Mục lục bài viết
Triệu Đan đóng vai chính trong hơn 30 bộ phim điện ảnh kinh điển, khẳng định vị thế của ông trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, ông không thoát khỏi sự tàn phá của cơn bão Cách mạng Văn hóa. Giang Thanh vì để phong sát quá khứ phong lưu, đã dùng “thủ đoạn đặc biệt” bịt miệng những người bạn cũ, rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?
“Anh ấy sinh ra để là một diễn viên. Anh ấy dễ thương nhất khi bước vào lĩnh vực này. Anh ấy cống hiến cả tinh thần và thể xác, quên cả bản thân mình. Không quan tâm bất cứ điều gì khác. Từ phương diện lớn đến tiểu tiết, anh ấy đều suy nghĩ từng ly từng tí.” Vợ của Triệu Đan, bà Hoàng Tông Anh cho biết, một người bạn tốt lâu năm, nhà văn Lý Huy đã ca ngợi Triệu Đan như vậy.
Lý Huy cũng từng viết một bài báo, nói rằng vào thập niên 80, “Lần đầu tiên tôi xem phim ‘Vũ Huấn truyền’ do Triệu Đan đóng vai chính, mới biết thế nào gọi là diễn xuất xuất thần nhập hóa.”
Triệu Đan đã đóng vai chính trong hơn 30 bộ phim điện ảnh kinh điển, chẳng hạn như “Góc phố chữ Thập”, “Trung Hoa nhi nữ”, “Quạ đen và chim sẻ”, “Thiên sứ mã lộ”, “Lệ nhân hành” v.v, trong đó hai phim “Thiên sứ mã lộ” và “Góc phố chữ Thập” đã khẳng định địa vị của ông trong nền điện ảnh Trung Quốc.
Có người hỏi Hoàng Tông Anh: Triệu Đan đóng bộ phim nào hay nhất? Bà luôn trả lời: cái chết của anh ấy.
Tại sao lại nói như vậy?
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“. Hôm nay, chúng ta hãy nói về câu chuyện của diễn viên điện ảnh Trung Quốc Triệu Đan.
Cái chết của chính đạo diễn
“Tuần san Tin tức Trung Quốc” đã xuất bản một báo cáo có tiêu đề “Di ngôn của Triệu Đan” vào tháng 9 năm 2008. Bài báo cho biết, vào đầu tháng 10 năm 1980, Triệu Đan hấp hối tại Khu 412 của Bệnh viện Bắc Kinh. Vào ngày 5 tháng 10, ông đột nhiên hồi quang phản chiếu, nói với người vợ Hoàng Tông Anh về việc hậu sự của mình. Ông nói, có những điều quan trọng cần nói với tổ chức. Hoàng Tông Anh chỉnh lý ý kiến của Triệu Đan thành văn tự, liên lạc với Hồ Kiều Mộc, khi đó là Bí thư Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ.

Ngay sau đó, Hồ Kiều Mộc, người chủ quản việc tuyên truyền và những người khác đã đến bệnh viện.
Hoàng Tông Anh đã thay Triệu Đan nói lên ba vấn đề: 1. Đừng quản tới mức quá cụ thể 2. Cho phép các nhà lãnh đạo tự do thưởng thức nghệ thuật 3. Hỗ trợ thành lập các tập thể sáng tác với phong cách cá nhân.
Hồ Kiều Mộc liên tục gật đầu và nói: “Rất đúng, rất quan trọng, rất có ý nghĩa.” Trước khi rời đi, ông đã nhờ Hoàng Tông Anh chỉnh lý các ý kiến của Triệu Đan thành phát biểu.
Triệu Đan để lại những lời gì? Ông nói:
“Đại hội đảng không cần lãnh đạo loại ruộng gì, ván ghế thế nào, cắt quần thế nào, nấu rau ra sao, đại hội không cần lãnh đạo các tác giả viết văn chương thế nào, diễn viên diễn thế nào.
“Văn học nghệ thuật là việc của bản thân nghệ thuật gia, nếu quản lý văn nghệ tới mức quá cụ thể, thì văn nghệ sẽ không còn hy vọng rồi, đổ nát rồi. ‘Tứ nhân bang’ quản văn nghệ quá cụ thể, ngay cả đến một chiếc thắt lưng hay một miếng vá trên người diễn viên nó cũng quản lý, quản tới mức hàng trăm triệu dân chỉ còn tám vở kịch, lẽ nào không thể từ sự phản diện này khơi dậy sự cảnh giác của chúng ta sao?
“Liệu có nên quy định cứng nhắc rằng tư tưởng phải là phương châm chỉ đạo duy nhất không? Liệu có nên lấy một văn chương nào đó làm tôn chỉ không? Tôi nghĩ chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về nó, nghị luận về nó. Tôi không nghĩ điều đó tốt hơn. Lịch sử văn nghệ từ cổ chí kim, khi duy tôn một nhà bãi truất trăm họ, tất không thể có nền văn nghệ phồn vinh.”
Triệu Đan cũng nói về vấn đề “người ngoài nghề lãnh đạo người trong nghề”, rằng: “Tại sao lại có quá nhiều cán bộ phi nghệ thuật quản đến bức tử các nghệ thuật gia? Một số cán bộ phi nghệ thuật có thể hữu ích trong các công việc khác. Nhưng, như nay rất nhiều ‘kiện tướng cừ khôi’ chen chúc trong một ‘bể bơi’, thì chỉ có thể thành ‘bể rau’ mà thôi.”
Ngày 8 tháng 10 năm 1980, tờ “Nhân dân nhật báo” đăng những lời này trên tiêu đề trang thứ năm, có tiêu đề “Quản lý quá cụ thể, văn nghệ không có hy vọng”.
Sau khi bài báo đăng, giới văn học nghệ thuật hoan nghênh, nhưng lại gây phiền não cho giới lãnh đạo cao tầng. Hồ Tích Vĩ, lúc đó là tổng biên tập của “Nhân dân nhật báo”, và Tần Xuyên, phó tổng biên tập, đã loan tin rằng phía trên có lời, một lãnh đạo nói rằng, “Triệu Đan đánh rắm trước khi chết”. Một phiên bản khác nói là Triệu Đan “đánh rắm phản đảng”.
Ngày 10 tháng 10, Triệu Đan qua đời. Bài báo này được xuất bản bởi “Nhân dân nhật báo” được gọi là “Những lời cuối cùng của Triệu Đan”.
Sự việc trong quá khứ đã được Hoàng Hồng Anh, khi đã 84 tuổi, hồi ức trong tờ “Trung Quốc Tân Văn Tuần San” vào ngày 12 tháng 9 năm 2008 khi bà bị ốm. Khi đó, bà đã nói từng chữ từng câu, rằng “Tôi nghĩ, Triệu Đan đang đạo diễn cái chết của chính mình.” Và bà cảm thấy, Triệu Đan trong đời, tấn kịch này là diễn tốt nhất.
Vì chụp ảnh chung mà chuốc họa? Bị cuốn vào một cuộc đấu tranh quyền lực?
Hiện tại, mọi người có thể không quen thuộc với Triệu Đan. Nguyên danh của ông là Triệu Phụng Ngạo, quê tổ ở Phỉ Thành, Sơn Đông, sinh ra ở Dương Châu vào ngày 27 tháng 6 năm 1915. Cha ông là Triệu Tử Siêu lúc bấy giờ là quản trưởng của quân phiệt Bắc Dương, mẹ là Hoàng Tú Chi, một mỹ nữ nổi tiếng ở Dương Châu thời bấy giờ. Khi Triệu Đan được hai tuổi, ông chuyển đến Nam Thông, Giang Tô cùng cha mẹ, nơi cha ông mở một rạp chiếu phim.

Năm 1931, ở tuổi 16, Triệu Đan được nhận vào Học viện Mỹ thuật Thượng Hải để học hội họa Trung Quốc. Năm 1932, ông bắt đầu tham gia đóng phim truyền hình và điện ảnh, gia nhập công ty điện ảnh Minh Tinh và nhanh chóng trở thành một minh tinh.
Vào mùa xuân năm 1936, ba cặp đôi Triệu Đan và Diệp Lộ Thiến, Cố Nhi Dĩ và Đỗ Minh Khiết, Đường Nạp và Lam Tần đã cử hành một đám cưới tập thể, chụp một bức ảnh nổi tiếng thế giới dưới tháp Lục Hòa ở Hàng Châu. Đạo diễn lớn Trịnh Quân Lý đảm nhiệm người dẫn chương trình kiêm nhiếp ảnh gia, còn luật sư lớn Thẩm Quân Nho là người chủ hôn. Lan Tần sau này chính là người vợ thứ tư của Mao Trạch Đông, Giang Thanh.
Khi cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ vào năm 1937, Triệu Đan gia nhập đội kịch cứu quốc cánh tả, năm 1939, ông đến Tân Cương, nhưng bị trưởng quan hành chính đương thời Thịnh Thế Tài bắt giữ, mãi đến tháng 9 năm 1944, khi Quốc dân đảng kiểm soát Tân Cương, ông mới được thả. Nhưng người vợ Diệp Lộ Thiến đã tái hôn. Năm 1947, Triệu Đan kết hôn với Hoàng Tông Anh.
Sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền vào năm 1949, minh tinh điện ảnh nổi tiếng này bắt đầu sống dưới âm ảnh của phê đấu và cải tạo.
Hoàng Tông Anh cho biết, “Anh Đan đã phải chịu đựng sự hủy hoại vô nhân đạo suốt đời” và “cuộc hôn nhân của chúng tôi chủ yếu là chống đỡ những khổ nạn vô biên.”
Năm 1951, bộ phim “Vũ Huấn truyền” do Triệu Đan thủ vai chính đã gây chấn động cả nước. Nhưng không mất nhiều thời gian để “Vũ Huấn truyền” bị chỉ trích. Triệu Đan từng nhớ lại: “Tôi chưa bao giờ phải chịu chỉ trích như thế này trong đời, lập tức choáng váng, tư tưởng vô cùng hỗn loạn, trở nên cả ngày bàng hoàng, thường xuyên ăn ngủ không yên, cả đêm khó ngủ…”

Những gì đã xảy ra ở đây? Theo bài báo năm 2014 “Đằng sau sự chỉ trích về ‘Vũ Huấn truyền’: Khúc mắc giữa Giang Thanh và Triệu Đan” trên tờ “Cuối tuần” của Tập đoàn báo Nam Kinh, Giang Thanh lúc đó là ủy viên Ban chỉ đạo công nghiệp điện ảnh toàn quốc, sở trưởng Sở Điện Ảnh Bộ Tuyên Truyền Trung ương từ năm 1951 và các chức vụ khác.
Giang Thanh đích thân chủ trì phê bình “Vũ Huấn truyền”. Tuy nhiên, do sự xuất diện của Chu Ân Lai, Triệu Đan đã được bảo vệ.
Từ năm 1954 đến năm 1964, Triệu Đan trở lại màn ảnh, đóng vai chính “Lý Thời Trân”, “Lâm Tắc Từ”, “Nhiếp Nhĩ”, v.v., gia nhập ĐCSTQ năm 1957.
Nhưng Giang Thanh vẫn không quên Triệu Đan. Trong một bài báo hồi tưởng, Hoàng Tông Anh đã đề cập đến cuộc gặp giữa Giang Thanh và Triệu Đan vào năm 1959. Hoàng Tông Anh kể:
“Một hôm, Giang Thanh cho xe đưa Trịnh Quân Lý cùng vợ Hoàng Thần, Triệu Đan và tôi đến một khu nhà sâu trên đường Vĩnh Phúc (Thượng Hải). Giang Thanh chỉ vào Triệu Đan và Trịnh Quân Lý, nói với một vị lãnh đạo thành phố: ‘Tôi chỉ có hai người bạn thân nhất ở Thượng Hải. Hôm nay tôi phó thác hai người này cho ông.’ Sau đó, Giang Thanh quay ra hai người Triệu, Trịnh, nói: ‘Tôi hy vọng các bạn sau này nhất định cần lắng nghe chúng tôi nhiều hơn, đừng đi nghe bọn họ.’”
Chữ “chúng tôi” và “bọn họ” thốt ra từ miệng Giang Thanh khiến Hoàng Tông Anh và những người khác mơ hồ, họ thực sự có chút bối rối. Hoàng Tông Anh và những người khác không nhận ra, rằng ý của Giang Thanh là không nghe lời Chu Ân Lai, mà nên báo cáo công tác nhiều hơn cho Kha Khánh Thi và Trương Xuân Kiều của Thành ủy Thượng Hải.
Sau chuyện này, Triệu Đan vẫn làm theo ý mình. Kết quả là, những bộ phim ông đóng vai chính như “Nhiếp Nhĩ” và “Sống mãi trong ngọn lửa” lại bị Giang Thanh “đại chỉ trích”.
Cơn bão Cách mạng Văn hóa, “tù hiệu 139″ thoát chết trong gang tấc
Không lâu sau, “Cách mạng Văn hóa” nổ ra. Trong số các đạo diễn nổi tiếng nhất trong giới văn học và nghệ thuật của Thượng Hải, Trịnh Quân Lý là người chịu trách nhiệm chính, và trong số các diễn viên, Triệu Đan là người chịu trách nhiệm chính. Kể từ đó, Triệu Đan, người vừa bước sang tuổi 50, không có thêm tác phẩm điện ảnh nào.

Sáng sớm ngày 9 tháng 10 năm 1966, tại Thượng Hải đã xảy ra một số vụ đột kích nhà bí ẩn, nhà của năm người gồm Triệu Đan, Trịnh Quân Lý, Cố Nhi Dĩ, Trần Lý Đình và Đồng Chỉ Linh bị đột kích, nhưng chỉ có nhật ký, thư từ, bản thảo, album ảnh và phim âm bản, cũng như áp phích phim từ những năm 1930 bị sao chụp, còn bị uy hiếp không được nói ra, nếu không sẽ mất đầu.
Vào tháng 11 năm 1967, 18 người từng làm việc với Giang Thanh ở Thượng Hải, bao gồm Trịnh Quân Lý, Triệu Đan và Cố Nhi Dĩ, đều bị cách ly thẩm tra.
Trong số những người chụp ảnh với Giang Thanh trong bức ảnh gây chấn động ở Thượng Hải, Trịnh Quân Lý bị bức hại đến chết năm 1969, Cổ Nhi Dĩ tự sát năm 1970, Đường Nạp đã rời khỏi đất nước, Triệu Đan mặc dù vẫn sống sót, nhưng cũng đã trải qua một phen thập tử nhất sinh.
Triệu Đan bị tống vào ngục không có tên, chỉ có mật danh “tù hiệu 139”. Ông bị tra tấn cả về tinh thần lẫn thể xác, trong suốt mấy năm bị giam giữ, những gì ông buộc phải làm hàng ngày là liên tục thanh minh về quá khứ, tự kiểm điểm và châm biếm bản thân.
Lý Huy đã viết trong bài báo “Đọc lời khai của Triệu Đan trong Cách mạng Văn hóa” rằng: “Đọc lời khai của Triệu Đan là một điều đau đớn. Điều đặc biệt điều khiến người ta không thể chịu đựng được là ông thậm chí đã phải dùng ngôn ngữ độc ác nhất để tự nguyền rủa mình.”
Hoàng Tông Anh cũng đề cập với Lý Huy rằng Triệu Đan đã bị đánh đập và tra tấn tinh thần trong tù. Bà nói rằng Triệu Đan sau đó đã kể với vợ. Bà thuật lại:
“Trong khi thẩm vấn, những tên côn đồ từ bên ngoài đến đánh anh ấy từ bốn góc, đánh tới đánh lui; trong phòng giam, côn đồ cũng từ ngoài đến, đứng hai góc đánh, để anh ấy nằm trên giường đánh; đầu tiên là sau mỗi lần đánh, mỗi ngày hoặc cách ngày lại lập hội phê đấu. Có lần đánh khiến mặt mũi anh bầm tím, không thể ra ngoài phê đấu, nên từ đó không đánh vào mặt nữa.”
“Sau khi Triệu Đan qua đời, làm giải phẫu tử thi có sự tham gia của Tống Mộ Lâm (một bác sĩ, bạn của tôi). Một ngày ông ấy nói với tôi: ‘Trên thân Triệu Đan, không có chỗ nào không bị thương, kể cả hai tai, thảm quá.”
Tại sao Giang Thanh truy cùng diệt tận tất cả những người bạn cũ của mình? Có phải là để bịt miệng của họ?
Theo “Nhật báo Thẩm Dương” vào tháng 2 năm 2008, “Quá khứ của Giang Thanh: Nữ tinh tai tiếng của Thượng Hải”, Giang Thanh đầu tiên sống với thiếu gia Du Khải Uy, sau đó đến Thượng Hải kết hôn với Đường Nạp trong làng điện ảnh, chưa đầy một tháng đã phát sinh hôn biến, Đường Nạp nhiều lần tự sát, mưa gió náo loạn toàn thành, sau đó Giang Thanh lại vì vai diễn mà bí mật sống chung với đạo diễn Chương Dân, rồi vì không thể ở lại Thượng Hải nữa mới đến Diên An.

Nhiều thập kỷ sau, trong Cách mạng Văn hóa, tất cả những người bạn có liên quan đến Lam Tần (là Giang Thanh khi đó) đều gặp tai họa, ngay cả nữ bộc Tần Quế Trân, người giúp bà ta làm việc trong một thời gian dài cũng không được tha, trừ Chương Dân vô sự.
Mao Trạch Đông qua đời vào tháng 9 năm 1976, và Giang Thanh bị bắt vào tháng 10.
Cuối năm 1977, Triệu Đan được bình phản. Do bị giam giữ trong thời gian dài, ông từng gặp chướng ngại ngôn ngữ sau khi ra tù. Sau Cách mạng Văn hóa, Triệu Đan lại được mời đóng vai Chu Ân Lai. Nhưng khi bộ phim chính thức khởi quay, lại không cho ông diễn, nguyên nhân được cho là mối quan hệ của Triệu Đan với Giang Thanh vào những năm 1930.
Ngày 10 tháng 10 năm 1980, Triệu Đan qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 65.
Triệu Đan trong những năm đầu đời đã bị đảng ngầm của ĐCSTQ mê hoặc, cả đời theo ĐCSTQ, tham gia nhiều bộ phim điện ảnh ca ngợi ĐCSTQ, nhưng cũng không thoát nạn ngục tù, bị tàn phá dưới bóng ma của Giang Thanh, sự nghiệp chết yểu. Sự hoang đường của hệ thống ĐCSTQ và bản chất coi mạng người như cỏ của nó có thể được nhìn thấy từ kinh nghiệm của Triệu Đan.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch