường Trung Nguyên
(Tài liệu tham khảo: Điển hay tích lạ).